Nếu như trước năm 2021, tỉnh Hưng Yên chỉ giải phóng mặt bằng được 300-500 ha thì khi các chỉ thị, quyết định của Tỉnh ủy ra đời, mỗi năm Hưng Yên giải phóng mặt bằng được hơn 1.000 ha phục vụ việc xây dựng công trình giao thông và khu, cụm công nghiệp, đô thị...
Lời giới thiệu
Mới đây Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố, bắt tạm giam 5 cán bộ thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Long Thành liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Dự án sân bay Long Thành.
Đó chỉ là 1 trong nhiều vụ việc bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý về các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất.
Qua đây cho thấy, công việc giải phóng mặt bằng là việc phức tạp, nhạy cảm “sai một li, đi một dặm” gây thất thoát tiền của Nhà nước và mất lòng tin trong nhân dân. Ở Hưng Yên nói riêng và nhiều tỉnh thành khác nói chung, có hiện tượng cán bộ, đảng viên tìm cách “né” hoặc đùn đẩy trong chỉ đạo cũng như thực thi giải phóng mặt bằng; cho rằng có chậm tiến độ thì lỗi thuộc về tập thể. Trên thực tế, chưa có khung chế tài và ít có cán bộ bị xử lý vì để chậm giải phóng mặt bằng.
Để công tác giải phóng mặt bằng không còn là lực cản mà trở thành động lực cho sự phát triển của địa phương, Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành nhiều văn bản quan trọng mang tính đột phá, đi đầu so với các tỉnh, thành phố khác về tăng cường vai trò của cấp ủy Đảng trong sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng triển khai các công trình trọng điểm.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo các công tác này.
Nếu như trước năm 2021, tỉnh Hưng Yên chỉ giải phóng mặt bằng được 300-500 ha thì khi các chỉ thị, quyết định của Tỉnh ủy ra đời, mỗi năm Hưng Yên giải phóng mặt bằng được hơn 1.000 ha phục vụ việc xây dựng công trình giao thông và khu, cụm công nghiệp, đô thị...
Nhờ có mặt bằng sạch, Hưng Yên đã hình thành thêm công trình giao thông kết nối vùng, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; các khu cụm công nghiệp, đô thị mới được hình thành. Từ đó tạo nguồn thu ngân sách năm 2024 của tỉnh đạt hơn 40.000 tỷ đồng, cao hơn so với các tỉnh lân cận.
Đáng nói, dù diện tích giải phóng mặt bằng lớn diễn ra tại nhiều địa phương, trong bối cảnh sửa đổi Luật Đất đai nhưng Hưng Yên không để xảy ra sai sót; hạn chế được tình trạng tiêu cực, thất thoát tài sản nhà nước; rút ngắn và giảm chi phí cho nhà đầu tư.
Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo xuyên suốt của cấp ủy Đảng từ tỉnh tới cơ sở; dám đi vào giải quyết công việc khó. Khi có sự đồng nhất trong chỉ đạo, giúp cán bộ thực thi công vụ “vững tay” hơn quyết sách các nội dung liên quan đến giải phóng mặt bằng.
Xuất phát từ thực tế trên, phóng viên TTXVN thực hiện 3 bài viết: Xử lý việc khó tháo "nút thắt" giải phóng mặt bằng - Kinh nghiệm từ Hưng Yên".