Mega Story

Hành trình về năm tháng xa xanh

28/04/2024 15:11

Bên thềm những ngày tháng Tư lịch sử, nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh và nhà báo Trần Mai Hưởng (nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) thực hiện một chuyến đi mà hai anh em mong đợi từ lâu: Thăm lại chiến trường miền Nam và gặp gỡ những đồng đội, đồng chí, nhân vật lịch sử.

banner1.png
dan-nhap-3-hanh-trinh-ve-nhung-nam-thang-xa-xanh-nb-tran-mai-huong-304-1920-x-1920-px-(1).png
dan-nhap-vao-bai-hanh-trinh-ve-nhung-nam-thang-xa-xanh-nb-tran-mai-huong-304-1920-x-1080-px-1920-x-600-px-.png
tit-phu-1-hanh-trinh-ve-nhung-nam-thang-xa-xanh-nb-tran-mai-huong-304-1920-x-1080-px-1920-x-600-px-(1).png

Chúng tôi đã qua Vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, nơi đất nước cắt chia; qua Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn-Bình Định, Phú Yên; đến Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, qua Xuân Lộc-Đồng Nai về Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Mình.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi trong hành trình là Nghĩa trang Trường Sơn, một địa chỉ linh thiêng với mọi người dân Việt Nam, đặc biệt với những ai đã sống qua thời lửa đạn. Lần nào đến đây tôi đều rất xúc động. Những lớp bia mộ trập trùng trong nắng chiều.

Theo ông Nguyễn Tất Quang, người đã dành 40 năm để làm công việc coi sóc các phần mộ liệt sỹ ở đây, Nghĩa trang Trường Sơn hiện có 10.023 ngôi mộ liệt sỹ của 61 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chúng tôi đang vòng hoa viếng ở đài tưởng niệm, thắp hương trên những ngôi mộ các các liệt sỹ vô danh, mộ của đại tá Đặng Tính và những người mở đường Trường Sơn năm xưa… Tôi từng viết khi viếng thăm các nghĩa trang trải khắp chiều dài đất nước qua các cuộc kháng chiến:

quote-vuong-1.1-hanh-trinh-ve-nhung-nam-thang-xa-xanh-nb-tran-mai-huong-304-1920-x-1920-px-(1).png

Khi qua cầu Hiền Lương bắc ngang sông Bến Hải, nơi đất nước 21 năm cách chia, tôi nhớ những dòng nhật ký chiến trường đầu năm 1972, tôi đã viết khi lần đầu đến đây:

“Trong khi chờ đò, tôi đứng trên một mỏm đất cao nhìn sang bên kia sông. Một cảm giác thật đặc biệt. Vành đai trắng im lìm. Dốc Miếu ngay trước mặt. Xa xa là Cồn Tiên bên phải, đồi 31 bên trái. Xa sau đấy nữa là Cửa Việt... Con đường số 1, đoạn gần giới tuyến bỏ hoang đã lâu, cỏ mọc um tùm. Mặt đường chi chít các hố pháo, hố bom. Giới tuyến im ắng lạ thường. Thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng pháo đềpa đâu đó trong ánh sáng của những trái hỏa châu luôn lơ lửng trên bầu trời. Cảm giác ấy có vẻ như đánh lừa người bình thường. Vì trong lòng đất, trong những dải cát dài dọc theo bờ sông, cả một cuộc sống vẫn đang tiếp diễn. Cuộc sống ấy đang đợi chúng tôi.

img_6716.jpg
Nhà báo Trần Mai Hưởng và nhà báo Trần Mai Hạnh trên cầu Hiền Lương lịch sử - hai bên vạch sơn ranh giới.

Dù đã chuẩn bị truớc, nhưng ngày đầu tiên ấy vẫn để lại ấn tượng rất đặc biệt trong tôi. O du kích mũ tai bèo, quàng ngang chiếc khăn dù cùng con đò như hiện ra từ trong cổ tích. Mặt sông loáng ánh chiều tà, in hình cây cầu Hiền Lương xiêu vẹo và chơ vơ giữa dòng. Trong lòng cây cầu ấy có một vết sơn trắng hằn ngang. Đấy là ranh giới mỏng manh phân chia hai miền đất nước chúng ta, mà để xóa đi lằn ranh ấy, máu hàng triệu người đã đổ.”

Quang cảnh Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà… đã hoàn toàn đổi khác. Những con đường mới, những khu dân cư mới chen nhau, khó lòng tìm thấy những dấu vết xưa. Cầu Hiền Lương mới bắc qua sông Bến Hải rộng và đẹp hơn nhiều, bên cạnh vẫn còn cây cầu cũ - biểu tượng của một thời.

