Mega Story

Phát huy giá trị di sản thế giới của Việt Nam, xây dựng thương hiệu quốc gia

08/09/2022 11:18

Trong thời kỳ toàn cầu hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản là nhiệm vụ quan trọng đóng góp vào công tác đối ngoại, nâng cao hình ảnh đất nước, góp phần xây dựng thương hiệu địa phương cũng như thương hiệu quốc gia.

anh-cover(1).jpg

Trong thời kỳ toàn cầu hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản là nhiệm vụ quan trọng đóng góp vào công tác đối ngoại, nâng cao hình ảnh đất nước, góp phần xây dựng thương hiệu địa phương cũng như thương hiệu quốc gia.

Từ khi tham gia Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972) do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xây dựng, Việt Nam đã đạt những bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản thế giới, được sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế.

Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới

Năm 2022 là tròn 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO nhất trí thông qua. UNESCO đã lựa chọn chủ đề chính cho lễ kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 là “50 năm tới: Di sản thế giới - nguồn lực cho tự cường, tính nhân văn và đổi mới sáng tạo” (World Heritage for Resilience and Sustainable Development). Đây là thông điệp phù hợp trong bối cảnh các quốc gia đẩy mạnh nỗ lực thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững và tăng cường năng lực ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là biến đổi khí hậu, dịch bệnh...

Lễ kỷ niệm tại Việt Nam mở đầu cho chuỗi các hoạt động thế giới kỷ niệm Công ước 1972 và đánh dấu 35 năm Công ước được thực thi ở Việt Nam, trước khi diễn ra Lễ kỷ niệm toàn cầu tại Florence, Italy vào tháng 11/2022.

Sự kiện này được đánh giá góp phần thể hiện vai trò, đóng góp, trách nhiệm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế nhằm tôn vinh, phát huy hơn nữa giá trị của Công ước đặc biệt quan trọng này, đồng thời quảng bá thành tựu của Việt Nam trong bảo tồn và phát huy di sản thế giới, khẳng định vị thế của Việt Nam trong khuôn khổ cơ chế UNESCO.

ttxvn_unesco.jpg

Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azoulay phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Với trách nhiệm quốc tế, sự kiện này kỳ vọng góp phần cụ thể hóa các biện pháp triển khai thực hiện Bản Ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam ứng cử là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, tăng cường hơn nữa hợp tác Việt Nam-UNESCO trong thời gian tới.

Công ước 1972, được UNESCO thông qua ngày 16/11/1972, có hiệu lực từ ngày 17/12/1975, là Công ước quốc tế Công ước quốc tế đầu tiên và duy nhất gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo vệ di sản văn hóa, mang đến một cách tiếp cận mới với những cơ sở pháp lý cần thiết, đảm bảo mối quan hệ cân bằng, hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Đây cũng là công ước có ảnh hưởng sâu rộng nhất, được 194 quốc gia trên thế giới phê chuẩn. Sau 50 năm kể từ khi ra đời, Công ước vẫn chưa thay đổi với 8 chương, 38 điều, đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng về di sản thế giới, như xác định các loại địa điểm tự nhiên hoặc văn hóa có thể được xem xét để ghi vào Danh sách Di sản Thế giới; đặt ra nhiệm vụ của các quốc gia thành viên trong việc bảo vệ, giữ gìn các di sản được vinh danh; thực hiện nghiên cứu khoa học, kỹ thuật để áp dụng các biện pháp giúp các Di sản tạo ra sinh kế cho người dân. Nó đã giúp các nước thành viên gắn kết việc bảo vệ di sản với chiến lược quy hoạch, phát triển địa phương; bảo vệ bền vững không chỉ di sản thế giới mà cả các di sản ở mỗi quốc gia.

Phát huy giá trị di sản gắn với thương hiệu quốc gia

Việt Nam chính thức gia nhập và trở thành quốc gia thành viên từ ngày 19/10/1987. Từ đó, hệ thống pháp luật về di sản văn hóa được xây dựng dần tiệm cận với tinh thần của Công ước, bộ máy quản lý di sản thế giới từ trung ương đến địa phương dần được củng cố, các nguồn lực để bảo vệ di sản thế giới được ưu tiên, huy động tối đa. Việt Nam hiện tại có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Năm trong số đó là di sản văn hóa, hai di sản tự nhiên và một di sản hỗn hợp. Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long là những di sản thiên nhiên. Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Thành nhà Hồ là những di sản văn hóa.

ttxvn_danh-thang-trang-an.jpg

Thủy đình - một địa danh nổi tiếng trong Khu du lịch sinh thái Tràng An. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản hỗn hợp duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á và là một trong số ít 38 di sản hỗn hợp được UNESCO công nhận. Tràng An là di sản kép (Di sản văn hóa và thiên nhiên) đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Từ sau năm 1987, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Việc này được thể hiện qua hệ thống pháp luật về di sản văn hóa được xây dựng dần tiệm cận với tinh thần của Công ước. Đặc biệt, Luật Di sản văn hóa đã được Quốc hội nước thông qua ngày 29/6/2001 với 74 điều, chia làm 7 chương quy định hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hóa ở Việt Nam.

