Từ lâu, cát sông được phân loại là vật liệu xây dựng thông thường theo Luật Khoáng sản năm 2010. Do đó, việc khai thác cát trên địa bàn tỉnh phải do ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch thăm dò, sử dụng và khai thác cát lòng sông.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn diễn ra do nhu cầu về cát xây dựng và cát san lấp của người dân, doanh nghiệp ngày càng lớn; trong khi đó, việc cấp phép khai thác cát bị hạn chế.
Đây là nguyên nhân đáng báo động, góp phần gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng đã và đang diễn ra khắp khu vực.
Thạc sỹ Đặng Trọng Hải, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu Môi trường (Tổng cục Môi trường), cho biết tình trạng khai thác cát sông diễn ra phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện có khoảng 82 công ty được cấp phép khai thác 28 triệu tấn cát sông mỗi năm. Tuy nhiên, khối lượng cát được báo cáo và lượng cát khai thác thực tế rất khó kiểm soát. Tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra thường xuyên.
Theo Bộ Xây dựng, tài nguyên cát sỏi tự nhiên của Việt Nam có thể cạn kiệt trong hơn 10 năm tới. Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố được phân công là đơn vị quản lý và cấp phép khai thác cát sông. Với những mỏ cát liên quan đến hai tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.
Thực tế, do nhu cầu ngày càng lớn về cát xây dựng và cát san lấp của người dân, doanh nghiệp dẫn đến tình trạng khai thác trái phép ở nhiều địa phương.
Các đối tượng khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên sông sử dụng nhiều thủ đoạn qua mặt cơ quan chức năng (khai thác vào ban đêm, gần sáng, tổ chức cảnh giới, thông báo cho nhau khi có lực lượng chức năng kiểm tra) gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi xây dựng chưa tuân thủ quy định theo Giấy phép được cấp (thời hạn cấp phép, công suất khai thác, vị trí khai thác), không chấp hành đúng các quy định của pháp luật có liên quan.
Tại tỉnh Đồng Tháp, hiện nguồn cát sông phục vụ san lấp mặt bằng, xây dựng đang khan hiếm. Vì vậy, tình trạng khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp.
Trước tình hình này, Công an tỉnh đã tích cực đấu tranh với hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự địa phương.
Từ năm 2022 đến nay, lực lượng Công an toàn tỉnh bắt quả tang trên 20 vụ, với 25 đối tượng khai thác cát sông trái phép; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 350 triệu đồng, hình thức xử phạt bổ sung trên 200 triệu đồng.
Từ năm 2022 đến nay, lực lượng Công an toàn tỉnh bắt quả tang trên 20 vụ, với 25 đối tượng khai thác cát sông trái phép; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 350 triệu đồng, hình thức xử phạt bổ sung trên 200 triệu đồng.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, tổng số giấy phép khai thác khoáng sản hiện nay trên địa bàn là 14 (thời hạn đến hết ngày 30/6/2023), với tổng khối lượng cát được khai thác nửa đầu năm 2023 là khoảng 973.000m3. Tổng trữ lượng cát được phê duyệt còn lại của 14 giấy phép đang khai thác là hơn 25 triệu m3.
Sau ngày 30/6/2023, trữ lượng cát được phê duyệt này giảm còn gần 22 triệu m3. Tổng công suất cho phép khai thác cát của 14 giấy phép là gần 5,7 triệu m3/năm.
Ông Hà Huy Anh, Quản lý Dự án Quản lý cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên tại Việt Nam, cho biết Đồng bằng sông Cửu Long đang bị thâm hụt một lượng cát từ 27,5-39,5 triệu tấn/năm. Theo kết quả khảo sát của dự án cho thấy, lượng cát ghi nhận tại thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) - nơi được xem là mỏ cát lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, hiện chỉ còn khoảng 30 m3/m rộng ngang sông/năm, bằng khoảng 15-20% lượng cát đổ về Đồng bằng cách đây 30 năm.
Kết quả đo đạc cũng cho biết phù sa Mekong đổ về sông Hậu vào mùa khô chủ yếu là bùn hữu cơ, chỉ ở sông Tiền mới có cát đổ về do nằm liền dòng chính Mekong.