Ngay trên cây cầu lịch sử, nơi giữa lòng vẫn còn vệt sơn trắng cách chia một thời, chúng tôi gặp lại những người quen cũ, trong đó có chị Hoàng Thị Chẩm, hay là O Chẩm, theo cách gọi vùng này. Hoàng Thị Chẩm là người du kích bắn tỉa nổi tiếng trên hàng rào điện tử McNamara năm xưa. Chị là người tôi đã viết trong bài “Trên vành đai điện tử” quen thuộc với bạn đọc từ những năm tháng ấy.

img_6726.jpg
Hai nhà báo hội ngộ O Chẩm, nữ du kích trên hàng rào điện tử McNamara xưa.

Năm 1972, sau đợt đầu của chiến dịch tổng tiến công, tôi đã về xã Trung Hải, viết về cuộc sống của người dân ở đây sau giải phóng. Tôi không bao giờ quên hình ảnh chị đưa tôi đi thăm vành đai ngày ấy. Khói đốt đồng cuộn bay khi bà con Trung Hải từ khu tập trung trở về quê cũ, chuẩn bị cho vụ lúa mới trên đất đai còn không ít bom mìn. Ngay sau giải phóng, cuộc sống mới đã bắt đầu với gia đình Hoàng Thị Chẩm và bà con vùng giới tuyến này.

Sau hoà bình, O Chẩm đã cùng gia đình làng xóm xây dựng lại cuộc sống trên quê hương. Chị đã có một gia đình hạnh phúc, yên ấm, đông con cháu. Ngoài công việc đồng áng, chị còn trở thành người hộ sinh tình nguyện, giúp chăm sóc sức khoẻ cho bà con trong vùng. Nhiều đứa trẻ ra đời trên mảnh đất từng là nơi đạn bom, chết chóc và chia ly này, dưới bàn tay của bà đỡ Hoàng Thị Chẩm.

quote-vuong-4-hanh-trinh-ve-nhung-nam-thang-xa-xanh-nb-tran-mai-huong-304-1920-x-1920-px-(2).png
Chân dung Thu Hồng, nữ đội viên du kích xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Chị đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất quê hương trong chiến dịch Tổng tiến công năm 1972.

Dốc Miếu là nơi có nghĩa trang liệt sỹ Gio Linh. Cùng các đồng nghiệp, chúng tôi đã có những khoảnh khắc không thể quên. Nghĩa trang này là nơi có mộ liệt sỹ Thu Hồng, du kích xã Gio Mỹ, người tôi chụp ảnh trước khi chị hy sinh trong những ngày đầu chiến dịch. Đầu năm 1972, lần đầu tiên tôi vượt giới tuyến sang bờ Nam công tác. Tôi đã về căn cứ của đội cách đồi 31 không xa, sát ngay chiến tuyến, gặp những người du kích, nghe họ kể chuyện về cuộc sống, chụp ảnh họ rèn luyện, học tập, sinh hoạt tại căn cứ. Trong một số hình ảnh về họ, tôi có chụp chân dung người nữ du kích, Bí thư xã đoàn Thu Hồng. Bức ảnh ấy sau đã được dùng trên báo. Người xem ấn tượng với hình ảnh của một người nữ du kích đang trong tư thế ngắm bắn, vẻ đẹp duyên dáng, mũ tai bèo mềm mại, gương mặt sáng lên trong nắng. Điều vô cùng đau xót là vài tuần sau, Thu Hồng hy sinh ngay trong ngày đầu của chiến dịch, để lại niềm thương tiếc khôn nguôi trong lòng mọi người.

Lần trở lại này, khi chúng tôi đến Nghĩa trang Dốc Miếu, những cán bộ, chiến sỹ trong đội du kích Gio Mỹ, các đồng đội của chị Thu Hồng năm xưa đã đợi sẵn. Điều đặc biệt là, khi biết tin về chuyến đi của anh Trần Mai Hạnh và tôi, chị Thu Lan, các anh Nguyễn An Trung, Nguyễn Chính Nghĩa, những người em ruột của chị Thu Hồng từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, từ Huế cùng có mặt. Chúng tôi đã đến viếng mộ liệt sỹ Thu Hồng và các liệt sỹ trong Nghĩa trang Gio Linh với lòng tưởng nhớ, biết hơn sâu sắc những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Hai nhà báo Trần Mai Hạnh, Trần Mai Hưởng hội ngộ người thân chị Thu Hồng. Ảnh cuối là nhà báo Trần Mai Hưởng thắp hương cho nữ liệt sỹ.

tit-phu-2-hanh-trinh-ve-nhung-nam-thang-xa-xanh-nb-tran-mai-huong-304-1920-x-1080-px-1920-x-600-px-1-.png

Trong chuyến đi này, nhà báo Trần Mai Hạnh và tôi có mặt ở Huế đúng ngày Huế giải phóng, 26/3/1975. Ký ức trở về với những kỷ niệm không thể nào quên trong chúng tôi.

