Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc không ngừng phát triển, đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận và trở thành điểm sáng trong quan hệ song phương.
Trong thời gian gần đây, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc về tổng thể duy trì xu thế phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực. Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc không ngừng phát triển, đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận và trở thành điểm sáng trong quan hệ song phương.
Tại buổi hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc hồi tháng Sáu vừa qua, trên cơ sở nhận thức chung cấp cao giữa hai Tổng Bí thư trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc (năm 2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tăng cường tiếp xúc cấp cao và các cấp, nâng cao chất lượng hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư.
Thủ tướng đề nghị Trung Quốc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam; tạo điều kiện để Việt Nam sớm mở thêm một số Văn phòng Xúc tiến Thương mại tại Trung Quốc; cấp thêm hạn mức hàng hóa Việt Nam quá cảnh đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba; nghiên cứu khả năng hợp tác phát triển tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, tốc độ cao kết nối giữa hai nước; hoan nghênh doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư chất lượng cao tại Việt Nam; mong muốn hai bên tăng cường giao lưu nhân dân và tuyên truyền hữu nghị, góp phần xây dựng nền tảng xã hội vững chắc cho quan hệ song phương.
Bày tỏ coi trọng các đề xuất hợp tác của Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam duy trì trao đổi chiến lược, thúc đẩy tiếp xúc cấp cao và các cấp, các ngành; mở rộng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, tăng cường kết nối đường sắt, đường bộ và hạ tầng cửa khẩu, mong muốn hai bên tăng cường kết nối chiến lược phát triển.
Một trong những kết quả quan trọng trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính là hai bên nhất trí nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh kết nối giao thông, nhất là trong lĩnh vực đường sắt, đường bộ, hạ tầng cửa khẩu, nâng cao hiệu suất thông quan, duy trì giao thương thông suốt, bảo đảm chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng.
Phía Trung Quốc khẳng định sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là hàng nông sản, tăng thêm hạn ngạch cho hàng hóa Việt Nam quá cảnh bằng đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba, mở rộng đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào những lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhiều năm liên tục, còn Việt Nam là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước rất lớn.
Về thương mại, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam-Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD (tăng 5,47%), trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD (tăng 3,18%), nhập khẩu đạt 117,86 tỷ USD (tăng 6,63%), Việt Nam nhập siêu 60,17 tỷ USD (tăng 10,18%).
Theo số liệu của Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2022 đạt 234,9 tỷ USD, tăng 2,1% so với năm 2021, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 87,9 tỷ USD, giảm 4,7%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 146,9 tỷ USD, tăng 6,8%. Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 59 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Trong 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 89,1 tỷ USD, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc đạt 30,8 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc chiếm 15,8% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn.
Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 58,3 tỷ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2022; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm 32,7% trong tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 27,4 tỷ USD, giảm 34,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước rất lớn.
Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới...
Dù vậy, để khai thác hết tiềm năng và lợi thế giữa hai nước, thì vai trò của các cơ quan chức năng đối với cộng đồng doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
Tại buổi hội đàm song phương với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào hồi tháng Sáu vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ trưởng Vương Văn Đào tích cực thúc đẩy mở rộng quy mô thương mại song phương, mở rộng hợp tác kinh tế thương mại với các địa phương của Trung Quốc để hỗ trợ đưa hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa Trung Quốc, thúc đẩy nâng cao hiệu suất thông quan tại cửa khẩu, thành lập Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu trong năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam quá cảnh đường sắt Trung Quốc đi các nước thứ ba...
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Trung Quốc về tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa Việt-Trung, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng hai bên cần xây dựng kế hoạch hành động để triển khai bản ghi nhớ, xây dựng mạng lưới hậu cần kết nối chuỗi cung ứng giữa hai nước từ vùng nguyên liệu, các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất hai nước đến các cảng/cửa khẩu và trung tâm phân phối tại những địa phương của hai nước, trong đó thiết lập các trung tâm phân phối, logistics, tập kết hàng hóa hai nước tại những địa phương sản xuất, tiêu thụ của hai nước.
