Mega Story

Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa

31/10/2024 09:07

Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, bắt đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

11.jpg

Sau khi chúng ta giành được chính quyền năm 1945, thực dân Pháp tìm mọi cách gây hấn hòng xâm chiếm nước ta một lần nữa.

Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, bắt đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

Cũng trong đêm đó, từ pháo đài Láng, loạt đại bác đã nổ phát súng đầu tiên báo hiệu Toàn quốc kháng chiến. Hàng loạt trận đánh cam go, khốc liệt của quân và dân Hà Nội nhằm vào quân địch, trong đó rất nhiều vụ chiến đấu cảm tử, đã thể hiện được tinh thần, ý chí Hà Nội trong cuộc chiến bảo vệ Thủ đô.

12.jpg

20 giờ 3 phút ngày 19/12/1946, Pháo đài Láng (quận Đống Đa) bắn loạt đạn đầu tiên, phát ra hiệu lệnh tổng tiến công, mở đầu cho những ngày Toàn quốc kháng chiến.

Tiếp đó, Pháo đài Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng nã những loạt pháo vào quân đội Pháp. Công nhân nhà máy điện Yên Phụ phá máy, cả thành phố tắt điện.

Ngay sau đó, quân và dân Hà Nội với vũ khí thô sơ, ít ỏi nhưng ngoan cường chống lại thực dân Pháp bằng những trận đánh ác liệt.

Thời đó, các pháo thủ ở Pháo đài Láng có 9 người nhưng can trường bám trận địa để tấn công quân địch.

Sau khi nhận được hiệu lệnh tấn công từ hôm trước, đến trưa ngày 19/12, Trung đội trưởng Gia (chỉ huy Pháo đài) ra lệnh cho anh em ăn cơm chiều sớm, sắp xếp tư trang, phân công nhiệm vụ cho mọi người vì có thể đến tối chiến đấu. Mọi người đều cảm thấy hồi hộp, sẵn sàng chuẩn bị tinh thần.

15.jpg

Buổi tối, các pháo thủ tập trung ngoài pháo đài. Bầu trời là một màn đêm mịt mùng, mọi người nhìn vào phía nội thành chờ đợi, bỗng một pháo hiệu phụt thẳng giữa thành phố lên trời. Lúc đó, Trung đội trưởng Gia hô “Chuẩn bị…. Bắn…Bắn... Bắn....”

Hai khẩu pháo tức thì bắn 3 loạt, 6 viên vào trong thành, cả Pháo đài rung chuyển, đất cát bay mù mịt, quần áo, mặt mũi các pháo thủ lấm lem.

Ngay sau đó, Trung đội trưởng Gia cho trinh sát vào trong thành Hà Nội kiểm tra, mấy phút sau, trinh sát báo về, trong thành binh lính Pháp chết rất nhiều, một viên ra phía Bắc thành nhưng không ảnh hưởng tới dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện biểu dương chiến sỹ Pháo đài Láng thực hiện tốt nhiệm vụ, bắn chính xác mục tiêu khiến mọi người đều vui mừng.

Sáng hôm sau, Đại tướng nhận định: “Pháo đài Láng bắn loạt đạn tối qua là loạt đạn thần thánh của dân tộc ta, là thắng lợi lớn vì bọn thực dân đang có âm mưu phá thành đánh ta. Ta đã đánh trước nó được ít phút, phá tan âm mưu của địch.”

Người Vệ út năm xưa Phùng Đệ, là liên lạc của Đại đội 15, Tiểu đoàn 103, khu Đông Kinh Nghĩa Thục, Liên khu I nhớ lại đêm 19/12/1946, khi cả Hà Nội bao trùm trong màn đêm thì ông nghe tiếng đại bác ở Pháo đài Láng vang lên. Trong đầu ông nghĩ ngay thời khắc kháng chiến đã đến. Cùng lúc đó, quân và dân Hà Nội quyết liệt giao chiến ở các nơi suốt cả đêm, tiếng súng không ngớt, cả bầu trời Thủ đô rực sáng.

14.jpg

Từ ngày 23/12 trở đi, bộ binh và nhân dân Thủ đô quyết liệt chiến đấu chống quân Pháp, giam chân địch trong thành, còn các pháo thủ Pháo đài Láng tiếp tục đào hầm, chuẩn bị đạn dược, vũ khí chờ lệnh chiến đấu.

Đến ngày 12 tháng Giêng năm 1947, các chiến sỹ Pháo đài Láng được lệnh rút quân lên Việt Bắc. Khi đi các pháo thủ đã tháo một cơ bẩm và một máng đạn mang đi. Đến bến đò Đan Sỹ, Hà Đông, anh em giao cho Ủy ban chiến đấu đang trực chiến để tiếp tục hành quân.

Cố pháo thủ Đỗ Văn Đa từng chia sẻ tên tuổi của các pháo thủ đã gắn liền với Pháo đài Láng và đó không chỉ là niềm vinh dự của họ mà là niềm vinh dự của mọi người dân Yên Lãng nay là phường Láng Thượng, quận Đống Đa nói chung.

