Chiến tranh đã lùi xa nhưng sự nghiệp, tên tuổi của những nhà báo-chiến sỹ TTXVN không chỉ được ghi lại trong sử sách mà còn trở thành “hồn thiêng sông núi,” gắn liền với những đường phố, công trình của đất nước.
Trong quá khứ, đã có gần 260 cán bộ, phóng viên Thông tấn ngã xuống để bảo vệ độc lập dân tộc và giữ vững dòng thông tin không bao giờ ngừng chảy. Chiến tranh đã lùi xa nhưng sự nghiệp, tên tuổi của những nhà báo-chiến sỹ ấy không chỉ được ghi lại trong sử sách mà còn trở thành “hồn thiêng sông núi,” gắn liền với những đường phố, công trình của đất nước.
Đến nay, trên cả nước đã có 7 con đường mang tên các nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam, để họ được ghi danh cùng sự phát triển của dân tộc.
Nhân dịp Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang khánh thành hai con đường mới mang tên Nhà báo Trần Kim Xuyến và Đào Tùng, bà Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về cảm xúc tự hào và quyết tâm tiếp nối truyền thống của người làm báo Thông tấn.
- Thưa Nhà báo Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, trước đây có 5 con đường đã được đặt theo tên các nhà báo Thông tấn xã Việt Nam. Tới đây, có hai con đường mới được khánh thành tại Bắc Giang mang tên Nhà báo Trần Kim Xuyến và Đào Tùng. Đặc biệt, với Nhà báo Trần Kim Xuyến, đây là con đường thứ ba mang tên ông. Theo bà, điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc giáo dục truyền thống với thế hệ trẻ?
Bà Vũ Việt Trang: Trước tiên, cho phép tôi dành đôi lời để nói về hai nhà lãnh đạo tiền bối và là niềm tự hào của Thông tấn xã Việt Nam.
Nhà báo Trần Kim Xuyến, sinh năm 1921, là người lãnh đạo đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam. Tháng 8/1945, ông được giao làm Đổng lý Văn phòng Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, với nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Trần Huy Liệu tổ chức bộ máy của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi Nha Thông tin được thành lập, ông giữ chức vụ Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam, trực tiếp phụ trách Việt Nam Thông tấn xã, nay là Thông tấn xã Việt Nam. Ngày 3/3/1947, ông đã anh dũng hy sinh tại khu vực đóng quân của Việt Nam Thông tấn xã ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội, khi thực hiện nhiệm vụ sơ tán tài liệu, máy móc thiết bị của cơ quan. Ông là một trong những nhà báo Việt Nam đầu tiên hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
Nhà báo Đào Tùng (tên thật là Đỗ Trung Thành, sinh năm 1925), người con của quê hương Bắc Giang. Trưởng thành từ phóng viên báo Chi Lăng khu 12 (Cao-Bắc-Lạng) ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trải qua một số cương vị trước khi đảm đương trọng trách Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam trong gần một phần tư thế kỷ từ năm 1966 đến 1990. Trên cương vị người đứng đầu Thông tấn xã Việt Nam, Nhà báo Đào Tùng đã dốc tâm sức xây dựng cơ quan thông tấn vững mạnh trong thời chiến, trung tâm thông tin chiến lược quốc gia trong thời bình.
Việc tỉnh Bắc Giang quyết định đặt tên hai con đường mới ở thành phố Bắc Giang theo tên của Nhà báo Trần Kim Xuyến và Nhà báo Đào Tùng thể hiện sự trân trọng và biết ơn những cống hiến của hai nhà lãnh đạo tiền bối của Thông tấn xã Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Đây là niềm tự hào đối với các thế hệ những người làm báo của Thông tấn xã Việt Nam, đặc biệt đối với thế hệ ngày hôm nay - những người đang được làm việc trong cơ quan thông tấn quốc gia có bề dày truyền thống được đắp xây bằng cuộc sống và biết bao công lao của thế hệ đi trước. Đó cũng là động lực để mỗi thành viên trong “ngôi nhà” Thông tấn làm tốt hơn sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã trao gửi.
- Là người đứng đầu Thông tấn xã Việt Nam, bà có cảm xúc như thế nào trước sự vinh danh này đối với các nhà báo-chiến sỹ Thông tấn xã Việt Nam thế hệ trước?
Bà Vũ Việt Trang: Như tôi đã nói ở trên, việc các nhà báo, nhà lãnh đạo của Thông tấn xã Việt Nam được vinh danh luôn là niềm vinh dự, tự hào và là nguồn cổ vũ đối với Thông tấn xã Việt Nam. Chắc hiếm có cơ quan báo chí nào ở Việt Nam có danh xưng của hai nhà lãnh đạo được chọn làm tên cho những con đường. Không chỉ có vậy, tên của một số nhà báo-chiến sỹ của Thông tấn xã Việt Nam như Bùi Đình Túy, Lâm Hồng Long, Trần Bỉnh Khuôl cũng đã là tên của các địa danh ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận và Bạc Liêu.
