Mega Story

Bài 2. Biến nhà tù thành trường học cách mạng

04/10/2024 11:06

Biến nhà tù thành trường học cách mạng

cover-01-1-.jpg

Ảnh hưởng của tờ báo Nhựa sống, “cơ quan ngôn luận” của phong trào học sinh kháng chiến Hà Nội cùng với nhiều hoạt động khác của thanh niên Thủ đô trong thời kỳ bị tạm chiếm luôn khiến kẻ thù bất an. Chúng tìm cách đàn áp, đối phó, bắt bớ hòng dập tắt phong trào cách mạng.

Thế nhưng, chính từ trong những gian khó ấy, lớp lớp thanh niên và học sinh Thủ đô đã được tôi luyện và không ngừng trưởng thành, trở thành những chiến sỹ cách mạng kiên trung, đấu tranh cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

title-1-2-.png

Đầu năm học 1950-1951, thấy chiến thắng biên giới đang vang dội, Chi đoàn học sinh kháng chiến Trưng Vương của bà Đỗ Hồng Phấn hân hoan đưa ra kế hoạch mừng chiến thắng bằng các hoạt động: Treo lá cờ đỏ sao vàng bằng vải, đốt pháo, rải truyền đơn…

Ngày 7/11/1950, cuộc chào mừng ấy thành công rực rỡ, làm nức lòng thanh niên Hà Nội nhưng lại khiến kẻ thù “nóng mặt.” Hàng loạt học sinh Trưng Vương đã bị bắt, trong đó có bà Phấn.

“Ở Sở Mật thám, chúng tát tôi tối tăm mặt mũi. Sau đó, chúng dồn tôi xuống nhà giam. Tôi và các bạn khác phải trải qua những cuộc tra tấn bằng máy quay điện,” bà Phấn rùng mình nhắc lại.

vnp_phan(1).jpg
Bà Đỗ Hồng Phấn (giữa) hồi tưởng lại những ngày tháng bị địch bắt tại Nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Toàn thân bà nảy lên trước những luồng điện giật nhưng bà kiên quyết không khai điều gì. Sẵn có bát ăn cơm, bà đập vỡ ra, cắt mạch máu tay để tự tử.

Khi biết sự việc, lính Pháp đã đưa bà vào nhà thương Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức) để chữa trị. Tại đây, bà Phấn được bố trí nằm phòng riêng, có hai nhân viên canh gác ngày đêm. Sau khi sức khỏe hồi phục chúng chuyển bà vào khu trại giam nữ, Nhà tù Hỏa Lò.

Tại đây, bà Phấn đã trải qua những trận đòn thù, song cũng nhận được sự chăm sóc, động viên của những nữ tù chính trị. Sau hơn 2 tháng bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò, thực dân Pháp đã trả tự do cho bà vào ngày 21/1/1951, do bà chưa đủ 18 tuổi.

Một thành viên khác của phong trào thanh niên kháng chiến bị bắt giam ở Nhà tù Hỏa Lò là ông Dương Tự Minh, con trai út của Giáo sư Dương Quảng Hàm.

duongtuminh.jpg
Ông Dương Tự Minh từng bị địch bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Trong quá trình học tập tại trường Chu Văn An, ông Minh và chị gái của mình là Dương Thị Cương đã tham gia vào tổ chức học sinh kháng chiến với công việc chính là tổ chức hoạt động cho học sinh kháng chiến các trường ra báo bí mật, rải truyền đơn, treo cờ, tuyên truyền cho kháng chiến…

Mùa Hè năm 1950, địch ra tay khủng bố phong trào, chúng bắt bớ hơn 100 học sinh, sinh viên trong đó có ông Minh và chị gái, song vì không có chứng cứ nên sau 2 tuần, họ được thả tự do.

Chỉ ít lâu sau khi ra tù, ông Dương Tự Minh đã được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội. Ông là một trong những người hoạt động tích cực trong việc in và phát hành tờ báo bí mật của Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội mang tên Nhựa sống.

Tháng 10/1952, cơ sở in tại nhà của ông Minh bị lộ do bị chỉ điểm. Vậy là mới 17 tuổi, ông Minh đã địch bị bắt lần thứ hai.

Địch đã nắm được rằng ông là thành viên hoạt động phong trào sôi nổi nên khi vào Nhà tù Hỏa Lò, ông đã được “chăm sóc đặc biệt,” bị tra tấn bằng cách kẹp dây vào hai tai rồi quay điện, trong suốt thời gian bị giam cầm.

quote-3-.jpg

Kể lại tháng ngày “nằm gai nếm mật,” ông nói: “Bọn cai tù cho chúng tôi ăn thức ăn ôi thiu, sỉ nhục tù nhân, rồi đánh đập, phun vòi nước mạnh vào người. Những anh đứng đầu thì bị giam trong ngục Cachot (ngục tối, nơi trừng phạt tù nhân tuyên truyền cách mạng) tối tăm hun hút. Người tù bị nhốt biệt lập, bị cùm trong đêm, phải ăn ngủ vệ sinh tại chỗ, sàn giam dốc ngược khiến tù nhân không nằm được. Chỉ sau một thời gian ngắn, người tù bị phù nề, mắt mờ, ghẻ lở do thiếu vệ sinh, ánh sáng và cả dưỡng khí. Trên tường chỉ có duy nhất một ô cửa bé bằng lòng bàn tay để lọt ánh sáng, khiến bất cứ ai cũng có thể bị suy kiệt tinh thần.”

