Trong những năm tháng hào hùng này, không ít tập thể tàu và các cá nhân đã đóng góp sức lực, xương máu và cả sinh mạng để duy trì con đường huyết mạch trên biển, phục vụ chi viện cho chiến trường miền Nam, đảm bảo cho thắng lợi cuối cùng và thống nhất đất nước.
“Giải phóng đến đâu,
đường biển vào sâu đến đó”
Trong phòng truyền thống của Công ty Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) hiện nay còn lưu giữ rất nhiều những tư liệu về quá trình hình thành và phát triển 55 năm qua của đơn vị, trong đó có chuyến tàu biển đầu tiên nối hai miền đất nước sau ngày giải phóng.
Giọng chậm rãi xen lẫn đầy tự hào, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc VOSCO kể về những trang sử hào hùng của các thế hệ cha, anh đi trước, về những chuyến tàu biển vượt trùng dương chuyên chở những người con sau 21 năm mới trở về miền Nam sau ngày non sông về một dải.
Ngày 01/7/1970, VOSCO được thành lập trên cơ sở thống nhất tổ chức vận tải của 3 đội tàu Giải Phóng, Tự Lực và Quyết Thắng, mở đầu cho sự chuyển hướng từ phương thức hoạt động vận tải biển trong chiến tranh sang phương thức tổ chức quản lý hoạt động vận tải trong điều kiện nửa chiến tranh, nửa hoà bình.

Giai đoạn 1970-1975, tên tuổi của VOSCO gắn liền với thời kỳ ngành đường biển dốc toàn lực thực hiện cả hai nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu. Trong giai đoạn này, những con tàu của VOSCO là lực lượng xung kích, tham gia nhiều chiến dịch vận tải lớn từ Hải Phòng vào khu 4, từ đó vận chuyển hàng hóa vào miền Nam phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Dưới làn mưa bom bão đạn, đội tàu VOSCO kiên cường, dũng cảm mở tuyến vận tải Đông-Bắc, tiếp nhận và vận chuyển hàng hóa, duy trì mạch máu giao thông trên biển, sát cánh cùng các lực lượng vận tải khác góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước.
“Tình yêu đất nước đã được người chiến sỹ giao thông vận tải của VOSCO chuyển hóa thành tinh thần, ý chí, nghị lực quật cường, là những viên gạch đầu tiên xây đắp lên truyền thống đoàn kết, dũng cảm, thông minh, sáng tạo của lớp lớp thế hệ cán bộ nhân viên, sỹ quan thuyền viên sau này,” ông Minh chia sẻ.
Với quyết tâm đáp ứng cao nhất yêu cầu vận tải phục vụ chiến đấu, sản xuất của miền Nam, năm 1975, Công ty Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) cùng toàn ngành Đường biển tham gia tích cực vào phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành toàn thắng.
Phục vụ cho chiến dịch lịch sử này, VOSCO đã huy động phần lớn lực lượng phương tiện, tàu nhỏ đi trước, tàu lớn đi sau, thi đua vận chuyển bám sát bước chân của đoàn quân giải phóng để đưa bộ đội, vũ khí, lương thực vào các cảng mà quân địch bị tiêu diệt hoặc rút chạy, cùng với lực lượng vận tải khác phục vụ kịp thời cuộc tiến công thần tốc của quân ta. Công ty đã sử dụng 36 tàu VS (50 tấn) chở tên lửa, hàng quân sự phục vụ chiến đấu.
Với phương châm “Giải phóng đến đâu, đường biển vào sâu đến đó”, chỉ sau hai ngày địch rút chạy khỏi Thừa Thiên-Huế, tàu của Công ty đã vào cửa Thuận An. Đã Nẵng vừa giải phóng được ba ngày, bốn tàu Giải Phóng đã cập cầu cảng sông Hàn, sau đó được giao nhiệm vụ chở đồng bào di tản trở về Huế; tiếp theo là các tàu Bến Thủy, Sông Đà lần lượt đưa hàng vào Đà Nẵng trước sự đón tiếp, chào mừng nồng nhiệt của đồng bào, đồng chí. Khi địch vừa rút khỏi Phan Thiết, Xuân Lộc thì cũng là lúc tàu Giải Phóng, tàu VS có mặt ở Quy Nhơn, Nha Trang.
Ngày 30/4/1975, Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng, lịch sử của đất nước bước sang một trang mới sau những năm bị chia cắt. Ngay sau đó, một chuyến hành trình trên biển đầy cảm xúc và ý nghĩa đã được thực hiện. Con tàu mang tên Sông Hương với hành trình Bắc-Nam đã trở thành biểu tượng của sự thống nhất, niềm hy vọng và hạnh phúc đoàn tụ.