Mega Story

Thể thao Việt Nam năm 2023: 'Năm bản lề để hướng tới Olympic Paris 2024'

Việt Anh 28/12/2023 16:00

Nhìn lại một năm 2023 đầy biến động của Thể thao Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến đã có đánh giá về những thành tích đạt được trong năm cũ đồng thời chia sẻ về mục tiêu và chiến lược phát triển của Thể thao nước nhà trong năm mới 2024.

vnp_thethaovietnam(2).png

Nhân dịp năm mới 2024, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus có cuộc phỏng vấn với Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao, bà Lê Thị Hoàng Yến.

Lãnh đạo Ngành Thể thao Việt Nam đã có những đánh giá về thành tích của Thể thao nước nhà trong năm cũ với điểm nhấn SEA Games 32 và Đại hội Thể thao châu Á - ASIAD 19 đồng thời chia sẻ về những mục tiêu quan trọng trong năm mới với cả thể thao phong trào và thành tích cao.

- Nhìn lại một năm nhiều biến động của Thể thao Việt Nam, bà đánh giá thế nào về những thành tích đã đạt được trong năm 2023 của Thể thao nước nhà?

Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến: Năm 2023 là một năm nhiều hoạt động và nhiều sự kiện quan trọng, đặc biệt ở những đại hội thể thao quốc tế mà Việt Nam tham dự là Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 32 và Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á - ASEAN Para Games 12 tổ chức tại Campuchia; Đại hội Thể thao châu Á - ASIAD 19 và Đại hội Thể thao Người Khuyết tật châu Á - Asian Para Games 4 tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc.

Với môn “thể thao vua” là Bóng đá, Đội tuyển Nữ của chúng ta đã có lần đầu tiên tham dự Vòng Chung kết Giải Bóng đá Nữ Vô địch Thế giới FIFA World Cup 2023 tổ chức tại Australia và New Zealand.

Trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, các vận động viên của Thể thao Việt Nam sẽ tham dự nhiều đại hội, giải đấu khác nhằm cố gắng tìm kiếm cơ hội, thi đấu giành vé để tham dự Vòng Chung kết Thế Vận hội Mùa Hè - Olympic Paris 2024.

Bên cạnh những sự kiện thể thao trong nước và quốc tế, nhiều đề án và chiến lược cũng đã được Cục Thể dục Thể thao trình Chính phủ để chờ phê duyệt về Chiến lược Phát triển Thể dục Thể thao đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 cùng rất nhiều văn bản khác về quy phạm pháp luật, thông tư, nghị định...

z5011305969943_c0db341f1cccbce46d2307c4da184a51.jpg
Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến (trái) chụp ảnh với Tuyển thủ Bóng đá Nữ Quốc gia Hoàng Thị Loan. (Ảnh: NVCC)

Có thể nói, 2023 là một năm đầy bận rộn đối với Thể thao Việt Nam, chúng ta đã giành được những thành tích nhất định trên các đấu trường khu vực và châu lục.

Có thể nói năm 2023 là năm bản lề để Thể thao Việt Nam tiến đến những sự kiện rất lớn trong năm mới 2024.

Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến

- Có ý kiến cho rằng Thể thao Việt Nam có thể dễ dàng "thống trị" trong khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên khi bước ra những sân chơi lớn thì Việt Nam mới chỉ đạt được những thành tích tối thiểu. Bà đánh giá thế nào về nhận định này?

Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến: Có thể nói ở thời điểm hiện tại, trình độ và những điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động thể thao ở Việt Nam đang phù hợp với tầm vóc của khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng dù SEA Games được đánh giá là một sân chơi vừa sức thì cũng không hề dễ dàng để Thể thao Việt Nam "thống trị" Đông Nam Á. Các vận động viên, huấn luyện viên cũng như nhiều cơ quan quản lý nhà nước đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể giành được những tấm huy chương quý giá về cho thể thao nước nhà tại đấu trường khu vực.

Nhìn lại hành trình phát triển trải qua những giai đoạn khó khăn từ năm 1989-1995 - khi những tấm Huy chương Đồng cũng là cả một niềm mơ ước - cho đến những tấm Huy chương Vàng đầu tiên của sau này và mới nhất là vị trí dẫn đầu trên Bảng tổng sắp Huy chương của khu vực Đông Nam Á là cả một bước tiến dài của Thể thao Việt Nam.

z5011299015036_6f3383b1ef3c59426ff2aeda2e6b6b3b.jpg
Xạ thủ Phạm Quang Huy của Đội tuyển Bắn súng mang về tấm Huy chương Vàng đầu tiên cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại Đại hội Thể thao châu Á 2023 (Asian Games - ASIAD 19). (Ảnh: NVCC)

Thành công tại sân chơi khu vực tuy nhiên đối với các đấu trường lớn ở châu Á và thế giới như Thế Vận hội Olympic, Thể thao Việt Nam vẫn đang còn một khoảng cách rất xa để có thể giành được những tấm Huy chương Vàng.

