Phát triển rực rỡ dưới triều Nguyễn, Áo ngũ thân đã từng trở thành Quốc phục không thể thiếu của triều đại thời bấy giờ.
Đến với xứ Huế mộng mơ, vùng đất của những di sản văn hoá, du khách không thể quên một trang phục đặc biệt, thấm đẫm hồn Việt, trang trọng mà thanh tao. Đó là Áo ngũ thân, vốn được phát triển rực rỡ dưới triều Nguyễn (1802-1945).
Áo ngũ thân được vua tôi, quần thần, dân chúng diện từ cuộc sống thường nhật đến những dịp đại lễ trọng đại và trở thành một điều không thể thiếu của triều đại thời bấy giờ.
Hàng trăm năm đã trôi qua, chiếc áo ngũ thân cũng đi qua một hành trình dài, từ thân thuộc đến lạ lẫm, rồi bắt đầu thân quen. Những người yêu văn hoá dân tộc đã và đang mở ra xu thế tìm về bản sắc văn hoá truyền thống qua áo ngũ thân và phát triển chúng một cách sáng tạo, phong phú hơn cả về chất và lượng.
Hiện nay, có rất nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc thật sự của áo ngũ thân. Một bộ phận lớn công chúng và chuyên gia cho rằng, áo ngũ thân ra đời vào năm 1744. Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, ở ngôi từ năm 1738 đến năm 1765, là người có công khai sáng và định hình cho chiếc áo ngũ thân ở xứ Đàng Trong.
Quan điểm này dựa trên sách "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn, ông viết: "Năm Cảnh Hưng thứ 5, Giáp Tý, Nguyễn Phúc Khoát nghe người Nghệ An truyền câu sấm: "Tám đời trở về Trung Nguyên", thấy từ Đoan Quốc công đến nay vừa đúng 8 đời, bèn xưng vương hiệu, lấy thể chế áo mũ trong "Tam tài đồ hội" làm kiểu mới, áo đều dùng vóc đoạn, người sang thì dùng mãng bảo thuỷ ba, mũ thì trang sức bằng vàng bạc. Lại hạ lệnh cho trai gái xứ (Thuận, Quảng) đổi sang dùng áo quần Bắc quốc để tỏ sự biến đổi; đến như khiến phụ nữ đều mặc áo ngắn hẹp tay như áo đàn ông thì Bắc quốc không có như thế. Trải hơn 30 năm, người ta đều tập quen, quên cả tục cũ".
Những thay đổi này được Lê Quý Đôn ghi chép khi ông làm hiệp trấn Thuận Hoá, sau khi Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc của triều đình Đàng Ngoài chiếm được Thuận Hoá từ chúa Nguyễn năm 1776. Những điều ông viết trong “Phủ biên tạp lục” đã khiến nhiều người kết luận rằng chính chúa Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát của xứ Đàng Trong khi xưng vương năm Giáp Tý (1744) đã thay đổi cách ăn mặc của người dân Nam Hà, và tạo ra áo ngũ thân.
Tuy nhiên, một bộ phận công chúng và chuyên gia lại cho rằng áo này có từ thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên trong khoảng từ năm 1613 đến năm 1635.
Quan điểm này dựa trên hai căn cứ. Thứ nhất là từ cuốn "Sử liệu Việt sử: Xứ Đàng Trong" của Phan Khoang. Cuốn sách có đoạn: "Tương truyền rằng chính Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ trong khi bày mưu định kế chống cự với họ Trịnh, đã khuyên chúa Hy Tông Nguyễn Phúc Nguyên bắt dân thay đổi tập tục cho khác hẳn dân Bắc ở Đàng Ngoài, như bỏ nón thượng, đội nón chóp, bỏ quần màu đen, đàn bà bỏ áo bốn thân bày yếm mà mặc áo năm thân gài khuy, bỏ tóc bao mà búi tó, bỏ váy để mặc quần".
Thứ hai, theo ghi chép của một giáo sỹ Cơ đốc, năm 1744, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ra chỉ dụ thay đổi trang phục ở xứ Đàng Trong, tạm dịch như sau: "Vào năm 1744, một đạo luật đã được ban hành và người dân Đàng Trong từ bỏ thứ y phục nhơ nhớp của Đàng Ngoài để mặc theo lối y phục mới..." Việc lựa chọn trang phục áo ngũ thân cài khuy là có chủ ý của Võ Vương và triều thần sau khi bàn bạc, thống nhất lối mặc y phục trong nhân gian.
