Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tập trung trí lực, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới.
Tiếp nối hào khí năm xưa, dân tộc ta đang nỗ lực phấn đấu lập nên những chiến công trong giai đoạn mới, biến khát vọng phát triển thành hiện thực, xây dựng nước Việt Nam hùng cường.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tiếp nối hào khí năm xưa, dân tộc ta đang nỗ lực phấn đấu lập nên những chiến công trong giai đoạn cách mạng mới, đưa đất nước tiến những bước nhanh, vững chắc, biến khát vọng phát triển thành hiện thực, xây dựng nước Việt Nam hùng cường.
Mùa Thu năm 1945 mãi mãi khắc ghi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam một mốc son chói lọi. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám đập tan ách áp bức, bóc lột của chế độ thực dân và phong kiến, giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Ðông Nam Á.
Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”
77 năm qua, thực hiện lời thề thiêng liêng tại Lễ tuyên ngôn độc lập, toàn thể dân Việt Nam đã đổ biết bao xương máu, công sức và trí tuệ để giữ vững thành quả và phát huy giá trị của Cách mạng Tháng Tám, bảo vệ nền độc lập dân tộc, đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, cách mạng Việt Nam đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc,” thù trong giặc ngoài đe dọa, khó khăn chồng chất, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Đảng, Nhà nước cùng toàn dân ta đã làm nên những điều kỳ diệu: Thực hiện thắng lợi Tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước, bầu Quốc hội, thành lập Chính phủ, ban hành Hiến pháp, xây dựng và củng cố chính quyền từ trung ương đến địa phương; củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng nền kinh tế mới, văn hóa mới, đời sống mới.
Đó là những điều kiện và cơ sở pháp lý có tầm quan trọng đặc biệt để Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, kiên quyết bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả Cách mạng.
Khi thực dân Pháp mở cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta một lần nữa, cả dân tộc Việt Nam lại đứng lên “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh,” “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do và độc lập,” tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, với niềm tin vững chắc “kháng chiến nhất định thắng lợi.”
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, tạo thành sức mạnh vô địch, giành thắng lợi vẻ vang, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Vừa ra khỏi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, dân tộc ta lại phải bước vào cuộc chiến đấu chống cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Trước thách thức to lớn đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta và Lời hiệu triệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã nhất tề ra trận, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.
Trải qua cuộc chiến đấu trường kỳ, đầy hy sinh, oanh liệt, cuối cùng bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối.
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tập trung trí lực, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong 5 năm (1976-1980), ta đã khôi phục phần lớn những cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, giao thông ở miền Bắc và xây dựng lại các vùng nông thôn ở miền Nam bị chiến tranh tàn phá; củng cố kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể ở miền Bắc, bước đầu cải tạo và sắp xếp công thương nghiệp tư doanh ở miền Nam, đưa một bộ phận nông dân Nam Bộ, nông dân Nam Trung Bộ vào con đường làm ăn tập thể; bước đầu phân bố lại lực lượng lao động xã hội; tăng cường một bước cơ sở vật chất-kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân.
Đến những năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1981-1985), nhiều Nghị quyết và Quyết định quan trọng của Đảng và Chính phủ được ban hành nhằm từng bước sửa đổi cơ chế quản lý đối với kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế tư nhân và xóa bỏ quan liêu bao cấp.
“Không có gì quý hơn độc lập tự do”
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tuy nhiên, trong những năm đầu sau khi thống nhất, Việt Nam phải đương đầu với những thách thức, khó khăn chồng chất. Trong khi hậu quả nặng nề của chiến tranh chưa được khắc phục, thì lại vừa phải tiến hành cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, vừa phải chống lại sự bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch, vừa phải tiếp tục tìm tòi, khảo nghiệm con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cùng với những khó khăn khách quan, còn có những hạn chế chủ quan, khiến cho kinh tế-xã hội lâm vào khủng hoảng.
Đáp ứng đòi hỏi cấp bách của đất nước, từ Đại hội lần thứ VI (1986), Đảng khởi xướng công cuộc Đổi mới.
Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, đến nay, sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn.
Đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, nền kinh tế tăng trưởng nhanh; kim ngạch xuất khẩu thường xuyên tăng với tốc độ hai con số, năm 2019 đạt mức kỷ lục trên 263 tỷ USD. Đặc biệt, Việt Nam ngày cảng trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2019, tổng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 38 tỷ USD.
Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Giáo dục-đào tạo được chú trọng, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, hệ thống cơ sở y tế được hình thành rộng khắp trong cả nước với chất lượng ngày càng được nâng cao.
Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được đặc biệt quan tâm, đảm bảo mức sống người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn 4% năm 2019 (theo chuẩn nghèo mới)...
Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 185 quốc gia trên thế giới; gia nhập và tích cực xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN; tham gia có hiệu quả các liên kết kinh tế khu vực và quốc tế trên nhiều câp độ, nhất là trong xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược về kinh tế.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và đạt kết quả quan trọng. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngày một nâng lên đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Quốc phòng an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững...
Kết thúc năm 2021 cũng là lúc nền kinh tế đã bước qua thời điểm được đánh giá là khó khăn chưa từng có trong 35 năm Đổi mới.
Năm 2021 là một năm đầy biến động, nền kinh tế đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Nhưng với sự chuyển hướng chính sách linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, đã góp phần củng cố niềm tin của toàn xã hội vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Kinh tế tăng trưởng dương trở lại, đạt 2,58%.
Mặc dù tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn nhiều so mục tiêu đề ra nhưng một số lĩnh vực của nền kinh tế vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực vượt khó của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các chủ thể kinh tế khác.
Đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP là hoạt động xuất khẩu, trong bối cảnh các động lực tăng trưởng khác gặp nhiều khó khăn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 của cả nước tiếp tục chinh phục kỷ lục mới khi đạt mức 668,5 tỷ USD.
Vượt lên những khó khăn do đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông, thiếu nguyên vật liệu, biến động về nguồn nhân lực... các doanh nghiệp đã không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để nối lại sản xuất, đặc biệt là khu vực sản xuất để xuất khẩu.
Nhờ đó, cán cân thương mại đã đảo chiều ngoạn mục trong những tháng cuối năm và kết thúc ở mức thặng dư thương mại 4 tỷ USD, giữ vững vị thế xuất siêu năm thứ sáu liên tiếp, đưa Việt Nam lọt vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trở lại là một chỉ dấu cho thấy mức tín nhiệm của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường kinh doanh Việt Nam. Bất chấp những khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, nhiều dự án lớn vẫn được thực hiện đúng tiến độ cam kết.
Đó là dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II của nhà đầu tư Singapore tại Long An với tổng vốn đăng ký hơn 3,1 tỷ USD trong lĩnh vực truyền tải và phân phối, sản xuất điện; Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II của nhà đầu tư Nhật Bản, tổng vốn đăng ký hơn 1,31 tỷ USD tại Cần Thơ.
Không chỉ thu hút vốn đăng ký mới, nhiều địa phương còn đón dòng vốn tăng thêm tại các dự án lớn để mở rộng quy mô đầu tư. Cụ thể, dự án LG Display Hải Phòng của nhà đầu tư Hàn Quốc đã hai lần điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỷ USD; Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan - Trung Quốc) tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD...
Cùng với đó là tỷ lệ doanh nghiệp quay lại thị trường cao.
Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 11 tháng đã hoàn thành chỉ tiêu cả năm. Mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục được củng cố.
Sang năm 2022, thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, các doanh nghiệp đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất; các hoạt động trong đời sống xã hội trở lại bình thường, hoạt động du lịch trong nước và quốc tế đã nhộn nhịp trở lại đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng cao.
GDP quý 2 năm 2022 tăng trưởng 7,72%, cao nhất trong hơn một thập kỷ. GDP sáu tháng cũng tăng 6,42%. Kết quả này là minh chứng cho bức tranh kinh tế khởi sắc rõ nét và nhiều lĩnh vực đang đà phục hồi mạnh mẽ.
Tiếp đà phát triển quý 2, tốc độ tăng trưởng quý 3 năm 2022 nhiều khả năng đạt cao. Nếu quý 4 năm 2022 không có những biến cố lớn thì dự báo kết quả tăng trưởng cả năm sẽ đạt và có thể vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra từ 6-6,5%./.