Mega Story

Cha đẻ ngành xiếc và những "viên gạch" đầu tiên

03/12/2022 11:14

Trong khi các nhóm xiếc này đều có những cái tên mang tính cá nhân như gánh xiếc André Thận ở Sa Đéc (1917), gánh xiếc Năm Tú ở Mỹ Tho (1918), Sáu Súng ở Nam bộ (1919)…, thì riêng ông Tạ Duy Hiển đặt cho “đứa con tinh thần” của mình một cái tên chất chứa niềm tự hào dân tộc là Đoàn Xiếc Việt Nam.

bia-xiec-b1.png

Lật giở những tấm ảnh cũ của gia đình, nghệ sỹ nhân dân Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam không giấu được sự xúc động và tự hào. Ông là cháu nội của nghệ sỹ nhân dân Tạ Duy Hiển (1889-1967), người có công tạo dựng ngành xiếc Việt Nam cách đây tròn 100 năm.

Nghệ sỹ nhân dân Tạ Duy Hiển đã góp nhặt những “viên gạch” đầu tiên để đặt nền móng xây dựng gánh xiếc đầu tiên của người Việt, đào tạo ra những diễn viên “rường cột,” để rồi “tòa lâu đài” xiếc Việt Nam ngày nay nguy nga, sừng sững không chỉ trên mảnh đất hình chữ S mà còn vang danh đến nhiều quốc gia trên thế giới.

“CHIẾN ĐẤU ANH HÙNG
THÌ DIỄN XIẾC CŨNG PHẢI HAY”

Đầu thế kỷ XX, nhiều đoàn xiếc danh tiếng thế giới đã tới Việt Nam như nhóm tạp kỹ Trung Quốc (1912), gánh xiếc Nhật Bản (1913), Đoàn xiếc Bostock của Anh (1914), Đoàn xiếc Amstrong của Anh (1922), Đoàn xiếc Rodeo của Mexico (1927), Đoàn Carnavale de Manila của Philippines (1929)… Họ đã thu hút đông đảo công chúng nhờ những trò xiếc mới lạ, hấp dẫn và mạo hiểm.

Trước sự kiện đó, các diễn viên xiếc trong nước đã tập hợp nhau lại, manh nha lập ra các gánh xiếc ở khắp mọi miền. Trong khi các nhóm xiếc này đều có những cái tên mang tính cá nhân như gánh xiếc André Thận ở Sa Đéc (1917), gánh xiếc Năm Tú ở Mỹ Tho (1918), Sáu Súng ở Nam bộ (1919)…, thì riêng ông Tạ Duy Hiển đặt cho “đứa con tinh thần” của mình một cái tên chất chứa niềm tự hào dân tộc là Đoàn Xiếc Việt Nam.

bia-xiec-b1-1-.png

Trong cuốn “Lịch sử Xiếc Việt Nam,” tác giả Mai Quân viết: “Sau một thời gian luyện tập khá dài ở vùng Đội Cấn-Ngọc Hà, gánh xiếc Việt Nam của ông Tạ Duy Hiển đã chính thức công diễn tại phố Hàng Da, Hà Nội vào đêm mồng 5/12/1922. Đêm đó, ngoài những tiết mục trò người, khán giả Hà Nội được chứng kiến khá nhiều trò xiếc thú bao gồm các loại như trâu, bò, ngựa, gấu, báo, chó…”

Sau Cách mạng tháng Tám, ông Tạ Duy Hiển quy tụ các nhóm xiếc khác của miền Bắc, thành lập Đoàn Xiếc Thống Nhất do ông làm trưởng đoàn. Năm 1959, Đoàn Xiếc Thống Nhất trở thành Đoàn Xiếc Nhân dân Trung ương và kể từ năm 1978, được gọi là Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Nghệ sỹ ưu tú Trịnh Mạnh Hùng, giảng viên Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, đến với nghề xiếc cũng nhờ lòng ái mộ với nghệ sỹ nhân dân Tạ Duy Hiển.

Trò chuyện với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus bên ngoài phòng tập, nghệ sỹ ưu tú Trịnh Mạnh Hùng nhớ lại: “Lúc đó, tiếng tăm đoàn xiếc của ông Tạ Duy Hiển rất lớn. Công chúng hâm mộ các diễn viên xiếc không khác gì giới trẻ sau này yêu quý các thần tượng điện ảnh. Chúng tôi nhìn họ với ánh mắt ngưỡng vọng và từ đó nung nấu ước mơ trở thành diễn viên xiếc.”

Năm 1962, đoàn xiếc của ông Tạ Duy Hiển đến Nam Định tuyển sinh. Cậu bé Trịnh Mạnh Hùng ngay lập tức đăng ký dự tuyển và được lựa chọn.