Có lẽ đâu đó giữa thế kỷ XV và XVI, áo Kameez của vùng văn minh Ấn Độ, qua người Chăm, kết hợp với cách cài khuy áo bên sườn phải và cái cổ đứng theo kiểu của người Việt tạo thành áo ngũ thân Việt Nam ở Thuận Hoá. Cứ thế cho đến khoảng cuối thế kỷ XVI hay đầu thế kỷ XVII, áo ngũ thân đã phổ biến sâu rộng ở địa phương này, đến nỗi Đào Duy Từ có thể khuyên Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho phụ nữ xứ Đàng Trong mặc áo năm thân cài khuy cho khác biệt với cách mặc áo tứ thân thắt vạt khoe yếm của phụ nữ ngoài Bắc.
Đầu thế kỷ XIX, trong thời kỳ đất nước thống nhất, Hoàng đế Minh Mạng lại tiếp tục chọn áo ngũ thân làm trang phục chung cho toàn thể nhân dân Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ 1837-1945, áo ngũ thân rất phổ biến ở cả hai miền Nam Bắc, và được xem là Quốc phục của người Việt.
Và áo dài hai thân của nữ giới, dù vẫn trong hình dạng của áo năm thân, được biến đổi không ngừng và trở thành áo dài nữ ôm sát cơ thể và tôn dáng như ngày nay. Riêng áo ngũ thân phái nam thì gần như không thay đổi gì suốt trong nhiều thế kỷ, trừ một vài mẫu cách tân trong mấy năm gần đây dành cho giới trẻ. Mà các mẫu áo dài cách tân này từ gần một thế kỷ nay vẫn đến rồi đi một cách vô thường. Còn trong bao thế kỷ, cái áo dài truyền thống vẫn được người Việt trang trọng khoác vào khi tiếp khách ở mọi cấp bậc.
Chất liệu, màu sắc, hoa văn trang trí và các phụ kiện
Áo Ngũ thân dành cho cả hai giới nam và nữ, và cho mọi tầng lớp trong xã hội, không phân biệt đẳng cấp, sang hèn. Trước đây, sự phân biệt chủ yếu chỉ thể hiện ở chất liệu, màu sắc, hoa văn trang trí và các phụ kiện kèm theo. Đối với tầng lớp bình dân, chất liệu may áo chủ yếu là đũi, màu sắc đi theo tông trầm như nâu, đen. Ngược lại, với tầng lớp cao trong xã hội như quý tộc, quan lại, tông thất… Chất liệu được sử dụng là các loại vải cao cấp như gấm, sa, đoạn, lụa với các họa tiết thêu, dệt tinh tế, màu sắc đa dạng thay đổi theo địa vị, đi kèm các phụ kiện như kim bài, kim khánh.
Năm thân áo
Áo ngũ thân được cấu tạo với năm thân áo may ráp lại với nhau theo chiều dọc, hai thân trước và sau được may liền lại theo đường sống áo ở chính giữa. Phía trước phần bên phải là thân kép, bên trong có một “thân con”, được tính là thân áo thứ năm.
Khoảng thời gian chiếc áo này xuất hiện, kỹ thuật dệt vải chưa làm ra những khổ vải to rộng như bây giờ, nên thay vì sử dụng thước đo để có những mảnh vải khi may áo, người may đã gá, nối sống vải lại với nhau. Cái hay của việc thiết kế này là nó ẩn chứa đạo lý cao đẹp của con người: bốn thân áo của vạt trước và vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”, còn thân trong tượng trưng cho người con. Thân con này nằm trong bốn thân áo ngoài nhắc nhở người mặc có bổn phận hiếu thảo với song thân phụ mẫu. Mặc chiếc áo ngũ thân cũng chính là mang trên mình đạo làm người.
