Mega Story

Những nhà báo TTXVN ghi danh trên dặm dài đất nước

Minh Thu 14/09/2022 16:36

Câu chuyện của những nhà báo đã ngã xuống vì độc lập không chỉ được lưu giữ trong Phòng Truyền thống mà tên tuổi của họ đã được gắn với những con đường trải dài non sông đất nước, để họ được ghi danh cùng sự phát triển của dân tộc.

nhung-nha-bao-ttxvn(1).png

Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trầm ngâm ngắm nhìn những kỷ vật đang lưu trữ tại Phòng Truyền thống của ngành.

Những trang tài liệu ố vàng, những bức ảnh nhuốm màu thời gian, chiếc máy chữ, máy ảnh theo chân các phóng viên chiến trường…, tất cả đều gợi lại trong ông những kỷ niệm thời trẻ tác nghiệp trên nhiều mặt trận cũng như ấn tượng về những người đồng nghiệp say nghề, dấn thân vì sự nghiệp báo chí, để ngày nay, TTXVN giữ vững vị thế “nguồn tin chính thống, dòng tin chủ lực.”

Gần 260 nhà báo đã ngã xuống

Năm nào cũng vậy, cứ gần đến dịp kỷ niệm ngày thành lập TTXVN, nhà báo Trần Mai Hưởng lại lên đường thăm những người đồng đội, đồng nghiệp cũ, tìm về những “địa chỉ đỏ” trong quá trình hình thành và phát triển TTXVN cũng như lên Phòng Truyền thống của cơ quan.

tran-mai-huong.jpeg

Trong số hơn 200 hiện vật hiện đang trưng bày tại Phòng truyền thống, có khoảng 2/3 số hiện vật do các phóng viên, biên tập viên, điện báo viên, nhân viên Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) hiến tặng.

“Mỗi hiện vật là một câu chuyện kể sống động về một lớp người đã sống, chiến đấu và học tập trong mưa bom bão đạn của kẻ thù, góp phần tô thắm lịch sử vẻ vang của TTXVN anh hùng,” ông Trần Mai Hưởng chia sẻ.

Những hiện vật “biết nói” có thể kể đến chiếc máy thu phát 15W đã theo nhà báo Nguyễn Trung Hiếu đi khắp các chiến trường, truyền tin về Tổng xã cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975; chiếc máy ảnh của nhà báo Bùi Đình Túy; tấm bia khắc tên nhà báo-dũng sỹ diệt xe cơ giới Trần Ngọc Đặng (hy sinh năm 1967)…

“Hàng trăm hiện vật, bức ảnh đặt tại Phòng Truyền thống TTXVN hôm nay mang theo những thông điệp đặc biệt về những trang sử vẻ vang của ngành, được xây đắp từ máu và mồ hôi, công sức của các thế hệ những người làm báo thông tấn, trong đó có TTXGP,” nhà báo Trần Mai Hưởng nói.

Nguyên Tổng Giám đốc Trần Mai Hưởng kể rằng TTXVN được thành lập từ một bộ phận của Bộ Tuyên truyền, sau chuyển thành Nha Thông tin.

vna-ttxvn.jpg

Mặc dù thiếu thốn trăm bề, chiến đấu gian khổ ác liệt, TTXVN đã không ngừng phát triển. Phóng viên của TTXVN đã tỏa đi các địa bàn, các vùng địch hậu, mở rộng các đường liên lạc với các khu kháng chiến trong cả nước, bảo đảm thu và phát tin đầy đủ, nhanh chóng và kịp thời những sự kiện quan trọng trong nước và thế giới.

Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, TTXVN đã 21 lần phải di chuyển để tránh sự lùng sục, phát hiện của địch, trong đó có 3 lần phá vòng vây giặc rút lên chiến khu Việt Bắc, vừa chiến đấu để bảo toàn lực lượng, vừa di chuyển máy móc thiết bị để bảo đảm thông tin. Cứ mỗi lần phân xã bị hủy diệt thì ngay lập tức một phân xã mới lại được “hồi sinh” để đảm bảo những dòng tin “chảy mãi.”

