covervnaustralia2.jpg

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Australia Anthony Albanese sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến ngày 4/6/2023.

Chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, được thực hiện trong bối cảnh hai nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (26/2/1973-26/2/2023).

Chuyến thăm  được kỳ vọng góp phần củng cố lòng tin giữa hai nước và làm đậm nét hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Australia.

tit1.jpg
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, Australia và Việt Nam đã xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ và bền bỉ với lợi ích đa dạng và ngày càng tăng. Quan hệ song phương giữa hai nước tiếp tục phát triển ngày càng mạnh mẽ và hiện nay Việt Nam được coi là một trong những đối tác song phương quan trọng nhất của Australia.

Hợp tác giữa Việt Nam và Australia đang có những bước phát triển tốt đẹp, nhất là từ khi hai bên nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác toàn diện vào năm 2009 và ký Tuyên bố về quan hệ Đối tác toàn diện tăng cường vào năm 2015.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Australia Anthony Albanese được kỳ vọng góp phần củng cố lòng tin giữa hai nước và làm đậm nét hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Australia.

Tháng 3/2018, nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược, mở ra trang mới trong quan hệ song phương.

Trong những năm gần đây, sự hợp tác giữa hai quốc gia đã mở rộng nhanh chóng. Quan hệ hai nước trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ an ninh, quốc phòng, thương mại, đầu tư cho đến giáo dục, du lịch, đổi mới sáng tạo. Có được bước phát triển này là nhờ những cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao hai nước, thông qua các chuyến thăm cấp cao và các cấp.

ttxvn_3105vnaustralia5.jpg
Trong chương trình thăm chính thức Australia, chiều 30/11/2022 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Canberra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Toàn quyền Australia David Hurley và Phu nhân. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Việc trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao luôn được duy trì, nổi bật thời gian gần đây là cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese (18/10/2022); Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Scott Morrison (25/5/2021) và giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Scott Morrison (21/01/2021); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hạ viện Tony Smith (07/6/2021); điện đàm giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao (4, 8, 9/2021 và 3/2022), hai Bộ trưởng Quốc phòng (11/2021).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Anthony Albanese bên lề Hội nghị Cấp cao APEC (Thái Lan, 11/2022); Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Toàn quyền và Thủ tướng Australia tại Lễ nhậm chức Nhà Vua Anh (5/2023); Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp Toàn quyền David Hurley (Philippines, 8/2022). Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Scott Morrison bên lề Hội nghị COP-26 (Anh, 11/2021), thông qua Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế Việt Nam-Australia (EEES) và Tuyên bố chung Cam kết hành động thiết thực về khí hậu; gặp Thủ tướng Anthony Albanese bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 41 (Campuchia, 11/2022) và tại Hội nghị cấp cao G7 mở rộng (Nhật, 5/2023).

Hai Bộ trưởng Ngoại giao đã ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2020-2023 (trực tuyến, 11/2020).

Về phía Australia có Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne thăm chính thức Việt Nam (tháng 11/2021) và Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong thăm chính thức (tháng 6/2022). Mới đây nhất là chuyến thăm cấp nhà nước của Toàn quyền Australia David Hurley và phu nhân tới Việt Nam (ngày 3-6/4/2023), sau đó là cuộc Hội đàm Bộ trưởng Thương mại Việt Nam-Australia tại Hà Nội (ngày 17/4/2023).

Các cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước được triển khai linh hoạt cả trực tiếp và trực tuyến. Gần đây nhất, Việt Nam đã tiến hành Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 4 với Australia (tháng 9/2022); đang thúc đẩy cơ chế Cuộc họp hai Thủ tướng Việt Nam Australia lần thứ ba. Chương trình Hành động với Australia giai đoạn 2020-2023 đang được tích cực triển khai và đạt nhiều kết quả cụ thể. Hai bên duy trì các cơ chế hợp tác song phương như Ðối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao-Quốc phòng, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ

Các cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước được triển khai linh hoạt cả trực tiếp và trực tuyến. Gần đây nhất, Việt Nam đã tiến hành Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 4 với Australia (tháng 9/2022); đang thúc đẩy cơ chế Cuộc họp hai Thủ tướng Việt Nam-Australia lần thứ ba. Chương trình Hành động với Australia giai đoạn 2020-2023 đang được tích cực triển khai và đạt nhiều kết quả cụ thể. Hai bên duy trì các cơ chế hợp tác song phương như Ðối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao-Quốc phòng, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ.

Thêm vào đó, trong "dòng chảy" hợp tác sâu rộng giữa hai nước, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Australia trong những năm qua cũng phát triển tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương, đóng góp quan trọng vào tổng thể quan hệ giữa hai nước. Quốc hội khóa XV đã thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Australia (ngày 4/10/2022).

Trong chuyến thăm chính thức Australia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (tháng 11/2022), hai bên nhất trí sẽ tiếp tục duy trì trao đổi lãnh đạo cấp cao của hai cơ quan lập pháp, tăng cường trao đổi kinh nghiệm chuyên môn về công tác lập pháp và giám sát, tạo thuận lợi cho các Nhóm Nghị sỹ hữu nghị hai nước hoạt động; đẩy mạnh giám sát, thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai các thỏa thuận đã ký kết; duy trì tham vấn, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế hợp tác đa phương, diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF)... đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Theo thời gian, Việt Nam và Australia ngày càng xích lại gần nhau hơn khi hai nước bước sang chương tiếp theo trong lịch sử quan hệ song phương. Hai nước cùng có động lực lớn để đẩy mạnh và xây dựng quan hệ dựa trên một lịch sử mạnh mẽ về tình bạn, sự chân thành và tin tưởng.

Năm 2022, Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đã bày tỏ mong muốn nâng tầm quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện.

ttxvn_3105vnaustralia7.jpg

Việt Nam và Australia ngày càng xích lại gần nhau hơn khi hai nước bước sang chương tiếp theo trong lịch sử quan hệ song phương. 

Trên 20 cơ chế hợp tác song phương được duy trì linh hoạt, trong đó có các cơ chế quan trọng như họp thường niên hai Thủ tướng, hai Bộ trưởng Ngoại giao, hai Bộ trưởng Quốc phòng và Hội nghị Đối tác kinh tế và các hợp tác giữa các địa phương. Cho đến nay, hai bên đã tổ chức Hội nghị thường niên hai Thủ tướng lần thứ 2 (trực tuyến, 01/2021), Hội nghị thường niên Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 4 (9/2022), Hội nghị Đối tác kinh tế cấp Bộ trưởng lần thứ 3 (4/2023), Đối thoại an ninh cấp Thứ trưởng (12/2022), Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao - Quốc phòng lần thứ 8 (5/2023), Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng lần thứ 3 (10/2019), Nhóm công tác về ODA (9/2019), Nhóm công tác về Thương mại (10/2019) và các cơ chế Tham vấn cấp Cục/Vụ trưởng.

Các cơ chế khác đến nay có: Đối thoại an ninh biển lần 2 (10/2019), Đối thoại Nhân quyền kỳ 18 (4/2023), Tham vấn luật pháp (8/2018), Tham vấn Lãnh sự lần 16 (12/2022), Đối thoại chính sách biển (5/2021), Đối thoại chiến lược Việt Nam – Australia (7/2021), Đối thoại hợp tác biển kênh 1 và 1,5 (11/2022), Tham vấn cấp cao về viện trợ phát triển (4/2017), Đối thoại chính sách nông nghiệp cấp cao lần 2 (5/2019), Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ cấp Thứ trưởng lần 1 (3/2016).

Hai bên hợp tác tốt trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng thông qua trao đổi đoàn, ký thỏa thuận hợp tác, hợp tác phòng chống tội phạm, quản lý xuất nhập cảnh, chống di cư bất hợp pháp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo tiếng Anh...

Hai bên đã ký MOU về hợp tác đào tạo gìn giữ hòa bình và rà phá bom mìn (2016); Không quân Hoàng gia Australia 04 lần hỗ trợ vận chuyển bệnh viện dã chiến của ta tới Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Tàu hải quân Australia nhiều lần thăm Việt Nam.