Việc nối sống áo kể trên còn làm đứng áo hơn. Dù ngày nay, kỹ thuật dệt khổ vải đã rộng tới 1,6m nhưng nguyên tắc nối sống áo vẫn phải được tuân thủ giữ nguyên như truyền thống của cha ông. Kiểu áo ngày nay mà ta thường thấy chỉ có hai thân trước và sau, thiếu 3 thân. Bởi vậy khi ngồi, nếu mở rộng chân thì có thể lộ ra phần quần làm người mặc kém trang trọng. Hoặc nếu không muốn bị lộ quần, người mặc ngồi chụm chân thì lại thiếu đi sự đường vệ của phong thái đàn ông. Thực chất kiểu áo hai thân này trước kia không hề có mà do sự sáng tạo của các nhà thiết kế để giản lược chiếc áo, đặc biệt là áo dài dành cho nam.
Tà áo ngũ thân
Một đặc điểm giúp tôn thêm sự đường vệ của đàn ông là tà áo. Áo ngũ thân có phần thân áo rộng, không chiết eo và thân áo càng lượn xuống thì càng rộng. Khi trải áo ngũ thân ra, tà áo tạo ra một đường cong mềm mại (sa tà). Nếu như ở áo dài cách tân hai thân, tà áo có thể dài quá gối hoặc gần chấm gót, thì tà của áo ngũ thân chỉ dài chạm gối hoặc hơi quá gối.
Khuy áo ngũ thân
Áo ngũ thân cổ cao 1 tấc (tức 4cm) và có năm khuy cài. Một chiếc được đơm ở cổ, một chiếc ở xương đòn gánh vai phải và ba chiếc còn lại nằm cách đều ở sườn bên phải người mặc. Áo ngũ thân chỉ sử dụng khuy cài chứ không dùng khuy bấm. Có một thời, vào những năm 30 của thế kỷ XX, những chiếc khuy bấm trên áo dài cách tân nói riêng và các loại áo “tân thời” nói chung đã khiến lớp người đi trước không hài lòng vì cho rằng những chiếc khuy bấm dễ bung đó là một biểu hiện của sự thiếu đứng đắn, lai căng, xa rời truyền thống.
Thông thường, khuy áo được làm từ những hạt thuỷ tinh tròn, màu như màu áo hoặc những màu phổ biến như hổ phách, tráng vàng, tráng thuỷ để giống ngọc trai. Ngoài ra, còn có rất nhiều kiểu khuy từ những chất liệu khác nhau như sừng, xương, đá quý, đồng, bạc, vàng,... khác với sườn xám của Trung Quốc chỉ dùng khuy vải và dây móc đặc trưng.
Trên phương diện triết lý phương Đông, theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu ở Huế, năm chiếc khuy đính trên áo ngũ thân tượng trưng cho ngũ thường của các bậc túc nho trí thức: Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín, hoặc ngũ luân: vua - tôi, cha - con, vợ - chồng, anh - em, bạn bè theo hệ giá trị Nho giáo như những giá trị bất biến của xã hội ta ngày trước. Sự ảnh hưởng của các quan niệm về đạo lý trong Nho giáo ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và đời sống tinh thần của con người trong thời đại ấy. Khoác lên mình chiếc áo ngũ thân không chỉ đơn giản là một bộ trang phục mà còn là sự thể hiện nhân cách, tài trí của đấng quân tử.
Đường trung phùng
Thiết kế áo luôn có một đường may ở giữa vạt trước và sau áo, hay còn gọi là đường trung phùng, mang ý nghĩa “Đấng quân tử nên tìm đạo lý, Kẻ trượng phu gìn kỹ tinh hoa, chính trực”. Không chỉ mang ý nghĩa ca ngợi bậc quân tử, đường trung phùng thể hiện sự tinh tế và khéo léo của người may. Đường kim may phải thẳng, đều và giấu kín không thấy chỉ. Với những bộ áo có hoa văn, hoạ tiết phức tạp thì đường may lại càng phải tỉ mẩn để hoạ tiết được ghép lại thật khớp, đúng với nguyên mẫu của hoa văn. Điều này đòi hỏi đôi bàn tay lành nghề và tính tỉ mẩn của người may trên từng đường kim mũi chỉ, cũng như thể hiện sự tinh tế của người Việt Nam xưa.