Chính trong một lần phá vòng vây địch rút lên Phú Thọ, nhà báo Trần Kim Xuyến, Phó Giám đốc Nha Thông tin phụ trách TTXVN đã hy sinh (ngày 3/3/1947), trở thành nhà báo cách mạng đầu tiên trong cả nước đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Đến ngày thống nhất đất nước, TTXVN đã có gần 260 liệt sỹ, là đơn vị có số nhà báo hy sinh nhiều nhất trong số các cơ quan báo chí cả nước.

Ghi danh cùng non sông

Thời gian dần trôi, chiến tranh cũng đã lùi xa vào quá khứ. Những nhân chứng lịch sử sẽ ngày càng ít đi song sự hy sinh của những chiến sỹ-nhà báo cách mạng TTXVN thì không thể bị quên lãng.

Câu chuyện của họ không chỉ được lưu giữ trong Phòng Truyền thống mà tên tuổi của họ đã được gắn với những con đường trải dài non sông đất nước, để họ được ghi danh cùng sự phát triển của dân tộc. Đó là sự tôn vinh xứng đáng cho những người đã ngã xuống để mạch thông tin không phút nào đứt đoạn.

Đến nay, trong cả nước đã có 7 con đường mang tên các nhà báo của TTXVN.

Năm con đường đã đặt tên trước đây là: Đường Trần Kim Xuyến tại Hà Nội và Hương Sơn (Hà Tĩnh); đường và cầu mang tên nhà báo Bùi Đình Tuý, cố Phó Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng ở Thành phố Hồ Chí Minh; hai con đường khác mang tên hai nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Trần Bỉnh Khuôl tại thành phố Bạc Liêu và Lâm Hồng Long ở thành phố Phan Thiết.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã quyết định đặt tên cho hai con đường ở thành phố Bắc Giang theo tên hai nhà lãnh đạo TTXVN là Trần Kim Xuyến và Đào Tùng.

11.jpeg

Ông Đào Công Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Giang cho biết đường Đào Tùng nằm ở khu đô thị mới phía Tây thành phố thuộc xã Tân Mỹ và đường Trần Kim Xuyến nằm ở khu đô thị phía Nam thành phố thuộc xã Tân Tiến. Dự kiến, công tác hoàn thiện và lễ gắn biển tên đường sẽ diễn ra trong quý IV/2022.

Theo ông Đào Công Hùng, việc thi công hai con đường mới có ý nghĩa trong công tác quản lý hành chính, quản lý đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quan hệ giao dịch kinh tế, văn hóa, xã hội, thể hiện nếp sống văn minh đô thị.

"Bên cạnh đó, việc đặt tên đường theo tên hai nhà báo góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử-văn hóa của địa phương, tôn vinh những nhân vật lịch sử đã có công lao to lớn trong tiến trình dựng nước, giữ nước và đấu tranh cách mạng, trong đó có danh nhân xuất thân từ nghề làm báo, từ đó khơi dậy và nâng cao niềm tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ," ông Đào Công Hùng nói.

Nhà báo Trần Kim Xuyến (1921-1947) là vị lãnh đạo đầu tiên của TTXVN, một trí thức trẻ tham gia cách mạng, đại biểu Quốc hội khoá I, hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Ông là liệt sỹ đầu tiên của giới báo chí cách mạng trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.

Bà Trần Lệ Thu, con gái duy nhất của liệt sỹ Trần Kim Xuyến đã không thể nhớ mặt cha, bởi người cha hy sinh khi bà còn quá nhỏ. Bà chỉ có thể hình dung về người cha kính yêu của mình qua lời kể của mẹ và các đồng nghiệp của cha. Từ sâu trong tâm khảm, bà luôn tự hào về người cha của mình, một cán bộ đa tài, có mục tiêu, lý tưởng và luôn đấu tranh để đạt đến lý tưởng, niềm tin cách mạng mà mình theo đuổi...

“Mẹ tôi và các bác, các chú kể rằng bố tôi cao ráo, ngoại hình đẹp, có ‘thần’ trong công tác tuyên truyền và hùng biện. Bố có tài tổ chức, lãnh đạo, biết xác định mục tiêu, lý tưởng và quan trọng là bố tôi luôn đấu tranh để đạt đến lý tưởng, niềm tin cách mạng mà mình theo đuổi,” bà Trần Lệ Thu cho hay.

Giấy truy tặng ngày 19/3/1947 của Bộ Nội vụ ghi rõ công lao của ông: “Lúc còn sống, Trần Kim Xuyến là một cán bộ mẫn cán, nhiều năng lực và sáng kiến, có công lớn trong tổ chức Nha Thông tin Việt Nam. Trong trường hợp nguy hiểm, ông đã nêu gương can đảm, tận tâm mà hy sinh vì chức vụ. Trước khi chết lại cố gắng dùng hơi thở cuối cùng để tỏ lòng trung thành với Tổ quốc và Hồ Chủ tịch. Bộ Nội vụ nhiệt liệt khen ngợi đồng chí Trần Kim Xuyến đã nêu cao tinh thần hy sinh vì chức vụ, xứng đáng làm gương cho tất cả mọi người.”

xuyen.jpeg
Nhà báo-liệt sỹ Trần Kim Xuyến.

Ngày 23/4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho nhà báo-liệt sỹ Trần Kim Xuyến, nhấn mạnh công trạng: “Là một cán bộ tuyên truyền có tài. Trước ngày khởi nghĩa đã tích cực hoạt động giữa Thủ đô Hà Nội, mặc dầu chịu sự khủng bố và kiểm soát chặt chẽ của Pháp và Nhật. Sau đó, đã có công lớn xây dựng Nha Thông tin và Đài Tiếng nói Việt Nam.”

Một lãnh đạo khác của TTXVN - nhà báo Đào Tùng (1925-1990) lại có một vị trí đặc biệt trong lịch sử phát triển của ngành. Liên tục 25 năm (1965-1990), ông là người đứng đầu cơ quan thông tấn quốc gia, đưa toàn ngành vượt qua những nhiều thách thức, khó khăn ác liệt trong chiến tranh và hoà bình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Theo nhà báo Trần Mai Hưởng nhận định, nhà báo Đào Tùng cùng ban lãnh đạo đã thực hiện thành công những nhiệm vụ lịch sử của thời kỳ này: Bảo đảm công tác thông tin của toàn ngành liên tục trong điều kiện rất khó khăn ác liệt, khi cuộc chiến tranh lan rộng trên cả hai miền Nam-Bắc, trên các chiến trường, với nhiều chiến dịch lớn mà đỉnh cao là mùa Xuân năm 1975 lịch sử. Ngoài ra, ông cũng đổi mới hoạt động của toàn ngành trong điều kiện khó khăn sau hòa bình cho đến những năm đầu thời kỳ đổi mới.

“Tôi có nhiều kỷ niệm với cố Tổng Giám đốc Đào Tùng. Những ngày mới vào cơ quan, tôi rất ấn tượng với phong cách sôi nổi và khả năng tạo niềm hứng khởi cho những người trẻ bằng tư duy mới mẻ, nhiều ý tưởng có tầm nhìn rất xa của người đứng đầu,” ông Trần Mai Hưởng kể.

Ở mặt trận phía Nam, Phó Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng Bùi Đình Túy (Đinh Thúy, 1914-1967) dấn thân đi làm cách mạng khi mới 22 tuổi. Ông có một sự nghiệp báo chí và nhiếp ảnh đáng tự hào, đóng góp công sức cho cả hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Ngày 21/9/1967, trên đường trở về sau khi tác nghiệp tại Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ Hai, đoàn công tác của Bùi Đình Túy bị máy bay Mỹ tấn công. Ông trúng bom bi, hy sinh ngay tại chỗ.

Tưởng nhớ về cha, ông Bùi Đình Toái nghẹn ngào nhưng rất đỗi tự hào: “Cuộc đời cha tôi là của cách mạng, của nhân dân. Nhà nước đã có nhiều huân, huy chương ghi nhận cống hiến của ông, và việc đặt tên ông cho con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh chính là một hình thức lưu danh muôn thuở. Tên cha tôi không chỉ gắn với lịch sử vẻ vang mà gắn với tiềm thức và cuộc sống hàng ngày của nhân dân, ở nơi mà ông bỏ xương máu của mình để có ngày toàn thắng.”

Ông Bùi Đình Toái nói thêm rằng TTXVN có nhiều những nhà báo liệt sỹ có cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những liệt sỹ ấy cũng xứng đáng được vinh danh với những tên đường, tên phố.

tranbinhkhuol_fotor.jpeg
Nhà báo Trần Bỉnh Khuôl (Hai Nhiếp).

Một phóng viên ảnh nổi tiếng, cũng ngã xuống trên chiến trường miền Nam là ông Trần Bỉnh Khuôl (Hai Nhiếp).

Trần Bỉnh Khuôl sinh năm 1913, ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, mất ngày 12/12/1968 trên đường đi chụp ảnh trận đánh ở Rạch Trui, Cái Tàu, huyện U Minh. Ông được đồng đội chôn cất tại nghĩa trang Biện Nhị, huyện U Minh. Nhưng nơi đây bị địch san ủi làm trận địa pháo, nên mộ của ông mất luôn từ thuở ấy.

Theo lời kể của ông Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, nhân dân và chính quyền địa phương đã xây mộ tượng trưng mang tên ông tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện U Minh. Vợ ông là bà Lê Thị Nga, quê thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Một tay bà nuôi 8 người con trưởng thành, có 3 người con trai theo cha đi kháng chiến đã hy sinh trên chiến trường.

“Chúng tôi, những người cầm máy ảnh trong chiến tranh coi anh Hai là một cánh chim đầu đàn của nhiếp ảnh Nam Bộ. Anh gửi đời mình vào nhiếp ảnh và nhiếp ảnh đã cùng anh tạc vào thế kỷ tầm vóc hào hùng của dân tộc ta,” ông Chu Chí Thành cảm thán.

Trong số những nhà báo TTXVN được đặt tên cho đường phố có nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long (1926-1997). Ông là tác giả của những bức ảnh lịch sử “Bác bắt nhịp kết đoàn”“Mẹ con ngày gặp lại” – hai bức ảnh nổi tiếng trong và ngoài nước, để lại nhiều xúc cảm cho người xem. Hai tác phẩm này đã giúp ông giành được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I (1996).

lamhonglong.jpg

Viết tiếp những trang sử vẻ vang

Những con đường mang tên các nhà báo Thông tấn trải dài từ Bắc đến Nam như mạch nguồn kết nối truyền thống anh hùng trải qua các thế hệ và tiếp nối đến mai sau. TTXVN tự hào về dòng chảy lịch sử đó.

Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang xúc động cho hay gần 260 nhà báo TTXVN đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và lớp lớp thế hệ những người làm báo Thông tấn đã cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.

vuviettrang2.jpg

“Tên của các nhà báo Trần Kim Xuyến, Lâm Hồng Long, Bùi Đình Túy, Trần Bỉnh Khuôl, Đào Tùng được vinh danh trên những con đường khang trang, rộng mở là sự ghi nhận và tôn vinh những cống hiến, hy sinh to lớn ấy; thể hiện truyền thống, đạo lý 'uống nước, nhớ nguồn' tốt đẹp của dân tộc Việt Nam,” nhà báo Vũ Việt Trang khẳng định.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus về ý nghĩa của việc vinh danh những nhà báo TTXVN, nhà báo Vũ Việt Trang cho hay: “Tại địa danh nơi các nhà báo-liệt sỹ sinh ra, trưởng thành và cống hiến, những con đường mang tên các nhà báo Thông tấn sẽ nối dài những 'địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống cách mạng, truyền lửa và nguồn năng lượng đi tới cho thế hệ những người làm báo cách mạng.”

Nhân dân và những người làm báo, đặc biệt thế hệ trẻ, sẽ hiểu hơn về thân thế, sự nghiệp của những nhà báo một thời xông pha lửa đạn, can trường chiến đấu, trí tuệ và bản lĩnh để có những dòng tin, bức ảnh ghi lại những thời khắc lịch sử của dân tộc hay phản ánh khí thế sôi nổi của công cuộc dựng xây đất nước.

“Những quyết định cân não, lòng dũng cảm và các tác phẩm báo chí đi cùng năm tháng của thế hệ đi trước là tài sản vô giá của cơ quan Thông tấn quốc gia. Thế hệ những người làm báo hôm nay tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành và càng nhận rõ trách nhiệm của mình hơn khi ngày càng nhiều tỉnh/thành phố trong cả nước ghi danh các nhà báo tiêu biểu của ngành,” nhà báo Vũ Việt Trang bày tỏ.