Australia là nước duy nhất đặt đại diện thường trực tại Trung tâm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó hai bên thường xuyên trao đổi thông tin tình báo, hợp tác chống khủng bố, buôn người, tội phạm ma túy... Hai bên đang trao đổi, chuẩn bị ký Thỏa thuận Đối tác Gìn giữ Hòa bình.

ttxvn_3105vnaustralia26.jpg
Quan hệ chính trị giữa hai nước ngày một gần gũi, tin cậy thông qua việc duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc trên tất cả các cấp, các kênh. Trong ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Thượng viện Australia Scott Ryan thăm chính thức Việt Nam tại Hà Nội ngày 22/1/2019. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
ttxvn_3105vnaustralia30.jpg
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Tư pháp Australia Michael Keenan ký văn kiện Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa hai nước tại Australia ngày 2/7/2014. (Ảnh: Đỗ Vân/TTXVN)
ttxvn_3105vnaustralia9.jpg
Hợp tác quốc phòng-an ninh đạt nhiều kết quả tích cực. Trong ảnh: Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đón và hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Males thăm chính thức Việt Nam (Hà Nội, 25/11/2022). (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
ttxvn_3105vnaustralia14.jpg
Hai nước đã xây dựng được mối quan hệ đối tác tin cậy, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau trong các cuộc khủng hoảng và diễn biến bất ổn. Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón và hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia Penny Wong thăm và làm việc tại Việt Nam (Hà Nội, 27/6/2022). (Ảnh: Văn Điệp/ TTXVN)
ttxvn_3105vnaustralia6.jpg
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, sáng 23/8/2019, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Phu nhân thăm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
ttxvn_3105vnaustralia23.jpg
Trong hợp tác đa phương, Việt Nam và Australia phối hợp tốt và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Trong ảnh: Ngày 19/11/2019, Australia hỗ trợ Việt Nam triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc  bằng việc huy động máy bay vận tải C-17A Globemaster III - một trong những loại máy bay vận tải quân sự lớn nhất của Australia và thế giới - để chuyên chở người và thiết bị của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 sang phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan ngày 19/11/2019. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
ttxvn_3105vnaustralia28.jpg
Ngày 19/4/2018, 3 tàu Hải quân Hoàng Gia Australia cập cảng Sài Gòn, thăm thiện chí Việt Nam . (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)
ttxvn_3105vnaustralia31.jpg
Chủ tịch Hạ viện Australia Anna Burke thăm Dự án của Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AusAID) tài trợ tại Bệnh viện mắt Trung ương (Hà Nội, 23/5/2013). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về hợp tác khu vực và quốc tế, hai nước hợp tác tốt tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, EAS, APEC, ASEM, Liên hợp quốc.

Việt Nam ủng hộ Australia ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2013-2014 và Hội đồng Tổ chức Hàng hải Thế giới (IMO) nhiệm kỳ 2016-2017. Australia ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, 2023-2025, thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019 và ECOSOC 2016-2018; Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và thành viên Hội đồng Điều hành Liên minh Bưu chính Thế giới (IPU) nhiệm kỳ 2017-2021.

Hai nước đang đảm nhiệm vị trí Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD giai đoạn 2022-2025; đang phối hợp tổ chức Diễn đàn Đối thoại cấp cao về Biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng trong năm 2023.

ttxvn_3105vnaustralia23.jpg
Trong hợp tác đa phương, Việt Nam và Australia phối hợp tốt và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
tit2.jpg

Đánh giá về sự hợp tác giữa Việt Nam và Australia, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đã nói rằng, mối quan hệ Việt Nam-Australia có rất nhiều điểm sáng, giống như khi nhìn lên bầu trời đêm đầy sao, ta không thể xác định được ngôi sao nào nổi bật.

Sự nổi bật trước tiên theo Đại sứ Goledzinowski đó là hợp tác thương mại, vì lĩnh vực hợp tác này đã phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Điều này phản ánh sự thịnh vượng ngày càng tăng của Việt Nam, nhưng cũng thể hiện bản chất bổ sung của hai nền kinh tế.

Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia, trong khi Australia tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Australia lần đầu tiên vượt ngưỡng 12,4 tỷ USD, tăng 49,4% so với năm 2020 bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Năm 2022, kim ngạch giữa hai nước đạt 15,6 tỷ USD, tăng 25,8% so với năm 2021.

Kim ngạch quý 1/2023 đạt 3,41 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 1,28 tỷ USD và nhập khẩu đạt 2,13 tỷ USD.