Tay áo ngũ thân
Áo ngũ thân có 2 loại, tay rộng (thường gọi là áo tấc, áo thụng) và áo tay chẽn được coi là loại thường phục. Tay áo ngũ thân không được ráp trực tiếp vào bả vai như thường thấy mà được may nhờ vào phần vải dùng để làm thân áo, kéo dài tới nửa cánh tay, sau đó mới dùng một phần vải khác nối vào làm ống tay áo. Do đó, nách áo rất rộng, chỉ bó lại ở phần cổ tay, trái với nách áo cách tân bó sát giúp người mặc cảm thấy thoải mái khi vận động.
Khăn vấn
Bộ trang phục áo ngũ thân luôn đi kèm với khăn vấn (quấn) hoặc khăn đóng. Chiếc khăn vấn của nam giới thường có màu đen, hoặc sẫm màu, vấn theo kiểu hình chữ Nhân (đề cao phẩm chất làm người) hoặc chữ Nhất (thể hiện chí khí kiên cường, ngang dọc tung hoành của người đàn ông). Khăn còn có tác dụng giữ ấm đầu, tôn khuôn mặt, che các nhược điểm (nếu bị đầu hói hoặc đầu không tròn trặn) và trông có vẻ cao hơn. Chiếc khăn vấn là điểm nhấn, tạo nên nét khác biệt giữa người đàn ông Việt so với đàn ông các dân tộc khác. Khăn vấn của nữ giới thì hình tròn (khăn lươn), có thể vấn một hoặc hai lớp, góp phần tạo nên vẻ duyên dáng, mềm mại của người phụ nữ Việt Nam.
Quần mặc kèm
Áo ngũ thân thường mặc kèm với chiếc quần trắng ống rộng (xưa gọi là quần ống sớ) và đi giày, hài, guốc mộc. Từ đầu thế kỷ XX, với sự phát triển của ngành đóng giày da, bộ trang phục áo ngũ thân thường được phối cùng đôi giày da màu đen hoặc sẫm màu, nữ thì phối cùng giầy/guốc cao gót.
Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, áo ngũ thân vẫn giữ nguyên trong nó những giá trị tinh thần cũng như ý nghĩa của nó, mang đến cho người mặc trải nghiệm và sự khắc ghi về cái tâm của người quân tử trong xã hội hiện đại, để từ đó càng thêm trân trọng những giá trị của một thời đại văn hóa trong hồn thiêng cốt cách của dân tộc.
Trải qua một quãng thời gian với nhiều biến động trong thế kỷ XX, áo ngũ thân từng bị xem là đại diện của sự cổ hủ, lạc hậu, gắn với chế độ quân chủ phong kiến. Nhưng trong thời gian gần đây, tà áo này đang từng bước được công chúng nhìn nhận lại và nhận được sự yêu thích từ nhiều bạn trẻ.
Áo ngũ thân quay lại đời sống đương đại với luồng sinh khí mới là mong muốn của các cơ quan, các cá nhân, tổ chức xã hội đang nỗ lực trong công cuộc bảo tồn, phát huy và khẳng định giá trị trên trường quốc tế của di sản áo ngũ thân.
Một trong những đơn vị đã thử nghiệm việc mặc áo dài là Bộ ngoại giao, bộ mặt của quốc gia trên phương diện đối ngoại. Các đại sứ Việt Nam nói riêng và những người trong ngành ngoại giao Việt Nam nói chung đã mặc áo dài nhiều hơn tại các hoạt động của sứ quán ở nước ngoài. Tiêu biểu phải kể đến ông Ngô Hướng Nam - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Vương quốc Hà Lan, ông Trần Ngọc An - nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Vương quốc Anh, ông Phạm Sanh Châu - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ,...
