Mega Story

Bài 2: Người nông dân ngắm ruộng đồng từ trên cao: Khi giấc mơ bay thành hiện thực

28/04/2025 09:55

Sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam sau giải phóng miền Nam là một câu chuyện đầy ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực không ngừng nghỉ để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

chum-2-hang-khong-bai-2.png
hanh-khach-noi-bai-1(1).jpg

Sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam sau giải phóng miền Nam là một câu chuyện đầy ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực không ngừng nghỉ để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Trước đây, rất ít người có khả năng được đi máy bay, được bay là ước mơ của người dân thành thị, chứ với người nông dân “chân lấm tay bùn” vốn chỉ ngắm trời xanh từ thửa ruộng nhà mình chẳng biết đến khi nào giấc mơ ngắm những cánh đồng lúa từ trên cao mới trở thành hiện thực do giá vé cao và số lượng các chuyến bay còn hạn chế.

Thế nhưng đến giờ, việc đi máy bay đã trở nên phổ cập, các chuyến bay từ cao cấp (thuê bao trọn chuyến) đến giá rẻ khiến ước mơ bay trở thành hiện thực, ngay cả những người nông dân “chân lấm, tay bùn” cũng dễ dàng có được trải nghiệm ngắm những cánh đồng bát ngát màu xanh, bầu trời trắng xóa mây qua ô cửa sổ máy bay. Ngày càng nhiều hơn khách hàng lựa chọn hình thức vận tải thuận tiện này, cho thấy ngành Hàng không Việt Nam sẽ phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới.

fir-bay-1074(1).jpg

Những bước tiến ấn tượng, ngoạn mục

Theo ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ngay sau giải phóng, thống nhất đất nước, việc khôi phục và nâng cấp các cảng hàng không, sân bay hiện có được ưu tiên hàng đầu.

Từ đó đến nay, hạ tầng các cảng hàng không đã có sự bứt tốc và đột phá mạnh mẽ. Hệ thống cảng hàng không, sân bay được đầu tư, nâng cấp với nhiều công trình lớn hoàn thành đưa vào khai thác như: xây mới Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc; nâng cấp mở rộng toàn bộ Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ; mở rộng nhà ga, khu bay tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng; các công trình khu hàng không dân dụng Tuy Hòa, Phù Cát, Cát Bi...

“Việc đầu tư, phát triển 22 cảng hàng không, sân bay theo hướng hiện đại, đồng bộ ngoài việc đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của ngành vận tải hàng không, cũng đã góp phần tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; thực hiện liên kết vùng, liên kết quốc tế; đưa Việt Nam tiệm cận dần với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao,” ông Cẩm nhìn nhận.

tau-bay.jpg
Các cảng hàng không nội địa đã được đầu tư, nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao bằng đường hàng không. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Song song đó, hệ thống hạ tầng quản lý hoạt động bay cũng được phát triển mạnh mẽ từ sau ngày giải phòng, đặc biệt nhất là việc giành lại việc kiểm soát, điều hành toàn bộ Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh). Đến nay, Việt Nam đã có hai khu vực kiểm soát đường dài do Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội và Hồ Chí Minh đảm nhiệm; 4 khu vực kiểm soát tiếp cận Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh; 22 khu vực kiểm soát tại sân bay tại 22 cảng hàng không.

fir-bay-1074.jpg
Vùng thông báo bay Hà Nội và Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh của nước ta hiện nay. (Ảnh: Tổng công ty Quản lý bay cung cấp)

Nhờ những nỗ lực này, ngành Hàng không Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Hiện tại, nước ta đã phát triển một thị trường vận tải hàng không đạt xấp xỉ 76 triệu khách và 1,29 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 5% về hành khách và 20% về hàng hóa so với năm năm 2023. Ước thực hiện 2025, vận chuyển hành khách đạt 84,2 triệu khách (tăng 10% so với năm 2024); vận chuyển hàng hoá dự báo 1,4 triệu tấn (tăng 14% so với năm 2024).

Từ chỗ chỉ có một chuyến bay/ngày với duy nhất một hãng phục vụ, Việt Nam hiện nay đã có đã có 5 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines khai thác thị trường vận tải hàng không Việt Nam với 66 đường bay nội địa.

Các hãng hàng không Việt Nam và 78 hãng hàng không nước ngoài khai thác hơn 159 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến thường lệ. Mạng đường bay quốc tế kết nối cảng hàng không quốc tế của Việt Nam tới 39 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, từ các khu vực tại châu Á gồm Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nam Á, Trung Á, Trung Đông tới các quốc gia châu Âu, châu Phi, Bắc Mỹ, châu Úc.

bay-a1.jpg
Hàng không Việt Nam đã mở nhiều đường bay kết nối đến các nước trên thế giới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đặc biệt, theo thông tin được cập nhật trên trang OAG - một tổ chức hàng đầu về cung cấp số liệu thống kê về hàng không cho thấy năm 2024, đường giữa Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh là đường bay nội địa bận rộn thứ tư trên toàn cầu với 10,6 triệu ghế được cung ứng, chỉ xếp sau đường bay của hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản.

Quê tận Tuyên Quang, gia đình bác Hà Đình Thao (huyện Sơn Dương) đã nhờ cô con gái đặt hai vé máy bay khứ hồi để ông bà vào thăm con cháu tận trong Bình Dương.

