Mega Story

Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới

04/09/2023 15:21

Thiếu giáo viên đang là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục khi phải thực hiên đổi mới căn bản toàn diện giáo dục với nhiều môn học mới, yêu cầu mới, thời lượng dạy và học tăng lên.

coverfinal.png

Thiếu giáo viên đang là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục khi phải thực hiên đổi mới căn bản toàn diện giáo dục với nhiều môn học mới, yêu cầu mới, thời lượng dạy và học tăng lên.

loitoasoanb.jpg

Năm 2023 là năm quan trọng, đánh dấu 10 năm ngành giáo dục và đào tạo thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Đây cũng là năm ngành bước vào giai đoạn “cao điểm,” khi mà chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai đồng thời ở cả ba cấp học.

Nghị quyết 29 nêu rõ định hướng đổi mới, quan điểm chỉ đạo của Đảng là “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”.

Mục tiêu của đổi mới là “tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân… Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng… Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.”

Với những mục tiêu, nhiệm vụ trên, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 đã tạo ra sự kỳ vọng lớn trong xã hội về nâng cao chất lượng giáo dục.

Để thực hiện mục tiêu này, Nghị quyết chỉ rõ 9 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có vấn đề phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục đào tạo chính là đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục: “Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa.”

Chỉ thị 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giao và cán bộ quản lý giáo dục đã nêu rõ: "Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng nòng cốt, có vai trò quan trọng."

Là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trưởng thành từ nhà giáo, Giáo sư Nguyễn Kim Sơn cho hay ông hiểu một cách sâu sắc rằng nguồn lực quan trọng nhất của giáo dục là nhà giáo, nhân tố quyết định thành công chất lượng giáo dục là nhà giáo, đội ngũ nhà giáo là tài sản quý giá nhất của ngành, là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công của đổi mới.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới với “những việc rất lớn và rất khó, có việc khó tựa như dời non lấp bể” trong bối cảnh “thiếu mọi thứ,” gồm cả hai yếu tố mang tính quyết định là giáo viên và cơ sở vật chất, đặc biệt là thiếu giáo viên.

Không chỉ thiếu về số lượng, giáo viên cũng chưa được đảm bảo về chất lượng ở một số môn học theo yêu cầu của chương trình mới khi việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên còn chậm, chưa kịp thời so với tiến độ triển khai. Tinh thần say mê với nghề cũng phần nào bị lung lay bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền khi yêu cầu, áp lực ngày càng cao dẫn đến tình trạng hàng nghìn giáo viên xin nghỉ việc mỗi năm. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục đào tạo, dù toàn ngành đã không ngừng nỗ lực và đã đạt những kết quả tích cực trong bước đầu đổi mới…

Trong khi đó, một năm học mới đã lại bắt đầu, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “trồng người” cao cả với rất nhiều yêu cầu mới, trong bối cảnh “đi cày” mà thiếu “trâu.” Đây thực sự là một bài toán cần sớm có lời giải đáp, đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo cần phải nhanh chóng có những giải pháp kịp thời trước mắt cũng như lâu dài.

Để có cái nhìn tổng quan về thực trạng nhức nhối và những hệ quả của việc thiếu giáo viên cũng như “điểm mặt, chỉ tên” nguyên nhân và gợi mở giải pháp từ phía chuyên gia, những nhà giáo tâm huyết, Báo Điện tử VietnamPlus mời độc giả đón đọc chùm bài “Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới.”

phammai.png

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới