1
Để có được những bệnh nhân ý thức được hành động của mình như ngày hôm nay là sự nỗ lực không mệt mỏi của y bác sỹ, người nhà bệnh nhân và chính những bệnh nhân.
10h30, chiếc xe đẩy được thiết kế từ những mảnh tôn có thêm 4 bánh kêu lọc cọc di chuyển dọc hành lang. Trên xe là chiếc thùng xanh chứa những hộp cơm và nồi canh cỡ lớn được đặt một cách ngay ngắn. Người đàn ông ngoài 60 tuổi ít nói nhưng hào hứng, hăm hở, tay đẩy chiếc xe cẩn thận, bình tĩnh từ hàng lang vào phòng ăn.
Bệnh nhân Võ Quân Nh. - 65 tuổi quê ở Hà Tĩnh, đẩy xe chở thùng cơm canh, rảo bước nhanh vào phòng ăn, thoăn thoắt xếp hộp cơm ngăn nắp vào trong từng bàn. Vừa đi ông vừa cười tươi, nụ cười mãn nguyện, đầy phấn khởi.
Người đàn ông với vóc dáng nhỏ thó, luống tuổi hoạt động nhanh nhẹn như trên không ai nghĩ có những thời điểm mà tâm thần bất ổn, ông có thể làm bất cứ việc gì từ việc nổi nóng, không kiềm chế nổi bản thân hay muốn đập phá những đồ đạc xung quanh…
Nhìn về phía những người bệnh, bác sỹ Lê Thị Thanh Thu - Bí thư chi bộ, Trưởng Khoa Bán cấp tính nam (A4), Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 - có gần 30 năm gắn bó với bệnh viện cho hay, ông Nh. là một trong những bệnh nhân có thâm niên gắn bó lâu năm nhất với bệnh viện. Ông bị bệnh tâm thần phân liệt và vào viện điều trị đợt đầu tiên từ những năm 1970. Đây là đợt điều trị thứ 50 của ông tại bệnh viện.
Từ ngày đầu tiên ông Nh. vào đây điều trị đến nay đã được gần 30 năm. Dường như, bệnh viện với ông là chốn thân thuộc như ngôi nhà thứ hai.
Ông Nh. phát cơm bày vào từng bàn cùng với đội ngũ nhân viên y tế. Thoắt vài phút, những hộp cơm đã được xếp ngay ngắn trên các bàn để bệnh nhân vào ăn trưa.
Bác sỹ Lê Thị Thanh Thu cười bảo: “Đã từ rất rất lâu rồi, ông Nh. đã đăng ký với Khoa và các nhân viên y tế nhận rất nhiều phần việc như đưa cơm, lấy các bình nước cho vào các cây nước, khoá cửa phòng ăn sau khi ăn… Mặc dù ông Nh. đã lớn tuổi, những việc đó nếu ai không cho làm là ông liền mắng, do vậy nhân viên y tế chỉ còn cách đi kèm giám sát. Vì vậy, chúng tôi vẫn bảo nhau là ông như thêm một biên chế của khoa.”
Khi được hỏi vì sao ông Nh. lại làm những việc đó? ông cho biết, muốn giúp một phần nhỏ bé công sức của mình để giúp đỡ nhân viên y tế và ông muốn làm việc gì đó cho đỡ buồn chân tay nên nhận những phần việc trên.
Để có được những bệnh nhân ý thức được hành động của mình như ngày hôm nay là sự nỗ lực không mệt mỏi của y bác sỹ, người nhà bệnh nhân và chính những bệnh nhân.
Để có được những bệnh nhân ý thức được hành động của mình như ngày hôm nay là sự nỗ lực không mệt mỏi của y bác sỹ, người nhà bệnh nhân và chính những bệnh nhân.
