Gửi bình luận
Nằm ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, Chùa Hà là một trong những quần thể chùa chiền đẹp và thu hút rất nhiều phật tử, du khách ghé thăm. Nhưng nơi đây còn nổi tiếng hơn, với danh hiệu ngôi chùa cầu duyên linh nghiệm nhất miền Bắc.
“Chào các bạn, năm nay mình sắp 30 tuổi, người trước đây được cả dòng họ gọi với cái tên rất thân thương ‘bom nổ chậm’. Chắc các bạn đoán đúng rồi đấy, vì khi đó, dù đã 28 tuổi nhưng mình vẫn chưa chịu lấy chồng.
Ở tuổi của mình, các bạn đều đã lập gia đình, chồng con đầy đủ, có lẽ do tính chất công việc bận rộn, cùng với việc chưa tìm được ai hợp ý, nên mình vẫn độc thân lâu như vậy. Bố mẹ mình sốt sắng lắm, cũng nhờ vả họ hàng, người quen, bạn bè giới thiệu cho mình vài mối. Mình cũng đi xem mắt cho thoả ý bố mẹ, nhưng hầu hết đều không thành đôi.
Tuy độc thân lâu, bạn bè còn trêu là ‘ế’, nhưng mình không hề lo sợ hay hốt hoảng, vì mình tin, người thực sự phù hợp rồi sẽ xuất hiện thôi, muộn một chút mình cũng đợi được.
Và đúng là ngày đó đã đến. Mình nhớ vào mùa xuân hơn hai năm trước, khi đó mình được một người bạn dẫn đi chùa Hà. Thực lòng ban đầu, mình không quá kỳ vọng vào chuyện cầu duyên linh ứng, nhưng ngờ đâu duyên tới cản không kịp, mình đã gặp được người bạn trai tuyệt vời, hiện tại sắp trở thành chồng của mình.
Tình cờ thay, mình và anh đều là những người đã cầu duyên thành công tại chùa Hà. Bất ngờ hơn nữa, mình phát hiện ra rằng anh ấy đã vô tình xuất hiện trong bức ảnh check-in năm đó của mình tại chùa Hà.
Hóa ra cái duyên giữa hai chúng mình đã bắt đầu kể từ khi đó. Sau đó, anh và mình chính thức làm quen, tìm hiểu nhau và sau hai năm yêu đương, chúng mình sắp về chung một nhà.
Hôm nay khi đi cafe cùng bạn bè, mọi người nhận thiệp mời từ mình, ai nấy đều vui vẻ và chúc mừng, khi được hỏi về quá trình quen biết và yêu nhau, mình cũng thực sự rất bồi hồi, cảm thấy cuộc đời đúng như câu nói: ‘Vũ trụ đã an bài mọi thứ’, chỉ cần mình sống tốt thì chuyện tốt sẽ đến thôi.”
Đây là một trong rất nhiều những câu chuyện tình yêu đã được se duyên tại chùa Hà và được chia sẻ lại trên mạng xã hội. Không biết từ bao giờ người trẻ rỉ tai nhau, rằng cầu duyên ở chùa Hà rất hiệu nghiệm.
Người Hà Nội vẫn thường nói với nhau rằng muốn cầu công danh tài lộc thì lễ phủ Tây Hồ, cầu xin bình an thì đến chùa Trấn Quốc, còn cầu xin tình duyên thì đến chùa Hà.
Nhưng ngoài chủ đề tình duyên kể trên, Chùa Hà thực tế là một công trình có lịch sử thú vị. Chùa Hà có liên quan mật thiết tới 2 truyền thuyết từ thời Lý và Hậu Lê.
Truyền thuyết đầu tiên, diễn ra vào thời Lý, thời kỳ vua Lý Thánh Tông trị vì. Theo đó, dù đã 42 tuổi nhưng nhà vua vẫn chưa có con kế nghiệp nên đã cầu tự ở một ngôi chùa và sinh ra Thái tử Càn Đức. Ngôi chùa này về sau được gọi là chùa Thánh Chúa, để kỷ niệm sự kiện. Trên đường đi vua còn ghé qua một ngôi chùa khác, chính là Chùa Hà, và ban tiền bạc để chùa trùng tu lại. Vì vậy chùa Hà còn có tên là Thánh Đức tự.
Truyền thuyết khác lại kể rằng vua Lê Thánh Tông cho xây dựng ngôi chùa này, để tưởng nhớ các vị đại thần có công với đất nước.
Theo thời gian ngôi chùa bị phá hủy bởi chiến tranh loạn lạc. Đến năm 1680, chùa được xây dựng lại bằng gạch vồ, lợp lá gồi nên người dân gọi là chùa Vồi.
