Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc: Độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.
Trong lịch sử 4.000 năm của dân tộc, nhân dân Việt Nam đã làm nên biết bao kỳ tích, chiến công rất đáng tự hào.
Từ cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 40 sau Công nguyên) đến cuộc nổi dậy của Ngô Quyền (năm 938) đánh thắng trận Bạch Đằng Giang, nhân dân ta quét sạch quân xâm lược phương Bắc, giành được độc lập chủ quyền quốc gia, chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc; hơn một nghìn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều lần đánh bại quân xâm lược, đặc biệt ba lần chiến thắng Nguyên-Mông, đánh đuổi quân Minh, quân Thanh, dân tộc Việt Nam xứng đáng là dân tộc anh hùng trong lịch sử nhân loại.
Từ cuối thế kỷ XIX, nhân dân Việt Nam lại rơi vào vòng nô lệ, bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị hơn 80 năm. Biết bao nhiêu cuộc chiến đấu và nổi dậy đã bị dìm trong biển máu. Nhưng lịch sử hiện đại của thế kỷ 20 lại chứng kiến sức mạnh kỳ diệu của dân tộc Việt Nam với bao chiến công lừng lẫy, chấn động địa cầu!
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc: Độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 3/2/1930, do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập và rèn luyện, chỉ trong 15 năm cách mạng Việt Nam đã giành được chính quyền về tay nhân dân.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc: Độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.
Trở lại lịch sử, từ khi thực dân Pháp bắn phá Đà Nẵng, sau đó tiến công đánh chiếm ba tỉnh miền Đông và tiến đến thống trị toàn xứ Nam Kỳ. Ngay từ thuở ấy, nhiều sĩ phu yêu nước đã dũng cảm đứng lên lãnh đạo quân dân kháng chiến quyết liệt, gây cho địch nhiều tổn thất lớn, nêu cao nghĩa khí sáng chói: ở miền Nam như Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân; ở miền Trung có nhiều tướng lĩnh và sĩ phu cũng chiến đấu oanh liệt như Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng...; ở miền Bắc nổi lên cuộc chiến đấu ròng rã 30 năm của Hoàng Hoa Thám và nhiều đề đốc khác. Song tất cả các cuộc nổi dậy đó đều bị thất bại.
Từ chiến đấu vũ trang, phong trào yêu nước chuyển sang các hình thức đấu tranh chính trị, Đông Du của Phan Bội Châu cầu viện Nhật Bản và Trung Quốc, Tây Du của Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường học hỏi và đòi quyền dân chủ và dân sinh. Một lần nữa, các phong trào ấy đều bị khủng bố và các vị lãnh tụ đều bị tù đày, thậm chí bị án tử hình.
Sự bùng nổ của cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học, lãnh tụ Quốc dân Đảng năm 1930 là tiếng sấm cuối cùng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chưa tìm thấy lối ra. Nhưng lòng yêu nước nồng nàn vẫn âm ỉ trong lòng các tầng lớp nhân dân.
Năm 1911, đồng chí Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước. Tinh thần dân tộc và ý thức giai cấp trong những năm tháng Người sống cùng những công nhân lao động nghèo khổ và hoạt động cùng những chiến sỹ của trào lưu yêu nước và xã hội chủ nghĩa ở Pháp, Anh, và nhiều nước thuộc địa..., đã dẫn dắt Người trở thành một chiến sỹ cách mạng kiên cường.
Người đã gặp chủ nghĩa Marx-Lênin và đã nhận ra con đường "từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Lênin." Người đã được luận cương của Lênin về "vấn đề dân tộc và thuộc địa" soi sáng và đã xúc động nói to lên: "Đây là cái cần thiết cho chúng ta!"
Cuối năm 1923 Người sang Liên Xô, sau đó về phương Đông tiếp cận phong trào yêu nước. Cuối năm 1925, Người sáng lập ra tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, giáo dục nhiều lớp thanh niên từ trong nước sang Trung Quốc, ươm những hạt giống đỏ đầu tiên cho đất nước.