Tròn 77 năm đồng hành cùng đất nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và phát triển đất nước, TTXVN là cơ quan báo chí đầu tiên vinh dự được phong tặng hai danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Truyền thống vô cùng tự hào đó luôn được thế hệ những người làm báo Thông tấn khắc ghi.

Để tri ân với những đóng góp to lớn của các nhà báo đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam, với sự nghiệp Thông tấn, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, công nhân viên trong toàn ngành, trải qua nhiều thế hệ, luôn sắt son một lòng phụng sự Đảng, phục vụ nhân dân, phát huy vai trò chủ lực trên trận tuyến thông tin tuyên truyền. Những người làm báo Thông tấn luôn ý thức phải làm tốt, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ để xứng đáng với những hy sinh mất mát và đóng góp to lớn của các thế hệ đi trước.

Nhiều chương trình, hoạt động có ý nghĩa thiết thực đã được triển khai rộng rãi trong toàn ngành như lập Quỹ học bổng mang tên nhà báo Trần Kim Xuyến, xây dựng nhà lưu niệm, nhà tình nghĩa cùng hoạt động thắp hương tri ân các nhà báo liệt sĩ thường niên, tổ chức hội thảo, tọa đàm về thân thế, sự nghiệp các nhà báo thông tấn đại diện tiêu biểu cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Trong năm 2022, Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Thông tấn cũng đã hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng cơ sở dữ liệu nhà báo liệt sỹ TTXVN qua các thời kỳ.” Kết quả của đề tài nghiên cứu là cơ sở dữ liệu mở (tiếp tục được cập nhật) và hỗ trợ cho việc tìm kiếm thông tin về những nhà báo liệt sỹ của TTXVN, những người đã anh dũng hy sinh để đất nước có được nền độc lập, người dân được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. Đây là một công trình khoa học không chỉ có ý nghĩa với những người làm báo thông tấn mà còn đối với báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên số.

Có thể khẳng định những bài học lịch sử đã hun đúc tinh thần yêu nước và trách nhiệm của “những người thông tấn.” Nhiều phóng viên, nhà báo đã là những tấm gương sáng trong học tập và noi theo truyền thống của các nhà báo tiền bối như phóng viên trẻ Đinh Hữu Dư, người đã hy sinh quên mình khi tác nghiệp trong mưa lũ ở Yên Bái và nhiều nhà báo khác đã thể hiện tinh thần sẵn sàng dấn thân có mặt tại những điểm nóng, thiên tai, chiến sự, dịch bệnh,… để có những thông tin chuẩn xác, kịp thời về những vấn được dư luận quan tâm.

Phát huy truyền thống của ngành, thế hệ hôm nay đang viết tiếp những trang sử vẻ vang của cơ quan Thông tấn anh hùng./.

Bài thơ “Những con đường Thông tấn”

Tác giả: Trần Mai Hưởng

Có những con đường mang tên các anh
Trải khắp ba miền đất nước
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bạc Liêu, Hương Sơn, Phan Thiết
Những con người Thông tấn đã đi xa

Khúc trầm hùng của một bài ca
Suốt dọc thời gian đồng hành cùng đất nước
Mấy thế hệ nối nhau tiếp bước
Những nẻo đường gian khó quang vinh

Gần 260 nhà báo-chiến sỹ đã hy sinh
Có nhà lãnh đạo đầu tiên của ngành từ ngày đầu kháng chiến
Có những phóng viên tay bút và tay súng
Bắn máy bay rơi, diệt xe tăng Mỹ giữa trận càn

Có những địa bàn phân xã bị xoá sổ ba lần
Bất chấp hiểm nguy vượt gian nan gây dựng lại
Có những nhà cha con, anh em là đồng đội
Chung một chiến hào, vì mỗi bức ảnh, dòng tin

Những con người thầm lặng hy sinh
Vì danh xưng chung - Người phóng viên Thông tấn
Những người chép sử bằng máu mình trong lửa đạn
Trên mỗi nẻo đường chiến tranh

Đất nước mãi không quên các anh
Trong lớp lớp người điệp trùng ra trận
Những con người không tiếc máu xương vì nền độc lập
Những con đường sáng mãi mỗi dòng tên./.


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những nhà báo TTXVN ghi danh trên dặm dài đất nước