Bên cạnh đó, độ sâu của sông Tiền và sông Hậu năm 2008 đã tăng thêm 1,3 m so với thời điểm năm 1998, tương đương 90-110 triệu m3 trầm tích bị giảm đi từ lòng sông. Tuy nhiên từ năm 2008-2016, độ sâu của hai con sông này diễn ra nhanh hơn, trung bình sâu thêm 3-7m. Điều này cho thấy, trầm tích đang bị lấy đi khỏi lòng sông ngày càng nhiều so với giai đoạn 1998-2008.
Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích khoảng 40.000 km2, là một trong những khu vực đông dân nhất trên lưu vực sông Mekong, với nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ, là trung tâm nông nghiệp của Việt Nam. Vùng đóng góp 25% GDP, 75% sản lượng thủy sản, 38% hải sản và 48% thực phẩm cho cả nước.
Tuy nhiên, việc khai thác cát thiếu bền vững nhiều năm qua đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, đó là xói mòn các nhánh sông, xói lở bờ (khoảng 500 ha/năm) làm đồng bằng thay đổi hình dạng, hình thái.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, tình trạng sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng, gia tăng cả về tần suất và quy mô.
Phương pháp địa chấn nông phân giải cao được sử dụng để khảo sát hiện trạng hai đoạn sông Tiền (cù lao Châu Mã và khu vực thành phố Sa Đéc) và sông Vàm Nao, từ đó đánh giá sự thay đổi hình thái lòng sông của đoạn sông Tiền trong khu vực thành phố Sa Đéc.
Kết quả cho thấy địa hình lòng sông tại khu vực nghiên cứu có sự thay đổi đáng kể về độ sâu, thành phần vật chất do chịu tác động mạnh của con người, chủ yếu là hoạt động khai thác cát lòng sông.
Với đặc điểm địa chất non trẻ như ở Đồng bằng sông Cửu Long, việc khai thác cát sẽ tạo ra các hố sâu khổng lồ, làm đổi hướng dòng chảy dưới đáy sông và tạo ra những va chạm đủ lớn, các xoáy nước và sinh ra năng lượng tác động lên hai bên thành bờ gấp nhiều lần so với mức bình thường.
Bên cạnh đó, việc khai thác cát sông quá mức dẫn đến mất môi trường sống ven sông và thủy sinh, phá hủy hệ động thực vật địa phương, mất nơi lưu trú và lớp che phủ cho lòng sông.
Khai thác cát trực tiếp từ lòng sông đang chảy cũng làm ảnh hưởng đến mật độ của các quần thể động vật không xương sống và cá ở đáy sông.
Đồng thời, tiếng ồn và sự dịch chuyển trong quá trình khai thác cát sông của thiết bị công nghiệp nặng có thể xua đuổi các loài động vật hoang dã dọc theo vùng ven sông.
Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết đây vốn là nơi chứa nhiều phù sa, cát sông Mekong tải về miệt mài bồi đắp. Nhưng từ 1992 trở về đây, sạt lở ngày càng gia tăng, bồi đắp ngày càng giảm.
Nguyên nhân chính là do sự mất cân bằng trên toàn hệ thống sông Mekong, tức là sự thiếu cát và phù sa. Ngoài ra còn do các đập thủy điện chặn cát và việc khai thác cát trên sông Mekong ở tất cả các quốc gia từ Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Theo số liệu của Ủy hội Mekong quốc tế, so sánh giữa các năm 1992 và 2014, tải lượng phù sa mịn của sông Mekong đã giảm 50% (từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn/năm).
Sau này, nếu có thêm 11 đập dòng chính ở Lào và Campuchia, tải lượng phù sa mịn sẽ giảm còn 42 triệu tấn/năm; đồng thời 100% cát sẽ bị chặn lại, tức là sẽ không còn cát, sỏi về Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Hoàng Việt, Giám đốc Dự án Quản lý cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng dù hoạt động khai thác cát hiện nay không bền vững nhưng việc ngưng khai thác cát ngay lập tức là không khả thi. Vì vậy, việc xây dựng “ngân hàng cát” (khoảng chênh lệch giữa khối lượng cát sông được vận chuyển về từ thượng nguồn với lượng cát khai thác trên toàn Đồng bằng, cũng như lượng cát đổ ra biển) là rất cần thiết. Kết quả tính toán “ngân hàng cát” sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách biết được lượng cát có thể khai thác và vị trí khai thác mà không gây ra các ảnh hưởng tiêu cực./.
Thực hiện: Hồng Đạt-Nhựt An-Thanh Liêm-Lan Phương