Tôi nhớ đêm đi bộ hơn 35 km từ cầu Mỹ Chánh vào Huế 49 năm trước cùng các nhà báo Lâm Hồng Long, Ngọc Quả, Đức Kiều… Khi rút chạy, quân Sài Gòn đã giật mình phả hỏng cây cầu này nên ô tô không qua được. Chúng tôi đi bộ xuyên đêm và đến thành phố vào lúc trời rạng sáng. Khi nhìn thấy Phu Văn Lâu, sông Hương, cầu Tràng Tiền, tôi cứ nghĩ là mình đang trong một giấc mơ.

Huế khi ấy đang trong một ngày hội lớn. Không khí thật tưng bừng. Cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay trên Phu Văn Lâu, trên các tòa nhà lớn, trên các đường phố. Ghe tàu tấp nập sông Hương. Vẫn còn dấu vết cuộc tháo chạy lớn của quân đội Sài Gòn ở khắp nơi.

quote-vuong-4-hanh-trinh-ve-nhung-nam-thang-xa-xanh-nb-tran-mai-huong-304-1920-x-1920-px-(1).png

Tôi đi cùng nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long đến cửa chợ Đông Ba, rồi lên xe Jeep của các bạn sinh viên làm công tác tuyên truyền chạy dọc hai bờ sông xuống khu An Cựu, qua Vĩ Dạ, ngược lên phía cầu Bạch Hổ rồi vào thành nội... Tôi đã ngồi ngay ở bên thềm Phu Văn Lâu để viết bài “Sáng Xuân Huế đỏ cờ bay” trong con mắt tò mò của các bạn sinh viên trưa hôm ấy. Bài viết về Huế là bài đầu tiên của tôi trong những ngày Xuân 1975. Trong bài viết, tôi cố gắng ghi lại không khí thành phố trong khoảnh khắc ấy: “Huế hôm nay rạng rỡ trong nắng Xuân buổi sớm, với sông Hương, núi Ngự, và những tà áo dài tung bay... Nhưng Huế lại càng đẹp hơn với màu cờ cách mạng và những ánh mắt tràn ngập niềm vui của mọi người. Hình ảnh nổi bật của Huế trong ngày đầu giải phóng vẫn là hình ảnh lá cờ giải phóng tung bay trước cửa Ngọ Môn, chính nơi đây ngày 30/8/1945, Bảo Đại thoái vị.”

Anh Trần Mai Hạnh và tôi có một kỷ niệm đặc biệt với Huế. Ngày 4/4/1975, đoàn công tác đặc biệt của Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã Đào Tùng trên đường vào chiến trường Nam Bộ, dừng chân ở Huế. Anh Trần Mai Hạnh là thành viên trong đoàn. Hai anh em chúng tôi gặp nhau ở Huế. Khoảng khắc ấy đã được nhà nhiếp ảnh Văn Bảo ghi lại trước cửa trụ sở tổ chức “Anh Quốc bảo trợ nhỉ đồng,” sau này là trụ sở của Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Huế cho đến nay.

img_6915.jpg
Nhà báo Trần Mai Hạnh, nhà báo Trần Mai Hưởng chụp kỷ niệm trước cơ sở của một tổ chức quốc tế, nơi mà về sau được dùng làm Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Huế. Ảnh: Văn Bảo/TTXVN
dc6a7884496e156c1f41825e7729a34c.jpg
Hai ông tái hiện khoảnh khắc sau 49 năm.

Sau cuộc gặp ngắn ngủi ấy, chúng tôi lại chia tay nhau. Đoàn của Tổng Biên tập Đào Tùng, trong đó có anh Trần Mai Hạnh, rời Huế trước, qua Đà Nẵng, đến Quy Nhơn thì ngược lên Tây Nguyên, theo đường Trường Sơn vào căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng tại Tây Ninh. Tôi rời Huế sau, trong đội hình của tổ phóng viên mũi nhọn, theo cánh quân phía Đông, đi dọc theo Quốc lộ 1 xuống phía Nam. Khi ấy, hai anh em cũng không thể ngờ được là chỉ mấy tuần sau, chúng tôi từ hai hướng, theo hai cánh quân lại cùng có mặt tại Dinh Độc Lập, Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 lịch sử.