Phía Australia đã mở cửa cho quả vải, xoài, thanh long, nhãn, tôm đông lạnh của Việt Nam. Việt Nam cũng đang xúc tiến để Australia cho phép nhập khẩu chanh leo, chôm chôm, vú sữa, dừa tươi, sầu riêng, tôm tươi nguyên con.

Australia thúc đẩy để Việt Nam mở cửa nhập khẩu thịt hươu, thịt kangaru, mật ong, quả đào và xuân đào.

ttxvn_3105vnaustralia24.jpg
Kim ngạch thương mại hai chiều lần đầu tiên vượt ngưỡng 10 tỷ USD, đạt 12,4 tỷ USD năm 2021 và 15,6 tỷ USD  năm 2022. Trong ảnh: Từ 9/9/2019, những quả nhãn tươi của Việt Nam chính thức có mặt trên các kệ hàng tại Melbourne, bang Victoria, Australia. (Ảnh: Nguyễn Minh/TTXVN)

Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia, trong khi Australia tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam. Tính đến hết tháng 4/2023, Australia có 596 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 1,99 tỷ USD, đứng thứ 20/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Triển vọng giao thương giữa Việt Nam và Australia là rất lớn, bởi hai nước đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - một thỏa thuận thương mại thế hệ mới bao trùm và cởi mở.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Australia cũng đã công bố và triển khai thực hiện Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế, kèm theo Lộ trình thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước trong giai đoạn 2021-2025.

Chiến lược này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ và củng cố hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên các yếu tố luật lệ quốc tế, là cơ sở để đẩy mạnh thương mại tự do và cùng hợp tác giải quyết các thách thức chung. Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư hai chiều và trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau.

Tính đến hết tháng 4/2023, Australia có 596 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 1,99 tỷ USD, đứng thứ 20/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tập trung ở các lĩnh vực chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú, y tế, trợ giúp xã hội và nông, lâm, thủy sản.

Tính đến tháng 02/2023, Việt Nam đầu tư sang Australia 88 dự án với tổng vốn đầu tư là 592,3 triệu USD, đứng thứ 10/79, chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, bán buôn bán lẻ, chế biến chế tạo (riêng năm 2020, Australia đứng thứ 2 với 101,8 triệu USD, chiếm 17,2% FDI của Việt Nam).

Tiêu biểu là các dự án của tập đoàn TH 135 triệu USD, tập đoàn An Viên 18 triệu USD ở Bắc Australia; tập đoàn Vinfast 20 triệu USD ở Melbourne; VietJet ký thỏa thuận đầu tư hạ tầng sân bay ở Melbourne và đang xúc tiến mở đường bay trực tiếp với các thành phố lớn của Australia (Sydney, Melbourne, Perth…)

ttxvn_3105vnaustralia13.jpg
Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền có tổng kinh phí xây dựng 7.500 tỷ đồng, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia khoảng 160 triệu USD, đưa vào sử dụng từ ngày 27/6/2022, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Australia là một trong những đối tác song phương cung cấp ODA không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (trung bình 92,7 triệu AUD/năm kể từ 2013-2019 và 78,9 triệu AUD/năm trong giai đoạn 2020-2022).

Tháng 10/2022, Quốc hội Australia quyết định tăng 18% ODA cho Việt Nam, lên mức 92,8 triệu AUD năm 2022-2023. Tại dự toán Ngân sách 2023-2024 vừa được công bố ngày 11/5/2023, Australia tiếp tục tăng thêm 2,5% cho Việt Nan, lên mức 95,1 triệu AUD. Trong vòng 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Australia đã hỗ trợ ODA Việt Nam tổng cộng 3 tỷ AUD (khoảng 47.000 nghìn tỷ đồng).

Ngoài ra, hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, lao động, nông nghiệp... phát triển tốt đẹp và còn nhiều tiềm năng. Đáng lưu ý, hai nước đang quan tâm thúc đẩy một số lĩnh vực hợp tác mới như ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng.

Về giáo dục, Australia cung cấp nhiều học bổng theo các chương trình dài hạn và ngắn hạn cho Việt Nam. Hiện có khoảng 31.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Australia (90% theo diện tự túc).

