Mega Story

NÂNG HẠNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN: NHỮNG 'NÚT THẮT' CẦN THÁO GỠ VÀ CƠ HỘI VÀNG TRONG TẦM TAY

17/01/2025 15:01

Trong không khí đón chào Xuân Ất Tỵ, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một kênh dẫn vốn chủ lực cho nền kinh tế đồng thời hướng đến những mục tiêu phát triển cao hơn trong năm 2025. Việc nâng hạng thị trường chứng khoán lên "thị trường mới nổi" là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành, mở ra cơ hội thu hút dòng vốn quốc tế và nâng cao uy tín của thị trường tài chính Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về tiến trình này cũng như những định hướng và giải pháp trong năm mới.

9.png

Trong không khí đón chào Xuân Ất Tỵ, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một kênh dẫn vốn chủ lực cho nền kinh tế đồng thời hướng đến những mục tiêu phát triển cao hơn trong năm 2025.

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán lên "thị trường mới nổi" là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành, mở ra cơ hội thu hút dòng vốn quốc tế và nâng cao uy tín của thị trường tài chính Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn về tiến trình này cũng như những định hướng và giải pháp trong năm mới, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn với ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

20.png

- Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong tiến trình nâng hạng lên "thị trường mới nổi". Xin ông chia sẻ về kết quả, thách thức và kế hoạch trong năm 2025 để đạt mục tiêu này?

Ông Bùi Hoàng Hải: Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên "thị trường mới nổi" theo chuẩn FTSE Russell và MSCI là một mục tiêu quan trọng và mang tính chiến lược, không chỉ giúp thu hút dòng vốn quốc tế mà còn nâng cao uy tín của thị trường tài chính Việt Nam. Trong năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nỗ lực thực hiện nhiều cải cách quan trọng để đáp ứng các tiêu chí nâng hạng.

Một trong những điểm nhấn là việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024 (có hiệu lực từ tháng 11/2024). Thông tư này đã bổ sung quy định về giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và đề ra lộ trình triển khai công bố thông tin bằng tiếng Việt đồng thời bằng tiếng Anh. Các giải pháp và quy định mới trong Thông tư số 68/2024/TT-BTC phù hợp và có tính khả thi cao, được các tổ chức quốc tế và tổ chức xếp hạng đánh giá tích cực đến quá trình xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này là một bước tiến quan trọng, cho thấy sự quyết tâm của chúng ta trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

11.png

Tuy nhiên, để nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ, tăng cường minh bạch thông tin và nâng cao chất lượng quản trị công ty. Cơ quan quản lý cần tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đáp ứng các tiêu chí chặt chẽ từ các tổ chức quốc tế như FTSE Russell và MSCI. Chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế giao dịch, nâng cao tính minh bạch của thị trường và tăng cường chất lượng quản trị doanh nghiệp.

Năm 2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tập trung vào việc hợp tác với các tổ chức quốc tế để thúc đẩy quá trình nâng hạng. Cụ thể, cơ quan đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư, làm việc với các tổ chức cung cấp chỉ số để đảm bảo các tiêu chí được đáp ứng đầy đủ. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết cải thiện quản trị theo chuẩn mực quốc tế, công bố thông tin bằng tiếng Anh và nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi tin rằng với những nỗ lực không ngừng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng tiến gần hơn tới mục tiêu nâng hạng, mở ra cơ hội mới cho sự phát triển của thị trường và nền kinh tế nói chung.

vna_potal_hoat_dong_cua_bo_truong_tai_chinh_ho_duc_phoc_tai_singapore_7524288.jpg
Từ ngày 4 đến 7/8/2024, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính nhằm giới thiệu các tiềm năng đầu tư tài chính, chứng khoán của Việt Nam với các nhà đầu tư Singapore và quốc tế. (Ảnh: Lê Dương/TTXVN)

- Năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tích cực triển khai các cuộc xúc tiến đầu tư nước ngoài, xin Phó Chủ tịch cho biết đánh giá và sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài về thị trường chứng khoán Việt Nam?

Ông Bùi Hoàng Hải: Năm 2024 đánh dấu sự gia tăng mạnh mẽ trong mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư quốc tế do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và Singapore, chúng tôi đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm nhà đầu tư tổ chức, các quỹ tài chính lớn và các doanh nghiệp. Đây không chỉ là cơ hội để quảng bá tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam mà còn là cầu nối giúp cơ quan quản lý đối thoại trực tiếp với nhà đầu tư quốc tế, lắng nghe ý kiến đóng góp và giải đáp các thắc mắc.