Thời vua Lê Hy Tông, có 2 người buôn bán gốm sứ quê ở làng Thổ Hà, Bắc Giang, làm ăn thuận lợi nên đã công đức cho nhà chùa 1 số tiền lớn để xây dựng lại chùa bằng gạch ngói.
Từ đó người dân của làng có một ngôi chùa đẹp. Làng Dịch Vọng và làng Thổ Hà kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà. Người dân gọi nôm tên chùa là chùa Hà.
Để nhớ đến sự kiện này, người dân xóm Bối Hà sẽ cử đoàn sang lễ ở Thổ Hà và ngược lại vào những ngày kỵ hàng tháng. Sau này, Chùa Hà cùng với đình Bối Hà - nơi thờ thành hoàng làng Triệu Chí Thành - đã tạo nên cụm di tích Đình - Chùa Hà độc đáo và vô cùng nổi tiếng.
Hơn nữa, chùa Hà cũng có điểm khác biệt so với những ngôi chùa khác ở cách vận hành khá đặc biệt, bà Thu Ngọc, người làm công quản của chùa chia sẻ: “Các chùa khác thì đều có sư trụ trì nhưng chùa Hà thì không có sư trụ trì mà nằm dưới sự quản lý của tiểu ban di tích lịch sử nhưng mà hàng rằm mùng Một, hay có những ngày lễ lớn thì các sư đều về đây làm lễ cho toàn bộ. Mặc dù không có sư trụ trì nhưng tiểu ban di tích lịch sử vẫn tham gia vào các công tác vận hành chùa Hà theo đúng giáo lý của Phật giáo.”
Các công trình kiến trúc của Chùa Hà được quy hoạch tập trung trong một khoảng không gian rộng thoáng.
Chùa Hà nhìn ra hướng tây, chùa chính kết cấu kiểu chữ Đinh có Tiền đường và Thượng điện, tam bảo năm gian rộng. Tòa phật điện của chùa được bố trí theo nhiều lớp.
Phía sau chính điện của chùa là Điện Mẫu. Kiến trúc Điện Mẫu bao gồm phía trước là phương đình, phía sau là Thần điện. Trong phương đình có đặt đỉnh hương và đôi hạc lớn. Phía sau phương đình là nhà bái đường gồm 5 gian làm theo kiến trúc cổ.
Bên cạnh chùa là đình Bối Hà có lối kiến trúc theo kiểu chữ Đinh nhìn hướng Tây, tuân thủ quy luật âm dương: tiền quảng đại, hậu thần mật; tiền náo nhiệt, hậu túc tĩnh.
Với khuôn viên rộng rãi, khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, bước qua những ồn ào của phố xá, quần thể chùa Hà như một đóa hoa đẹp nở giữa lòng thủ đô mang nét linh thiêng, thanh tịnh, trở thành nơi ghé thăm của không ít người dân và khách du lịch.
Chùa Hà mặc dù không hề thờ bất cứ nhân vật nào có điển tích liên quan đến tình yêu, nhưng kỳ lạ thay, nơi đây lại trở thành chốn cầu duyên đặc biệt thu hút các bạn trẻ.
Tình yêu luôn là một chủ đề có sức hút lớn, không chỉ đối với giới trẻ mà ở bất cứ độ tuổi nào, mong muốn tìm được một người bạn tâm giao, có thể sẻ chia những gánh nặng cuộc sống luôn hiện diện trong tâm trí của mỗi người. Nhưng đối với các bạn trẻ, mong muốn đó lại lớn hơn bao giờ hết. Họ khát khao tìm kiếm một người bạn đồng hành, san sẻ bớt những gánh nặng trên vai, một người sẵn sàng đỡ họ dậy khi họ vấp ngã trong những tháng năm thăng trầm của tuổi trẻ. Nhưng để tìm được nửa còn lại của mình đâu phải dễ dàng.
Nhiều câu chuyện đã được kể lại. Có người mới đi chùa, ngay tuần sau đã gặp đúng người trong mộng, nhưng cũng có người mãi nửa năm sau mới tìm thấy người thương ưng ý. Hay có cả những trái tim tái hợp dù trước đó đã chia xa mà còn vương vấn. Mỗi người, mỗi câu chuyện riêng, nhưng chung quy lại họ đều có khát khao muốn tìm được hạnh phúc của đời mình.
“Mình tin nơi này rất hiệu nghiệm vì mình và bạn mình đã từng trải nghiệm và thành công nên hôm nay mình quay lại đây với mong muốn cầu cho mình với người yêu có thể hạnh phúc và hòa hợp với nhau hơn.” Chia sẻ trên của anh Long, hiện đang học tập và làm việc tại Hà Nội là một trong số rất nhiều những trường hợp người trẻ đã kiểm chứng thành công độ linh nghiệm của ngôi chùa này.