Bác sỹ Lê Thị Thanh Thu
Bác sỹ Thu cho hay, có càng nhiều bệnh nhân “xin” việc, các y bác sỹ chúng tôi phấn khởi, không hẳn vì họ giúp hỗ trợ gì, mà quan trọng nhất là trong tâm trí của họ đã tỉnh, đã nhận thức được giá trị của bản thân mình và muốn làm những việc có ích cho bản thân cũng như xã hội. Đó chính là những thành quả mà các y bác sỹ cảm thấy phấn khởi và trân trọng nhất. Không chỉ có ông Nh. mà rất nhiều bệnh nhân khác cũng xin làm những việc như quét dọn, rửa bát, lau nhà… những thời gian rảnh rỗi.
Hiện tại, ở Khoa Bán cấp tính nam đang có 36 bệnh nhân điều trị. Sau Tết, bệnh nhân vẫn chưa nhiều, khoảng từ tháng Ba trở đi, bệnh nhân nhập viện đông hơn, lên tới khoảng 50-60 bệnh nhân tại khoa.
Khoa Bán cấp tính nam hay nhiều khoa khác của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 khá đặc biệt, những ô cửa sổ là những chiếc song sắt kết thành ô vuông bàn cờ chừng 20 cm, đủ chật để không một ai có thể chui đầu qua được, để bệnh nhân được an toàn, thậm chí, mỗi tầng ngoài cửa thông thường là những chiếc cửa xếp bằng sắt được đóng vào để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Với các y bác sỹ chuyên ngành tâm thần, bác sỹ điều trị cho các bệnh nhân tâm thần là công việc khá vất vả. (Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+)
Bác sỹ Thu bảo, việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần được ví như "con mọn." Với các y bác sỹ chuyên ngành tâm thần, bác sỹ điều trị cho các bệnh nhân tâm thần là công việc khá vất vả bởi thường xuyên phải tiếp xúc, điều trị cho các bệnh nhân không bình thường về tâm lý. Khi bệnh nhân hợp tác thì mọi việc dễ dàng nhưng nhiều lúc bệnh nhân phản ứng khiến các y bác sỹ khá mệt mỏi, áp lực.
“Nhân viên chúng tôi bị đánh nhiều, có bệnh nhân đang bình thường, tự nhiên bột phát, chạy tới tát luôn vào mặt nhân viên y tế, khi đó chúng tôi chỉ có cách giữ tay bệnh nhân, sau đó cho về phòng bệnh cố định để bệnh nhân qua cơn kích động, vì y bác sỹ không được đánh bệnh nhân,” bác sỹ Thu kể.
Hoặc có tình huống những hôm đêm khuya, bệnh nhân dọa không mở cửa để ra ngoài về nhà sẽ đánh nhân viên y tế hoặc đạp phá đồ đạc. Khi đó, để giải quyết tình huống khẩn cấp, nhân viên phải mở ngay cửa, rồi gọi nhân viên y tế ở khu tập thể ngay cạnh viện sang để tiếp ứng, bệnh nhân ra đến cổng bảo vệ sẽ được nhân viên y tế ở vòng ngoài bắt, giữ lại.
Có tình huống những hôm đêm khuya, bệnh nhân dọa không mở cửa để ra ngoài về nhà sẽ đánh nhân viên y tế hoặc đạp phá đồ đạc. Khi đó, để giải quyết tình huống khẩn cấp, nhân viên phải mở ngay cửa, rồi gọi nhân viên y tế ở khu tập thể ngay cạnh viện sang để tiếp ứng, bệnh nhân ra đến cổng bảo vệ sẽ được nhân viên y tế ở vòng ngoài bắt, giữ lại.
Bác sỹ Thu bộc bạch, nhân viên y tế có nhiều áp lực, tâm thần của bệnh nhân không ổn định nên chúng tôi vừa phải làm theo đúng quy định và dựa vào tâm lý của người bệnh để lựa theo tâm lý của họ. Khi bệnh nhân căng thẳng quá chúng tôi vẫn phải mở cửa để bệnh nhân làm theo đúng ý của họ, mở cửa cho họ, rồi gọi nhân viên khác đến ứng cứu.
“Cũng may mắn là có tới 70% nhân viên bệnh viện ở bên khu tập thể sát bệnh viện, nên mọi người dễ dàng kịp thời ứng cứu khi có những tình huống khẩn cấp như bệnh nhân nổi loạn. Lúc nào chúng tôi cũng phải xác định bệnh nhân người ta có quyền được đánh bọn tôi nhưng chúng tôi không có quyền đánh lại người bệnh nên chúng tôi phải tự phòng thân phải, tìm cách để an toàn cho người bệnh nhân và nhân viên, do đó hai chữ an toàn lúc nào cũng song song,” bác sỹ Thu trải lòng.
Tuy nhiên, qua cơn “nổi loạn” đó vài ngày, người bệnh lại trở lại bình thường, tâm trí của họ trấn tĩnh lại, họ lại ý thức được và thích quét dọn, bưng cơm, rửa bát, lau nhà, dọn dẹp cùng nhân viên y tế. Hầu hết các y bác sỹ ở đây cũng đều thấu hiểu là người mắc bệnh tâm thần rất vất vả, nếu như được chăm sóc, điều trị kịp thời, họ sẽ ổn định. Và khi đã ổn định được tâm thần, khi họ muốn làm việc cùng nhân viên y tế, mọi người đều sẵn sàng.
Người đàn ông ngoài 60 tuổi ít nói nhưng hào hứng, hăm hở nhận nhiều việc vặt giúp nhân viên y tế.
Khoa Bán cấp tính nam hiện có 32 nhân viên y tế, trong đó chỉ có 7-8 nhân viên y tế là nam còn lại 3/4 là nữ, mỗi kip trực tối có 4 nhân viên trực (3 y tá và 1 hộ lý). Mỗi khi có “sự vụ” như một bệnh nhân nổi loạn, các nhân viên nữ cũng lao đao, gồng mình hết sức để có thể cố định được bệnh nhân.
Bác sỹ Thu kể, điều đáng mừng là khi xảy ra sự vụ, nhân viên y tế cũng nhận được sự giúp đỡ từ các bệnh nhân nam khác, khi có nhiều bệnh nhân nam khỏe, khi thấy bệnh nhân kích động cũng tham gia giúp nhân viên y tế, giữ chân tay bệnh nhân, khiêng bệnh nhân lên giường để cố định lại.
Điều đáng mừng là khi xảy ra sự vụ, nhân viên y tế cũng nhận được sự giúp đỡ từ các bệnh nhân nam khác, khi có nhiều bệnh nhân nam khỏe, khi thấy bệnh nhân kích động cũng tham gia giúp nhân viên y tế
Bác sỹ Lê Thị Thanh Thu trải lòng
Đa phần các bệnh nhân tâm thần không có gia đình, và nhiều người điều trị lâu dài, thường xuyên vào viện năm này qua năm khác. Với các bệnh nhân mắc các bệnh về tâm thần, sức khỏe, thậm chí cả mạng sống của bệnh nhân đều gửi gắm hết cho các bác sỹ, y tá và điều dưỡng. Chính vì vậy, việc điều trị cho bệnh tâm thần đòi hỏi mỗi y bác sỹ là sự kiên nhẫn, có bệnh nhân mất hằng tháng, hằng năm, bởi đa phần bệnh nhân gắn với bệnh viện suốt đời. Đến nay, trong khoa điều trị, nhiều trường hợp cũng là người cao tuổi, nhưng dù là người già hay trẻ, các nhân viên y tế của bệnh viện đều phải chỉ bảo, nhắc bệnh nhân đến giờ ăn, giờ uống thuốc.
Bởi với những bệnh nhân tâm thần, họ chỉ cần 1 đêm không ngủ là hôm sau dễ bị kích động, đánh chửi mọi người. Gia đình chỉ cần thấy bệnh nhân không ngủ, chửi bới mọi người là đưa tới bệnh viện để điều trị.