Việc triển khai Thông tư 68/2024/TT-BTC đã giúp cải thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Từ ngày 02/11/2024 khi Thông tư có hiệu lực thi hành đến nay, 100% giao dịch khớp lệnh của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài theo quy định mới đều được thanh toán đúng hạn. Điều này cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào cơ chế vận hành của thị trường chứng khoán Việt Nam.

13.png

Bên cạnh đó, việc tăng cường minh bạch thông tin và thúc đẩy các hoạt động quản trị doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế đã góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Các chương trình xúc tiến đầu tư không chỉ giúp giải đáp thắc mắc mà còn giới thiệu về các cơ hội mới, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ, năng lượng tái tạo và sản xuất bền vững.

Tuy nhiên, để duy trì và phát triển sự quan tâm này, thị trường chứng khoán Việt Nam cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Điều này bao gồm việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao dịch, tăng cường tính minh bạch trong công bố thông tin và đảm bảo các chính sách pháp lý luôn đồng bộ, ổn định. Chúng tôi tin rằng với những nỗ lực không ngừng nghỉ, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn quốc tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

vna_potal_ubtv_quoc_hoi_cho_y_kien_ve_mot_so_luat_va_du_an_luat__7643323.jpg
Phiên họp thứ 38, ngày 10/10/2024, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
21.png

- Ông đánh giá thế nào về những kết quả nổi bật mà thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được trong năm qua?

Ông Bùi Hoàng Hải: Năm 2024 là một năm đầy thách thức đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, song dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành cùng sự nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường đã duy trì được sự ổn định, an toàn và phát triển. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của thị trường chứng khoán như một kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế đồng thời góp phần duy trì niềm tin của nhà đầu tư.

Cụ thể, chỉ số VN-Index đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng gần 12,1%, đạt 1.266,78 điểm vào cuối năm. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng tăng mạnh, đạt 7.173 nghìn tỷ đồng, tăng 20,8% so với cuối năm 2023, tương đương 70,2% GDP ước tính năm 2023. Thanh khoản thị trường cũng được cải thiện đáng kể với giá trị giao dịch bình quân đạt 21.008 tỷ đồng/phiên, tăng 19,5% so với năm trước.

Thị trường trái phiếu niêm yết cũng có những bước tiến tích cực với giá trị trái phiếu niêm yết tăng 13,8% so với cuối năm 2023, tương đương 22,6% GDP ước tính năm 2023. Đặc biệt là sau hơn một năm vận hành thị trường thứ cấp cho giao dịch các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, đến cuối tháng 11/2024 đã có 1.149 mã trái phiếu của 254 tổ chức phát hành được ghi nhận trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Điều này cho thấy sự hiệu quả của chính sách tháo gỡ khó khăn về tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

12.png

Một điểm đáng chú ý khác là số lượng tài khoản đầu tư đã đạt 9,3 triệu vào cuối tháng 12/2024, tăng 27,5% so với cuối năm 2023, chiếm hơn 9% dân số. Con số này cho thấy sức hút ngày càng tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với nhà đầu tư đồng thời là minh chứng cho sự quan tâm và tin tưởng của người dân vào thị trường.

Cuối cùng, việc Quốc hội thông qua Luật số 56/2024/QH15 với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán vào ngày 29/11/2024 là một dấu mốc quan trọng. Luật mới tập trung vào ba nhóm chính sách chính là tăng cường minh bạch, nâng cao hiệu quả giám sát và tháo gỡ vướng mắc thực tiễn. Đây sẽ là nền tảng pháp lý quan trọng để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững hơn trong những năm tới.

Những thành tựu này là kết quả của sự nỗ lực từ nhiều phía: cơ quan quản lý, doanh nghiệp cho đến nhà đầu tư và là minh chứng cho sự trưởng thành của thị trường chứng khoán Việt Nam.

vna_potal_le_danh_cong_khai_truong_giao_dich_chung_khoan_dau_nam_2025_7786841.jpg
Sáng 2/1/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu năm 2025, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

- Năm 2024, các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán có xu hướng giảm cho thấy thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch hơn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã và sẽ làm gì để tiếp tục phát huy kết quả trên?

Ông Bùi Hoàng Hải: Năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp mạnh mẽ để đảm bảo tính minh bạch và kỷ cương trên thị trường chứng khoán, góp phần nâng cao niềm tin của nhà đầu tư. Chúng tôi đã tập trung vào việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trong năm qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 604 quyết định xử phạt đối với 260 cá nhân và 344 tổ chức, trong đó xử phạt 8 cá nhân trong 4 vụ việc thao túng. Các hình thức xử phạt rất đa dạng, bao gồm đình chỉ giao dịch có thời hạn, buộc hủy bỏ hoặc cải chính thông tin sai lệch, thu hồi quyền biểu quyết và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp. Ngoài các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, chúng tôi cũng áp dụng các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thị trường đối với nhiều cá nhân, tổ chức có hành vi thao túng, cho mượn tài khoản bằng cách cấm giao dịch, cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán/công ty quản lý quỹ, thậm chí xem xét thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với các trường hợp nghiêm trọng.

