Mega Story

Những vị tướng của Chiến dịch Điện Biên Phủ

03/05/2024 10:36

Các tướng lĩnh Việt Nam mà đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện một tư duy chiến lược, chiến thuật tuyệt vời trong trận chiến này.

anh_bia.jpg

Những đêm sương, những ngày Đông giá lạnh năm ấy đã chứng kiến một khung cảnh hùng vĩ chưa từng thấy - cuộc hành quân kéo pháo của các chiến sỹ Điện Biên.

Lần đầu tiên người ta chứng kiến cảnh cả nước ra mặt trận. Đơn vị này nối tiếp đơn vị kia hăng hái, mạnh mẽ hành quân trong tiếng cỗ vũ, reo hò của đồng bào các dân tộc. Có khi phải vượt núi cao, có khi phải băng qua dòng suối chảy xiết, nhưng chẳng thể nào làm chùn những bước chân đang tiến về phía trước.

Để rồi bao nhiêu mồ hôi, xương máu đã biến thành chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu."

chien_dich_dbp_2.jpg

Ngày 7/5/1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ. Đó là đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược, là mốc son chói lọi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).

Nhiều học giả quân sự cho rằng Điện Biên Phủ là một trong những trận đánh vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Để làm nên một trận Điện Biên “chấn động địa cầu” là công sức của cả dân tộc, của toàn quân, toàn dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ.

Các tướng lĩnh Việt Nam mà đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện một tư duy chiến lược, chiến thuật tuyệt vời trong trận chiến này. Họ có thể từng là một thầy giáo dạy sử hay chỉ là một người thanh niên nông thôn. Chẳng ai trong số họ được đào tạo qua các trường sỹ quan quân sự nhưng trên chiến trường họ đã thể hiện một tư duy chiến lược, chiến thuật tuyệt vời.

anh_2.jpg

Một người dáng vẻ rất giản dị. Một bộ mặt cởi mở. Còn hơn một người anh hùng. Tướng Giáp. Ông thuộc dòng những chiến sỹ mà người ta sẽ kể những chiến công từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Điểm nhấn đặc biệt trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là quyết định mang tính sáng tạo và kịp thời được các nhà nghiên cứu ghi nhận như một trong những nguyên nhân thắng lợi. Đó là sự thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc."

vo_nguyen_giap_1.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa Điện Biên Phủ lần cuối trước khi phát lệnh nổ súng tấn công. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911, là đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông được nhiều người xem như một huyền thoại quân sự thế giới khi chỉ huy một đội quân non trẻ đánh bại một cường quốc quân sự thế giới.

Điểm nhấn đặc biệt trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là quyết định mang tính sáng tạo và kịp thời được các nhà nghiên cứu ghi nhận như một trong những nguyên nhân thắng lợi. Đó là sự thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc."

Về sau, trong hồi ức “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử,” Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thổ lộ: “Ngày hôm đó (tức ngày 26/1/1954), tôi đã thực hiện một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi.”

Khi quân ta đang chuẩn bị kéo pháo vào trận địa, Đại tướng đã hết sức băn khoăn trước phương án “đánh nhanh thắng nhanh,” nhưng chưa có đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án này. Ông cũng đã tranh thủ ý kiến của các đồng chí trong Bộ
chỉ huy chiến dịch và chuyên gia quân sự nước bạn, nhưng không nhận được sự đồng thuận. Khi đã có những luận cứ thực tế, Đại tướng đã quyết định tổ chức cuộc họp Đảng ủy mặt trận để trưng cầu ý kiến và quyết định phương thức đánh.

Trong cuộc họp này, sau khi ghi nhận tất cả các ý kiến, Đại tướng đã nêu ra tất cả những khó khăn và nhắc lại lời căn dặn của Bác trước khi lên đường đi chiến dịch: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh,
không chắc thắng không đánh. Vì nếu thua thì hết vốn."