132.jpg

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ,” cùng với Nhân dân cả nước, quân và dân Hà Nội với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước.

Với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt cuối năm 1946 đầu năm 1947, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc một cách quả cảm, kìm chân giặc Pháp và làm tiêu hao sinh lực địch để các cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta an toàn rút ra khỏi Hà Nội.

Dù quân ta trang bị vũ khí thô sơ chống lại kẻ địch tinh nhuệ trang bị vũ khí hiện đại, nhưng với tinh thần anh dũng, quả cảm, các vệ quốc đoàn vẫn ngày đêm kiên cường bám trụ, giành giật với địch từng căn nhà, từng góc phố với quân Pháp.

ha_noi_20.jpg
Phần lớn người dân Hà Nội đã được tản cư, chướng ngại vật được dựng lên ở khắp nơi. Thủ đô sẵn sàng chiến đấu chống lại quân xâm lược Pháp. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Nay đã ở tuổi 93 nhưng người Vệ út năm xưa Đặng Văn Tích, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội) vẫn vẹn nguyên ký ức những ngày đầu tham gia kháng chiến khi được nhắc đến 60 ngày đêm khói lửa bảo vệ Hà Nội.

Với chất giọng sang sảng, trí nhớ minh mẫn, ông kể về cơ duyên được đứng trong hàng ngũ quân kháng chiến, về công tác liên lạc của mình.

Khi đó, ông mới là cậu bé 13 tuổi tham gia lực lượng chiến đấu tại khu Long Biên thuộc Liên khu I, do làm liên lạc nên các trận đánh khốc liệt tại Hàng Thiếc, chợ Đồng Xuân, trường Ke (nay là trường Tiểu học Trần Nhật Duật), nhà Sauvage (nay là Trường tiểu học Nguyễn Du)... ông đều nắm rõ.

Thời điểm đó, bà con Hà Nội nhất là người già, trẻ nhỏ đi tản cư hoặc về quê, còn thanh niên ở lại tham gia đánh địch. Bộ đội, thanh niên ngày đêm tập quân sự rất hăng hái. Các nhà trong khu Hoàn Kiếm thực hiện vườn không nhà trống, được bộ đội sử dụng làm nơi đóng quân để chiến đấu với Pháp. Tường nhà nọ đục thông sang nhà kia theo hình dích dắc để đi lại làm chỗ liên lạc; sập gụ, tủ chè, giường chiếu, xoong nồi, cây cối được dùng để đắp ụ ngang đường, chắn không cho xe cơ giới của Pháp đi. Các trận giao tranh thường xuyên diễn ra ác liệt nhưng không làm nao núng tinh thần chiến đấu của mọi người.

Với tinh thần càng giữ được các căn cứ trong Liên khu I càng lâu thì càng cầm được chân địch, thế nên Trung đoàn Thủ đô có nhiệm vụ quan trọng giữ chân địch để tạo điều kiện cho việc chuẩn bị lực lượng kháng chiến (Trung đoàn Thủ đô được đặt tên cho Trung đoàn Liên khu 1 tại Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ nhất ngày 12/1/1947).

Trận đấu khiến ông Đặng Văn Tích day dứt nhất là tại trường Ke khi quân địch đánh chiếm tầng dưới, lực lượng của ta rút lên tầng hai. Tình hình cam go buộc cậu bé liên lạc Trần Ngọc Lai trèo ống máng nước xuống về địa điểm đóng quân xin tiếp viện. Nhưng khi trở về trèo lên thì địch phát hiện bắn chết. Lực lượng của ta với sự hờn căm đã lao xuống trả thù cho liên lạc Trần Ngọc Lai, buộc chúng phải rút quân.

Người Vệ út Đặng Văn Tích cũng kể rằng trước khi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, tại nhiều địa điểm trong thành phố, các chiến sỹ Vệ quốc quân, Quyết tử quân, dân quân, tự vệ đã làm lễ tuyên thệ với lời thề: “Sống chết với Thủ đô”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Đội cảm tử quân thuộc Liên khu I khi đó hơn 20 người, được xét duyệt lý lịch cẩn thận, không có bố mẹ, gia đình, không lệ thuộc vào ai. Khi có xe tăng hay xe cơ giới, các chiến sĩ cảm từ dùng bom ba càng tấn công và anh dũng hy sinh.

Tinh thần chống Pháp hừng hực khắp nơi. Dù quân địch ngày đêm tấn công vào lực lượng của ta, đàn áp nhân dân, sục xạo khắp ngõ phố nhưng lực lượng của ta vẫn kiên cường bám trụ bảo vệ Hà Nội, chống trả lại chúng, bảo vệ Hà Nội./.

ha_noi_21.jpg
Bộ đội đào giao thông hào ở Bắc Bộ Phủ, sẵn sàng quyết chiến với giặc Pháp. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
bai_ha_noi.jpg

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa