Mega Story

'Chín năm làm một Điện Biên'

03/05/2024 10:35

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Ðiện Biên Phủ là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử.

dien-bien_cover.jpg

"Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng." Những câu thơ trong bài "Ba mươi năm đời ta có Đảng" của nhà thơ Tố Hữu đã đi vào lòng bao thế hệ người, tạo niềm tự hào mãnh liệt cho hàng triệu trái tim về một Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu."

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Ðiện Biên Phủ - bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh - là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử.

"Đánh chắc, tiến chắc"

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, thực dân Pháp được sự hỗ trợ của các thế lực đế quốc đã quay trở lại xâm lược nước ta. Ngày 19/12/1946, với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nhất tề đáp lời Lời kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến của Hồ Chủ tịch, anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống kẻ thù xâm lược.

Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh," quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Quân ta càng đánh, càng mạnh, càng thắng, quân viễn chinh Pháp càng ngày càng lún sâu vào thế bị động, lúng túng. Vùng giải phóng mở rộng, chính quyền dân chủ nhân dân được củng cố.

Đến năm 1953, nhân dân và quân đội ta đã làm chủ trên chiến trường, tạo ra sự so sánh lực lượng có lợi cho ta.

Để cứu vãn tình thế, bước vào Thu-Đông năm 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã cho ra đời Kế hoạch Nava tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh, mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam và bình định cả Nam Đông Dương.

Kế hoạch Nava là kế hoạch chung, là nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhằm giành lại thế chủ động có tính quyết định về quân sự trên chiến trường, làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có lợi cho chúng. Để đạt được mục tiêu đó, Pháp và Mỹ đã lập kế hoạch đến năm 1954, quân chủ lực Pháp có 7 sư đoàn cơ động chiến lược với 27 binh đoàn làm nắm đấm thép.

Khi phát hiện hướng tiến công chiến lược của ta vào Tây Bắc, Lai Châu và Thượng Lào, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm, huy động toàn bộ lính dù và 40% lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương; hệ thống hỏa lực mặt đất khá mạnh với 2 tiểu đoàn pháo 105mm, 1 đại đội pháo 155mm, 1 đại đội súng cối 120mm được bố trí ở Mường Thanh và Hồng Cúm; hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm với gần 100 lần chiếc lên, xuống mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 tên địch, đảm bảo nguồn tiếp viện cho quân Pháp trong quá trình tác chiến.

Điện Biên Phủ là cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào. Tuy là kế hoạch nằm ngoài dự kiến ban đầu của Kế hoạch Nava của Pháp và Mỹ nhưng các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã liên tiếp cho tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.

Địch đã cho tập trung ở đây 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ. Nava coi Điện Biên Phủ như "một pháo đài không thể công phá," nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta. Điện Biên Phủ đã trở thành quyết chiến điểm của Kế hoạch Nava.

Trên cơ sở nắm chắc mọi âm mưu, hành động của địch, phân tích, đánh giá tình hình một cách khoa học, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy và giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: "Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được."

Khi giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ đã dặn dò ngắn gọn: "Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh." Lời dặn dò của Bác đã dẫn đến một quyết định lịch sử trong một chiến dịch lịch sử. Để chắc chắn chiến thắng, ngay trước giờ nổ súng mở màn chiến dịch, khi tất cả nhân lực và khí tài đã sẵn sàng, Tổng tư lệnh mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cẩn thận suy tính và quyết định kéo pháo ra khỏi trận địa, lùi ngày mở màn từ ngày 26/1 sang ngày 13/3/1954, chậm lại một tháng rưỡi so với kế hoạch ban đầu.

40 năm sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Ngày hôm đó (tức ngày 26/1/1954), tôi đã đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình, đó là quyết định thay đổi phương châm tác chiến: từ đánh nhanh, giải quyết nhanh, sang đánh chắc, tiến chắc."

Kỳ tích về hậu cần và đào hào vây lấn

Trong lúc thực dân Pháp dồn lực lượng xây dựng căn cứ, ta âm thầm chiếm cứ và kéo pháo vào các ngọn đồi cao xung quanh lòng chảo. Để làm được điều tưởng như không thể đó, quân và dân ta đã làm nên một kỳ tích về hậu cần.

Để vận chuyển hàng hóa lên Điện Biên Phủ, ta đã huy động các phương tiện từ xe cơ giới đến thô sơ như: ôtô, thuyền, bè, mảng, xe cút kít, xe đạp thồ, xe trâu, xe quệt, gùi để vận chuyển hàng chục ngàn tấn lương thực vào mặt trận.

Một trong những phương tiện thô sơ nhất mà dân công ở các tỉnh đồng bằng đã sử dụng trong quá trình vận chuyển lương thực trên những đoạn đường bằng phẳng là xe cút kít. Trong chiến dịch, ta đã huy động được 7.000 xe, mỗi xe vận chuyển trung bình từ 80 đến 100kg. Riêng dân công Trịnh Đình Bầm ở tỉnh Thanh Hóa đã nâng tải trọng xe của mình lên đến 280kg/chuyến.

xe-dap-tho.jpg
Xe đạp thồ của ông Ma Văn Thắng – dân công tỉnh Phú Thọ, người đã nâng trọng tải xe lên 337kg/1 chuyến.

Khi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc, chính Navarre - Tổng Chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương phải thừa nhận rằng: một trong những lý do khiến ông ta thất bại trong chiến dịch Điện Biên Phủ chính là bởi những chiếc xe đạp thồ đơn giản, thô sơ được điều khiển bởi những người dân công Việt Minh ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, ngủ ngay trên những mảnh nylon dải ngay ở bìa rừng.

Đặc biệt, lực lượng hậu cần phục vụ chiến dịch còn có “Binh chủng” xe đạp thồ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ ta đã huy động được 20.991 chiếc xe, trung bình mỗi chiếc có thể vận chuyển được từ 100kg đến 150kg lương thực. Riêng dân công Ma Văn Thắng ở tỉnh Phú Thọ đã nâng tải trọng chiếc xe lên đến 337kg/chuyến.

Sau ngày giành chiến thắng, theo tổng kết, ta đã vận chuyển được: 25.056 tấn gạo, 268 tấn muối, 907 tấn thịt, 1.860 lít dầu ăn, 280kg mỡ động vật, hàng ngàn tấn rau xanh, 917 tấn thực phẩm khác.

Để vận chuyển được khối lượng khổng lồ đó, ngoài lực lượng xe cơ giới, chúng ta đã huy động tới 261.451 lượt người đi dân công, 628 ôtô, 20.991 xe đạp thồ, 11.899 bè mảng, 914 con ngựa thồ và 736 chiếc xe trâu.

Khi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc, chính Navarre - Tổng Chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương phải thừa nhận rằng: một trong những lý do khiến ông ta thất bại trong chiến dịch Điện Biên Phủ chính là bởi những chiếc xe đạp thồ đơn giản, thô sơ được điều khiển bởi những người dân công Việt Minh ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, ngủ ngay trên những mảnh nylon dải ngay ở bìa rừng.

Trong khi đó, thực hiện chỉ thị của Bộ Chỉ huy chiến dịch, bộ đội ta tiếp tục xây dựng trận địa tiến công, đào hào vây lấn, siết chặt vòng vây. Trận địa hào xây dựng chủ yếu vào ban đêm và triển khai cùng một lúc trên toàn mặt trận. Đây thực sự là một cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh. Bộ đội ta phải lao động cật lực từ 14 đến 18 giờ mỗi ngày, với những công cụ đào thủ công trong điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt và dưới làn đạn pháo của quân Pháp.

Khi đường hào đã kéo dài hàng chục kilômét trên cánh đồng thì bộ đội ta không còn cách nào ngụy trang để che mắt quân địch, mỗi tấc đất chiến hào bắt đầu phải trả bằng máu. Pháo địch bắn suốt đêm vào những đường hào của ta mà chúng đã phát hiện ban ngày. Máy bay liên tiếp thả đèn dù phát hiện những mục tiêu mới cho những trận oanh tạc.

Địch đưa quân ra những trận địa ở gần, đánh bật bộ phận canh gác của ta, san lấp những đoạn hào, gài mìn ngăn bộ đội ta đào tiếp. Quá trình xây dựng trận địa tiến công, đào hào vây lấn, siết chặt vòng vây trở thành một cuộc chiến đấu gay go giữa ta và địch.

Các chiến sỹ đã phát huy nhiều sáng kiến để hạn chế hỏa lực và pháo của địch nhằm bảo vệ mình và đẩy nhanh tốc độ đào hào, phát triển về hướng các cứ điểm địch ở khu vực trung tâm. Mỗi tổ đào hào bện một con cúi bằng rơm (gọi là "hồ lô" rơm) to tròn như cái thùng phuy xăng. Bộ đội ta đào hào đến đâu thì lăn con cúi bằng rơm về phía trước để ngăn đạn địch.

Mỗi tổ đào hào lại chia thành nhiều đoạn. Ở mỗi đoạn, bộ đội ta bắt đầu bằng việc đào hố cá nhân rồi nhanh chóng nối liền các đoạn với nhau, hướng về phía các căn cứ mục tiêu của địch.

Lúc đầu, bộ đội ta đào trườn trên mặt ruộng, sau đó anh em nâng tốc độ đào hào bằng cách dào dũi, đào ngầm từng đoạn dưới đất. Đào được đoạn hào nào hoàn chỉnh, bộ đội ta lại đậy nắp tre lên trên, rồi đổ một lớp đất ngụy trang để hạn chế pháo địch phát hiện, đánh phá chiến hào ta mới đào.

Bằng cách này, tốc độ đào hào của bộ đội ta tăng lên nhanh chóng, lại hạn chế được thương vong. Các chiến hào như những mũi khoan, từ nhiều hướng lao nhanh về phía các cứ điểm của địch ở khu vực trung tâm.

Qua mấy ngày đêm liên tục vừa chiến đấu vừa đào hào, bộ đội ta đã xây dựng được hệ thống giao thông hào dài hàng trăm kilômét bao vây, siết chặt các cứ điểm địch ở Điện Biên Phủ.

Dưới bom đạn của máy bay và pháo binh địch, bằng những trận đánh trả địch liên tục ngày đêm, bộ đội vẫn giữ vững trận địa và phát triển các chiến hào ngày càng sát địch với một sức mạnh không gì ngăn cản được. Mọi thủ đoạn phá hoại của địch đều bị thất bại.

Đến cuối tháng 3 năm 1954, bộ đội ta đã đào thêm được gần 100km hào giao thông, hào chiến đấu và xây đắp hàng vạn công sự các loại. Trận địa tiến công và bao vây căn cứ địch của ta đã cơ bản hoàn thành. Các trận địa xuất phát xung phong để tiến đánh các điểm cao phía Đông cũng được chuẩn bị. Một số chiến hào đã tiến sát hàng rào của địch.

Trong khi đó, tại Sở Chỉ huy chiến dịch, một đơn vị công binh đã đào một đường hầm thông qua núi, có các ngách hai bên, rộng đủ cho cơ quan của Bộ Tổng tham mưu mặt trận làm việc và nghỉ ngơi. Trên nóc hầm có gỗ chống, vách lát gỗ hoặc phên. Đường hầm này đã bảo đảm an toàn cho Sở Chỉ huy hoạt động trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đánh giá những nỗ lực của bộ đội ta trong việc xây dựng trận địa tiến công, đào hào vây lấn, siết chặt vòng vây, Đảng ủy mặt trận từng nhận định, rõ ràng chủ trương nhanh chóng xây dựng trận địa đúng tiêu chuẩn là chủ trương đúng đắn, hạn chế thế mạnh về pháo của địch, tạo điều kiện cho bộ đội ta có thể tiếp cận địch trên địa hình bằng phẳng và chiến đấu liên tục cả ngày lẫn đêm.

Với chiến thuật đào hào vây lấn, quân ta không chỉ khắc phục được địa hình trống trải mà còn từng bước áp sát địch, sử dụng hỏa lực bắn gần, tiêu diệt lô cốt địch. Hệ thống chiến hào đã thực sự trở thành bàn đạp tiến công vô cùng thuận lợi, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong hơn 2 tháng, hàng vạn dân quân đã sửa chữa và mở mới hàng trăm kilomet đường cơ giới hướng vào Điện Biên Phủ, chỉ dựa phần lớn vào sức người với những phương tiện thô sơ. Cuốn sách "Kể chuyện Điện Biên Phủ" có viết: "Anh em làm việc liên tục 12-13 giờ trong một ngày. Kỷ lục quai búa tạ từ 1.700 nhát lúc đầu, cuối cùng có người đạt tới 3.000 búa liền một hơi. Một sức khỏe kỳ lạ."

56 ngày đêm chấn động địa cầu

Sau khi công tác chuẩn bị hoàn thành, ngày 13/3/1954, quân ta tấn công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến dịch diễn ra thành ba đợt trong gần hai tháng:

Đợt 1, từ ngày 13/3 đến 17/3/1954, quân ta đã mưu trí, dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ hệ thống phòng ngự trên hướng Bắc và Đông Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; mở toang cánh cửa cho quân ta tiến xuống vùng lòng chảo và khu trung tâm.

Hai tiểu đoàn tinh nhuệ nhất của địch bị tiêu diệt gọn, một tiểu đoàn khác và 3 đại đội ngụy Thái tan rã. Một số lượng lớn pháo 105 ly và pháo cối 120 ly của địch bị ta phá hủy hoàn toàn, hầu hết các máy bay chiến đấu trong vùng lòng chảo đều bị ta tiêu diệt.

Đợt 2, từ ngày 30/3 đến 30/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm. Ta đã tiêu diệt khoảng 5.000 tên địch, trong số đó gồm 4 tiểu đoàn và 9 đại đội (chiếm khoảng 1/2 tổng số quân địch ở phân khu Bắc và phân khu trung tâm); khống chế được phần lớn điểm cao phía đông, phát triển trận địa tới sát sân bay, thắt chặt vòng vây, chia cắt, khống chế các khu vực còn lại trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm.

Đợt 3, từ ngày 1/5 đến 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại ở phía Đông, diệt một số cứ điểm phía Tây và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

17 giờ ngày 6/5/1954, pháo binh và hỏa tiễn của ta bắn dữ dội vào các cứ điểm địch, mở đường cho bộ binh tiến công. Tại khu đồi A1, sau khi cho nổ 1 tấn bộc phá tiêu diệt hầm ngầm địch, bộ đội ta chia làm nhiều mũi, theo các đường hào đánh lên đỉnh đồi.

17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, Tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 22 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Sau 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt," chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 xe và toàn bộ vũ khí, kho tàng, quân trang, quân dụng của địch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "Chiến thắng Điện Biên Phủ như là một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử."

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng góp phần quyết định buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (21/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm (1945-1954)./.

dien-bien-chien-dich-dien-bien-phu.jpeg

Nhấn vào link để đọc Bài 2: Chiến thắng Điện Biên Phủ trong góc nhìn của cộng đồng quốc tế


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Chín năm làm một Điện Biên'