Hòa vào sắc xanh nơi dãy Pù Tiêng hùng vĩ thuộc xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) là bạt ngàn cây thảo dược…
Dạo bước trong sương sớm bảng lảng của vùng cao, hít hà hương thơm tỏa ra từ thiên đường thảo dược sẽ khiến lòng người mê đắm, gạt bỏ hết ưu tư phiền muộn.
Chầm chậm đi qua lớp lớp những hàng cây thảo dược đủ các loại sắc màu, ông Lầu Chìa Lồng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát triển dược liệu Mường Lống tự hào rỉ rả về những câu chuyện thảo dược ở nơi đây. Không tự hào sao được bởi để có được những nông trại thảo dược đầy sức sống hôm nay là cả một hành trình dài khai phá, tìm tòi và định hướng.
Giải ‘huyệt đạo,’ tạo thiên đường thảo dược
Chiếc mũ tai bèo đội trên đầu gắn bó với ông Lồng bao ngày ở nông trường, đi rừng đã ngả màu. Vân vê từng chiếc lá thơm nức, ông hồi tưởng lại vùng đất này qua nhiều tháng năm: Từ cây mận tam hoa đến đào Mỹ đều đã “dừng chân” nơi đây nhưng hầu hết các loại cây này đều chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những năm gần đây, khi cây dược liệu được đưa vào thử nghiệm rồi nhân rộng thì vùng đất này như được “giải khai huyệt đạo,” khai phá đúng tiềm năng để phát triển.
Chỉ vào một thân cây gỗ thanh mảnh với những chùm 6-8 lá xếp chụm lại, ở giữa là một nụ hoa vươn mình trong ánh nắng cuối Thu, ông Lồng tâm đắc và đầy tự hào về những khu vườn ươm hàng trăm nghìn cây giống, đặc biệt là cây sâm thất diệp nhất chi hoa (bảy lá một hoa) đang được Trung tâm Bảo tồn và phát triển dược liệu Mường Lống nhân giống và bảo tồn thành công.
Trong 500 mét vuông trồng cây thất diệp nhất chi hoa, những chiếc mầm xanh lún phún đang tiếp tục trồi lên trên mặt đất đầy sức sống.
“Sâm bảy lá một hoa, còn gọi tên là thất diệp nhất chi hoa là loại sâm quý hiếm, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, nâng cao sức đề kháng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh và bồi bổ sức khỏe... Tuy không phải vùng đất nào cũng trồng được cây này nhưng điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng ở Mường Lống cũng như vùng Kỳ Sơn lại rất phù hợp. Sau nhiều năm ươm trồng, cây lên tươi tốt. Tất cả các bộ phận của cây thất diệp nhất chi hoa đều dùng để làm thuốc và có nhiều tác dụng chữa bệnh. Cây được thu hái quanh năm, nhưng thời gian thu hoạch tốt nhất là vào tháng 9-10 hàng năm,” ông Lồng chia sẻ.
Xã Mường Lống thuộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có diện tích 142,30km vuông, nằm ở độ cao 1.485m trong một thung lũng bao quanh là các đỉnh núi với độ cao 1.200-2.700m thuộc dãy Trường Sơn, gần biên giới Việt Lào, có khí hậu Á nhiệt đới. Khí hậu Mường Lống vào mùa Hè rất mát mẻ, không chịu ảnh hưởng của gió Lào. Các đỉnh núi ở đây quanh năm mây mù bao phủ, được ví với “một Đà Lạt của miền Trung nắng cháy.”
Ông Lồng bảo, theo nhiều nghiên cứu, với điều kiện khí hậu đặc thù, Mường Lống phù hợp làm trung tâm bảo tồn, nhân giống các dược liệu quý và phát triển kinh tế với cây dược liệu dưới tán rừng. Sau khi tiếp nhận khoảng 136ha, Công ty Cổ phần Dược liệu TH (TH Herbals- thuộc Tập đoàn TH) đã đầu tư thành những nông trại dược liệu và quản lý Trung tâm phục vụ công tác bảo tồn, nhân giống, phát huy thế mạnh của vùng đất này.