Đặc biệt, trong bối cảnh có nhiều môn thể thao tại châu Á sở hữu những nhà vô địch thế giới như Cầu lông, Bóng bàn, Thể dục Dụng cụ (Trung Quốc), Cầu mây (Thái Lan), Taekwondo (Hàn Quốc), Pencak Silat (Indonesia)... thì Thể thao Việt Nam lại càng gặp nhiều khó khăn và phải "giành giật" từng tấm huy chương - như ở kỳ Đại hội Thể thao châu Á ASIAD 19 gần nhất mà Đoàn Thể thao Việt Nam chỉ hoàn thành chỉ tiêu tối thiểu với 3 tấm Huy chương Vàng.

- Vậy theo bà, đâu là những khó khăn đang "cản bước" Thể thao Việt Nam tại các sân chơi lớn của châu lục và thế giới? Cục Thể dục Thể thao đã có những kế hoạch, giải pháp gì để cải thiện thành tích của thể thao nước nhà?

Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến: Hiện nay, mức độ đầu tư các điều kiện đảm bảo cho Thể thao Việt Nam về kinh phí, nguồn lực, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật... vẫn còn nhiều hạn chế - ở cả cấp Trung ương và địa phương.

Nhìn sang các nước bạn ở Đông Nam Á, các quốc gia trong khu vực đã có sự đầu tư rất lớn nhằm hướng đến mục tiêu giành được những tấm huy chương ở tầm châu lục và thế giới, như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines đều có điều kiện tập luyện, điều kiện thi đấu, cơ sở hạ tầng... tốt hơn so với Việt Nam.

Với nền tảng cơ sở hạ tầng tốt, nhiều quốc gia đã từng đăng cai những Đại hội Thể thao lớn như SEA Games, đặc biệt một số quốc gia như Indonesia, Thái Lan... đã từng đăng cai Đại hội Thể thao châu Á-ASIAD.

Để có những điều kiện đảm bảo phát triển thể thao, một quốc gia cần phải có cơ sở tập luyện tốt: Từ sân điền kinh, sân bóng đá đến các nhà thi đấu...; có phòng tập thể lực, có phòng hồi phục...; có đội ngũ chuyên gia, huấn luyện viên thể lực, huấn luyện viên tâm lý, bác sỹ... và đặc biệt là đầu tư khoa học-kỹ thuật nhằm phục vụ hỗ trợ phát triển thể thao.

Đây cũng là điều kiện mà Thể thao Việt Nam còn thiếu: Chúng ta thiếu những chuyên gia, những huấn luyện viên có chuyên môn giỏi; chất lượng công tác đào tạo, tuyển chọn, các chính sách hỗ trợ cho vận động viên cũng cần phải được nâng cao hơn; các điều kiện về khoa học-kỹ thuật, dinh dưỡng... cho thể thao cũng cần phải cải thiện rất nhiều.

Nhìn lại để thấy với mức độ đầu tư như hiện nay, Thể thao Việt Nam mới đủ khả năng cạnh tranh thành tích trong khu vực, còn để vươn tầm châu Á và thế giới thì chúng ta còn cả một chặng đường dài.

Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến

Bên cạnh nhiệm vụ cải thiện sự đầu tư cho Thể thao Việt Nam, Cục Thể dục Thể thao cùng các đơn vị quản lý cũng đề ra những chiến lược, lựa chọn những môn thể thao thế mạnh, có khả năng cạnh tranh huy chương và giành được những tấm vé tham dự Thế Vận hội Olympic.

Việt Nam có thể học hỏi các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... trong việc tập trung phát triển các môn thể thao thế mạnh của Đông Nam Á như Cầu lông, Cử tạ (những hạng cân nhẹ), Đua thuyền, Cầu mây, các môn võ như Taekwondo, Karatedo...

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tiếp tục đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao thế mạnh như Điền kinh, Bơi lội, Bắn cung, Bắn súng... nhằm cố gắng đạt thành tích tốt tại các đấu trường lớn như ASIAD, qua đó có cơ hội tham dự Thế Vận hội Olympic.

z5011303891635_24f5c560d5271485ddadde949eef049c.jpg
Nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh (trái) là một trong những vận động viên đã xuất sắc giành vé tham dự Thế Vận hội Olympic Paris 2024. (Ảnh: NVCC)

- Trong năm 2023, bà đánh giá thế nào về công tác quản lý và vai trò định hướng của Cục Thể dục Thể thao với những thành tích của Thể thao nước nhà?

Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến: Với vai trò là Cơ quan quản lý Nhà nước về Thể dục Thể thao trên toàn quốc, Cục Thể dục Thể thao đã có nhiều chiến lược, giải pháp để phát triển những môn thể thao trọng tâm trọng điểm, phát triển thể thao thành tích cao để các đội tuyển giành được những tấm huy chương quan trọng trên những đấu trường châu lục và quốc tế.

Cần phải nhấn mạnh rằng nâng cao sức khỏe cho toàn dân là mục tiêu quan trọng nhất của Thể thao Việt Nam mà Cục Thể dục Thể thao và các cơ quan quản lý Nhà nước về thể thể dục thể thao ở các địa phương luôn hướng tới.

Đối với thể thao quần chúng, Cục Thể dục Thể thao đã đề ra những chiến lược, những bài tập và các lớp tập huấn để toàn dân đến với các hoạt động thể thao nhiều hơn, nâng cao chất lượng tập luyện thể dục thể thao cũng như cải thiện sức khỏe để phục vụ cho lao động sản xuất, hướng tới phát triển kinh tế thể thao, công nghiệp thể thao... để chúng ta có nguồn thu, tăng thu cho nhiệm vụ phát triển thể thao giải trí, du lịch thể thao... và đóng góp chung vào GDP của đất nước.

Có thể nói ở thời điểm hiện tại, khoảng cách giữa thể thao quần chúng, thể thao phong trào với thể thao thành tích cao đã được thu hẹp đáng kể và phát triển thể thao phong trào cũng là nền tảng cho thể thao thành tích cao.

Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến

Trong một năm, trên toàn quốc có khoảng 50-60 giải chạy Marathon phong trào với số lượng vận động viên lên đến hàng nghìn người, vừa thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân, vừa tạo cơ hội phát hiện, tuyển chọn những vận động viên xuất sắc, vận động viên trẻ có năng khiếu để đưa vào đào tạo nâng cao và chuyên sâu nhằm cống hiến cho thể thao nước nhà ở những đấu trường lớn hơn.

- Vậy trong năm mới 2024, Ngành thể thao hướng đến những mục tiêu như thế nào?

Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến: Trong năm 2024, Cục Thể dục Thể thao đã tham mưu trình Chính phủ về Chiến lược Phát triển Thể dục Thể thao trong giai đoạn mới và đang chờ được phê duyệt, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về các định mức kinh tế kỹ thuật và các vấn đề khác cũng đang được triển khai để đưa vào thực tiễn, giúp toàn dân tham gia các hoạt động thể dục thể thao một cách dễ dàng và thuận lợi hơn.

Mục tiêu lớn nhất của Thể thao Việt Nam trong năm nay là cố gắng giành được nhiều nhất có thể số lượng vận động viên tham dự Vòng Chung kết Thế Vận hội Mùa Hè Olympic và Thế Vận hội dành cho Người Khuyết tật Paralympic tại Paris 2024.

Bên cạnh đó, Thể thao Việt Nam cũng đặt mục tiêu sẽ đạt thành tích cao ở Đại hội Thể thao châu Á và Võ thuật trong nhà lần thứ 6 (AIMAG 6) cũng như rất nhiều đại hội thể thao quốc tế khác mà Thể thao Việt Nam sẽ tham dự trong năm 2024.

Hy vọng năm 2024 sẽ là một năm có nhiều niềm vui và thành công của Thể thao Việt Nam trên cả đấu trường trong nước và quốc tế, cũng như phong trào thể dục thể thao quần chúng sẽ tiếp tục phát triển, thu hút được thêm nhiều người dân tham gia hơn với mục tiêu nâng cao tầm vóc và thể lực của người dân Việt Nam trong tương lai./.

- Xin cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn này và chúc Thể thao Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều thành công!

Theo (Vietnam+)
Copy Link

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thể thao Việt Nam năm 2023: 'Năm bản lề để hướng tới Olympic Paris 2024'