Lần này trở lại, chúng tôi lại cùng nhau chụp chung một bức ảnh đúng nơi đã chụp ảnh 49 năm trước. Hai anh em cùng nhau ra chợ Đông Ba, thăm thành nội, Phu Văn Lâu, qua cầu Trường Tiền…; cùng nhau ôn lại kỷ niệm về những ngày Xuân đã xa ấy.

tit-phu-3-hanh-trinh-ve-nhung-nam-thang-xa-xanh-nb-tran-mai-huong-304-1920-x-1080-px-1920-x-600-px-1-.png

Đà Nẵng ngày nay đã là một thành phố hiện đại, một đô thị đáng sống. Khi đi bộ dọc sông Hàn, tôi nhớ đến quang cảnh thành phố ngày đầu giải phóng với nhiều kỷ niệm đặc biệt. Chúng tôi vào thành phố khi Lãnh sự quán Mỹ còn đang bốc cháy. Cảng Đà Nẵng ngổn ngang xe cộ, vũ khí. Sân bay Đà Nẵng còn những máy bay không kịp cất cánh. Sở Chỉ huy Quân đoàn 1 của Trung tướng Ngô Quang Trưởng tan hoang… Tôi nhớ đến niềm vui, những gương mặt hồ hởi của người dân khi đón quân giải phóng. Tôi nhớ khi đứng trên cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) ngắm những chiếc đò máy cắm cờ Mặt trận nửa đỏ nửa xanh rộn rã trên sông Hàn. Tôi nhớ đến kỷ niệm về chuyến đi xe máy cùng các nhà báo Lâm Hồng Long, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm từ Huế vượt đèo Hải Vân hiểm trở để kịp có mặt sớm nhất ở thành phố lớn thứ hai miền Nam này. Từ Đà Nẵng khi ấy tôi lại một mình đi xe máy vượt đèo Hải Vân mang phim ảnh của anh em trong tổ về Đông Hà đồng thời kịp viết bài về “Đà Nẵng ngày đầu giải phóng.”

img_7028.jpg
Các phóng viên Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản và Hoàng Thiểm đang qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng giải phóng, ngày 29/3/1975. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)
img_7029.jpg
Các phóng viên Lâm Hồng Long (bìa phải) và Trần Mai Hưởng trên đường qua miền Trung trong chiến dịch Hồ Chí Minh, mùa Xuân 1975. (Ảnh: TTXVN)

Trong phần kết bài viết ký tên Trần Mai - Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng ấy có đoạn:

“Những ngày tháng ba đang đi vào lịch sử của Đà Nẵng. 10 năm trước, ngày 23/3/1965, những lính Mỹ đầu tiên đã đổ bộ lên Bán đảo Sơn Trà. Ngày 29/3/1973, hai năm trước cũng tại đây, những lính Mỹ cuối cùng đã rút khỏi miền Nam.

Tôi nhớ nhất hình ảnh mấy anh bộ đội giải phóng trẻ tuổi trước cửa trại lính Nguyễn Tri Phương, nằm trên đường Nguyễn Trường Tộ, nơi có trụ sở quân đoàn 1 của quân Sài Gòn, quân đoàn mà tư lệnh của nó, Trung tướng Ngô Quang Trưởng đã từng tuyên bố: “Phải giữ Đà Nẵng bằng bất kỳ giá nào!” Và ngay khi những lời tuyên bố đó đang được quảng cáo trên báo chí Sài Gòn thì cũng là lúc Ngô Quang Trưởng bỏ mặc các sỹ quan binh lính và quên cả mệnh lệnh của chính mình, nhảy ra tàu biển chuồn ra khơi. Anh chiến sỹ giải phóng dẫn tôi lên phòng làm việc của Ngô Quang Trưởng ở tầng hai, dãy nhà bên phải. Bản đồ hành quân, tài liệu, sách vở, ảnh kỷ niệm tung tóe trên sàn nhà. Lá cờ 3 sao (cờ Trung tướng) chúi đầu xuống đất và một bức ảnh Ngô Quang Trưởng vứt dưới chân bàn. Một anh lính trẻ đang ngồi trên chiếc ghế bành có ba ngôi sao trên nền vải trắng, ghế cấp hàm của viên tướng này. Phòng của Ngô Quang Trưởng có rất nhiều sách. Tôi với tay lấy một quyển trên giá sách, cuốn “Bão lụt miền Trung.” Khi ấy, tôi chợt nghĩ không phải bão lụt miền Trung mà chính là bão lửa miền Trung, bão lửa Việt Nam đã thiêu cháy sự nghiệp của Ngô Quang Trưởng. Và cũng chính bão táp cách mạng đã đem lại bình minh cho thành phố, để một cuộc sống mới trên thành phố cửa biển này bắt đầu.”