“Trái ngọt” trên vùng đất khó
Thổ nhưỡng đã có, nhưng để được “trái ngọt” như hôm nay, ông Lồng cùng hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân viên của Trung tâm Bảo tồn và phát triển dược liệu Mường Lống đã từng nhiều ngày đêm quên ăn, mất ngủ với cây thuốc.
Từ việc lựa chọn cây tới cách trồng, chăm bẵm, tưới tiêu làm sao cho hợp lý để cây phát triển, mang trong mình nguồn dược liệu, dinh dưỡng tốt nhất để đưa vào sản xuất là cả một bài toán không dễ giải trong ngày một, ngày hai.
Đất không phụ công người. Những vầng trán suy tư bao đêm đã giãn dần ra và giờ thì có thể cười thật tươi khi thành quả đến. Những giọt mồ hôi trên gò má xạm đen đổ xuống mảnh đất khô cằn đã nảy ra mầm cây tươi tốt, đầy dinh dưỡng.
Tới nay, Trung tâm Bảo tồn và phát triển dược liệu Mường Lống đã nhân giống và đang trồng tại xã Mường Lống và xã Na Ngoi 3.000 cây thất diệp nhất chi hoa, 100.000 cây tam thất bắc (với diện tích 5ha) và 1.000 cây sâm Pusailaieng đang được bảo tồn, 200.000 khóm lan thạch hộc với phương thức gắn trên các cây rừng với hơn 15ha; 5ha trồng cây tam thất bắc, 1,3ha đẳng sâm, gần 1.000 cây chè hoa vàng được một năm tuổi dưới tán rừng thưa.
Ngoài ra, Trung tâm cũng đang trồng và nhân giống bảo tồn 40 loại thảo dược khác như: Đương quy, nghệ đen, gừng đen, sa nhân tím, hà thủ ô, giảo cổ lam, cúc hoa, chè shan tuyết, thiên môn đông, thảo quả, chùa dù, bạch quả, tía tô, lạc tiên, linh chi, đương quy nhật…
Quả thực, cảnh sắc đất trời và sự màu mỡ, tốt tươi của những cánh đồng hàng chục loại thảo dược khiến bất kỳ ai cũng có cảm giác như lạc vào chốn tiên cảnh của thiên đường thảo dược, giữa đất trời mây núi của xã vùng cao huyện Kỳ Sơn.
Theo ông Lầu Chìa Lồng, với diện tích 136ha tại Mường Lống, Trung tâm tiến hành phân khu rõ ràng để bảo tồn và nhân giống, đầu tư nhiều khu nhà lưới để trồng cây tam thất bắc, cây sâm thất diệp nhất chi hoa. Việc chăm sóc các loại cây được các kỹ sư có chuyên môn theo dõi tỉ mỉ để đảm bảo độ ẩm, không khí, ánh sáng và điều kiện dinh dưỡng phù hợp.
Cán bộ công nhân viên tại Trung tâm phối hợp với người dân bảo tồn, nhân giống các dược liệu quý và phát triển kinh tế với cây dược liệu dưới tán rừng.
Những giọt mồ hôi trên gò má đổ xuống mảnh đất khô cằn đã nảy ra mầm cây tươi tốt, đầy dinh dưỡng.
(Chăm sóc Lan thạch hộc-một loại dược liệu quý.)
Đất không phụ công người.
(Chăm sóc cây tía tô Tại Trung tâm bảo tồn và phát triển dược liệu Mường Lống).
Nền y học cổ truyền có từ lâu đời gắn liền với nhiều kinh nghiệm dân gian, các bài thuốc quý từ cây, con vật hay dược liệu để chữa bệnh, cải thiện sức khỏe. Dược liệu chính là nguồn nguyên liệu chính để bào chế các bài thuốc cổ truyền, có rất nhiều giá trị trong đời sống của con người.