Vốn làm công việc thuần nông, vợ chồng bác Thao quanh năm chăm sóc đồi chè nhỏ ngay phía sau nhà. Chè là cây ngắn ngày, mỗi năm thu hoạch 7-9 lứa, sau khi trừ chi phí cũng “giắt túi” được hơn chục triệu đồng.

“Nhờ mở cửa nền kinh tế nên đất nước ‘thay da, đổi thịt’ từng ngày, vì thế, đời sống của người nông dân cũng đỡ vả vả và có thu nhập. Trước đây chưa bao giờ nghĩ sẽ được ngồi máy bay vi vu bầu trời, nhưng đây là lần thứ 3 hai vợ chồng tôi đi máy bay vào thăm con cháu trong Nam. Đi máy bay an toàn, giá vé cũng chênh lệch đôi chút so với tàu hỏa nhưng được cái thời gian rút ngắn so với 2-3 ngày đi bằng xe khách hoặc tàu hỏa,” bác Thao hồ hởi nói.

bay-vietjet.jpg
Sự ra đời của các hãng hàng không giá rẻ đã đem đến nhiều cơ hội đi máy bay cho người dân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lý giải điều này, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cũng nhìn nhận thực tế, trước đây số lượng máy bay ít, đường bay chưa nhiều, giá vé cao nên với nhiều người dân được đặt chân lên máy bay là cả một ước nguyện. Tuy nhiên, từ những năm 2011 đến nay, sự gia nhập thị trường của các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air đã tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ, làm giảm đáng kể giá vé máy bay; các hãng mở rộng mạng lưới đường bay; số lượng hành khách đi máy bay đã tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm, cho thấy sự phổ cập của dịch vụ hàng không. Điều này đã mở ra cơ hội cho nhiều người dân, kể cả những người có thu nhập thấp, có thể trải nghiệm dịch vụ hàng không.

tau-bay.jpg

“Cất cánh” trong kỷ nguyên mới

Theo ông Cẩm, hiện nay ngành Hàng không đang triển khai/chuẩn bị triển khai nhiều dự án xây dựng mở rộng nâng cấp cảng hàng không, trong có các dự án chính như Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Phú Quốc, Gia Bình… Các các hàng không khác như Đồng Hới, Phù Cát, Chu Lai, Cà Mau cũng sẽ được triển khai các dự án đầu tư trong năm 2025 về xây dựng, nâng cấp nhà ga, đường hạ cất cánh, sân đỗ máy bay.

Trong thời gian tới, các hãng hàng không đều có kế hoạch tiếp tục bổ sung, tăng cường đội máy bay để phù hợp với kế hoạch, chiến lược kinh doanh cũng như đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không trong bối cảnh thị trường đang dần khôi phục và trở lại với đà tăng trưởng sau thời gian sụt giảm do những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19.

san-bay-noi-bai.jpg
Hành khách làm thủ tục chuyến bay tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Để thúc đẩy ngành Hàng không Việt Nam ngày càng phát triển, Cục Hàng không Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai rà soát hoàn thiện và sửa đổi các cơ chế chính sách, quy định pháp luật liên quan, tạo hành lang pháp lý phù hợp, thông suốt tạo điều kiện cho sự phát triển của hãng hàng không, cũng như tạo động lực kết nối, hỗ trợ những ngành/lĩnh vực khác cùng phát triển (du lịch, thương mại, đầu tư…)

Cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam trong việc tăng cường lực lượng vận tải, bổ sung, điều chỉnh và nâng cao hiệu quả khai thác đội bay; thực hiện hiệu quả công tác điều phối, phân bổ giờ cất hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không mở rộng, tăng cường các đường bay thẳng giữa Việt Nam và các quốc gia/vùng lãnh thổ.

“Cục Hàng không sẽ phát triển hạ tầng đồng bộ giữa các cảng hàng không, sân bay; đầu tư, nâng cấp hạ tầng quản lý bay giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn bay; cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng máy bay; cơ sở đào tạo huấn luyện bay; phục vụ mặt đất; nhiên liệu hàng không; suất ăn; hoàn thiện giao thông kết nối đến các cảng hàng không, sân bay,” ông Cẩm nhấn mạnh.

cang-hkqt-noi-bai.jpg
Cục Hàng không sẽ phát triển hạ tầng đồng bộ giữa các cảng hàng không, sân bay. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cục Hàng không Việt Nam cũng đã đưa ra các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực (phi công, kỹ sư bảo dưỡng máy bay, kiểm soát viên không lưu, nhân viên hàng không), áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong quản lý, vận hành khai thác hàng không…

“Trong giai đoạn trung hạn tiếp theo, vận tải hàng không sẽ duy trì nhịp tăng trưởng đối với thị trường vận tải hàng không Việt Nam, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 8%-10%/năm. Việc tăng trưởng hơn 8% về hành khách là một mục tiêu rất khả thi và tích cực, đóng góp vào tăng trưởng GDP của đất nước. Sự phát triển này không chỉ đến từ các thành phố lớn mà còn lan rộng đến các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng miền,” ông Cẩm kỳ vọng.

Với sự phối hợp chặt ché giữa các cơ quan quản lý, nỗ lực không ngừng từ doanh nghiệp và sự đồng hành của người dân, ngành Hàng không Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế, tiếp tục “cất cánh” trong kỷ nguyên mới, góp phần thiết thực vào sự chuyển mình của đất nước./.


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 2: Người nông dân ngắm ruộng đồng từ trên cao: Khi giấc mơ bay thành hiện thực