Mega Story

Chiến thắng Điện Biên Phủ trong góc nhìn của cộng đồng quốc tế

03/05/2024 10:36

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khiến Chủ nghĩa thực dân kiểu cũ tan rã lần đầu tiên trên thế giới, buộc giới hoạch định chiến lược của các nước đế quốc phải chuyển hướng sang thực hiện Chủ nghĩa đế quốc kiểu mới.

template-ha-36-.png

Ngày 7/5/1954, quân và dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu," kết thúc 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo." Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ "bất khả chiến bại" đã bị quân và dân ta xóa sổ hoàn toàn.

.

1(1).png

Chiến thắng Điện Biên Phủ có tác động mạnh mẽ đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của các dân tộc trên thế giới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những trận đánh đỉnh cao, là cuộc thử sức toàn diện nhất, cuộc chiến đấu ác liệt nhất giữa một bên là Quân đội Nhân dân Việt Nam và một bên là quân xâm lược Pháp với sự can thiệp và hỗ trợ của Đế quốc Mỹ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khiến Chủ nghĩa thực dân kiểu cũ tan rã lần đầu tiên trên thế giới, buộc giới hoạch định chiến lược của các nước đế quốc phải chuyển hướng sang thực hiện Chủ nghĩa đế quốc kiểu mới.

template-ha-40-.png

Chiến thắng Điện Biên Phủ làm sáng ngời chân lý rằng một nước thuộc địa, nửa phong kiến, có quân đội yếu, trang bị còn thiếu thốn, nhưng nếu có sự đoàn kết thống nhất, có sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng Mácxít chân chính và của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, biết cách sử dụng mọi lực lượng để tiến hành chiến tranh nhân dân thì có thể đánh thắng kẻ thù xâm lược có sức mạnh kinh tế và lực lượng vũ trang mạnh, được trang bị tốt hơn nhiều lần.

Đặc biệt, với các nước thuộc khu vực Đông Dương, Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam, mà còn là chiến thắng của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia đã cùng kề vai sát cánh chiến đấu, cùng chống lại kẻ thù để tự giải phóng mình; nhấn mạnh chiến thắng nói trên đã dập tắt ý chí xâm lược của chủ nghĩa thực dân cũ, buộc Chính phủ Pháp phải đồng ý ký Hiệp định Geneve về Đông Dương, thừa nhận độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia...

Báo Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, có bài viết khẳng định với Lào, chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa rất quan trọng đối với quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam bởi đây là chiến thắng của hai nước trước một kẻ thù chung, là minh chứng về sự phối hợp và hỗ trợ nhau không chỉ trong chiến dịch nói trên mà còn mãi mãi về sau.

Mốc son đó mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia, góp phần quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Đối với các dân tộc thuộc địa khác trên thế giới, chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn cổ vũ động viên lớn bởi Việt Nam đã thể hiện khả năng của một dân tộc nhỏ bé với vũ khí thô sơ có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh đối đầu với một đế quốc thực dân hùng mạnh và được trang bị vũ khí tối tân.

Theo Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Brazil-Việt Nam, ông Pedro De Oliveira, nhờ nguồn cổ vũ động viên từ chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam trước quân đội Pháp, trong giai đoạn 1954 đến cuối những năm 60 của thế kỷ trước, hơn 40 dân tộc giành được độc lập từ chế độ thực dân.

Ngay từ khi trận chiến chưa kết thúc hoàn toàn, từ ngày 28/4 đến ngày 2/5/1954, năm quốc gia châu Á mới độc lập (Ấn Độ, Myanmar, Indonesia, Pakistan và Sri Lanka) đã họp tại Colombo, Sri Lanka, và quyết định tổ chức một Hội nghị Các quốc gia độc lập châu Á và châu Phi vào năm 1955.

Vài tháng sau đó, cuộc kháng chiến giải phóng Algeria bắt đầu với rất nhiều binh sỹ đã từng tham gia cuộc chiến tranh Đông Dương. Tại hội nghị Á-Phi đầu tiên ở Bandung (Indonesia) năm 1955, các đại biểu Việt Nam đã được chào đón như những người anh hùng.

Về phần mình, Nhà nước Pháp buộc phải thay đổi chiến lược thực dân. Nỗi sợ hãi về sự lây lan của "virus Việt Nam" đã khiến Pháp chấp nhận trả độc lập của các thuộc địa châu Á theo logic "từ bỏ châu Á để giữ châu Phi."

Cuộc chiến tranh Algeria và Cameroon sẽ là biểu hiện cụ thể của chiến lược này. Giữ quyền kiểm soát thuộc địa châu Phi là mối quan tâm chính của Pháp sau Điện Biên Phủ.