Ông Trịnh Hiền Trung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu TH cho hay năm 2015, TH Herbals nhận chuyển giao khu nhà văn phòng và vườn ươm của trạm thực nghiệm. Xác định mục tiêu là một vùng trồng “dược liệu sạch,” các chuyên gia của TH Herbals đã khôi phục, tìm tòi, nghiên cứu những cây thuốc, dược liệu quý để tiến hành nhân giống, ươm trồng và tạo ra những sản phẩm có lợi cho sức khỏe.
Đến nay, các khu vực trồng dược liệu của TH tại xã Mường Lống và xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) đang bảo tồn hơn 40 loài cây thuốc quý bản địa, các cây thuốc trong danh mục thuốc nam của Bộ Y tế.
Ông Trịnh Hiền Trung nhấn mạnh: Về giống, công ty thu mua các loại cây dược liệu từ người dân bản địa và các đơn vị cung cấp giống. Đất được cải tạo bằng phân chuồng và phân vi sinh, hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học. Công ty đã đầu tư xưởng sản xuất, chế biến dược liệu thu hoạch thành những sản phẩm bảo vệ sức khỏe như tinh dầu bạc hà, tinh dầu hương nhu, xà bông, dầu gội đầu, đồ uống thảo dược...
Những năm qua, Trung tâm Bảo tồn và phát triển dược liệu Mường Lống, tỉnh Nghệ An dưới sự vận hành của Tập đoàn TH đã góp phần thay đổi diện mạo nhiều xã vùng cao của tỉnh Nghệ An như Mường Lống, Na Ngoi. Vùng trồng “dược liệu sạch” thuần Việt Nam đang từng bước được hình thành và mở rộng theo nguyên tắc đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe.
Không chỉ ươm trồng và nhân giống những cây thảo dược quý, trong khuôn viên của Trung tâm Bảo tồn và phát triển dược liệu Mường Lống đã xây dựng nhà máy chiết xuất chế biến để sơ chế các loại thảo dược thu háitừ tự nhiên và thảo dược trồng tại các vùng đệm của các khu rừng , góp phần làm nên thương hiệu đình đám thức uống thảo dược, trà túi lọc thảo dược hoàn toàn từ thiên nhiên TH true Herbal. Các sản phẩm được chế biến theo tiêu chuẩn FDA của Mỹ - tiêu chuẩn cao nhất về an toàn sức khỏe.
Khicây dược liệu trở thành mũi nhọn
Trung tâm Bảo tồn và phát triển dược liệu Mường Lống là cấu phần trong tổng thể dự án bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển bền vững của TH Herbals. Đây cũng là hướng đi phù hợp với chủ trương chính sách của địa phương: Đưa cây dược liệu thành thế mạnh phát triển kinh tế huyện Kỳ Sơn nói riêng và của tỉnh Nghệ An nói chung.
Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho hay, nhiều xã trong huyện có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp trồng và có sẵn các cây dược liệu trong tự nhiên như: Sâm Ngọc Linh, thất diệp nhất chi hoa, đương quy, giảo cổ lam, mướp đắng… Những loại cây trên mọc khá nhiều trong tự nhiên và vì vậy, nhiều năm qua, người dân nơi đây đã đi thu hái những cây dược liệu này.
Xác định đây là hướng đi nâng cao kinh tế nông hộ, Nghị quyết Đảng bộ huyện Kỳ Sơn nhiệm kỳ 2020-2025 nhấn mạnh bước đột phá của huyện là: Phát triển cây dược liệu gắn liền với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
“Cây dược liệu tại huyện Kỳ Sơn trước đây có nhiều trong tự nhiên nhưng không có sự quản lý và bảo tồn. Việc người dân khai thác tự nhiên dần dần sẽ cạn kiệt, dẫn đến tuyệt chủng nếu không có chủ trương chính sách để bảo tồn và phát triển. Và, huyện đã nhận thức rất rõ điều này,” ông Thò Bá Rê nói.