Ở Đà Nẵng lần này, chúng tôi có một cuộc gặp rất đặc biệt với một người Đà Nẵng. Trong bài “Đà Nẵng ngày đầu giải phóng” tôi đã viết về cô như sau:

“Một người trở về với Đà Nẵng nữa là Vĩnh An, cô gái xinh xắn, người quận 1, nguyên là học sinh trường nữ trung học Đà Nẵng, ra chiến khu hoạt động. Vĩnh An trở về thành phố của mình với tư cách là một cán bộ trong Ban công tác tuyên truyền của thành phố. Cô là một trong những người vui nhất thành phố hôm nay. Vĩnh An trong bộ quần áo ngày hội, quần đen, áo đen, măngtô màu sữa đưa nhà báo Đinh Quang Thành đi chụp ảnh bằng chiếc Honda của gia đình cô. Chốc chốc, xe của Vĩnh An phải dừng lại vì gặp gỡ bạn bè, người quen. Cô nói:

- Thật như một giấc mơ, 30 năm mới có ngày ni các anh ạ. Em đang sống những ngày hạnh phúc nhất!”

b-huong-da-nang.jpg
Các nhà báo Trần Mai Hạnh, Trần Mai Hưởng gặp gỡ với chị Vĩnh An, nhân vật trong bài “Đà Nẵng ngày đầu giải phóng“ của nhà báo Trần Mai Hưởng.

Rất may, nhà báo Lê Phạm Trần Quý của kênh truyền hình thông tấn VNews tại Đà Nẵng đã dành nhiều công sức giúp tôi tìm lại được Vĩnh An sau gần nửa thế kỷ. Cuộc gặp trong rất cảm động giữa chúng tôi - tác giả bài báo và nhân vật của mình - diễn ra tại một quán cà phê ngay bên bờ giải phóng. Sau giải phóng, Vĩnh An tiếp tục học tập, tốt nghiệp cô làm giảng viên đại học và có một gia đình yên ấm. Chồng cô là một cán bộ của Thành ủy Đà Nẵng. Cuộc gặp và trò chuyện rất cởi mở, thân tình của Vĩnh An với chúng tôi như những người thân quen sau gần nửa thế kỷ là một kỷ niệm đẹp trong chuyến trở về Đà Nẵng lần này.

tit-phu-4-hanh-trinh-ve-nhung-nam-thang-xa-xanh-nb-tran-mai-huong-304-1920-x-1080-px-1920-x-600-px-1-.png

Thành phố Quy Nhơn là một điểm đến có ý nghĩa riêng trong chuyến đi. Tháng 4/1975, đây là thành phố cuối cùng trên Quốc lộ 1 đoàn của Tổng Biên tập Đào Tùng dừng chân trước khi ngược đường lên Tây Nguyên đi tiếp. Anh Trần Mai Hạnh nhớ lại lần gặp của đoàn với lãnh đạo Bình Định khi ấy, trong đó có việc chuẩn bị cho lễ ra mắt Ủy ban quân quản và công tác thông tin tuyên truyền ở đô thị mới giải phóng.

Trong bài “Gặp những người khởi nghĩa” khi đến Quy Nhơn, tôi có viết:

“Quy Nhơn có vẻ đẹp riêng với Gềnh Ráng, núi Một và cũng là một hải cảng lớn. Thành phố đã giải phóng được mươi ngày. Cuộc sống đã trở lại bình thường. Chúng tôi đi qua những đường tấp nập người, những khu chợ lớn đông vui, nhà thờ, chùa chiền đã mở cửa trở lại. Những người công nhân hỏa xa cùng với nhân dân thành phố đã nổi dậy, cùng với lực lượng vũ trang cách mạng làm chủ Quy Nhơn. Nhiều đơn vị quân đội Sài Gòn đã mang súng trở về với lực lượng cách mạng trước đó.

Năm giờ sáng ngày 1/4/1975, lá cờ Mặt trận rộng 13 thước được kéo lên trên nóc tòa thị chính thành phố, báo tin thành phố Quy Nhơn được hoàn toàn giải phóng. Đồng bào các phường Trung Ái, Trung Kiệt... đã chiếm đồn cảnh sát Bạch Đằng. Hàng ngàn đồng bào bị giam cầm ở nhà lao Phú Tài được sự giúp đỡ của một số cảnh sát Sài Gòn khởi nghĩa đã tự giải phóng mình. Ở nhà ga, những người công nhân xe lửa đã vùng dậy cướp súng của các ‘dân vệ’ tự vũ trang, rồi chia nhau đi canh giữ từng đầu máy, toa xe. Các đầu máy lớn đã được đưa đến ga Diêu Trì, cách thành phố 11 km và được bảo vệ chu đáo. Kho máy móc ở Hầm Đá được giữ gìn nguyên vẹn. Và ngay sau khi quân giải phóng về, chuyến xe lửa đầu tiên cũng vào thành phố, kéo theo hàng chục toa xe chở người đi sơ tán trở về. Đoàn tàu treo cờ cách mạng, khẩu hiệu cách mạng, cất tiếng còi rộn vang mừng thành phố giải phóng.”

img_7109.jpg
Gặp gỡ với đồng chí Nguyễn Duy Quý (thứ ba trái sang) nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bình Định tại Quy Nhơn, ngày 30/3/2024.