14(1).png

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cơ quan Công an và Thanh tra Tài chính, để xác minh và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Chúng tôi cũng nâng cao hiệu quả của các tuyến giám sát từ các sở giao dịch chứng khoán, đảm bảo phát hiện kịp thời các giao dịch bất thường, hạn chế tối đa rủi ro cho thị trường. Nhờ những nỗ lực này, số lượng vi phạm trên thị trường chứng khoán năm 2024 đã giảm đáng kể so với các năm trước đồng thời nâng cao tính minh bạch và sự chuyên nghiệp trong vận hành thị trường.

Trong năm 2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác giám sát của các tuyến giám sát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm mới. Chúng tôi cũng đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán qua nhiều hình thức (như hội thảo, các kênh truyền thông đa phương tiện…). Điều này không chỉ giúp nâng cao nhận thức của nhà đầu tư mà còn giảm thiểu các hành vi vi phạm do thiếu kiến thức. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một thị trường chứng khoán minh bạch, công bằng và hiệu quả, nơi mà mọi nhà đầu tư đều có cơ hội tiếp cận thông tin và được bảo vệ quyền lợi một cách tốt nhất.

vna_potal_chung_khoan_bao_viet_ra_mat_nhieu_chuong_trinh_khuyen_mai__7657826.jpg
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác giám sát của các tuyến giám sát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm mới. (Ảnh: TTXVN)

- Xin Phó Chủ tịch chia sẻ thêm về các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp điều hành thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025, hướng tới mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt?

Ông Bùi Hoàng Hải: Năm 2025 sẽ là năm bản lề trong việc định hướng phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tập trung vào việc hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ, tiếp tục xây dựng thị trường chứng khoán phát triển theo hướng hiệu quả, hiện đại, ngày càng tiệm cận với những chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Cụ thể, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ tiếp tục được bổ sung và cải tiến, đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong triển khai thực tiễn. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp được đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đạt mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập.

Song song với việc hoàn thiện khung pháp lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục tổ chức vận hành thị trường hoạt động ổn định, thông suốt, đặc biệt chú trọng vào hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống giao dịch mới. Chúng tôi hiểu rằng, một hệ thống giao dịch hiện đại và ổn định là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư và đảm bảo tính minh bạch cho thị trường.

vna_potal_thu_tuong_chu_tri_hoi_nghi_phat_trien_thi_truong_chung_khoan_nam_2024_7245876.jpg
Ngày 28/2/2024, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu tham dự Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển Thị trường Chứng khoán năm 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngoài ra, công tác sắp xếp lại thị trường, phân bảng công ty niêm yết cũng sẽ tiếp tục triển khai phù hợp với điều kiện phát triển của thị trường. Chúng tôi cũng sẽ ưu tiên triển khai các nghiên cứu và phát triển thị trường mới, như thị trường giao dịch tín chỉ carbon và các sản phẩm tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhằm đa dạng hóa cơ hội đầu tư.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, từ đó đảm bảo kỷ cương và tính minh bạch của thị trường. Điều này sẽ được thực hiện thông qua thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất cùng với việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khác. Bên cạnh đó, việc cải cách hành chính và áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý sẽ giúp tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường.

Mặt khác, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không ngừng thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm tăng cường học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản lý thị trường. Các sự kiện lớn (như Hội nghị Tiểu ban Khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IOSCO) sẽ được tổ chức để nâng cao uy tín và vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Cuối cùng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của nhà đầu tư thông qua các chương trình đào tạo, hội thảo và truyền thông đại chúng. Điều này không chỉ giúp xây dựng một cộng đồng nhà đầu tư chuyên nghiệp mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững và ổn định của thị trường chứng khoán trong tương lai./.

vna_potal_thu_tuong_chu_tri_hoi_nghi_phat_trien_thi_truong_chung_khoan_nam_2024_7246064-1-.jpg
Ngày 28/2/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển Thị trường Chứng khoán năm 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Xin cảm ơn ông!

tac-gia(1).png

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NÂNG HẠNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN: NHỮNG 'NÚT THẮT' CẦN THÁO GỠ VÀ CƠ HỘI VÀNG TRONG TẦM TAY