Theo ông Thò Bá Rê, huyện Kỳ Sơn đã xác định sẽ khai thác và phát triển vùng nguyên liệu thuộc các xã Mường Lống, Tây Sơn và Na Ngoi. Đây là 3 xã có đặc điểm tương đồng, với nhiều cây thảo dược được sơ chế, bào chế thành những bài thuốc có lợi cho sức khỏe con người, trong đó có nhiều bài thuốc ngâm, đại bổ được lưu truyền trong dân gian. Chính vì vậy, thời gian qua, các cơ quan liên quan đã đi khảo sát thực tế để có định hướng phát triển; đưa các đề án, dự án phối hợp với các doanh nghiệp để bảo tồn các loài dược liệu quý hiếm. Trong đó, Tập đoàn TH đã phối hợp cùng địa phương triển khai dự án phát triển dược liệu gắn liền với bảo vệ rừng.
Đánh giá của Ủy ban Nhân dân huyện Kỳ Sơn sau một thời gian Tập đoàn TH triển khai thí điểm dự án cho thấy việc trồng dược liệu ở dưới tán rừng, vườn ươm rất phù hợp với những điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của huyện.
Ngoài ra, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho một số hộ dân nhằm đảm bảo kỹ thuật thu hái dược liệu cho liên kết sản xuất (Tập đoàn TH bao tiêu sản phẩm) đã gắn với việc bảo vệ rừng, vừa phù hợp với cây có sẵn trong tự nhiên, vừa phù hợp với sinh trưởng của vùng đất, nâng cao phát triển sinh kế của người dân.
Dự án Bảo tồn và phát triển dược liệu Mường Lống nằm trong tổng thể dự án bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển bền vững của TH Herbals.
TH không chỉ giúp người dân vùng cao Mường Lống thoát khỏi cái nghèo mà còn đem lại “trái ngọt” cho vùng đất này, góp phần gìn giữ kho dược liệu mà trời đất đã hào phóng ban tặng.
Ông Thò Bá Rê nhấn mạnh: “Nhiều loại dược liệu chỉ có ở ở Kỳ Sơn được chúng tôi xác định cần phải bảo vệ và phát triển. Trong thời gian tới Tập đoàn TH cam kết tiếp tục đầu tư, chuyển giao khoa học công nghệ và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Do vậy, chúng tôi tin tưởng vùng dược liệu do Tập đoàn TH triển khai sẽ thành công.”
Với những sản phẩm TH true Herbal, Tập đoàn TH đã nâng giá trị cho các loại thảo dược của Việt Nam lên tầm cao mới và đem lại cái nhìn mới mẻ về các loại nước uống thảo dược.
Việc mở rộng các vùng nguyên liệu thảo dược tại vùng cao Mường Lống, xây dựng mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, TH không chỉ giúp người dân nơi đây thoát nghèo, đem lại “trái ngọt” cho vùng đất khó mà còn góp phần gìn giữ kho dược liệu mà trời đất đã hào phóng ban tặng./.
Tập đoàn TH đã chính thức “trình làng” các sản phẩm: Trà thảo dược TH true HERBAL Giảo cổ lam-Linh chi; Trà thảo dược TH true HERBAL Lạc tiên-Tâm sen; Trà thảo dược TH true HERBAL Tía tô-Gừng; Trà thảo dược TH true HERBAL Nhân trần-Cúc hoa.
Các loại trà thảo dược túi lọc TH true HERBAL sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước được thu hái tự nhiên và trồng tại các vùng đệm của các khu rừng thuộc vùng dược liệu nổi tiếng ở Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An).
Đây là những sản phẩm tiếp nối câu chuyện thật của Tập đoàn TH với những giá trị "thật" chăm sóc cho sức khỏe của người tiêu dùng; tiếp tục thể hiện bản lĩnh kiên định của TH trên con đường vì sức khỏe cộng đồng, được làm hoàn toàn từ các nguyên liệu tự nhiên, không phụ gia tổng hợp, không chất bảo quản.
Với nhiều công dụng khác nhau dành cho sức khỏe, hương vị hài hòa dễ uống, sản phẩm được sử dụng an toàn cho gia đình (không dùng cho trẻ dưới 1 tuổi) và có thể dùng được tại hầu hết các thời điểm trong ngày.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.