Giữa một Quy Nhơn ngày nay với nhiều thay đổi, chúng tôi tìm về những chốn xưa trong ký ức của mình: Nhà ga Diêu Trì, khu tưởng niệm lịch sử đấu tranh của tổ chức Đảng đầu tiên tại đây; nhà truyền thống của Công ty Điện lực Bình Định, nơi tôi đã tới khi mới giải phóng, khi ấy đặt các máy phát của Nhà máy điện Quy Nhơn… Chúng tôi có cuộc gặp mặt rất cảm động với bác Nguyễn Duy Quý, nguyên Quyền Bí thư tỉnh ủy Bình Định. Bác Nguyễn Duy Quý là Chính ủy Trung đoàn 72, đơn vị tham gia giải phóng Quy Nhơn ngày ấy. Câu chuyện với nhà cách mạng lão thành, người đã gắn bó cả đời mình cho cuộc chiến đấu vì độc lập tự do và xây dựng cuộc sống mới trên mảnh đất này để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong chúng tôi.

Ở Nha Trang, chúng tôi đã thăm Viện Pasteur, Viện Hải dương học, khu chợ Đầm… những nơi in dấu trong ký ức của tôi ngày ấy. Chúng tôi cũng thăm lại cơ sở của Thành ủy Nha Trang những ngày đầu tiếp quản. Đấy cũng là nơi tổ phóng viên mũi nhọn chúng tôi đã ở, với sự giúp đời của thành ủy và người dân Nha Trang để sửa chưa điện đài, liên lạc với Tổng xã ở Hà Nội, phát các tin bài về nhà, trong đó các bài về cuộc sống những ngày đầu giải phóng ở Quy Nhơn và Nha Trang.

Khi ấy, cũng từ Nha Trang, chúng tôi kịp thời có mặt tại Phan Rang, khi “lá chắn thép” này bị đập tan. Trong bài “Vào Phan Rang giải phóng,” tôi viết:

vna_potal_dai_thang_mua_xuan_1975_-_thang_loi_vi_dai_nhat_tron_ven_nhat_cua_su_nghiep_giai_phong_dan_toc_5408276.jpg
Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang) chiều 28/4/1975 sau khi tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát.

“Dọc đường đi, dấu vết của những trận đánh lớn vẫn còn, xác xe quân sự, xe tăng vẫn cháy. Ở Sân bay Thành Sơn, một chiếc C130 chúi đầu trên đường băng vì chưa kịp cất cánh đã trúng đạn. Sân bay ngổn ngang vũ khí cá nhân, xe cộ, quân trang... Chúng tôi đi dọc theo Đại lộ Thống Nhất đến Dinh Tỉnh trưởng, khi đó đã là nơi làm việc của Ủy ban Quân quản… Một bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh rất lớn treo ở trung tâm thông tin gần đó. Rất đông bà con đang đứng lại nhìn ngắm. Một bác có tuổi nói với tôi: ‘Hơn 30 năm tui lại thấy hình cụ Hồ!’.”

Chúng tôi biết những người vẽ đã phải làm việc khẩn trương suốt đêm qua để kịp hoàn thành bức tranh lớn này. Đứng gác trước trung tâm lúc đó là một cô gái cao gầy, mũ tai bèo mềm mại, mặc bộ đồ nâu sẫm, gương mặt rất nhẹ nhàng. Hỏi thăm thì biết cô tên là Trần Thị Sơn. Cách đây ba năm, Trần Thị Sơn còn là một cô thợ may nghèo, ở nhà số 10, đường Lê Lợi, tham gia hoạt động. Hôm nay Sơn trở về thị xã quê hương trong niềm vui mừng và cảm động của bạn bè, của bà con cô bác. Trần Thị Sơn nói với chúng tôi: “Em gặp lại người quen, bạn bè. Ai cũng bất ngờ. Đối với riêng em, giờ phút quê hương giải phóng, giờ phút gặp gỡ cũng đột ngột quá. Ai cũng tin có một ngày, nhưng không ngờ lại là hôm nay...”

Bài viết ấy cũng một kỷ niệm đặc biệt với tôi.

img_7419.jpg
Gặp lại nữ tự vệ Trần Thị Sơn, người sau này là chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ninh Thuận.

