Trong vòng một thập niên trở lại đây, Đồng bằng sông Cửu Long đã chứng kiến ba đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng vào các năm 2015-2016, 2019-2020 và 2023-2024, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp - vốn được xem là trụ đỡ kinh tế của vùng.
Trong vòng một thập niên trở lại đây, Đồng bằng sông Cửu Long đã chứng kiến ba đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng vào các năm 2015-2016, 2019-2020 và 2023-2024, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp - vốn được xem là trụ đỡ kinh tế của vùng.
Đặc biệt, đợt hạn mặn 2015-2016 gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp và thủy sản, với ước tính thiệt hại lên đến 300 triệu USD. Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng năng lượng tái tạo không chỉ là một lựa chọn bền vững mà còn là giải pháp thiết yếu để đối phó với những thách thức môi trường, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Tại cuộc họp nghe báo cáo dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì ngày 10/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng điện mặt trời mái nhà có thể được liên kết và bán phần điện dư lên lưới quốc gia.
Giá bán điện sẽ tùy vào thời điểm, người dân và doanh nghiệp có thể được trả tiền cho lượng địa dư thừa lên lưới. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị hỗ trợ lãi suất khi đầu tư thiết bị lưu trữ điện và được phép đặt điện mặt trời mái nhà không theo quy hoạch điện VIII.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, điện mặt trời mái nhà, điện gió ngoài khơi, điện sinh khối, điện rác... (bao gồm cả các dự án xuất khẩu điện mà không đưa lên lưới quốc gia, sản xuất hydro xanh, tự sản, tự tiêu...) được ưu tiên phát triển trong điều kiện đáp ứng công nghệ, an toàn hệ thống, giá cả phù hợp. Phát triển điện mặt trời mái nhà là phương án sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, có vai trò quan trọng trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Trong Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long công bố vào năm 2022, các chuyên gia nhận định khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời, và điện sinh khối.
Theo quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo toàn quốc đến 2035, xét về tiềm năng kỹ thuật, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có trên 68.600 MW tiềm năng điện gió trên đất liền, trên 31.500 MW tiềm năng điện mặt trời.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), quy hoạch phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam đã chứng kiến một bước tiến lớn. Dự kiến đến năm 2030, công suất điện mặt trời sẽ đạt 20.591 MW và tăng lên đến 189.000 MW vào năm 2050.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những thách thức đang đối mặt do sự phát triển "quá nóng" của các dự án điện mặt trời, đặc biệt là vấn đề hệ thống lưới điện và phụ tải không đáp ứng được nhu cầu, gây nghẽn mạch truyền tải.
Trong khi đó, chính sách giá mua điện hỗ trợ (FIT) cao đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời, nhưng việc chưa được bổ sung vào quy hoạch khiến các nhà đầu tư mới gặp khó khăn. Để đẩy mạnh quá trình chuyển dịch năng lượng, Chính phủ Việt Nam đã khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, với mục tiêu đến năm 2050, nguồn điện này sẽ đạt 39.500 MW.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng phòng Năng lượng tái tạo, Công ty Tư vấn Điện 3 (PECC3), nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy hoạch Điện VIII trong việc tăng cường đầu tư vào nguồn phát năng lượng tái tạo, phù hợp với cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26 về việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý rằng, để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương cần sớm hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hiện tại, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt 80.704 MW, đứng thứ hai tại khu vực ASEAN và thứ 23 trên thế giới. Trong đó, điện mặt trời chiếm khoảng 20,5%. TS. Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh rằng “điện mặt trời là nguồn năng lượng có giá rẻ nhất” trong các loại nguồn phát điện và cần được ưu tiên phát triển. Nhờ các chính sách khuyến khích, công suất điện mặt trời của Việt Nam đã tăng vọt từ 84 MW vào cuối năm 2018 lên 16.500 MW vào cuối năm 2021.
Tuy nhiên, các thách thức như chi phí đầu tư cao, thiếu cơ sở hạ tầng thích hợp, và sự bất ổn định của nguồn năng lượng do điều kiện thời tiết khí hậu, vẫn là những vấn đề cần giải quyết khi phát triển điện mặt trời. TS. Nguyễn Anh Tuấn đề xuất cần có chính sách hỗ trợ ban đầu, bao gồm hỗ trợ giá và tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận tín dụng lãi suất thấp để khuyến khích phát triển nguồn năng lượng này.
Với kinh nghiệm từ các chính sách phát triển năng lượng tái tạo trong những năm qua, các chuyên gia của VCCI chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, cho trong thời gian tới, Đồng bằng sông Cửu Long có thể tận dụng cơ hội để thực hiện chuyển dịch sang các nguồn năng lượng mới vừa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, giảm phát thải, đa dạng hóa cơ cấu nguồn và giảm phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu nhập khẩu.
Thực tế, các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đề xuất rất nhiều dự án đưa vào Quy hoạch điện 8 với tham vọng sẽ biến khu vực này trở thành trung tâm năng lượng của cả nước.
Ví dụ như Kiên Giang, là địa phương chưa có dự án năng lượng tái tạo, hiện đã có chủ trương cho nghiên cứu đầu tư 15 dự án điện mặt trời, tổng công suất 2.427 MWp, trong đó đã đề xuất 12 dự án đến Bộ Công Thương, tổng công suất 1.715MWp.