Với sự phân tích thấu đáo của Đại tướng, Đảng ủy đã đi tới nhất trí, nếu thực hiện phương thức “đánh nhanh thắng nhanh” trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn mà ta chưa có biện pháp cụ thể để khắc phục.

Và Đại tướng đã đi đến kết luận: “Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là 'đánh chắc thắng' cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ 'đánh nhanh thắng nhanh' sang 'đánh chắc tiến chắc'.” Vì vậy, quyết định hoãn cuộc tiến công được đưa ra. Bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra.

vo_nguyen_giap.jpg

Quyết định này thực sự là một đòn cân não đối với Đại tướng. Biết bao nhiêu mồ hôi xương máu của bộ đội, biết bao nhiêu tiền của của nhân dân đã đổ ra để mở 82km đường và kéo pháo vào trận địa, nay lại nhận được lệnh kéo pháo ra, tinh thần anh em binh sỹ sẽ thế nào đây?

Nhưng nếu mạo hiểm, hàng ngàn binh sỹ có thể sẽ hy sinh trên "chảo lửa chiến trường."

105 ngày tại chỉ huy sở trong một khu rừng tại xã Mường Phăng, 56 ngày đêm “không ngủ” kể từ khi tiếng súng chính thức của trận chiến vang lên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành linh hồn của chiến dịch.

Mỗi tin thắng trận báo về, mỗi chiến sỹ hy sinh, mỗi kg lương thực được chở tới mặt trận đều trở thành nỗi trăn trở của ông.

keo_phao.jpg
Quân ta kéo pháo lên núi cao, đưa vào hầm và chĩa thẳng pháo xuống trận địa kẻ thù để tấn công, nâng cao được uy lực, mức chính xác và mang lại hiệu quả cao nhất. (Ảnh: TTXVN phát)

Chỉ đến khi De Castries đầu hàng, tên lính Pháp cuối cùng tại Điện Biên Phủ bị bắt, niềm vui vỡ òa trong nước mắt, Đại tướng mới an lòng vì đã hoàn thành nhiệm vụ với Bác Hồ, với Bộ Chính trị.

Ông trở thành Đại tướng của Nhân dân, tiếp tục dẫn dắt Quân đội Nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và giữ nhiều cương vị quan trọng của đất nước sau này. Từ sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, rừng Mường Phăng còn được gọi là rừng Đại tướng.

anh_3.jpg

Đại tướng Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng của Chiến dịch
Cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái là một trong 34 người đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.

Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 9/1945, ông Hoàng Văn Thái được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Bộ Tổng tham mưu của Quân đội Quốc gia và giữ chức Tham mưu trưởng đầu tiên.

vo_nguyen_giap_4.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điên Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đại tướng Hoàng Văn Thái (tên thật là Hoàng Văn Xiêm) quê tại xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình trong một gia đình nông dân nghèo. Quê ông vốn là một vùng quê giàu truyền thống yêu nước.

Tất cả những tấm gương và các hoạt động ở quê nhà đã có tác động rất lớn đến tư tưởng và lòng yêu nước của ông. Năm 13 tuổi, ông đã phải bỏ học đi làm thuê rồi đi cắt tóc. Năm 18 tuổi, ông là thợ mỏ Hòn Gai (Quảng Ninh) rồi sau đó lên làm thợ tại mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng) và giác ngộ cách mạng.

Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ông là Tham mưu trưởng chiến dịch.

Ngày 26/11/1953, ông dẫn đầu đoàn cán bộ của Bộ Tư lệnh tiền phương đường đi Tây Bắc nghiên cứu thực địa.

Ngày 30/11, đoàn đến Nà Sản, ông chủ trương cho đoàn dừng lại một ngày để nghiên cứu tập đoàn cứ điểm mà người Pháp vừa rút bỏ vào tháng Tám dù trận công kích của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã không đạt mục đích. Chính những nghiên cứu thực địa ban đầu này đã giúp chuẩn bị kinh nghiệm rất nhiều cho trận đánh sau này.

