Trong ký ức của những người trong ngành đường sắt, chuyến tàu đầu tiên nối hai miền Bắc-Nam sau ngày giải phóng đất nước năm 1975 luôn hằn sâu trong tâm trí bởi đó là chuyến tàu chở cả khát khao của cả dân tộc, chuyến tàu hòa bình, hàn gắn và sum họp.
50 đã qua đi, nhưng ký ức về thời kỳ khôi phục hạ tầng đường sắt vẫn hiện rõ như vừa mới đây. Hàng vạn cán bộ, người dân, bộ đội đã chung sức, đồng lòng, làm việc bất kể ngày đêm để có thể nối những mối ray cuối cùng cho chuyến tàu thống nhất hai miền.
Sức mạnh đoàn kết để khắc phục
hạ tầng chạy tàu
Là người gắn bó cả cuộc đời với ngành Đường sắt, ông Khuất Minh Trí, nguyên Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam vẫn nhớ như in về thời khắc chuyến tàu lịch sử Bắc-Nam nối liền một dải, sum họp một nhà.
“Do hạ tầng đường sắt là mục tiêu của không quân Mỹ đánh phá ác liệt trong thời gian dài nhằm cắt đứt con đường chi viện chiến lược của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Nếu so với các loại hình vận tải khác, chuyến tàu hỏa nối hai miền Bắc-Nam chậm hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để có được tuyến đường sắt xuyên dải dất hình chữ S hoạt động trở lại, hàng vạn người dân đóng góp công sức, nguyên vật liệu và thi công bám trụ công trường ròng rã, đó chính là sức mạnh đoàn kết và ý chí thống nhất của dân tộc,” ông Trí nói.
Sau khi đất nước thống nhất, theo ông Trí, việc khôi phục tuyến đường sắt Bắc-Nam khu vực phía Nam đã được tiến hành từng bước, trong đó việc sửa chữa cầu Bình Lợi bị sập nhịp giữa được thi công thần tốc trong 10 ngày/đêm để thông tuyến.
.jpg)
Ngày 20/5/1975, chuyến tàu đầu tiên đã chuyển bánh từ Sài Gòn đến Biên Hòa. Ngày 20/7/1975, tàu chạy đến Long Khánh. Tiếp đó, đường sắt nhanh chóng tiếp tục được khôi phục từ Nha Trang tới Diêu Trì, Quy Nhơn và Phù Mỹ, Bồng Sơn. Đến cuối năm 1975, đường sắt miền Nam đã khôi phục được 810km và nhiều đầu máy, toa xe.
Xác định đường sắt Bắc-Nam có vai trò trọng yếu để khôi phục hoạt động sản xuất, luân chuyển vận tải hành khách và hàng hóa, ngày 14/11/1975 khi Hội đồng Chính phủ ra quyết định khẩn trương khôi phục đường sắt Bắc-Nam, công trình khôi phục tuyến đường sắt Thống Nhất mới thực sự sôi động từ Nam ra Bắc với sự vào cuộc của tất cả các ngành, của quân và dân dọc tuyến đường.
Để nối liền chiều dài hơn 1.730km đường sắt, ông Trí nhớ lại, trong vòng 9 tháng, đã có 10 vạn cán bộ, công nhân, bộ đội và nhân dân dọc tuyến đường sắt đã lên mặt đường để khắc phục sửa chữa; 2 triệu m3 đất đá được đào đắp; một triệu tấn sắt thép được vận chuyển; một triệu thanh tà vẹt được sản xuất; xây dựng mới hơn 20km cầu; đặt mới 660km đường ray; kéo 1.686km dây thông tin và khai thác 70.000m3 gỗ làm đường...

Trực tiếp tham gia chiến dịch khôi phục đường sắt Bắc-Nam và là đại biểu đi trên chuyến tàu lịch sử đầu tiên nối hai miền Nam-Bắc sau ngày thống nhất đất nước, ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Đại đội phó Tự vệ, Tiểu đoàn Tự vệ đường sắt thuộc Tổng cục Đường sắt được giao nhiệm vụ tham gia khắc phục đoạn từ cầu Tiên An qua sông Bến Hải đến đầu đường 9, Quảng Trị.
“Đơn vị được giao nhiệm vụ chủ yếu đào hố, móng để thi công trụ cầu. Do đó, anh em dựng luôn lán trại ngay tại công trường để sinh hoạt, ăn ngủ. Thời tiết tại Quảng Trị vô cùng khắc nghiệt với những cơn gió Lào hầm hập thổi sà vào mặt người nên rất khó chịu. Ăn uống cũng rất kham khổ khi lương thực thực phẩm cực kỳ khan hiếm. Nhiều bữa chỉ có vài hạt lạc rang và bát canh rau muống,” ông Quang bồi hồi nhớ lại.

Để tránh cái nắng như thiêu như đốt của miền Trung, đơn vị thường thức dậy làm việc từ 4h đến 9h sáng. Trưa nghỉ ngơi tránh nắng và đến chiều mát lại tiếp tục ra công trường. Suốt 3 tháng ròng rã bám trụ các cầu dọc tuyến, đơn vị ông đã hoàn thành chiến dịch khôi phục đường sắt.