Chính Người đã thống nhất 3 tổ chức cộng sản thành một Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930, để lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc. Sau cao trào 1930-1931 bị khủng bố trắng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc luôn luôn theo dõi phong trào trong nước, những năm 1936-1939 tập trung vào mục tiêu chống phát xít và phản động thuộc địa, đòi các quyền dân chủ dân sinh.
Từ nước ngoài, Người thường xuyên viết bài có tính chất chỉ đạo gửi về nước đăng trên các báo công khai. Năm 1941, Người trở về nước, triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, nhằm đánh đuổi giặc Pháp-Nhật, giải phóng dân tộc là mục tiêu cao nhất. Theo lời kêu gọi toàn dân cứu nước của Nguyễn Ái Quốc "đem sức ta mà giải phóng cho ta," phong trào Việt Minh phát triển nhanh rộng ở khắp các vùng từ Bắc đến Nam.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Đảng phát động phong trào kháng Nhật cứu nước trên toàn quốc. Khởi nghĩa từng phần nổ ra ở nhiều địa phương, các chiến khu, căn cứ địa được đẩy mạnh xây dựng.
Tháng 4/1945, Hội nghị quân sự Bắc Kỳ do Ban Thường vụ Trung ương triệu tập ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) "đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ cần kíp khác." Phong trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ trên toàn quốc, làm lung lay nền thống trị của quân phiệt Nhật và tay sai.
Nắm bắt thời cơ cách mạng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào (13 đến 15/8/1945) kêu gọi toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Ngày 16/8/1945, cũng tại Tân Trào, Đại hội đại biểu Quốc dân được triệu tập, tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng. Cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8), Huế (23/8), Sài Gòn (25/8).
Ngày 19/8/1945 khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội gây một tiếng vang lớn trong cả nước. Cuộc khởi nghĩa nổ ra thắng lợi ở Hà Nội đã góp phần làm tan rã nhanh chóng toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền tay sai của Nhật trong cả nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 25 triệu đồng bào ta, với tinh thần "đem sức ta mà giải phóng cho ta" đã nhất tề vùng lên giành chính quyền trong 15 ngày, từ 13 đến 28/8/1945. Chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân . Vua Bảo Đại xin thoái vị để "được làm dân tự do của một nước độc lập."
Ngày 30/8/1945, tại Huế, Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận thay mặt Chính phủ lâm thời đã tuyên bố chấp nhận sự thoái vị của Bảo Đại và nhận ấn, kiếm của nhà vua giao nộp cho Chính phủ trước sự chứng kiến của hàng vạn đồng bào Thừa Thiên-Huế.
Và ngày 2/9/1945 đã ghi một mốc son trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Tại vườn hoa Ba Đình, trước cuộc mít tinh của hàng vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
"Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc..."
Tuyên ngôn Độc lập - Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bản Tuyên ngôn khẳng định: "Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". ... “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. ... "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy."
Độc lập, tự do - tư tưởng cách mạng chủ yếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phác thảo trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (2/1930), là mục tiêu đấu tranh trực tiếp của Mặt trận Việt Minh (1941) và của Đại hội đại biểu quốc dân Tân Trào (8/1945) đã thành hiện thực bằng sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cách mạng Tháng Tám đã diễn ra như vậy, tưởng như một cuộc đổi đời nhẹ nhàng. Nhưng không, nhân dân Việt Nam dưới ách thống trị của đế quốc Pháp và phátxít Nhật đã phải bao lần nổi dậy và đổ máu vì độc lập tự do, đã phải chết đói hơn 2 triệu người vì bị bóc lột tận xương tuỷ, vơ vét từng cân thóc.
Dân tộc Việt Nam trước nguy cơ diệt vong đã vùng lên để giành lại cuộc sống, "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta," "dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói. Đó là yêu cầu sống còn. Và thời cơ đã đến.
Hồng quân Liên Xô cùng đồng minh đã tiêu diệt phát xít Hítle ở Châu Âu, quân đội Nhật bị đánh bại ở Mãn Châu, đã buộc phải đầu hàng không điều kiện. Chỉ cần có đội tiên phong của dân tộc và nhân dân lao động dũng cảm đứng dậy, giương cao ngọn cờ lãnh đạo không sợ gian nguy, quyết tâm giành thắng lợi.
