Thủ đô Hà Nội: Nơi kết tinh sức mạnh văn hóa, tinh thần Việt Nam
- Trong ký ức của nhiều người dân Việt Nam, sự kiến Giải phóng thủ đô ngày 10/10/1954 là một mốc son trong trang sử đầy hào hùng của dân tộc ta khi đoàn quân cách mạng tiến vào giải phóng thủ đô, mở ra một chương mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Vậy xin Giáo sư cho biết bối cảnh lịch sử về dấu mốc quan trọng này?
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Ngày 7/5/1954, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta. Chúng ta trở lại bàn đàm phán Geneva với vị thế của người chiến thắng và đi đến ký kết Hiệp định vào ngày 21/7/1954. Theo Hiệp định Geneva, Pháp và các bên liên quan cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Do tình hình tương quan lực lượng, các bên lấy Vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời. Pháp và các lực lượng thân Pháp phải di chuyển về phía Nam. Từ Vĩ tuyến 17 về phía Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội đã hoàn toàn được giải phóng.
Về phía Việt Nam, Đảng và Chính phủ chủ trương tiếp quản toàn bộ khu vực phía Bắc, trọng điểm là thành phố Hà Nội. Trong khi đó, quân Pháp từng bước rút khỏi thành phố Hà Nội. Từ tháng 9/1954 cho đến ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng đã rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên, có nghĩa rằng Thủ đô Hà Nội đã được giải phóng.
Ngày 19/9/1954, Bác Hồ và Đại đoàn quân tiên phong (Sư đoàn 308) đã về đến Phú Thọ và dừng chân ở Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng, Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong và Bác khẳng định: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.” Bác căn dặn cán bộ, chiến sỹ vào tiếp quản Thủ đô phải giữ nghiêm kỷ luật, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, chống mọi hành động phá hoại của kẻ thù; phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều. Bộ đội phải giúp đỡ nhân dân, tuyên truyền giải thích cho nhân dân, không được làm điều gì phiền nhiễu nhân dân, sao cho từ cụ già đến em bé đều quý mến, tin tưởng. Đây là một mệnh lệnh thiêng liêng, là chiến lược tiếp quản Thủ đô, không chỉ bằng các lực lượng quân sự, mà còn bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân, sức mạnh vật chất, sức mạnh tinh thần, sức mạnh từ chiều sâu, từ cội nguồn của lịch sử-văn hóa dân tộc.
Vậy là chúng ta đã thấy ngày 10/10/1954, Đại đoàn quân tiên phong đã tiếp quản Thủ đô trong một không khí hòa bình, hân hoan, không tiếng súng và không đổ máu.
- Thưa Giáo sư, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng chủ trương cử thanh niên trí thức từ chiến khu về Thủ đô từ những ngày đầu tháng 10 để chuẩn bị công tác tiếp quản có ý nghĩa như thế nào trong những ngày đầu của công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô sau này?
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Chúng ta vừa mới giành chính quyền ở Thủ đô Hà Nội trong cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, thì đã phải bước ngay vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Các trí thức của Thủ đô phần lớn đã đi lên căn cứ địa Việt Bắc phục vụ kháng chiến. Số còn lại làm việc tại trường Đại học Đông Dương. Đến năm 1951, Đại học Đông Dương chuyển vào Sài Gòn, Hà Nội hầu như không còn trí thức làm việc trực tiếp. Cũng bắt đầu từ lúc này, Đảng và Chính phủ trong chủ trương kháng chiến kiến quốc đã chăm lo xây dựng đội ngũ trí thức mới cho Thủ đô Hà Nội. Đây chính là lực lượng quan trọng tham gia tiếp quan Thủ đô, thực hiện đúng như lời dạy của Bác Hồ là “làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh.”
Chúng ta tiếp quản và giữ được Thủ đô còn tương đối nguyên vẹn là một kỳ tích. Đành rằng với cơ sở hạ tầng hết sức lạc hậu và đây đó vẫn còn các mưu đồ phá hoại của kẻ thù, nhưng cuối cùng chúng ta đã vượt lên tất cả, tiếp quản nhanh gọn và an toàn Thủ đô, giữ vững nền hòa bình và nhanh chống tái thiết Thủ đô ngàn năm văn hiến theo định hướng Xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trí thức mới của Thủ đô Hà Nội luôn luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng của công cuộc kiến tạo kỳ vĩ này.
- Thưa Giáo sư, là người đã có nhiều những công trình nghiên cứu về Thủ đô Hà Nội, ông có đánh giá như thế nào về quá trình 70 năm Hà Nội đổi mới và phát triển?
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Điều đầu tiên, tôi cho rằng Hà Nội đã thực hiện được đầy đủ sứ mệnh là một hậu phương lớn cho cả tiền tuyến lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt, sứ mệnh đó được kết tinh bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không vào cuối năm 1972. Sự kiện này kết tinh tất cả giá trị lịch sử, văn hóa, làm nên một kỳ tích, góp phần to lớn trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với vai trò là Thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hà Nội đã đi tiên phong trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.