Song sự lo sợ của Pháp trước các cuộc đấu tranh vũ trang mới ở vùng Nam sa mạc Sahara đã nhanh chóng dẫn đến một thay đổi chiến lược mới.

Không thể chống lại khát khao của các nước thuộc địa châu Phi, buộc phải trao trả "nền độc lập," Pháp đã ràng buộc họ bằng Hiệp ước Thuộc địa mở rộng gồm các thỏa thuận hợp tác, tài chính và quốc phòng có lợi cho Pháp. Điều này đánh dấu thời của chủ nghĩa thực dân kiểu mới bắt đầu.

Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời, phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn.”

template-ha-43-.png
2(1).png

Trên thực tế, nhiều người dân Pháp chưa bao giờ ủng hộ cuộc chiến này. Do đó, chiến thắng Điện Biên Phủ đã tăng thêm sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, làm rung chuyển nội bộ xã hội và dân tình nước Pháp, thúc đẩy phong trào chống chiến tranh của nhân dân Pháp lên cao trào, tạo phân hóa trong chính giới Pháp, thúc đẩy mạnh mẽ lực lượng chủ hòa trong chính giới Pháp, đặc biệt trong Quốc hội Pháp."

Theo nhà xã hội học Saïd Bouamama, phong trào chống chiến tranh Việt Nam rất sôi động. Hàng trăm binh lính đào ngũ và gia nhập quân đội Việt Nam, các công nhân bến cảng và đường sắt từ chối bốc xếp và vận chuyển khí tài quân sự tới Việt Nam. Các cuộc xuống đường biểu tình phản chiến với những vụ đụng độ với cảnh sát diễn ra.

Tháng 2/1954, chỉ có 8% người Pháp tuyên bố chấp thuận chiến tranh. Những điều này cho thấy người dân Pháp không thể bị coi là kẻ thua cuộc tại Điện Biên Phủ.

Vậy có thể coi Điện Biên Phủ là một chiến thắng của nhân dân Pháp không? Theo ông Saïd Bouamama, tất cả các yếu tố phá bỏ tinh thần thuộc địa trên thực tế là chiến thắng của nhân dân Pháp.

Vấn đề đối với người dân Pháp không phải là chi phí chiến tranh, mà trước hết là sự bó buộc về ý thức hệ thuộc địa, điều ngăn cản một quan điểm tiến bộ thực sự.

Điện Biên Phủ có ý nghĩa lớn lao: một thất bại của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và Nhà nước Pháp; một chiến thắng của các dân tộc Việt Nam và Pháp.

Ông Saïd Bouamama nêu bật một bài học của thời kỳ lịch sử này, đó là sự cần thiết của một phong trào phản chiến chống lại các hình thái của chủ nghĩa thực dân mới đang lan rộng ngày nay.

vna_potal_ecpad_noi_luu_giu_ky_uc_cua_nguoi_phap_ve_dien_bien_phu_7269591.jpeg
vna_potal_ecpad_noi_luu_giu_ky_uc_cua_nguoi_phap_ve_dien_bien_phu_7269942.jpg
vna_potal_ecpad_noi_luu_giu_ky_uc_cua_nguoi_phap_ve_dien_bien_phu_7269592.jpeg
vna_potal_70_nam_chien_thang_dien_bien_phu_ecpad_-_noi_luu_giu_ky_uc_cua_nguoi_phap_ve_dien_bien_phu_7269940.jpeg
vna_potal_70_nam_chien_thang_dien_bien_phu_ecpad_-_noi_luu_giu_ky_uc_cua_nguoi_phap_ve_dien_bien_phu_7269941.jpg

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến dịch Điện Biên Phủ, Cơ quan Truyền thông và Sản xuất Nghe nhìn Bộ Quốc phòng Pháp (ECPAD), nơi lưu giữ nhiều tư liệu về hình và ảnh liên quan đến chiến tranh Đông Dương, đã cho ra mắt cuốn sách ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có nhiều bức ảnh lần đầu được công bố về trận chiến lịch sử này.
(Ảnh: Nguyễn Tuyên/TTXVN)

Với tựa đề "Chiến dịch Điện Biên Phủ - từ 13/3 đến 7/5/1954", cuốn sách ảnh dày 211 trang đã được ECPAD cho ra mắt hồi đầu tháng 3/2024 nhằm kỷ niệm 70 năm sự kiện lịch sử chấn động địa cầu này.
(Ảnh: Nguyễn Tuyên/TTXVN)

Bộ sưu tập với 162 bức ảnh đã kể lại tình hình chiến sự, từ ngày đầu chiến dịch, ngày 13/3/1954, đến khi kết thúc ngày 7/5/1954, trong đó nhiều bức mới được công bố lần đầu tiên sau hàng chục năm nằm trong kho lưu trữ của quân đội Pháp.
(Ảnh: Nguyễn Tuyên/TTXVN)

Ngoài những bức ảnh đen trắng chiếm đa số, cuốn sách cũng đăng một số ảnh màu do các tổ chức, cá nhân tặng lại ECPAD. Các bức ảnh không chỉ phản ánh hoạt động quân sự, mà còn đề cập đến những khía cạnh rất đời thường của những người lính Pháp và cả người bản xứ.
(Ảnh: Nguyễn Tuyên/TTXVN)

Nhân dịp này, ECPAD cũng mở trang web ImagesDéfense - Diên Biên Phu (1954) - Guerre d'Indochine (1945-1956) - 1945-1962 - Chronologie (imagesdefense.gouv.fr) để công chúng có thể truy cập và xem các hình ảnh liên quan đến chiến dịch.
(Ảnh: Nguyễn Tuyên/TTXVN)

.

3(1).png

Cho đến nay, thế giới vẫn đặt câu hỏi vì sao một đất nước nhỏ bé và lạc hậu, vừa thoát ra khỏi ách thực dân gần 100 năm lại có thể đánh thắng hai cường quốc là Pháp và Mỹ, tại sao Pháp lại thua.

Trong một bài viết có nhan đề "Điện Biên Phủ: sự ra đời và số phận của một huyền thoại anh hùng" đăng trên tạp chí "Lịch sử và Văn học Tây Bắc Âu," tiến sỹ sử học Pierre Journoud viết rằng liên quan đến người chiến thắng và kẻ thua cuộc ở Điện Biên Phủ, câu trả lời thật rõ ràng: Việt Nam đã thắng và Pháp đã thua.

Về phía Việt Nam, câu trả lời có thể được coi là thỏa đáng trước sự hy sinh to lớn nhằm đánh bại Pháp về mặt quân sự. Một chiến thắng không thể phủ nhận của dân tộc Việt Nam, nỗ lực và hy sinh hết mình để giành được độc lập. Các dân tộc thuộc địa khác được hưởng lợi từ chiến thắng của nhân dân Việt Nam.

vna_potal_70_nam_chien_thang_dien_bien_phu_-_thang_loi_cua_ban_linh_va_tri_tue_viet_nam_7330799-1-.jpg
Tướng De Castries (đi đầu) cùng toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng, chiều 7/5/1954. (Ảnh: Triệu Đại/TTXVN)

Về kẻ thua cuộc, 30 năm sau chiến trận Điện Biên Phủ, tướng Bigeard - một trong những chỉ huy tập đoàn cứ điểm - đã tóm tắt ngắn gọn: "Chủng tộc da trắng đã thua." Kẻ chiến bại thứ hai là Nhà nước Pháp và các tầng lớp xã hội thống trị mà nó bảo vệ.

Ngay sau khi quân Pháp bị đánh bại ở Điện Biên Phủ, viên Cao ủy Pháp tại Đông Dương – De Jean gửi ngay cho người Pháp một bức thông điệp với lời lẽ chua chát: "Ngày kỷ niệm chiến thắng hôm nay (8/5, kỷ niệm chiến thắng phátxít Đức), đối với ta là một ngày đau đớn. Bị đè bẹp về quân số và về pháo binh, Điện Biên Phủ không còn nữa. Không việc gì mà ta phải giấu giếm cái đòn ta phải chịu. Dù rằng đối phương có số quân gấp bốn chúng ta, dù rằng cuộc kháng cự ở Điện Biên Phủ đã cứu được Luong Phrabang (Lào) và có lẽ cả Hà Nội thì sự thất thủ của Điện Biên Phủ cũng vẫn là một thất bại.”

template-ha-41-.png

Tại nước Pháp, đại diện cho giới chính trị là Thủ tướng Joseph Laniel đã phải thốt lên: "Trong lịch sử của mỗi dân tộc đều có những sự kiện có tính chất quyết định. Những tên gắn liền với chúng, cả những ngày tháng cũng thế, chứa đựng một ý nghĩa vượt qua bản thân các sự kiện đó. Sáng sủa hay đen tối, trước mắt mọi người, những sự kiện đó đều tượng trưng cho số phận tốt hay xấu của nước nhà... Điện Biên Phủ là một trong những cái tên như thế." Đó là những dòng viết của Thủ tướng Joseph Laniel trong cuốn sách có nhan đề “Tấn thảm kịch Đông Dương,” xuất bản tại Paris (Pháp) năm 1957.

vna_potal_69_nam_chien_thang_dien_bien_phu_751954_-_752023_thang_loi_cua_ban_linh_va_tri_tue_viet_nam_6714227.jpg
Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trong bài viết có tiêu đề: "Điện Biên Phủ, cuộc chiến chống lại sự lãng quên," báo Le Monde cho rằng thất bại tại Điện Biên Phủ "có tính biểu tượng cao" đối với nước Pháp.

