Là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng của một quốc gia có bờ biển dài, vùng biển đặc quyền kinh tế rộng lớn, giao thông vận tải đường biển phát triển..., ngành Hàng hải vẫn không ngừng phấn đấu để giữ vững vai trò xung kích đối với sự nghiệp đổi mới và mở cửa kinh tế của đất nước, thúc đẩy mạnh mẽ sự hòa nhập nền kinh tế Việt Nam với các nước trên thế giới....
Phóng viên đã buổi trò chuyện với ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải và Đường thuỷ Việt Nam về chặng đường xây dựng và dấu ấn phát triển ngành Hàng hải Việt Nam.
Vai trò xung kích mở cửa nền kinh tế
- Sau ngày giải phóng miền Nam (ngày 30/4/1975), thống nhất đất nước, xin ông cho biết ngành Hàng hải đã trải qua công cuộc phát triển ra sao?
Ông Lê Đỗ Mười: Với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày mà hoà bình trở lại trên toàn nước Việt Nam, là ngày đoàn tụ Non sông thu về một mối, Bắc-Nam liền một dải từ địa đầu Lũng Cú đến Đất mũi Cà Mau.
Từ cơ sở vật chất-kỹ thuật ban đầu của ngành đã tạo dựng được cùng với tinh thần yêu nước nồng nàn của đội ngũ cán bộ công nhân thủy thủ... là những nhân tố, “nội lực” cơ bản, thúc đẩy sự ra đời của tổ chức quản lý ngành đường biển Việt Nam.
Với chức năng của mình, ngành đường biển đã tập hợp, quản lý lực lượng chuyên môn của ngành trong cả nước, ngành đường biển đã phục vụ đắc lực nhiệm vụ cơ bản, hàng đầu là kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; xây dựng bảo vệ miền Bắc-hậu phương lớn, vận chuyển chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, ngành đường biển đã thực hiện thắng lợi phương châm “vừa xây dựng, vừa chiến đấu”, hoàn thành tốt nhiệm vụ vận tải hàng hóa chi viện cho các chiến trường; góp phần xứng đáng vào truyền thống vẻ vang của ngành giao thông vận tải: dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo.
Khi nhân dân ta bước sang kỷ nguyên mới - nước nhà hoàn toàn độc lập, thống nhất, chúng ta phải phấn đấu làm chủ toàn bộ đất đai, bầu trời và biển cả.
Ngay từ đầu, ngành đường biển đã đề ra kế hoạch, tập trung lực lượng mở rộng và xây dựng hệ thống cảng biển, thống nhất và liên doanh đội tàu vận tải biển trong và ngoài nước, mở rộng công nghiệp sửa chữa trong và ngoài ngành.
Những giai đoạn tiếp theo, ngành Hàng hải vạch chiến lược phát triển như: đầu tư phát triển đội tàu mới theo xu thế phát triển của thế giới và đón bắt kịp nguồn xuất nhập khẩu của cả nước, thiết lập tổ chức mô hình khai thác quản lý hợp lý; xây dựng quy hoạch cụm cảng nước sâu; xây dựng quy hoạch phát triển hàng hải, theo định hướng mới của Chính phủ nhằm hỗ trợ và phối hợp phát triển kinh tế biển; tiếp tục đưa sự nghiệp hàng hải tiến lên những bước mới, xứng đáng là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Trước đây, từ chỗ ngành mới chỉ quản lý gần 1.000km bờ biển, các hải đảo, hệ thống cảng biển trên miền Bắc, nay nước ta có khoảng 3.260km bờ biển, từ Móng Cái ở phía Bắc đến Hà Tiên ở phía Tây-Nam, chưa kể bờ biển của các đảo, với các cảng biển lớn, vùng biển rộng, nhiều đảo, quần đảo rất quan trọng như Côn Đảo, Phú Quốc, Hoàng Sa, Trường Sa... Vùng biển đặc quyền về kinh tế có diện tích trên 1,2 triệu, gấp ba lần diện tích đất liền.
Với địa vị của một quốc gia có bờ biển dài, vùng biển rộng lớn, Việt Nam có những điều kiện cơ bản thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển, các công trình ven biển, phát triển các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ và thương mại quốc tế. Trước đây cũng như hiện nay, ngành hàng hải và giao thông vận tải đường biển cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với việc mở cửa về kinh tế của đất nước, hòa nhập với nền kinh tế thị trường thương mại quốc tế.