Như hầu hết các chỉ huy Việt Nam và cố vấn nước bạn khi đó, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái cũng ủng hộ phương châm “đánh nhanh thắng nhanh,” dù ông đã băn khoăn: “Làm thế nào để đưa pháo vào trận địa khi ta chủ trương đánh sớm, đánh nhanh mà chưa kịp làm đường cho xe kéo pháo? Làm thế nào để hạn chế tác dụng của máy bay, pháo binh, giảm bớt thương vong khi ta đánh liên tục cả ban ngày?”

hoang_van_thai.jpg

Tuy nhiên, là một người lính, ông một lòng thực hiện theo đúng chỉ thị của Tổng tư lệnh. Ngay sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra quyết định, ông đã ra lệnh cho các đơn vị rút về vị trí tập kết.

Sau này, ông đã viết về thời khắc lịch sử này: “Nắm vững chức năng, nhiệm vụ, kiên quyết phát huy tinh thần cách mạng tiến công trong những điều kiện khó khăn, phức tạp và khẩn trương nhất, luôn luôn vì thắng lợi của toàn quân mà ra sức vươn lên trong thực tế chiến đấu và xây dựng, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo chỉ huy của trên... đó là những yếu tố chủ quan quyết định thành công của Bộ Tổng tham mưu trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và nói riêng trong chiến dịch lịch sử Điên Biên Phủ”...

“Ông là vị tướng trận mạc, sống nhân hậu, tình nghĩa được Quân đội ta và nhân dân ta mến phục,” đó là đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về tướng Hoàng Văn Thái.

anh_4.2.jpg

Đặng Kim Giang xuất hiện trong hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ “Đường tới Điện Biên Phủ” cho đến “Điểm Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” là một bộ tướng luôn sát cánh cùng Tổng Tư lệnh trong các chiến dịch: Thượng Lào, Biên Giới, Hòa Bình, Tây Bắc, Hà Nam Ninh…

Sinh năm 1910 tại xã Minh Hưng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, Đặng Văn Rao - tên khi sinh của Thiếu tướng Đặng Kim Giang, tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội từ năm 1928. Năm 1930, ông trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.

dang_kim_giang_anh_doc.jpg

Nhắc đến tiểu sử Thiếu tướng Đặng Kim Giang từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến chiến thắng Điện Biên Phủ là một giai đoạn đầy tự hào.

Là Chủ nhiệm Hậu cần, một trong bốn thành viên của Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận, ông phải chịu trách nhiệm đảm bảo quân lương, súng đạn cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Việc đảm bảo hậu cần để bộ đội “ăn no đánh thắng” là nhiệm vụ quan trọng trên vai Thiếu tướng Đặng Kim Giang.

Phương châm chiến dịch thay đổi, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng, phải thay đổi toàn bộ kế hoạch tác chiến. Tất cả những sự chuẩn bị từ trước cho đến ngày 26/1/1954 đều trở lại vạch xuất phát.

Khi đó, trách nhiệm nặng nề đặt lên vai Chủ nhiệm Hậu cần chiến dịch Đặng Kim Giang. Ông phải chỉ đạo chuẩn bị hậu cần để nuôi khoảng 4-5 vạn quân và hàng vạn dân công thêm vài tháng.

Dự kiến ban đầu công tác chuẩn bị hậu cần chỉ từ cuối tháng Một đến đầu tháng Hai nhưng trên thực tế, sau khi thay đổi phương châm tác chiến, hậu cần phải lo thêm ba tháng cho đến ngày chiến thắng 7/5/1954.

dien_bien_phu_2.jpg
21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng các loại ôtô, tàu, thuyền, lừa, ngựa… ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Khó khăn ngày một nhiều khi đường sá xa xôi, cách trở, phương tiện vận chuyển thô sơ. Chiến dịch ban đầu định giải quyết trong 3 ngày, sau kéo dài thành 56 ngày đêm. Khó khăn chồng chất như thử thách tài trí của Chủ nhiệm Hậu cần chiến dịch Đặng Kim Giang.