Ông Minh bị tra khảo nhiều vấn đề liên quan tới tờ Nhựa sống nhưng quyết không khai nửa lời. Mặc dù muốn khép tội nặng cho ông Minh và đồng đội của ông nhưng vì không đủ căn cứ nên chính quyền thực dân đã ra chỉ thị tạm tha và cho ông Minh cùng 3 người bạn được tại ngoại.

title-2-2-.png

Theo ông Dương Tự Minh, mặc dù chế độ nhà tù hà khắc với nhiều hình thức tra tấn tàn độc, kẻ thù vẫn không thể nào khuất phục được ý chí, tinh thần yêu nước của những chiến sỹ cộng sản. Những người tù vẫn bền gan, vững chí, tìm cách đào hầm, vượt ngục. Không những thế, tại đây ông Minh tiếp tục được các chiến sỹ cộng sản giúp đỡ, rèn luyện, giáo dục và trưởng thành.

Các lớp học chính trị và văn hóa, ngoại ngữ, diễn thuyết do chi bộ Nhà tù Hỏa Lò bí mật tổ chức. Không có đồ dùng học tập nên nền xi măng biến thành bảng học, vôi tường được dùng làm phấn, học xong lại xóa đi.

duongtuminh0.jpg
Ông Dương Tự Minh xem lại hiện vật trưng bày tại Nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Qua năm tháng, thời gian có thể xóa nhòa nhiều thứ, nhưng đối với ông Minh những ngày được đấu tranh với địch nơi “địa ngục trần gian” mãi mãi không thể nào quên.

Ông Minh được yêu cầu tham gia dạy học cho các bạn tù, người khác biết tiếng Pháp thì được phân công làm Trưởng ban đại diện trại, có thể giao dịch thẳng với giám thị, đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho anh em tù.

Ông Minh vẫn nhớ như in đêm giao thừa Tết Quý Tỵ 1953, các trại giam đều bày cờ đỏ sao vàng và chân dung Hồ Chủ tịch tự vẽ ra. Sáng ngày mồng Một Tết, các trại lại chuyển sang trang trí cờ hòa bình và hoa đào giấy. Ban lãnh đạo các trại tổ chức thi kéo co, đấu cờ tướng, biểu diễn văn nghệ.

hoalo4.jpg
Năm 1896, trên đất làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, Hà Nội, thực dân Pháp đã xây dựng Nhà tù Hỏa Lò. Đây là một trong số những nhà tù lớn nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương. (Ảnh tư liệu)

“Bọn giám thị Tây, ta cũng đứng xem. Bọn chúng không hiểu hoặc có hiểu cũng khó lòng bắt bẻ những câu nói ẩn ý của anh em tù kháng chiến mong ước độc lập tự do và chửi khéo bọn thực dân cướp nước. Tôi thích thú được hòa mình trong các cuộc đấu tranh sôi động đó và quên cả buồn khổ vì phải ăn Tết trong tù,” ông Minh chia sẻ.

Một chiến sỹ cách mạng khác tại Nhà tù Hỏa Lò là Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Hà (tên khai sinh là Nguyễn Hữu Tự, sinh năm 1928), thành viên Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu (Hoàng Diệu là tên bí mật của Hà Nội).

Năm 1949, ông Nguyễn Tiến Hà là cán bộ của Thành đội Hà Nội. Trong một cuộc chiến đấu ác liệt, giáp mặt với quân thù, tháng 5/1950, ông bị địch bắt về Sở Mật thám (nay là Trụ sở Công an Thành phố Hà Nội ở 87 Trần Hưng Đạo).

Ông Hà cùng một số đồng chí khác đã đào tường vượt ngục nhưng trên đường ra căn cứ, họ bị địch vây bắt trở lại. Lần này, ông phải chịu những trận đòn tra tấn tàn bạo hơn gấp nhiều lần.

“Chúng cho tôi đi tàu bay tức là treo lên xà nhà, dí điện, rồi đi tàu ngầm, giúi vào bể nước cho sặc sụa ngạt thở nhưng chúng tôi kiên quyết không khai,” ông Hà nhớ lại.

Sau trận đòn dã man, ông Hà bị đưa sang Nhà tù Hỏa Lò. Ở đây, nhờ đồng đội chăm sóc, thuốc thang, sức khỏe ông đã dần hồi phục. Ông được anh em tín nhiệm bầu vào Ban Chi ủy, sau đó làm Bí thư chi bộ của nhà tù, tiếp tục đấu tranh ở các trại đồng thời tổ chức các lớp học văn hóa, chính trị, ngoại ngữ.

Cuối năm 1952, khi không thể kết án, kẻ địch trả tự do cho ông Hà. Ngay sau khi ra khỏi tù, ông tìm cách bắt liên lạc với đơn vị, hoạt động bán công khai với danh xưng Giáo sư Trần Hữu Thỏa. Kể từ đó, ông tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng gắn với sự nghiệp giáo dục.

Cứ thế, cuộc đấu tranh cách mạng bền bỉ, anh dũng của nhân dân Hà Nội đã góp phần không nhỏ làm nên “Hà Nội ngày về chiến thắng,” để rồi sau chín năm kháng chiến chống Pháp, ngày 10/10/1954, đoàn quân giải phóng tiến về Thủ đô, lá cờ Tổ quốc ngạo nghễ tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội./.

tacgia.jpeg

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 2. Biến nhà tù thành trường học cách mạng