Bộ trưởng Vương Văn Đào thể hiện sự ủng hộ cao với những đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặc biệt là vấn đề tạo thuận lợi thông quan cửa khẩu, mở rộng quy mô thương mại song phương, tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các địa phương Trung Quốc, đồng thời cho biết sẽ giao các đơn vị liên quan tích cực phối hợp với Bộ Công Thương triển khai nội dung hợp tác liên quan.
Bộ trưởng Vương Văn Đào cũng nêu một số nội dung phía Trung Quốc quan tâm như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN- Trung Quốc (ACFTA), tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử, đề nghị phía Việt Nam ủng hộ các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam…
Về đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc đạt gần 1,3 tỷ USD với 233 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam (sau Singapore, Nhật Bản). Lũy kế đến 20/6/2023, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6/143 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu FDI vào Việt Nam với 3.791 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 25 tỷ USD.
Tại Diễn đàn Hợp tác Đầu tư và Thương mại Việt Nam-Trung Quốc tổ chức sáng 28/6 tại Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung cho biết Trung Quốc sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, hợp tác đầu tư, kinh doanh; ưu tiên phát triển xanh, kinh tế số, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thực lực, danh tiếng và công nghệ cao đầu tư tại Việt Nam; đề nghị Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng, vì sự phát triển của mỗi nước nói riêng và vì hòa bình, an ninh, phồn thịnh, tươi đẹp và hữu nghị trong khu vực ASEAN và thế giới.
Ông Lưu Quốc Trung nhấn mạnh rằng giới công thương là lực lượng trụ cột trong thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam-Trung Quốc và cũng là người được hưởng lợi từ sự phát triển quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt-Trung.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tìm giải pháp tốt nhất để các nhà đầu tư, nhà nghiên cứu có điều kiện cống hiến cho phát triển quan hệ hai nước, đặc biệt là đầu tư hiệu quả tại Việt Nam. Thủ tướng đề nghị cơ quan chức năng hai bên tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, thương mại giữa hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần có tổ công tác chuyên biệt về thương mại và đầu tư để thúc đẩy các hoạt động này thực chất, hiệu quả hơn.
Về định hướng, giải pháp chủ yếu thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại Việt Nam-Trung Quốc thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Việt Nam thu hút FDI có chọn lọc, hiệu quả, bền vững, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Về lĩnh vực ưu tiên, Việt Nam đẩy mạnh thu hút và có các chính sách khuyến khích, thúc đẩy các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển bền vững.
Đặc biệt, Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc tham gia đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, như đường sắt, đường bộ cao tốc...; khuyến khích hình thức hợp tác công tư. Đây là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia phát triển hạ tầng cứng và mềm cho Việt Nam. Bài học kinh nghiệm của Trung Quốc cũng cho thấy cần đầu tư phát triển mạnh cho hạ tầng.
Về một số giải pháp chủ yếu để giảm chi phí, nâng chất lượng, nâng cao hiệu quả cho đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ thống kết cấu hạ tầng để giảm khuyến khích hình thức đối tác công tư (PPP). Ứng phó phù hợp với các xu hướng mới, phản ứng chính sách kịp thời với các vấn đề phát sinh.
Về thúc đẩy thương mại, cần rà soát, có cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích, thúc đẩy mạnh mẽ thương mại hai nước theo hướng cân bằng hơn, đặc biệt là nhập khẩu nông sản từ Việt Nam; tiếp tục thúc đẩy thương mại biên giới, nghiên cứu hình thành các khu thương mại biên giới phù hợp; phát triển hệ thống logistics, kết nối chuỗi cung ứng, thúc đẩy thương mại điện tử, tạo thuận lợi thương mại; tăng cường hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; đơn giản hóa thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu, hải quan, nâng cao hiệu suất thông quan, tăng cường xuất khẩu chính ngạch; nâng cấp các cửa khẩu, sớm triển khai và nhân rộng mô hình cửa khẩu thông minh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh việc xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh giữa Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc).
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục đầu tư mở rộng ở Việt Nam và khẳng định Chính phủ Việt Nam bảo đảm môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh cho các nhà đầu tư; tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện; đã làm, đã thực hiện phải có hiệu quả, "cân, đong, đo, đếm" với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, tất cả cùng thắng. Thủ tướng nhấn mạnh điều này chính là cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước./.