Bài báo trích dẫn ý kiến nhà sử học Jean-Pierre Rioux cho rằng "đây là cuộc chiến duy nhất mà quân đội một nước châu Âu bị thất bại trong suốt chiều dài lịch sử phi thực dân hóa của mình, cuộc chiến đã khởi đầu cho quá trình tan rã của đế chế Pháp."

Ph.Leclerc, một Đại tướng giỏi của quân đội Pháp, cũng đã nói một cách cô đọng và rõ ràng bài học thất bại của Pháp rằng: “Người ta không thể nào dùng sức mạnh để phá tan chủ nghĩa dân tộc Việt Nam.”

Sự kiện Điện Biên Phủ đeo đẳng nước Pháp nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ sau. Bốn mươi năm sau, Tổng thống François Mitterrand đã đến Việt Nam và thăm Điện Biên Phủ. Điều này chứng tỏ rằng, nước Pháp không thể lãng quên Điện Biên Phủ và sự kiện Điện Biên Phủ là một phần lịch sử của nước Pháp.

vna_potal_70_nam_chien_thang_dien_bien_phu_-_thang_loi_cua_ban_linh_va_tri_tue_viet_nam_7330826.jpg
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta tiêu diệt.
Ảnh: Tư liệu TTXVN)
4(1).png

Điện Biên Phủ đối với Pháp là một thất bại đau đớn và với Mỹ cũng vậy. Nhà sử học Bernard B. Fall đã viết rằng: Điện Biên Phủ không chỉ là một chiến thắng quân sự của Việt Minh đối với người Pháp, mà còn là một chiến thắng chính trị của Việt Minh đối với người Mỹ.

Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ là nước ủng hộ mạnh mẽ và chịu phí tổn chiến tranh chủ yếu cho Pháp. Từ năm 1950 đến khi Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ, nước Mỹ đã gánh hộ Pháp 80% phí tổn chiến tranh.

Báo Paris Match, số ra ngày 22/5/1954, đưa tin: "... Điện Biên Phủ thất thủ, việc đầu tiên của Tổng thống Dwight David Eisenhowel là triệu tập ngay Hội đồng an ninh quốc gia vào hôm sau. Cuộc triệu tập này đã vi phạm cả tính chất thiêng liêng của việc nghỉ cuối tuần."

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ luôn bị ám ảnh bởi thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ. Tổng thống Mỹ L. Johnson đã hốt hoảng tuyên bố: Tôi không muốn một Điện Biên Phủ - đó là vào mùa Xuân năm 1968, khi các căn cứ quân Mỹ tại Khe Sanh bị tấn công và bao vây chặt. Tổng thống Mỹ lo sợ tới mức cho đắp một sa bàn nổi khu vực Khe Sanh ngay trong Nhà Trắng để theo dõi tình hình chiến sự và bắt các tướng lĩnh cam kết không để mất Khe Sanh.

.

Tháng 12/1972, Mỹ đã thất bại nặng nề trong chiến dịch sử dụng lực lượng không quân đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam đã làm nên một trận "Điện Biên Phủ trên không," buộc Mỹ phải chấp nhận mọi điều khoản của Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Mc.Namara - nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thừa nhận: “Sức mạnh sâu thẳm nhất của một dân tộc không nằm ở mũi nhọn quân sự mà ở sự đoàn kết của dân tộc,” “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó…”

Vì thế, học giả, nhà báo Bernard B. Fall, Giáo sư Trường Đại học Howard, Washington DC, từng viết rằng: “Dù ta muốn hay không muốn, cuộc chiến tranh đó còn ảnh hưởng đến chúng ta nhiều chục năm nữa”./.

vna_potal_70_nam_chien_thang_dien_bien_phu_-_thang_loi_cua_ban_linh_va_tri_tue_viet_nam_7330797.jpg
Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Nhấn vào link để đọc Bài 3: Những vị tướng của Chiến dịch Điện Biên Phủ


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến thắng Điện Biên Phủ trong góc nhìn của cộng đồng quốc tế