“Từ đó, tôi được trực tiếp theo học thầy Tạ Duy Hiển hay thầy Lê Trung, Lê Thiên Dũng… đều là những diễn viên xiếc kỳ cựu. Giai đoạn chiến tranh, phải đi sơ tán, chúng tôi vẫn không ngừng tập luyện. Máy bay địch đến thì chui xuống hầm, thấy yên ắng thì lại lên tập tiếp,” nghệ sỹ Trịnh Mạnh Hùng chia sẻ.

anh1bai1-2-.png

Suốt nhiều năm học tập, biểu diễn và giảng dạy, ông có vô số kỷ niệm buồn vui, có những lúc thăng hoa dưới ánh đèn sân khấu, cũng có những giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đổ xuống trên sân tập. Nhìn lại sự nghiệp của mình, ông nhớ nhất là lần biểu diễn cho Bác Hồ xem trước khi lưu diễn các nước Đông Âu tháng 9/1967.

“Bác chăm chú xem, nhiệt tình vỗ tay tán thưởng và còn góp ý về tiết mục cũng như kỹ thuật biểu diễn. Tôi nhớ như in Bác dặn: ‘Các cháu đi biểu diễn ở các nước cho tốt, Việt Nam chiến đấu anh hùng thì xiếc Việt Nam cũng phải diễn cho hay, thể hiện được tinh thần đó. Các cháu lưu diễn cũng là để cho thế giới biết rằng tuy Việt Nam còn chiến tranh nhưng vẫn duy trì được các hoạt động văn hóa’,” ông Trịnh Mạnh Hùng kể.

VIẾT TIẾP TRANG SỬ XIẾC VIỆT

Kể từ chương đầu của ngành xiếc, nhiều con cháu của nghệ sỹ nhân dân Tạ Duy Hiển đã viết tiếp trang sử vẻ vang của dòng họ, góp phần đưa nghệ thuật xiếc Việt Nam vang danh trên thế giới.

Bác chăm chú xem, nhiệt tình vỗ tay tán thưởng và còn góp ý về tiết mục cũng như kỹ thuật biểu diễn. Tôi nhớ như in Bác dặn: ‘Các cháu đi biểu diễn ở các nước cho tốt, Việt Nam chiến đấu anh hùng thì xiếc Việt Nam cũng phải diễn cho hay, thể hiện được tinh thần đó..."

Nghệ sỹ Trịnh Mạnh Hùng

Họ là nghệ sỹ ưu tú Tạ Duy Nhẫn, nghệ sỹ ưu tú Tạ Duy Hùng, nghệ sỹ ưu tú Tạ Duy Khanh, nghệ sỹ ưu tú Tạ Duy Kỳ, nghệ sỹ ưu tú Tạ Thúy Ngọc, nghệ sỹ ưu tú Tạ Thúy Hợi, các diễn viên Tạ Mai Anh, Tạ Thúy Phương, Tạ Duy Kiên, và nay nghệ sỹ nhân dân Tạ Duy Ánh tự hào tiếp nối truyền thống “dòng họ xiếc” với cương vị Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Nghệ sỹ nhân dân Tạ Duy Ánh sinh ra và lớn lên trong một bầu không khí xiếc “đậm đặc”. Ông quá quen với các con thú, các đạo cụ xiếc và những giây phút tập luyện của cha mẹ cũng như những người thân trong dòng họ. Do đó, tình yêu đối với xiếc đã nảy nở trong ông hết sức tự nhiên.

Dù không được ông nội Tạ Duy Hiển trực tiếp dạy kỹ thuật nhưng nghệ sỹ nhân dân Tạ Duy Ánh lại học được ở ông nhiều bài học đạo đức, có giá trị đến tận sau này.

“Ông dạy tôi về sự khổ luyện, lòng kiên nhẫn và đức hy sinh. Nếu không có các yếu tố đó thì không thể theo đuổi xiếc. Tôi được truyền thụ những kỹ thuật xiếc của ông một cách gián tiếp qua bố tôi, nghệ sỹ ưu tú Tạ Duy Hùng, bởi bố tôi là ‘đệ tử chân truyền’ của ông,” nghệ sỹ Tạ Duy Ánh cho biết.

Tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nghệ sỹ nhân dân Tạ Duy Ánh chỉ cho tôi xem những hình ảnh tư liệu đánh dấu những thời kỳ hoạt động của đơn vị, trong đó có cả những bức ảnh đen trắng ố vàng chụp từ thời chiến tranh.

xiec-vn6.jpg
xiec-vn.jpg

Nhớ lại thời kỳ gian khổ đó, ông kể: “Thế hệ ông tôi, bố tôi tập luyện rất vất vả bởi điều kiện thiếu thốn. Họ trải rơm để tập các tiết mục nhào lộn, cầu bật, hay tiết mục đu dây thường được tập luyện bên bờ ao để nếu có ngã thì cũng rơi xuống nước, tránh chấn thương.”

Giai đoạn chiến tranh, các diễn viên xiếc Việt Nam vẫn tập luyện và dàn dựng nhiều chương trình để đi biểu diễn, cổ vũ đồng bào, chiến sỹ cả nước.

Từ năm 1956 đến năm 1975 thống nhất đất nước, xiếc Việt Nam phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng được những đòi hỏi của thời kỳ xây dựng đất nước và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Năm 1962, xiếc Việt Nam vươn ra thế giới, biểu diễn thành công tại Đông Âu và một số nước bạn bè như Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ,… tham gia nhiều cuộc thi xiếc quốc tế tại Cu Ba, Liên Xô, Trung Quốc…

Một dấu mốc đáng chú ý là ngày 15/8/1978, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin Nguyễn Văn Hiếu đã ký quyết định: “Chuyển đoàn xiếc nhân dân Trung ương thành Liên đoàn Xiếc Việt Nam”.