Bản thân tôi vô cùng cảm phục và trân trọng những đóng góp của thế hệ đi trước. Trong các cuộc kháng chiến, các bác, cô, chú, anh, chị là những người không chỉ dùng ngòi bút, máy ảnh để ghi lại cuộc chiến anh dũng và bi tráng của dân tộc mà còn trực tiếp tham gia vào cuộc chiến giành độc lập, tự do cho đất nước. Trong những năm tháng hòa bình, bằng tư duy vượt trội, chính họ lại dũng cảm thay đổi những thứ cũ kỹ, không còn phù hợp để đổi mới cơ chế và hiện đại hóa Thông tấn xã Việt Nam như ngày hôm nay. Trân trọng những đóng góp của thế hệ đi trước, chúng tôi thấy mình cần tiếp tục nỗ lực làm tốt hơn công việc của mình mỗi ngày để xứng đáng với công lao của thế hệ đi trước và phát huy truyền thống cơ quan thông tấn Anh hùng.
- Trên phương diện cá nhân, khi tìm hiểu về sự nghiệp, những cống hiến và nhân cách của hai nhà báo Trần Kim Xuyến và Đào Tùng, điều gì khiến bà tâm đắc nhất?
Bà Vũ Việt Trang: Nhà báo Trần Kim Xuyến và Nhà báo Đào Tùng là những nhân cách lớn, hiến dâng cuộc đời, tâm huyết của mình để dòng thông tin của Thông tấn xã Việt Nam phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc.
Dù hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng sự kiên trung với cách mạng và dấu ấn nghề nghiệp của nhà báo, nhà lãnh đạo Trần Kim Xuyến đã viết nên một trang vàng trong lịch sử ngành Thông tấn.
Ông hoạt động trước cách mạng, bị giặc Pháp bắt và đưa vào lao tù sau đó ông vượt ngục tiếp tục hoạt động, tham gia giành chính quyền ở Hà Nội.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được phân công và tâm huyết, gắn bó với hoạt động tuyên truyền cho tới ngày hy sinh.
Không chỉ thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin cho hệ thống báo chí và công chúng, ông chính là người đặt nền móng cho các sản phẩm thông tin tham khảo, báo cáo của Thông tấn xã Việt Nam.
Lịch sử của ngành ghi lại ngay từ khi tham gia phụ trách Nha Thông tin (năm 1945), ông đã cùng đồng nghiệp chọn lọc hàng trăm nguồn thông tin của các đài phương Tây, tổng hợp lại các sự kiện để báo cáo kịp thời, chính xác với Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng.
Nhiều phóng viên, người làm báo của Thông tấn xã Việt Nam làm việc dưới thời Tổng Giám đốc Đào Tùng đã kể lại, viết lại nhiều câu chuyện cảm động về một người thủ trưởng luôn quyết liệt, mạnh mẽ và trí tuệ trong ra các quyết định táo bạo tại những thời điểm mang tính bước ngoặt để Việt Nam Thông tấn xã vượt qua vô vàn hoàn cảnh khó khăn và khắc nghiệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong kháng chiến chống Mỹ.
Bước vào những năm tháng hòa bình và tái thiết đất nước, Nhà báo-nhà lãnh đạo Đào Tùng, trong các phát biểu tại các sự kiện báo chí khu vực và quốc tế, đã thể hiện tinh thần quốc tế vô sản với cách diễn đạt vô cùng thuyết phục và hùng biện để kêu gọi sự đoàn kết và hợp tác giữa các hãng thông tấn quốc gia.
Đọc lại những phát biểu của ông, thế hệ ngày hôm nay cảm nhận thật rõ những suy nghĩ vượt thời đại của người thủ trưởng đáng kính.
- Trong năm 2022, Thông tấn xã Việt Nam đã triển khai nghiên cứu “Xây dựng cơ sở dữ liệu Nhà báo-Liệt sỹ Thông tấn xã Việt Nam qua các thời kỳ. Xin bà chia sẻ về ý nghĩa của dự án này để các thế hệ trẻ Thông tấn xã Việt Nam hiểu thêm về truyền thống của ngành?
Bà Vũ Việt Trang: Trong bối cảnh toàn ngành đang tích cực đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu Nhà báo Liệt sỹ của Thông tấn xã Việt Nam qua các thời kỳ” tập trung rà soát, thu thập các thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu về các Liệt sỹ Thông tấn xã Việt Nam, hướng đến có thể kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu liệt sỹ quốc gia, phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử báo chí Thông tấn, lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Đề tài bước đầu đã xác lập được hệ thống dữ liệu khoa học và cập nhật của gần 260 Liệt sỹ Thông tấn xã Việt Nam, với 25 trường dữ liệu về lý lịch, cuộc sống chiến đấu và hy sinh, những đóng góp, cống hiến, vai trò của các Liệt sỹ trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Từ hệ thống cơ sở dữ liệu này, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số đề xuất về đặt tên đường phố; tổ chức sáng tác, xuất bản sách, phim tài liệu về Liệt sỹ Thông tấn; hỗ trợ gia đình Liệt sỹ khó khăn; phát động hiến tặng kỷ vật phục vụ công tác trưng bày, giáo dục truyền thống...
Việc nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu Nhà báo-Liệt sỹ của Thông tấn xã Việt Nam góp phần đánh giá tổng quan, đa chiều về vai trò, vị trí, những đóng góp của cơ quan Thông tấn quốc gia qua các cuộc kháng chiến cũng như quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Qua đó, làm nổi bật những giá trị nhân văn sâu sắc, những cống hiến và sự hy sinh anh dũng của đội ngũ những người làm báo Thông tấn trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam.
- Xin trân trọng cảm ơn bà./.
Tác giả: Minh Thu