Cho tới phần chạy bộ cuối cùng, tôi đi bộ không tốt nên trong tập luyện đã cố gắng chuẩn bị để chạy đủ 422km. Tôi quyết định chạy 80-90% chặng đường. Sau đó, phần còn lại tôi giảm tốc khi mệt quá hay có dấu hiệu chấn thương, nhưng hạn chế tối đa đi bộ.
Thời điểm vừa bắt đầu chạy được nửa ngày, một vận động viên nữ rất mạnh có quyết định rất bất ngờ là rút lui vì có vấn đề ở chân. Lúc đấy, tôi rất hoang mang vì đó là người có sức khỏe tốt nhất những người dự thi. Chị ấy rút như vậy mình hơi lo lắng. Song, tôi không thể chủ quan và phải tập trung, ưu tiên hàng đầu vẫn là hoàn thành cự ly.
Các đối thủ ở phần chạy bộ đều rất mạnh. Ví dụ như, cô Nadine đã 60 tuổi rồi nhưng từng có thành tích rất tốt ở phần chạy, chạy rất đều, bền bỉ.
Cuộc thi World Champion Deca Ultra Trithalon (giải vô địch thế giới với 3 môn phối hợp có siêu cự ly, hay còn gọi là Swiss Ultra 2022) được tổ chức tại Thụy Sỹ.
Giải đấu kéo dài khoảng 2 tuần, với 3 môn thi đấu gồm bơi (38 km), đạp xe (1.800 km) và chạy bộ (422 km). Các cự ly như vậy gấp 10 lần so với chỉ số quen thuộc tại môn thi đấu 3 môn phối hợp, nên cuộc thi được ví như khắc nghiệt nhất hành tinh đòi hỏi những vận động viên cực kỳ đặc biệt.
Ở phần bơi, các vận động viên bơi trong bể có chiều dài 50m và được cố định nhiệt độ nước. Sau đó, người tham dự đạp xe nhiều lần quanh sông Rhine với chiều dài một vòng vào khoảng 9km. Còn lại, vận động viên chạy bộ 352 lần trên cung đường dài 1,2km.
Swiss Ultra 2022 chỉ có 23 vận động viên tham dự, gồm 19 nam và 4 nữ.
- Với chặng đường như thế, Phương Thanh có gặp sự cố nghiêm trọng nào không?
Vũ Phương Thanh: Sau khi kết thúc phần bơi, tôi dự tính nghỉ ngơi 3-4 giờ đồng hồ rồi mới tiếp tục bước vào phần đạp xe. Khi ấy, cơ thể phải hoàn toàn khô ráo nước thì đạp xe mới tốt và hiệu quả. Thế nhưng, tôi gặp áp lực, bị dao động tâm lý nên bước vào đạp xe luôn. Trong đầu chỉ nghĩ rằng đạp một chút để quen đường, quen thời tiết rồi sau đó ngủ nghỉ.
Đó là quyết định sai lầm. Sau thời gian đầu đạp xe và làm quen với tốc độ, tôi phải đối mặt với mưa lớn hơn chút xíu. Lúc này đường rất trơn, tôi bị ngã và tay chân trầy xước, bầm dập. Đó là bài học lớn cho tôi để tôi không bị dao động tâm lý vì những đối thủ khác của cuộc đua.
Cú ngã không nghiêm trọng nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến phần đạp xe. Do tay phải bị trầy trật khiến tôi không đặt được tay lên chỗ thanh nghỉ trong lúc đạp đường dài. Vì vậy, tôi phải đạp theo kiểu nghiêng người qua một bên. Điều ấy bất rất bất tiện trong một chặng dài như vậy. Bởi, một động tác lệch, tư thế không chuẩn đều sẽ gây ra rất nhiều vấn đề.
Thậm chí, có vận động viên do đường hẹp, liên tục chú ý một chiều có lúc cổ bị cứng ngắc một tư thế nhìn lên. Vì thế, tôi cũng rất sợ vì tay phải của mình không đặt lên thanh nghỉ được. Tôi nghiêng hẳn một bên để đạp nên sớm muộn cũng chấn thương hoặc gặp những vấn đề khác. Nhưng bản thân chỉ biết tự nhủ rằng phải cố gắng một lần nữa.
Tôi biết bản thân chậm về đạp xe nên cứ bình tĩnh, nạp năng lượng từng vòng một. Sau mỗi vòng, Thanh luôn về lều nạp năng lượng, không bỏ vòng nào cả. Chính vì vậy mà sức bền được duy trì rất ổn, đều, chỉ là hơi chậm hơn xíu so với những người khác thôi. Thời tiết thì luôn thay đổi liên tục trong phần đạp xe.
- Ở những cuộc đua như thế này, phải chăng sức mạnh tinh thần định đoạt tất cả?
Vũ Phương Thanh: Khi bản thân kiệt quệ, nản chí thì cái tôi không còn quan trọng nữa. Lý do để tôi tiếp tục thường không phải gắn liền với bản thân, mà đó là giá trị mình đem lại cho cộng đồng xung quanh. Khi ai đó có lý do lớn hơn bản thân thì mới thôi thúc bản thân tiến thêm những bước nữa. Tôi rất ý thức rằng những giải như thế này chỉ là một phép ẩn dụ cho cuộc sống. Một cuộc đua chỉ kéo dài ít ngày… nhưng cuộc sống của mình mới là giải đấu bền bỉ.
Thanh cảm thấy rằng mọi người rất ấn tượng về việc mình là nhà vô địch thế giới. Nhưng với mình, tôi thấy điều vinh hạnh nhất là bản thân dám nghĩ, dám làm. Có lẽ ít ai nghĩ đến một người phụ nữ châu Á, liễu yếu đào tơ có thể chinh phục những cự ly "khủng" thế này nói gì đến việc trở thành quán quân của giải.