Ngay sáng hôm sau vào Phan Rang, tôi một mình đi xe máy về Nha Trang. Đường mới, cả trăm cây số, lại đi một mình ở vùng vừa giải phóng, khá nguy hiểm. Ngoài súng ngắn, tôi mang theo cả khẩu carbin báng gấp lấy ở Sân bay Thành Sơn. Về đến Nha Trang, ngay buổi trưa ấy, tôi ngồi viết bài về Phan Rang để chuyển về cùng với báo cáo tình hình của anh em trong tổ với Hà Nội.

Trở lại Phan Rang-Tháp Chàm những ngày Xuân này, chúng tôi thăm thành phố, trở lại những nơi tôi từng đến, thăm Tháp Chàm Pô Klông Garai nổi tiếng, chợ Phan Rang, tòa hành chính tỉnh, bây giờ là trụ sở Tỉnh ủy Ninh Thuận…

Điều đặc biệt nhất ở đây là tôi đã gặp lại cô tự vệ Trần Thị Sơn mà tôi đã viết trong bài “Vào Phan Rang giải phóng.” Các phóng viên Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Ninh Thuận - Thành Đức Thử và Nguyễn Thành - đã tìm và kết nối để tôi có cuộc gặp đặc biệt này.

Nữ chiến sỹ tự vệ Trần Thị Sơn từ khi quê hương giải phóng đã tham gia nhiều công tác, sau trở thành Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, rồi Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh. Chúng tôi gặp lại Trần Thị Sơn sau 49 năm như những người anh em thân thiết. Chị rất cảm động khi tôi tặng lại bài báo về Phan Rang có nhắc đến hình ảnh của mình. Chị nói rất chân tình: “Em không thể ngờ là được gặp lại người phóng viên năm xưa, với món quà thật đặc biệt, không thể ngờ được cuộc đời mình có được may mắn, hạnh phúc như vậy!”

quote-vuong-21-hanh-trinh-ve-nhung-nam-thang-xa-xanh-nb-tran-mai-huong-304-1920-x-1920-px-.png
tit-phu-5-hanh-trinh-ve-nhung-nam-thang-xa-xanh-nb-tran-mai-huong-304-1920-x-1080-px-1920-x-600-px-1-.png

Chúng tôi về Phan Thiết, rất vui được gặp lại các đồng nghiệp tại Thông tấn xã Việt Nam: Trưởng Cơ quan thường trú Nguyễn Thanh, Phóng viên Hồng Hiếu của Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Bình Thuận; các nhà báo-nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Cương, Hữu Thành, đồng nghiệp một thời tại Báo Ảnh Việt Nam. Một buổi gặp mặt rất vui vẻ, ấm tình đồng nghiệp. (Nhà báo Lê Cương là người cùng trong tổ phóng viên chiến trường Campuchia với tôi 45 năm trước. Chúng tôi đã đi cùng các chiến sỹ tình nguyện Việt Nam vào giải phóng thủ đô Phnom Penh 45 năm trước - 7/1/1979).

Một điều rất tự nhiên, chúng tôi nhắc nhiều về nhà báo-nghệ sỹ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, người đã đi xa. Ông là một tài năng nhiếp ảnh lớn, đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về các tác phẩm “Bác Hồ bắt nhịp kết đoàn” và “Mẹ con ngày gặp mặt.” Ông lại là người con của quê hương Phan Thiết. Có một con đường mang tên Lâm Hồng Long ở thành phố này.

0-lam-hong-long-01-01-01-01.jpg

Những hồi ức nửa thế kỷ trước trở về trong tôi. Tháng 3/1975, tôi đã có dịp cùng nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long vào Huế và Đà Nẵng giải phóng. Sau đó, chúng tôi lại cùng có mặt trong tổ phóng viên mũi nhọn của Thông tấn xã Việt Nam, hành quân theo bước chân thần tốc của cánh quân phía Đông, đi dọc miền Nam đất nước, qua một loạt các thành phố, chứng kiến nhiều trận đánh để có mặt tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 lịch sử. Khoảng giữa tháng Tư, tôi đã cùng Lâm Hồng Long qua Phan Rang-Tháp Chàm, về Phan Thiết. Tôi là người mới đến đây, còn ông là người trở về mảnh đất quê hương sau 21 năm xa cách. Tôi không bao giờ quên gương mặt xúc động, những câu chuyện ông kể khi chúng tôi đèo nhau bằng xe Honda trên đoạn đường này. Tôi đã cùng ông thăm trường Dục Thanh, nơi Bác Hồ từng dạy học, gặp gỡ với những người dân Phan Thiết, chụp cảnh ghe thuyền cắm cờ giải phóng xuôi ngược trên sông Cà Ty... Anh em trong tổ mũi nhọn chúng tôi đã chứng kiến khoảnh khắc Lâm Hồng Long gặp lại những người ruột thịt trong gia đình sau bao năm tháng xa cách. Khi ấy, gia đình ông đang ở tại thị trấn La Gi-Hàm Tân, không xa Phan Thiết.