Sự ra đời của Luật Di sản văn hóa cùng với hệ thống văn bản dưới luật đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tác động tích cực đến đời sống xã hội khi đi vào cuộc sống. Bộ máy quản lý di sản thế giới từ trung ương đến địa phương cũng đang được củng cố, các nguồn lực để bảo vệ di sản thế giới được ưu tiên, huy động tối đa, đồng thời luôn tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế để bảo vệ di sản thế giới...

kathryn-aleksa-TGZOlT-A24s-unsplash-min.jpg

Nhờ thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, hơn 30 năm qua, Việt Nam đã có gần 50 di sản được UNESCO vinh danh.


Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn với các hoạt động kinh tế-xã hội của địa phương, với các sinh hoạt cộng đồng, gắn với công tác giáo dục truyền thống và bảo vệ môi trường. Các giá trị của di sản cũng được định hướng xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn du khách. Người dân ý thức được tầm quan trọng và lợi ích của hoạt động này để nâng cao mức sống vật chất và tinh thần, cho nên ngày càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhờ thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, hơn 30 năm qua, Việt Nam đã có gần 50 di sản được UNESCO vinh danh, trong đó có 28 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới; 8 di sản thế giới; 3 di sản tư liệu thế giới; 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới; 3 công viên địa chất toàn cầu. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Việt Nam mà còn là cơ hội để cộng đồng quốc tế chia sẻ và thưởng thức các giá trị văn hóa, tinh thần của Việt Nam.

ttxvn_thanh-nha-ho.jpg
Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ bao gồm vùng đệm 5.078,5ha, gồm toàn bộ tòa thành đá, la thành, hào thành. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Các di sản thế giới tại Việt Nam đã và đang đóng góp hiệu quả, tích cực vào phát triển bền vững kinh tế-xã hội, tạo công ăn việc làm tại địa phương, cộng đồng, góp phần phát triển du lịch, thương mại, đầu tư; quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa, lịch sử, truyền thống của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Trong khuôn khổ cơ chế UNESCO nói chung và Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới nói riêng, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, uy tín, luôn hoàn thành tốt, chất lượng các nghĩa vụ thành viên, được cộng đồng quốc tế công nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, trong giai đoạn 2013-2017, Việt Nam được tín nhiệm, bầu là thành viên Ủy ban Di sản thế giới, cơ quan gồm 21 quốc gia đại diện các nước thành viên Công ước 1972 thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trên phạm vi toàn cầu.

francesca-hotchin-p5EiqkBYIEE-unsplash-min.jpg

Trong giai đoạn 2013-2017, Việt Nam được tín nhiệm, bầu là thành viên Ủy ban Di sản thế giới, cơ quan gồm 21 quốc gia đại diện các nước thành viên Công ước 1972 thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trên phạm vi toàn cầu.

Mới đây, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 9 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003), Việt Nam đã trúng cử Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 nhiệm kỳ 2022-2026 với 120 phiếu bầu, cao nhất trong số các nước trúng cử. Đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhận trọng trách này tại cơ quan điều hành then chốt về văn hóa của tổ chức UNESCO. Điều này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu.

Các quốc gia thành viên Công ước 2003 cho rằng những kinh nghiệm, hiểu biết và nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở cả phương diện lý luận, luật pháp và thực tiễn là bài học tốt cho nhiều quốc gia ở khu vực và quốc tế.

Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thực thi Công ước một cách hiệu quả, thiết thực, góp phần bảo vệ khẩn cấp những di sản có nguy cơ bị mai một, gìn giữ những di sản đại diện cho nhân loại và quảng bá những hình mẫu di sản được bảo vệ tốt trên thế giới./.

ttxvn_hoang-thanh-thang-long.jpg
Du khách tham quan Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát huy giá trị di sản thế giới của Việt Nam, xây dựng thương hiệu quốc gia