Trong công tác chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân tâm thần, bác sỹ Thu cho hay, tùy mỗi người bệnh, nhân viên y tế lại có cách chia sẻ khác nhau, lúc như người thân, lúc như bạn bè, thậm chí lúc như trong vai người yêu để họ thủ thỉ, trải lòng, trút hờn giận, xả strees... về suy nghĩ của bản thân, về cuộc sống, về gia đình…
Công việc chăm sóc và giao lưu với bệnh nhân trong một ngày của các nhân viên y tế tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. (Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+)
Đặc biệt, công việc hàng ngày của nhân viên y tế ở đây ngoài điều trị, chăm sóc bệnh nhân những công việc hàng ngày như dặn uống thuốc theo lịch, tắm giặt, thay quần áo thì mọi người phải chuẩn bị "đồ nghề" để cắt tóc, cạo râu, cắt móng tay, móng chân cho các bệnh nhân hằng tuần... Và để giao lưu với bệnh nhân trở nên gần gũi hơn, 6 năm trước các y bác sỹ của khoa đã tự trang bị thêm một bàn đánh bóng bàn để ngay tại phòng bệnh lớn để các y bác sỹ khi rảnh rỗi đánh bóng bàn cùng với các bệnh nhân. Bởi vậy, rất nhiều nhân viên của bệnh viện biết đánh bóng bàn, trong đó, bác sỹ Thu cũng là một “tay chơi” bóng bàn cừ khôi. Bên cạnh các hoạt động giao lưu, chăm sóc cho bệnh nhân, bác sỹ Thu cũng tham gia nhiều hoạt động khác, cho đến nay bác sỹ Thu đã có 20 lần tham gia hiến máu tình nguyện.
Suốt hơn 20 năm gắn bó với nghề y, với công tác điều trị cho những bệnh nhân tâm thần, bác sỹ Thu cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi có người bệnh mới đến điều trị, tâm thần chưa ổn, gia đình đi xem bói sau đó không nghe theo sự tư vấn điều trị của bác sỹ mà xin về. “Chúng tôi tiếc, người bệnh không được điều trị sớm. Có những gia đình bệnh nhân họ tin cúng rồi không điều trị bằng thuốc, nên hiệu quả không cao. Sau đó một thời gian sau họ đưa bệnh nhân quay lại viện điều trị muộn sẽ khổ cho cả người bệnh và nhân viên y tế.” bác sỹ Thu nhấn mạnh.
Bác sỹ Lê Thanh Thu đánh bóng bàn với bệnh nhân. (Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+)
Một mảng trống trong công tác chăm sóc sức khoẻ tâm thần của Việt Nam là không có người theo dõi, giám sát chặt. Vì vậy, các y bác sỹ mong ước có khu điều dưỡng cho người bệnh tâm thần, ở đó nếu gia đình chăm sóc được là điều kiện lý tưởng nhất, còn nếu như không có người chăm sóc, bệnh có thể tái phát bất cứ khi nào và các hành vi bộc phát. Những trường hợp người bệnh tâm thần nên vào các khu điều trị và các trại của người bệnh tâm thần và trại đó phải có sự giám sát của nhân viên y tế, bản chất như bệnh viện nhưng họ được phép nằm lâu dài và được nhà nước hỗ trợ về mọi mặt. Bởi hiện nay, mỗi bệnh nhân tâm thần chỉ được điều trị tối đa trong khoảng 2 tháng là phải xuất viện.
Điều trăn trở nhất bác sỹ Thu muốn kiến nghị, cần thay đổi: “Đó là sau đại dịch COVID-19, chúng tôi ngẫm thấy 4 ngành nhà nước nên ưu đãi, đó là: Bộ đội, công an, ngành giáo viên, ngành y. Bốn ngành tồn tại bao năm vẫn trường tồn và nên ưu đãi cho chúng tôi như bộ đội và công an. Bên công an có bảo hiểm y tế dành cho nhân viên, chúng tôi mong muôn có được bảo hiểm y tế tuyến nào cũng được cũng đúng, vào bất cứ nơi nào cũng là đúng tuyến, độc quyền trong ngành y. Chúng tôi mong muốn chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế được như bộ đội và công an về phụ cấp thâm niên ngành, nghỉ hưu, chế độ ưu đãi những năm cống hiến, công tác...”
