Bài 1: Chuyến bay lịch sử nối hai miền ngày thống nhất non sông
•28/04/2025 09:55
Cách đây 50 năm, sau ngày giải phóng đất nước, chuyến bay lịch sử đầu tiên chở lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào thành phố Sài Gòn để dự lễ mừng chiến thắng và thống nhất đất nước sau nhiều năm chia cắt đã có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc khẳng định chủ quyền vùng trời của Tổ quốc.
Kể từ khi thành lập, Hàng không dân dụng Việt Nam đã góp phần tích cực vào khôi phục, cải tạo kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh ở miền Bắc và chi viện cho cách mạng miền Nam.
Đặc biệt, cách đây 50 năm, sau ngày giải phóng đất nước, chuyến bay lịch sử đầu tiên chở lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào thành phố Sài Gòn để dự lễ mừng chiến thắng và thống nhất đất nước sau nhiều năm chia cắt đã có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc khẳng định chủ quyền vùng trời của Tổ quốc.
Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cố vấn chính phủ cách mạng lâm thời cách mạng Công hòa miền Nam Việt Nam ra Sân bay Tân Sơn Nhất đón Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. (Ảnh: TTXVN)
Kết nối liền mạch hai miền sau nhiều năm chia cách
Lật giở từng trang sách trong cuốn “Hàng không Việt Nam-Biên niên sử kiện”, ông Bùi Minh Đăng, Trưởng phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) chăm chú đọc kỹ càng từng chi tiết để ghi nhớ những thành tích, chiến công, truyền thống vẻ vang rất đáng tự hào của ngành Hàng không đã được ghi vào bề dày lịch sử của đất nước.
Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Hàng không dân dụng và Không quân vận tải đã dốc toàn lực tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng các yêu cầu thần tốc của mặt trận. Quân địch thua chạy rút khỏi sân bay ở đâu, cầu hàng không được nối ngay tới đó để nhanh chóng tiếp tế vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men cấp cứu thương binh.
“Những cánh bay với ý chí quyết tâm cao vì miền Nam ruột thịt đã bay trong đêm tối, sương mù dày đặc rất khó tìm mục tiêu. Trong đó, nhiều tổ bay đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường vì nền độc lập, thống nhất hai miền đất nước,” ông Đăng ngậm ngùi nói.
Ngày 15/1/1956 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký ban hành Nghị định số 666/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Cục Hàng không dân dụng thuộc Thủ tướng phủ, đặt nền móng cho sự ra đời, trưởng thành và phát triển bền vững của Hàng không dân dụng Việt Nam.
Kể từ khi thành lập, Hàng không dân dụng Việt Nam đã góp phần tích cực vào khôi phục, cải tạo kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh ở miền Bắc và chi viện cho cách mạng miền Nam.
Ngay trong trưa ngày 1/5/1975, chiếc trực thăng Mi-6 của Không quân Việt Nam đã hạ cánh xuống Sân bay Tân Sơn Nhất, mang theo một lá cờ lớn để cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Ngày 4/5/1975, chuyến bay IL14 chở theo nhóm cán bộ đầu ngành hàng không-không quân vào hỗ trợ Tân Sơn Nhất.
Ngày 2/5/75 chiếc máy bay lên thẳng đầu tiên của Quân giải phóng và chính phủ cách mạng lâm thời hạ cánh an toàn xuống Sân bay Tân Sơn Nhất, mở đầu hoạt động trở lại của sân bay. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)
Đến ngày 15/5/1975, chiếc máy bay chuyên cơ IL-18 số hiệu VN195 cất cánh từ Sân bay Gia Lâm bay thẳng đến Sân bay Tân Sơn Nhất, đưa Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, nhiều Ủy viên Bộ Chính trị cùng đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước vào thành phố Sài Gòn để dự lễ mừng chiến thắng và thống nhất đất nước.