Dạo quanh những diễn đàn trên mạng, các hội nhóm trên Facebook, chúng ta cũng có thể bắt gặp không ít những câu chuyện thú vị về các mối lương duyên được chùa “độ”.
Một bạn nam sinh viên NEU viết trên trang Confession như sau: “Mình có crush 1 bạn từ rất lâu rồi nhưng mãi không có tín hiệu gì. Mùng Một đầu năm vừa rồi mình có đi lễ ở Chùa Hà, mình đã vào và đặt lễ ở ban Mẫu, đọc dõng dạc tên mình và tên bạn ấy. Sau khi đi lễ về, mình rảnh rang vào quán net làm vài trận game.
Ngồi cạnh lúc đó là một bạn nữ cũng chơi game như mình nên mình rủ bạn ấy chơi cùng, bạn ấy đồng ý ngay, có người chơi cùng cũng vui, vừa chơi vừa nói chuyện với nhau. Sau 1 thời gian tìm hiểu thì hai bọn mình đến với nhau.
Mà nghĩ lại thì mình đi chùa Hà cầu duyên mà độ kiểu này nó lạ lắm. Cái bạn mà mình đọc to dõng dạc tên ấy thì lại ko yêu mình, còn 1 bạn vu vơ, ngồi quán net với nhau, mới gặp chỉ 1 thời gian ngắn thì 2 đứa lại đến với nhau.”
Không chỉ những người dân thủ đô mới biết đến Chùa Hà, nhiều người dân đến từ các tỉnh thành khác cũng không quản ngại đường xa mà tìm đến chốn này để mong cầu duyên lành.
Chùa Hà trở thành điểm đến cầu duyên ưa thích của nhiều bạn trẻ vào những dịp như Lễ Tình nhân Valentine (14/2)
Như trường hợp của bạn Lan, quê ở Hà Tĩnh: “Em được bạn bè giới thiệu đây là nơi rất linh thiêng nên hôm nay là lần đầu tiên em đến đây, hôm nay đến em có cầu cho công việc với con đường tình duyên của mình suôn sẻ tốt đẹp.”
Người đến cầu duyên ở Chùa Hà không đơn thuần chỉ là tình yêu trai gái mà còn là những duyên lành khác trong cuộc sống. Họ cũng mong cầu những điều thuận lợi khác cho bản thân mình như sức khỏe, công danh, tài lộc. Bạn Hà, một người khách đi lễ chùa Hà chia sẻ: “Khi đến đây hôm nay, em cầu mong có sức khỏe, chuyện học hành thuận lợi.”
Những người chúng ta sẽ gặp trong đời có thể là những mối duyên lành viết tiếp câu chuyện cuộc sống của mỗi người. Họ có thể là thầy cô giáo tốt, giỏi giang, là tri kỷ, là quý nhân giúp đỡ trong công việc, là bạn bè thân thiết tâm đầu ý hợp,... Đôi khi, cầu duyên ở đây chỉ là việc mở rộng tấm lòng để đón nhận những điều mới mẻ sẽ xuất hiện trong cuộc sống của mình mà thôi.
Cầu duyên là việc làm khiến cho tâm hồn con người thanh thản, giúp tâm trí rộng mở và cân bằng được cảm xúc trong tình yêu. Cầu duyên cũng giống như cầu phúc, cầu may, đủ may mắn ta sẽ tìm được ý trung nhân trong mộng.
ĐI CẦU DUYÊN CHÙA HÀ CẦN CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ
Người trẻ khi đến chùa Hà gửi gắm mong cầu nhân duyên nên có sự chuẩn bị kỹ càng. Ngoài thành tâm, lễ mang đi khi đến cầu duyên tại chùa Hà cũng rất quan trọng. Thông thường người đi lễ phải chuẩn bị 3 mâm lễ đặt ở 3 ban quan trọng trong chùa.
- Lễ đặt ban Tam Bảo: Do đây là nơi thờ Phật nên không để lễ mặn và tiền vàng. Chỉ để hoa quả, bánh kẹo chay, hoa tươi, nến, nhang và sớ đã viết dâng lên.
- Lễ đặt ban Đức Ông: Mâm lễ ban này có thể để các món mặn, kèm theo đó là tiền vàng, rượu, trà, thuốc và sớ dâng lên Đức Ông.
- Lễ đặt ban thờ Mẫu: Đây là mâm lễ quan trọng, ngoài tiền vàng, bánh kẹo và sớ thì còn phải nhớ có 5 bông hồng đỏ tươi, trầu cau và tiền công đức.