Chúng tôi mong muốn chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế được như bộ đội và công an về phụ cấp thâm niên ngành, nghỉ hưu, chế độ ưu đãi những năm cống hiến, công tác...
Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Phát - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho hay hiện nay mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cả nước với 33 bệnh viện chuyên khoa tâm thần (trong đó có 2 bệnh viện chuyên khoa khu vực), hàng chục khoa tâm thần trong các bệnh viện đa khoa, trung tâm phòng chống bệnh xã hội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tỉnh, thành phố chưa có bệnh viện chuyên khoa về tâm thần, thậm chí các bệnh viện lớn còn chưa có khoa về tâm thần, thiếu nguồn nhân lực bác sỹ trong lĩnh vực này trầm trọng. Việc thiếu hụt này vô hình chung trở thành gánh nặng lớn cho mỗi gia đình và toàn xã hội, trong việc phát hiện, quản lý và chăm sóc số bệnh nhân tâm thần.
Do vậy, bác sỹ Phát cũng bày tỏ kiến nghị, cần sự thay đổi trong các cơ chế chính sách về đào tạo cũng như tuyển dụng bác sỹ vào các bệnh viện hay các khoa điều trị bệnh tâm thần để thu hút nguồn nhân lực đang dần “khan hiếm” này. Bên cạnh các nỗ lực của ngành y tế cũng cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của nhà nước và các tổ chức có liên quan để có thêm nhiều bác sỹ tham gia vào chuyên ngành điều trị bệnh tâm thần.
Các bệnh nhân với hoạt động giải trí và phục hồi chức năng tại bệnh viện.
Khi hỏi về những khó khăn với bệnh nhân, vừa đánh bóng bàn trong phòng bệnh với bệnh nhân, bác sỹ Thu bảo với mỗi y bác sỹ của bệnh viện, việc chịu đựng những khó khăn đã trở nên quá quen thuộc. Bệnh nhân mới vào trong tình trạng kích động, nên nghe bệnh nhân chửi, đạp, đánh hay tát đã trở thành chuyện bình thường. Chúng tôi chỉ mong người bệnh ổn định sau này ra viện hiểu được vấn đề của bệnh, tư vấn người bệnh sau ra viện, nên tái khám các chuyên khoa tâm thần để họ điều chỉnh thuốc dựa vào triệu chứng của bệnh nhân từng tháng.
Những lúc bệnh nhân ổn, tỉnh táo chúng tôi hỏi thăm về cuộc sống và gia đình. Rất nhiều bệnh nhân tâm sự hoàn cảnh gia đình, vợ con, bố mẹ, anh chị em, họ cũng kể. Đặc biệt, rất nhiều bệnh nhân hỏi các y bác sỹ: “Sau này ra viện về làm gì?” Một câu hỏi rất khó để chúng tôi trả lời, có những bệnh nhân về làm những việc phụ cho gia đình, nhưng có người bệnh mong ước đi làm với đúng chuyên ngành mà họ đã học.
Bác sỹ Thu bảo, khi đó khuyên bệnh nhân trước hết điều trị bệnh ổn, sau đó uống thuốc và tham gia các công việc của gia đình, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, khi làm tốt trí nhớ bình phục ổn định xem việc gì phù hợp có việc gì phụ đỡ cùng gia đình, có sự kèm cặp của người thân.
Khi câu chuyện của chúng tôi sắp kết thúc, bệnh nhân Nh. đi vào phòng giao ban của các y bác sỹ, ông mở cánh cửa tủ kính ra, cẩn thận cất một chiếc chìa khóa. Bác sỹ Thu bảo, đó là chiếc chìa khoá phòng ăn, được bệnh nhân Nh. khoá lại kỹ lưỡng và đem cất về phòng sau khi mọi người đã dọn dẹp phòng ăn sạch sẽ. Với các bác sỹ, khi bệnh nhân xung phong nhận làm những việc nhỏ như vậy, khiến họ yên tâm bởi đó là những khó khăn đã tạm lùi xa, bệnh nhân tỉnh táo để sống một cuộc đời có ý nghĩa./.
Thực hiện: Thùy Giang