Đây đều là các dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời kết hợp trên các khu nuôi tôm công nghiệp (4 khu nuôi tôm hiện hữu và 3 khu nuôi tôm dự kiến đầu tư theo quy hoạch nuôi tôm công nghiệp), trên các hồ nước, không sử dụng đất riêng cho công trình nhà máy điện, chi phí sử dụng đất cho dự án năng lượng rất ít, chủ yếu là giải phóng mặt bằng các tuyến đường dây đấu nối (hầu hết có chiều dài tuyến dưới 10km).
Do đó, tỉnh Kiên Giang đề nghị xem xét ưu tiên đưa vào danh mục các dự án nêu trên khi tính toán lựa chọn khả năng phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời khu vực Nam Bộ nhằm góp phần cân đối cung cầu hệ thống điện, nhất là trong mùa nắng nóng .
Theo ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, sử dụng năng lượng mặt trời thì sẽ giảm ô nhiễm môi trường, từ đó giúp giảm các rủi ro cho người dân trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt.
Khi môi trường tốt hơn thì dịch bệnh sẽ ít xuất hiện, sản xuất ổn định hơn, từ đó đời sống người dân được đảm bảo, xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Đây là những lợi ích mà nếu như tiếp tục sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch sẽ không bao giờ có được
Tại Hậu Giang, ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, theo Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050, tiềm năng phát triển nguồn điện của tỉnh bao gồm điện mặt trời mặt đất với công suất 5.129 MW; điện gió trên bờ 4.670 MW, điện sinh khối 96 MW. Sở Công Thương Hậu Giang đã đề xuất các dự án tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn cũng như góp ý xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022, các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội đều dự báo nhu cầu điện tăng nhanh đến năm 2050. Do vậy, xét về tầm nhìn dài hạn, các tỉnh trong Vùng cũng cần cập nhật, xây dựng dự báo, đánh giá tiềm năng đầu tư các dự án phát triển nguồn điện, có kế hoạch dài hạn xem xét đến tạo điều kiện thuận lợi phát triển chuỗi cung ứng và các ngành nghề phụ trợ của địa phương để gia tăng giá trị sản xuất.
Để hưởng lợi đầy đủ từ việc sử dụng nhiều hơn các nguồn năng lượng tái tạo, Đồng bằng sông Cửu Long cần phải thu hút được đối tác quốc tế, doanh nghiệp sản xuất của địa phương và lực lượng lao động chuyên môn bản địa thay vì chỉ dừng lại ở các hoạt động có giá trị gia tăng thấp và sử dụng lao động trình độ thấp, chẳng hạn như lắp ráp thiết bị và xây dựng.
Về chiến lược dài hạn, với điều kiện địa lý, tự nhiên thuận lợi cùng các cơ chế chính sách hỗ trợ, các tỉnh Đồng bàng sông Cửu Long đã ghi nhận sự phát triển nổi trội trong phát triển các dự án điện và truyền tải, đặc biệt là các dự án nguồn điện từ năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, vẫn đề phát triển ồ ạt các dự án trong thời gian qua cũng đặt ra bài toán cấp thiết trong việc thắt chặt quy trình phê duyệt và cấp phép dự án mới.
Với tiềm năng phong phú từ điện gió, mặt trời và sinh khối, Đồng bằng sông Cửu Long có cơ hội lớn để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Đồng thời, các dự án phát triển năng lượng tái tạo cũng hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy tăng trưởng xanh cho khu vực, đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng trong tương lai.
Tại Hội nghị COP28 diễn ra ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) vào tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đối phó với biến đổi khí hậu. Bài phát biểu của Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết của hành động thống nhất mang tính toàn cầu và trách nhiệm của từng quốc gia kết hợp với sức mạnh đoàn kết quốc tế.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biến các cam kết từ các hội nghị trước thành những hành động cụ thể, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu các nước phát triển cần hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để có quá trình chuyển đổi xanh hiệu quả và bền vững.
Tại sự kiện này, Thủ tướng cũng đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực cho thực hiện đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với nhóm các đối tác quốc tế gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Canada, Đan Mạch và Na Uy. Các đối tác này cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỉ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để hỗ trợ chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.
Thông điệp mạnh mẽ từ Thủ tướng tại COP28 và hành động của Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt trong cộng đồng quốc tế, thể hiện trách nhiệm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc xử lý một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay là biến đổi khí hậu.
Qua loạt bài “Đưa năng lượng tái tạo vào canh tác nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long”, chúng ta không chỉ nhìn thấy một bức tranh đầy màu sắc về sự đổi mới và tiến bộ mà còn cả những thách thức cần vượt qua.
Từ việc ứng dụng năng lượng mặt trời trong nuôi tôm tại Bạc Liêu đến việc khám phá tiềm năng của điện mặt trời khi chế biến nông sản ở Hậu Giang hay đơn giản chỉ là giúp thắp sáng và chạy máy bơm nước trên núi Cấm ở An Giang, những nỗ lực này không chỉ góp phần vào việc giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế cho người dân, mà còn hướng tới một mục tiêu xa hơn: bảo vệ môi trường và đối phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, những thách thức như chi phí đầu tư ban đầu, hạn chế về hệ thống điện lưới và thiếu chính sách hỗ trợ cần được giải quyết để tối ưu hóa lợi ích từ năng lượng tái tạo.
Khi nhìn về tương lai, việc liên kết chặt chẽ giữa chính sách, đầu tư và công nghệ sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long trong thời đại năng lượng xanh./.