Đội tiên phong ấy đã có từ năm 1930 và từ năm 1941 được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp lãnh đạo, xây dựng căn cứ địa cách mạng Cao-Bắc-Lạng ở Việt Bắc, từng bước tiến lên, giành thắng lợi ở từng bộ phận đến thắng lợi hoàn toàn bằng một cuộc tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử.
Từ đây, chính quyền hoàn toàn về tay nhân dân. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời. Cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước được tiến hành bầu ra Quốc hội, đã lập nên Chính phủ Hồ Chí Minh hợp hiến, hợp pháp, được toàn dân tín nhiệm, tin tưởng, đã có thể động viên toàn dân phát huy nội lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Chính vì vậy mà dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, toàn dân ta đã toàn tâm toàn lực "chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm" theo lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch.
Và ngay từ tháng 9/1945 đã dốc sức chống bọn thực dân Pháp được đế quốc Anh hỗ trợ, quay lại xâm lược Việt Nam một lần nữa và đuổi 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch mưu toan chiếm đóng ở miền Bắc.
Sau đó, cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, mở đường cho các dân tộc xóa bỏ chủ nghĩa thực dân cũ trên cả hành tinh và cuối cùng, qua 20 năm kháng chiến vô cùng oanh liệt, nhân dân Việt Nam đã đánh đuổi được 50 vạn quân xâm lược Mỹ và đánh tan hàng triệu quân ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975.
Rõ ràng, nếu không có thành công lịch sử của Cách mạng Tháng Tám thì không có thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và có nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như ngày nay.
Ngay sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Việt Nam là cuộc khởi nghĩa thắng lợi đầu tiên do Đảng Cộng sản lãnh đạo ở một nước thuộc địa và nửa phong kiến, một nước nông nghiệp lạc hậu, đất không rộng, người không đông và nằm giữa vòng vây của chủ nghĩa đế quốc.
Cách mạng Tháng Tám là một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, chấm dứt sự thống trị gần trăm năm của thực dân Pháp và hàng nghìn năm của phong kiến, thiết lập nền dân chủ cộng hòa. Thắng lợi kỳ diệu của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của khởi nghĩa toàn dân.
Những ngày Tháng Tám năm 1945 đúng là "một ngày bằng 20 năm," là ngày hội của toàn dân đứng lên phá ách nô lệ, làm chủ vận mệnh của mình, của đất nước. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh một điều, như chân lý bất diệt là: Khi quần chúng nhân dân đã thức tỉnh, được tổ chức, tự giác tham gia cách mạng thì sẽ trở thành sức mạnh vô địch. Người đã thức tỉnh được quần chúng nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính Người, bằng tư tưởng đại đoàn kết dân tộc đã phát động được sức mạnh của toàn dân tham gia vào cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.
Có thể khẳng định rằng: Cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1945 là thành tựu tuyệt vời của tinh thần, ý chí, trí tuệ con người Việt Nam, của truyền thống và văn hóa Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Marx-Lenin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam, là thắng lợi của đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng, là thắng lợi của Tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Một kỷ nguyên mới mở ra cho dân tộc Việt Nam: Kỷ nguyên Độc lập, Tự do.
Về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: " Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân ta có thể tự hào mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền trong toàn quốc."
Có một Việt Nam thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, một Việt Nam đổi mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tiềm lực và khả năng ngày càng to lớn như hôm nay, chúng ta càng thấy ý nghĩa trọng đại và tầm vóc lớn lao của Cách mạng Tháng Tám.
Nhìn lại những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã giành được trong thế kỷ XX, Đại hội IX của Đảng khẳng định: "Chúng ta tự hào về dân tộc ta, một dân tộc anh hùng, thông minh và sáng tạo; tự hào về Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện - một lòng một dạ chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân."
Có một Việt Nam thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, một Việt Nam đổi mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tiềm lực và khả năng ngày càng to lớn như hôm nay, chúng ta càng thấy ý nghĩa trọng đại và tầm vóc lớn lao của Cách mạng Tháng Tám.