Tính đến tháng 3/2023, có 45 chương trình liên kết, đào tạo liên thông, 200 văn kiện hợp tác, nghiên cứu chung giữa các trường Đại học, viện nghiên cứu hai nước. Bên cạnh đó, các trường đại học/học viện của hai nước đang có 37 chương trình liên kết đào tạo đang hoạt động.

Đại học RMIT đã mở 2 cơ sở (ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) với hơn 6.000 sinh viên theo học, dự kiến sẽ mở tiếp tại Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng, tăng vốn đầu tư thêm khoảng 100 triệu AUD vào Việt Nam.

Tháng 10/2021, hai nước đã ký thỏa thuận bổ sung Chương trình Phát triển Nguồn nhân lực Việt Nam-Australia giai đoạn 2021-2025, trị giá 50,1 triệu AUD. Sau gần 2 năm gián đoạn vì COVID-19, tháng 12/2021, Australia bắt đầu mở cửa biên giới, đón sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam, trở lại Australia.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, hai nước đều có thế mạnh và truyền thống phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao nhưng ở hai khu vực ngược nhau về mùa vụ và khí hậu. Việt Nam với khí hậu nhiệt đới, nóng, ẩm, mưa nhiều, đất đai màu mỡ có thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới đa dạng; Australia với khí hậu khô hạn, phần lớn phát triển các sản phẩm nông nghiệp ôn đới, bên cạnh một số vùng nông nghiệp nhiệt đới nhưng trái vụ với Việt Nam.

Sự kết hợp giữa hai nước sẽ tạo nên các sản phẩm và chuỗi cung ứng có tính chất tương hỗ phục vụ thị trường hai bên đồng thời có thể cùng xuất khẩu sang các thị trường thứ ba.

Chương trình lao động kỳ nghỉ (3/2015) cho phép công dân Việt Nam sang Australia du lịch kết hợp làm việc và hai bên nhất trí nâng hạn mức từ 200 (2015) lên 1500 người/năm kể từ tháng 9/2019.

Hai nước đã ký Bản ghi nhớ về thị thực nông nghiệp (3/2022), dự kiến sẽ đưa mỗi năm 1.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Australia trong lĩnh vực nông nghiệp; hai bên đang trao đổi, điều chỉnh theo hướng triển khai Bản ghi nhớ này theo khuôn khổ Chương trình Lao động Nam Thái Bình Dương.

Australia là một trong những nước rất tích cực hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tháng 6/2020, Australia đã trao 10,5 triệu AUD cho Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19. Tháng 3/2021, Australia công bố gói hỗ trợ toàn diện trị giá 60 triệu AUD cho ta trong công tác phòng chống dịch gồm viện trợ vaccine và hỗ trợ công tác triển khai tiêm chủng thông qua UNICEF.

Riêng về vaccine, Australia đã tài trợ cho Việt Nam 26,4 triệu liều (gồm 12 triệu liều cho người lớn và 14,4 triệu liều cho trẻ em), trở thành nhà tài trợ vaccine lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam cũng trao tặng Australia số vật tư y tế (khẩu trang) trị giá 50.000 USD (3/2021).

ttxvn_3105vnaustralia21.jpg
Là nhà tài trợ vaccine ngừa COVID-19 lớn thứ hai của Việt Nam, Australia đã cung cấp hơn 26,4 triệu liều vaccine, giúp Việt Nam kiểm soát dịch bệnh và tập trung phục hồi, phát triển kinh tế.  (Ảnh: TTXVN phát)

Trong lĩnh vực du lịch, số lượng khách du lịch Australia đến Việt Nam tăng đều qua các năm, các hãng hàng không hai nước đã nối lại các đường bay thẳng sau COVID-19 với tần suất 17 chuyến trực tiếp/tuần: năm 2019 có gần 390.000 lượt khách Australia tới Việt Nam (đứng thứ 6/10 thị trường hàng đầu); tạm ngừng do tình hình đại dịch COVID-19 từ tháng 4/2020 và được nối trở lại từ tháng 3/2022.

Số khách du lịch Việt Nam đến Australia vẫn tăng đều đặn qua các năm, đạt 125.000 lượt (2019), đứng thứ 18/57 thị trường có khách du lịch đến Australia.

Quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước đang phát triển tốt đẹp; cho đến nay đã có 15 cặp địa phương kết nghĩa, nổi bật là quan hệ kết nghĩa của một số địa phương như: Khánh Hòa-Vùng Lãnh thổ Bắc Australia (9/1999); Thành phố Hồ Chí Minh-Queensland (10/2005); Bà Rịa-Vũng Tàu-Vùng Lãnh thổ Bắc Australia (9/2007); Thành phố Hồ Chí Minh-Vùng Lãnh thổ Bắc Australia (2/2014); tỉnh Lạng Sơn và thành phố Goulburn Mulware (11/2018); Thành phố Hồ Chí Minh-New South Wales (4/2019); Đà Nẵng và thành phố Gold Coast (12/2020)…

Việt Nam đã đón Thủ hiến vùng Lãnh thổ Bắc Australia Michael Gunner (11/2018); Thống đốc bang Victoria Linda Dessau (9/2019); Thống đốc bang Queensland Paul de Jersey (5/2019); Thống đốc bang Nam Australia (10/2022); Thống đốc bang New South Wales (21-24/5).

dohoa.jpg

Nhìn lại những thành quả nổi bật trong quan hệ Việt Nam-Australia, chắc chắn đây sẽ là nền tảng tạo khuôn khổ, định hướng tầm nhìn dài hạn cho quan hệ hai nước thời gian tới. Việt Nam và Australia sẽ không ngừng nỗ lực xây dựng một chặng đường mới cho quan hệ song phương, mà trên chặng đường đó, hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác về kinh tế-thương mại, an ninh… thực chất, hiệu quả hơn.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), thời gian qua hai nước Việt Nam và Australia đã tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy giao lưu hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Điển hình như việc phối hợp triển khai chuỗi hội thảo xúc tiến thương mại, giáo dục, văn hóa và ẩm thực.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, ngoài việc cùng nhau tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước sẽ xem xét nâng quan hệ với Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện vào thời điểm phù hợp.

Năm 2023, hai nước cũng tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, ở cả kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân; đồng thời, thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động; giáo dục đào tạo; khoa học-công nghệ; quốc phòng-an ninh, hợp tác giữa các địa phương, cũng như mở thêm đường bay trực tiếp giữa các thành phố lớn của hai nước.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 3-4/6 của Thủ tướng Australia Anthony Albanese tiếp tục mang nhiều ý nghĩa, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược, gia tăng tình cảm nồng ấm, củng cố lòng tin chiến lược giữa hai nước, ở cấp độ nhân dân cũng như ở cấp cao.

Đây là chuyến thăm chính thức thứ hai của Thủ tướng Australia Anthony Albanese tới một quốc gia Đông Nam Á kể từ khi nhậm chức và là chuyến thăm chính thức thứ ba của một thủ tướng Australia đến Việt Nam.

Chuyến thăm lần này đánh dấu một trong những sự kiện quan trọng nhất trong quan hệ giữa hai nước nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, do đó được hai bên đặt nhiều kỳ vọng.

Thứ nhất, chuyến thăm sẽ tạo khuôn khổ mới cho quan hệ hai nước trên tất cả các kênh, tiếp tục làm sâu sắc lòng tin chiến lược, hướng tới tầm nhìn chung của hai nước trong 50 năm tới.

Thứ hai, chuyến thăm sẽ tạo xung lực cho hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng như văn hóa, đầu tư, lao động, giao lưu nhân dân thông qua việc thiết lập các cơ chế và hoạt động song phương phù hợp, triển khai các biện pháp đưa quan hệ hai nước phát triển toàn diện hơn, tương xứng với tiềm năng và mong muốn của lãnh đạo cũng như nhân dân hai nước.

Thứ ba, chuyến thăm sẽ mang lại đột phá trong quan hệ kinh tế, mở ra cơ hội mới trong hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, năng lượng sạch, giúp định hướng rõ nét hơn đối với hợp tác địa phương, làm sâu sắc thêm và nâng tầm hợp tác đa phương./.

ttxvn_3105vnaustralia25.jpg
 Chiều 15/3/2019, tàu Morotai trọng tải 40.000 tấn của Tập đoàn CMA CGM (Australia) cập Cảng Container quốc tế SP-ITC (Quận 9, TP Hồ Chí Minh) theo lộ trình từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Australia và ngược lại. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Australia