Sau này, nhà giáo Đỗ Ca Sơn, một chiến sỹ Điện Biên, từng tâm sự: "Anh là người đã lo từng hạt cơm, viên đạn để làm nên tiếng sấm Điện Biên Phủ, chiến thắng rung chuyển địa cầu. Có thiếu thốn về hậu cần chứ anh không để bộ đội đói. Anh đã đôn đốc đảm bảo đủ gạo ăn cho đến ngày chiến dịch thắng lợi."

anh_4.1.jpg

Trong bộ Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang tên “Đường tới Điện Biên Phủ” và “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử,” ông Lê Liêm luôn xuất hiện bên cạnh Tổng tư lệnh với vai trò của một cán bộ chính trị, một bộ tướng tiên phong, tin cậy tại các chiến dịch lớn từ Biên giới đến chiến thắng đỉnh cao Điện Biên Phủ (7/5/1954).

Lê Liêm sinh năm 1922, tên thật là Trịnh Đình Huấn, người huyện Thường Tín, Hà Đông (nay là Hà Nội). Trước năm 1945, ông hoạt động ở tỉnh Phúc Yên, từng bị tù ở Sơn La, được cử làm ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1945, cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Kha, Nguyễn Đức Quỳ, ông tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở Hải Dương.

Ông Lê Liêm, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, được giao trọng trách Chủ nhiệm Chính trị của chiến dịch Điện Biên Phủ, lên đường theo Bộ chỉ huy chiến dịch.

Cơ quan này được đặt ngay cạnh lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kịp thời nhận nhiệm vụ cũng như tham mưu về công tác chính trị trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Sau khi thay đổi phương châm tác chiến, các đơn vị bắt đầu phải đào hào. Khi đó, một cuộc đấu tranh tư tưởng rất lớn diễn ra trong chiến dịch. Công tác chính trị gặp khó khăn. Hệ thống chính ủy, chính trị viên rất vất vả trong việc bảo đảm tinh thần binh sỹ.

le_liem_anh_doc.jpg

Trong các chiến dịch trước đó, các đơn vị chỉ đánh những trận nhỏ trong thời gian ngắn, sau đó lại được nghỉ ngơi chuẩn bị chiến đấu tiếp.

Nhưng tại Điện biên Phủ, trận đánh đã kéo dài gần 2 tháng, bộ đội ta vừa chiến đấu vừa xây dựng trận địa, ăn, ngủ ngay trên trận địa đối mặt với quân địch. Có thể nói cường độ chiến đấu này đã vượt lên sức chịu đựng của con người.

Ngay lúc đó, ông Lê Liêm đã thảo một bức thư, để Tổng tư lệnh gửi ra mặt trận cho binh sỹ. Ông bày tỏ sự ân cần, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của các chiến sỹ ngoài mặt trận.

Bức thư là những lời nhắn nhủ, khuyên bảo của người anh cả đối với chiến sỹ đang cùng nhau ngày đêm chiến đấu chung chiến hào. Nó không phải là mệnh lệnh, chỉ là: “Tôi kêu gọi các đồng chí, hãy nghe tôi, chúng ta phải đào giao thông hào để bảo đảm chiến thắng...”

Lời tâm tình trong lá thư đó dường như đã an ủi, động viên tinh thần rất nhiều những người lính, họ quên đi tất cả những mệt nhọc, những hiểm nguy đang phải đối mặt để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Có lẽ sự đồng điệu về lý tưởng với khát khao giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách đô hộ của thực dân đã khiến những vị tướng tài đức vẹn toàn ấy gặp nhau, gắn bó với nhau để cùng thực hiện sứ mệnh linh thiêng./.

anh_chien_dich_dbp.jpg

Nhấn vào link để đọc Bài 4: Các anh hùng Điện Biên và những con đường gợi nhớ


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những vị tướng của Chiến dịch Điện Biên Phủ