Giai đoạn này, xiếc Việt nổi lên những điểm sáng mang đậm dấu ấn cá nhân như nghệ sỹ nhân dân Vũ Ngoạn Hợp với tiết mục “Thăng bằng trên con lăn” và nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Thị Tâm Chính với tiết mục “Cô hàng giải khát.”

Vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, xiếc Việt Nam sa sút do nhiều nguyên nhân mà lý do lớn nhất là cơ chế thị trường khiến những người làm chuyên môn loay hoay không tìm được hướng đi. Nội bộ mâu thuẫn, diễn viên bỏ nghề, nghệ thuật xiếc Việt Nam có nguy cơ tan rã.

Thế hệ ông tôi, bố tôi tập luyện rất vất vả bởi điều kiện thiếu thốn. Họ trải rơm để tập các tiết mục nhào lộn, cầu bật, hay tiết mục đu dây thường được tập luyện bên bờ ao để nếu có ngã thì cũng rơi xuống nước, tránh chấn thương.”

Nghệ sỹ Tạ Duy Ánh

Khi đó, Nghị quyết số 03-NQ/TW (ban hành ngày 16/7/1998) của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã ra đời và ngay lập tức thổi một luồng sinh khí, quyết tâm mới vào nhận thức của những người làm nghệ thuật, trong đó có ngành Xiếc Việt Nam.

“Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc…,” Nghị quyết 03 nêu rõ.

Kể từ năm 2000 đến nay, ngành xiếc Việt Nam đã không ngừng tìm tòi, đổi mới và tích cực tham gia các Liên hoan xiếc quốc tế và liên tục gặt hái được nhiều giải thưởng cao, khẳng định vị thế của xiếc Việt Nam trên sân khấu xiếc thế giới, đóng góp phần không nhỏ vào vị trí của xiếc Việt Nam trong hệ thống sân khấu nước nhà.

cha-de-thm.png

Nhìn nhận quá trình xây dựng ngành từ thời ông cha mình và thời của các nghệ sỹ gạo cội, nghệ sỹ nhân dân Tạ Duy Ánh cho rằng thế hệ của mình đã may mắn hơn rất nhiều bởi Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Nhiều chương trình được đầu tư dàn dựng công phu để phục vụ chính trị cũng như biểu diễn lấy nguồn thu, nâng cao đời sống cho cán bộ, diễn viên.

Ông Tạ Duy Ánh tự hào khi đã được cùng các diễn viên biểu diễn phục vụ chiến sỹ và nhân dân cả nước khắp các vùng miền, kể cả biên giới, hải đảo. Không chỉ như vậy, đơn vị còn đi lưu diễn ở nước ngoài, tham dự nhiều liên hoan xiếc quốc tế và gây tiếng vang lớn cho xiếc Việt Nam.

mega-xiec-1-.png

“Xiếc là môn nghệ thuật có xuất xứ từ nước ngoài nhưng đã được Việt hóa để trở thành một phần của văn hóa Việt Nam. Chúng tôi đã đặt trọng tâm xây dựng ngành xiếc Việt Nam phát triển hiện đại, với những nét đặc sắc mang đậm phong cách Việt Nam, nhằm quảng bá nghệ thuật xiếc trong nước và giới thiệu văn hóa con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế thông qua các tác phẩm nghệ thuật xiếc đỉnh cao,” ông Tạ Duy Ánh khẳng định.

Buổi chiều muộn những ngày tháng 11, khi Hà Nội đang chuẩn bị đón những cơn gió bấc đầu tiên báo hiệu mùa Đông, nghệ sỹ nhân dân Tạ Duy Ánh ngồi nhìn ngắm rạp xiếc vừa được sửa sang đẹp đẽ để kỷ niệm 100 năm thành lập ngành xiếc Việt Nam mà trong lòng không khỏi tự hào vì mình đã tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dòng họ và các thế hệ cha ông...

Ông bày tỏ niềm vui khi chia sẻ với phóng viên rằng thế hệ thứ 4 của dòng họ đang là giáo viên dạy xiếc còn thế hệ thứ 5 đang được đào tạo tại Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam… Cùng nhau, họ sẽ viết tiếp những trang sử hào hùng cho nghệ thuật xiếc Việt Nam./.

Đánh giá vai trò của Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong những năm gần đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng Liên đoàn đã năng động, có nhiều tìm tòi, đổi mới, sớm thích ứng với cơ chế thị trường và thực hiện tốt công tác xã hội hóa. Nói cách khác, xiếc Việt Nam đã khẳng định vị thế, tạo chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng trong nước và quốc tế.

Tác giả: Minh Thu
Ảnh & Video: Hoàng Đạt
Đồ họa: Thanh Trà


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cha đẻ ngành xiếc và những "viên gạch" đầu tiên