“Tất cả gần 40 người đã vào Sài Gòn dự lễ mừng chiến thắng, mừng thống nhất đất nước. Chuyến bay đó đã được ghi lại trong bài thơ “Một khúc ca Xuân” của nhà thơ Tố Hữu bằng những dòng cảm xúc: ‘Nhớ buổi sáng Sài Gòn giải phóng/Người anh xuống sân bay, giang hai tay ôm cả miền Nam’ trong không khí ‘đường phố hát nửa mừng, nửa tủi’ của niềm vui thống nhất,” ông Đăng kể lại.
Đến ngày 15/5/1975, chiếc máy bay chuyên cơ IL-18 số hiệu VN195 cất cánh từ Sân bay Gia Lâm bay thẳng đến Sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: TTXVN)
Ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết chuyến bay đầu tiên có ý nghĩa rất đặc biệt, đã đánh dấu sự kết nối liền mạch giữa hai miền Bắc-Nam sau nhiều năm chia cắt; thể hiện niềm vui thống nhất và sự quyết tâm xây dựng đất nước của Đảng và Nhà nước.
“Việc nhanh chóng khôi phục đường bay Bắc-Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn về mặt chính trị và kinh tế, góp phần thúc đẩy quá trình thống nhất và phát triển đất nước,” ông Cẩm khẳng định.
Đánh dấu sự hồi sinh và cơ hội phát triển
Sau ngày giải phóng miền Nam, nước ta thu hồi toàn bộ 282 sân bay lớn, nhỏ gồm: 9 sân bay cấp 1 với đường băng dài trên 3.000m; 81 sân bay cấp 2; 12 sân bay cấp 3 và 180 bãi hạ cánh; một sân bay có đường băng bêtông; 30 sân bay có đường băng bêtông nhựa... Sân bay Tân Sơn Nhất, Chu Lai, Đà Nẵng, Biên Hoà, Phan Rang, Tuy Hoà có đường băng, dùng chung cho cả hàng không dân dụng và không quân. Tổng số nhân viên của Nha Hàng không dân sự Sài Gòn và Air Vietnam được chính quyền cách mạng gọi ra làm việc trong ngành Hàng không dân dụng - Không quân vận tải gồm 2.166 người.
Bên cạnh đó, các đường bay mới cũng được mở ra, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương khác trên cả nước, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân; quá trình khôi phục và sử dụng các sân bay đã có của chế độ cũ, cùng với nâng cấp và xây dựng mới các sân bay đã giúp cho việc di chuyển bằng đường hàng không được nhanh chóng.
Những sân bay chính đã được khôi phục bảo đảm hoạt động bình thường, hệ thống thông tin liên lạc đã được sửa chữa và đảm bảo thông suốt từ Bắc vào Nam. Trung tâm Kiểm soát không lưu (ACC) Sài Gòn được đưa vào hoạt động, nghiên cứu điều chỉnh sơ đồ đường bay trên vùng trời miền Nam, quy chế kiểm soát không lưu. Các chuyến bay thường xuyên theo lịch Hà Nội-Tân Sơn Nhất-Hà Nội và Hà Nội-Đà Nẵng-Tân Sơn Nhất-Đà Nẵng-Hà Nội đã bắt đầu hoạt động.
Nhiều đài kiểm soát không lưu đã được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không. (Ảnh: Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cung cấp)
“Sau khi hoàn thành việc tiếp quản và khôi phục các sân bay, từ chỗ chỉ có một chuyến bay/ngày, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam đã nhanh chóng tăng cường tần suất các chuyến bay giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh,” ông Cẩm nói.
Tiết lộ trong giai đoạn đầu sau giải phóng đất nước, việc đi lại bằng máy bay có thể còn một số hạn chế nhất định, ưu tiên cho các cán bộ, công chức và những người có nhiệm vụ công tác, chịu sự quản lý và điều tiết của Nhà nước, theo ông Cẩm, đến ngày 20/8/1976, Nhà nước đã chính thức cho phép ngành Hàng không dân dụng được bán vé hành khách và cước hàng hóa.
“Việc mở lại các đường bay dân dụng cũng đánh dấu sự hồi sinh và phát triển của ngành hàng không Việt Nam sau chiến tranh. Các hãng hàng không Việt Nam qua mỗi thời kỳ đã từng bước hiện đại hóa đội bay và nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế,” ông Cẩm nhìn nhận./.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.