Là quê hương của chiếc áo ngũ thân, từ năm 2020, Sở Văn hoá và Thể thao Thừa Thiên Huế đã phát động thực hành mặc áo ngũ thân cho toàn thể cán bộ trong các lễ chào cờ đầu tháng và dịp lễ, Tết, các sự kiện văn hoá. Đây cũng là cơ quan đầu tiên trên cả nước đưa áo ngũ thân vào công sở. Với việc làm này, Thừa Thiên Huế đã khuyến khích và từng bước đưa áo dài trở thành trang phục truyền thống trong các không gian văn hóa, lễ hội truyền thống và quảng bá cho công chúng biết đến nơi đây với thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài”
Sở Văn hoá và Thể thao Thừa Thiên Huế cũng đề ra việc tổ chức định kỳ mỗi năm hai lần Ngày hội áo dài. Đây là sự kiện quan trọng trong các kỳ lễ hội ở Huế và nhận được sự tham gia đông đảo của nhân dân. Các điểm trưng bày, trình diễn áo dài, cơ sở may đo áo dài phục vụ nhu cầu của khách du lịch cũng được xây dựng. Cùng với đó, đội ngũ nghệ nhân, thợ may đo thiết kế áo dài được đào tạo, bồi dưỡng, phát triển một cách thường xuyên.
Khối du lịch, dịch vụ và quản lý di tích gồm Sở Du lịch, Hiệp hội du lịch, Hiệp hội lữ hành, Hiệp hội khách sạn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đồng hành để áo dài Huế nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ.
Sau khi phổ biến áo dài nữ ở chốn học đường khối trung học phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo đã và đang thử nghiệm đưa áo dài nam vào các hoạt động quan trọng của ngành. Tại lễ tôn vinh học sinh danh dự trong năm học 2019-2020 và 2021-2022, hàng trăm thầy cô giáo và các em học sinh đã mặc áo dài truyền thống, tạo nên bầu không khí vừa trang nghiêm, vừa giàu bản sắc văn hóa.
Trong công cuộc phục hưng di sản áo ngũ thân, không thể thiếu sự chung tay của cả cộng đồng. Tại Hà Nội, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã phối hợp với Câu lạc bộ Đình làng Việt đã khai trương “Không gian Áo dài truyền thống trong Ngôi nhà Di sản” (số 87 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm). Đây là hành động thiết thực của những người yêu mến áo ngũ thân, tạo cơ hội cho công chúng, du khách được chiêm ngưỡng và tìm hiểu về những giá trị của trang phục áo dài truyền thống.
Không gian này trưng bày các sản phẩm áo ngũ thân của các nghệ nhân: Năm Tuyền (Thành phố Hồ Chí Minh), Đỗ Minh Tám (Trạch Xá, Ứng Hòa, Hà Nội), Đặng Duy Linh (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội)... Họ đều là những nghệ nhân nổi tiếng, luôn chú trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản truyền thống, đưa các giá trị này gần gũi hơn với đời sống…
Thế hệ trẻ cũng không ngừng sáng tạo để truyền tải những thông điệp nhân văn đầy mới mẻ vào những tà áo dài, có thể kể đến một vài nhà thiết kế trẻ như Minh Đời (Cần Thơ), Nguyễn Trần Trung Hiếu (Huế),...
Đặc biệt là các thương hiệu áo dài ngũ thân được sáng lập bởi những người rất trẻ. Chẳng hạn, Hoa Niên - Năm tháng tươi đẹp, người thiết kế là các sinh viên học thiết kế thời trang của Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM), Great Vietnam hay Đông Phong tỉ mỉ, tuân thủ kiểu dáng và lối nhuộm vải xưa…
Nhiều hội nhóm, fanpage trên nền tảng mạng xã hội là nơi cộng đồng yêu thích trang phục truyền thống trao đổi kiến thức như Vietnam Centre, Thiên Nam Lịch đại Hậu phi, Đình làng Việt, Đại Việt Cổ Phong,...
Chính những dự án, nhân tố tiêu biểu này đã truyền cảm hứng cho các bạn trẻ thêm hiểu, yêu thích áo dài và trang phục Việt. Giờ đây, nhiều người trẻ mặc áo ngũ thân trong các dịp lễ tết và phim ảnh, trong các không gian quen thuộc như gia đình, điểm vui chơi văn hóa, các bộ ảnh và phim chiếu mạng.
Nhìn lại những đóng góp của các cơ quan chức năng cũng như nỗ lực của cả cộng đồng, tà áo ngũ thân trăm năm lịch sử hứa hẹn sẽ vươn xa. Cùng với đó, nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài truyền thống sẽ sớm được vinh danh, trân trọng.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.