Năm 2002, tỉnh Bình Thuận đặt tên đường Lâm Hồng Long, 5 năm sau khi nhà nhiếp ảnh nổi tiếng qua đời. Đường có chiều dài 200m, bắt đầu từ ngã ba đường Võ Thị Sáu đến giáp đường Lý Thái Tổ. Lần này trở lại Phan Thiết, đi trên con đường Lâm Hồng Long, chúng tôi nghĩ nhiều về ông. Khi còn sống, Lâm Hồng Long chắc không hề nghĩ sẽ có con đường mang tên mình, bởi tính cách rất khiêm nhường, bình dị của ông. Chúng tôi cũng đã về Hàm Tân-La Gi, thăm ngôi nhà giờ đã trở thành nơi thờ tự của gia đình nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, thắp hương tưởng nhớ ông, nhà nhiếp ảnh đã để lại những tác phẩm lịch sử, mang dấu ấn một thời kỳ nhiều biến động cùa đất nước. Tại La Gi hiện nay cũng có một con đường mang tên Lâm Hồng Long.

Trong bài thơ “Khoảnh Khắc” tặng ông, tôi có viết:

“Anh ngây ngất trong mùa Xuân kỳ diệu
Chiến dịch đi như bão nổi triều dâng
Cả miền Nam tiến công, cả quê hương nổi dậy
Những ngày sục sôi cả nước lên đường.
[…]
Anh chết lặng đi vào giây phút ấy
Lời đính ước mong manh người yêu dấu vẫn chờ
21 năm đêm Nam ngày Bắc
Tay trong tay rồi Phan Thiết vẫn như mơ.”

Chúng tôi về Đồng Nai một chiều tháng Tư. Cùng các đồng nghiệp, chúng tôi đến những địa danh gắn bó trong những ngày cuối cùng của chiến tranh: Thị trấn Xuân Lộc cũ (nay là thành phố Long Thành), nơi diễn ra trận đánh quan trọng, đập tan lá chắn cuối cùng của quân Sài Gòn ở hướng Đông, nơi tổ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam gặp Sư đoàn 304 (Sư đoàn Vinh Quang kết nghĩa) như một cơ duyên đúng vào lúc thời cơ lịch sử đang đến. Chúng tôi thăm lại đồn điền cao su Ông Quế, nay là nông trường Ông Quế, nơi chúng tôi đã có những phiên làm việc bằng diện đài cuối cùng với Hà Nội vào những thời khắc quan trọng của chiến tranh; khu vực Trường Thiết giáp Nước Trong, nơi tôi đã ở cùng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 trong trận đánh rất ác liệt trước khi theo mũi đột kích thọc sâu của cánh quân phía Đông tiến vào trung tâm Sài Gòn…

Từ căn cứ Nước Trong, nhà báo Trần Mai Hạnh và tôi qua sông Buông, vượt cầu Đồng Nai theo xa lộ vào thành phố, đi đúng con đường cánh quân phía đông đã đi vào sáng ngày 30/4/75. Trên đường đi, anh Trần Mai Hạnh và tôi chia sẻ với các đồng nghiệp những kỷ niệm về thời khắc không quên ấy. Tôi theo tổ phóng viên mũi nhọn, cùng các anh Vũ Tạo, Đinh Quang Thành, Hứa Kiểm… vào thành phố từ phía Đông. Anh Trần Mai Hạnh cùng nhà nhiếp ảnh Văn Bảo, các phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng cùng đoàn quân giải phóng vào thành phố từ phía Tây.

Việc cùng có mặt ở Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 cùng các đồng nghiệp trong ngày toàn thắng là một kỷ niệm tuyệt vời nhất trong cuộc đời làm phóng viên chiến trường của hai anh em. Rất may mắn là chúng tôi đều có những đóng góp của mình trong những đóng góp của cả đội ngũ: Nhà báo Trần Mai Hạnh - người viết bài tường thuật đầu tiên “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng”; những ý tưởng hình thành từ thời khắc lịch sử ấy sau này đã giúp ông viết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75,” tác phẩm đã được trao giải thưởng cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học ASEAN. Tôi ghi lại được hình ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975,” tác phẩm được sử dụng rộng rãi như một biểu tượng cho Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử.

tit-phu-hanh-trinh-ve-nhung-nam-thang-xa-xanh-nb-tran-mai-huong-304-1920-x-1080-px-1920-x-600-px-1-(1).png

tac-gia(1).png


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hành trình về năm tháng xa xanh