Ngày đầu tiếp quản, Hà Nội chỉ có 36 khu phố nội thành và 4 quận (46 xã) ngoại thành, với khoảng hơn 40 vạn dân, trong đó tuyệt đại đa số là thị dân buôn bán nhỏ và nông dân nghèo khổ. Thủ đô Hà Nội ngày hôm nay đã thay đổi hoàn toàn so với Thủ đô Hà Nội 70 năm trước. Đây thật sự là một bước tiến thần kỳ.
- Là một Thủ đô có bề dày lịch sử nghìn năm, theo Giáo sư, Hà Nội cần phải làm gì để giữ gìn được những giá trị văn hóa làm nên hồn cốt của mình?
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Một nguyên tắc xây dựng Thủ đô của chúng ta là phát triển trên nền tảng di sản. Phải nói rằng Hà Nội sở hữu khối lượng lớn di sản lịch sử-văn hóa và thiên nhiên vô cùng phong phú, đa dạng. Nếu chỉ tính riêng di sản văn hóa vật thể, theo thống kê, Hà Nội có gần 6.000 di tích, chiếm gần một phần ba tổng số di tích của cả nước, trong khi diện tích Hà Nội chỉ chiếm 1% diện tích tự nhiên cả nước. Đó là một nguồn lực rất lớn để Hà Nội phát triển toàn diện, bền vững, song cũng là thách thức lớn đối với những người lãnh đạo và quản lý Thủ đô, bởi khai thác nguồn tài nguyên này đòi hỏi phải có tâm và có tầm tương xứng.
Thành phố đã thể hiện quyết tâm xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại trên nền tảng của các di sản với các chủ trương, đường lối, quyết sách đều dựa trên cơ sở đề cao giá trị lịch sử-văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh du lịch văn hóa, nâng tầm kinh tế di sản thành ngành kinh tế mạnh của Thủ đô. Tôi cho rằng đó là hướng phát triển bền vững, toàn diện, có tính đột phá rất cao của Hà Nội hiện nay.
- Hà Nội đã được thế giới ghi nhận là “Thành phố Sáng tạo,” “Thành phố vì hòa bình,” “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”..., vậy chúng ta phải làm gì để phát huy được những danh hiệu đó mà không ‘lạc’ ra khỏi dòng chảy của văn minh đô thị?
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Ngày 16/7/1999, Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình,” nhưng chúng ta cần hiểu rằng đó là sự ghi nhận của thế giới đối với toàn bộ tiến trình lịch sử - văn hóa của thành phố, chứ không phải chỉ riêng năm cuối của thế kỷ XX. Nói đến Thăng Long-Hà Nội - Thành phố vì Hòa bình, không thể không nói đến “Đại cáo bình Ngô” của Lê Lợi-Nguyễn Trãi với tuyên ngôn bất hủ: “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo” và bày tỏ mong ước “Kiền khôn bĩ rồi lại thái/ Nhật nguyệt hối rồi lại minh/ Muôn thuở nền thái bình vững chắc.”
Ông cha ta thời xưa đã khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định. Yêu chuộng độc lập, tự do, khát vọng cháy bỏng về một nền hòa bình đích thực từ ngàn đời đã là nguồn sức mạnh để vượt qua mọi thử thách hiểm nghèo.
Ngày nay, chúng ta cần tiếp nối truyền thống và nâng tầm giá trị truyền thống. Đây thật sự là một cuộc chấn hưng văn hóa lớn, một thời kỳ “đại phục hưng” văn hóa dân tộc để nâng tầm phát triển toàn diện và bền vững Thủ đô.
Văn hóa đã trở thành ngọn đuốc dẫn dắt đồng bào ta vượt qua hai cuộc kháng chiến, tạo ra những kỳ tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên năm 1946, Bác Hồ đã nhấn mạnh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” và quả thực, văn hóa đã trở thành ngọn đuốc dẫn dắt đồng bào ta vượt qua hai cuộc kháng chiến, tạo ra những kỳ tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù văn hóa đã chứng minh được vai trò của mình như vậy, nhưng đến nay cũng vẫn còn những ý kiến cho rằng văn hóa chỉ là để tô điểm cho cuộc sống, là ngành “ăn theo,” chỉ biết “tiêu tiền” mà không tạo ra của cải cho xã hội… Đó là lối tư duy không thực tế và hết sức ấu trĩ. Chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế và văn hóa kết quyện lại với nhau thành một thể thống nhất và văn hóa đang trở thành nguồn lực lớn nhất và quan trọng nhất cho phát triển ở bất cứ một quốc gia nào.
Tôi rất vui mừng được biết Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước có một nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa (Nghị quyết số 09-NQ/TƯ). Hà Nội cũng vừa mới hoàn thành Luật Thủ đô (sửa đổi) và Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… tất cả đều đặc biệt đề cao vai trò của văn hóa. Điều này cho thấy quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị thành phố nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội Văn hiến-Văn minh-Hiện đại.
- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!