Cách đây 50 năm, ngày 26/2/1973, Việt Nam và Australia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam-Australia phát triển rất tốt đẹp, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước.
Cách đây 50 năm, ngày 26/2/1973, Việt Nam và Australia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam-Australia phát triển rất tốt đẹp, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước.
Quan hệ chính trị-ngoại giao ngày càng thực chất
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, Australia và Việt Nam đã xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ và bền bỉ với lợi ích đa dạng và ngày càng tăng.
Quan hệ song phương giữa hai nước tiếp tục phát triển ngày càng mạnh mẽ và hiện nay Việt Nam được coi là một trong những đối tác song phương quan trọng nhất của Australia.
Hợp tác giữa Việt Nam và Australia đang có những bước phát triển tốt đẹp, nhất là từ khi hai bên nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác toàn diện vào năm 2009 và ký Tuyên bố về quan hệ Đối tác toàn diện tăng cường vào năm 2015.
Tháng 3/2018, nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược, mở ra trang mới trong quan hệ song phương.
Trong những năm gần đây, sự hợp tác giữa hai quốc gia đã mở rộng nhanh chóng. Quan hệ hai nước trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ an ninh, quốc phòng, thương mại, đầu tư cho đến giáo dục, du lịch, đổi mới sáng tạo.
Có được bước phát triển này là nhờ những cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao hai nước, thông qua các chuyến thăm cấp cao và các cấp.
Việc trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao luôn được duy trì, nổi bật thời gian gần đây là: Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Australia Scott Morrison (tháng 5/2021), với Thủ tướng Australia Anthony Albanese (18/10/2022); gặp Thủ tướng Australia Scott Morrison bên lề COP-26 (tháng 11/2021). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Hạ viện Australia Tony Smith (tháng 6/2021); thăm chính thức Australia (tháng 11/2022). Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Australia (tháng 9/2022)...
Về phía Australia có Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne thăm chính thức Việt Nam (tháng 11/2021) và Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong thăm chính thức (tháng 6/2022)...
Các cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước được triển khai linh hoạt cả trực tiếp và trực tuyến. Gần đây nhất, Việt Nam đã tiến hành Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 4 với Australia (tháng 9/2022); đang thúc đẩy cơ chế Cuộc họp hai Thủ tướng Việt Nam Australia lần thứ ba.
Chương trình Hành động với Australia giai đoạn 2020-2023 đang được tích cực triển khai và đạt nhiều kết quả cụ thể. Hai bên duy trì các cơ chế hợp tác song phương như Ðối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao-Quốc phòng, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ...
Thêm vào đó, trong "dòng chảy" hợp tác sâu rộng giữa hai nước, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Australia trong những năm qua cũng phát triển tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương, đóng góp quan trọng vào tổng thể quan hệ giữa hai nước.
Quốc hội khóa XV đã thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Australia (ngày 4/10/2022).
Mới đây nhất, trong chuyến thăm chính thức Australia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (tháng 11/2022), hai bên nhất trí sẽ tiếp tục duy trì trao đổi lãnh đạo cấp cao của hai cơ quan lập pháp, tăng cường trao đổi kinh nghiệm chuyên môn về công tác lập pháp và giám sát, tạo thuận lợi cho các Nhóm Nghị sỹ hữu nghị hai nước hoạt động; đẩy mạnh giám sát, thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai các thỏa thuận đã ký kết; duy trì tham vấn, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế hợp tác đa phương, diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF)... đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Triển vọng giao thương giữa Việt Nam và Australia là rất lớn, bởi hai nước đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - một thỏa thuận thương mại thế hệ mới bao trùm và cởi mở.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Australia cũng đã công bố và triển khai thực hiện Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế, kèm theo Lộ trình thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước trong giai đoạn 2021-2025.
Trong năm tài khóa 2022-2023, Australia nâng 18% ODA cho Việt Nam, đây là mức tăng ODA lớn nhất kể từ năm 2015. Theo đó, ODA của Australia dành cho Việt Nam là 92,8 triệu AUD (so với 78,9 triệu AUD năm tài khóa 2021-2022).
Chiến lược này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ và củng cố hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên các yếu tố luật lệ quốc tế, là cơ sở để đẩy mạnh thương mại tự do và cùng hợp tác giải quyết các thách thức chung. Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư hai chiều và trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau.
Về đầu tư, tính đến tháng 1/2023, Australia có 584 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 1,987 tỷ USD, đứng thứ 20/142 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Australia luôn dành cho Việt Nam nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) ổn định. Trong năm tài khóa 2022-2023, Australia nâng 18% ODA cho Việt Nam, đây là mức tăng ODA lớn nhất kể từ năm 2015. Theo đó, ODA của Australia dành cho Việt Nam là 92,8 triệu AUD (so với 78,9 triệu AUD năm tài khóa 2021-2022).
Ngoài ra, hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, giáo dục, đào tạo, lao động, nông nghiệp... phát triển tốt đẹp và còn nhiều tiềm năng. Đáng lưu ý, hai nước đang quan tâm thúc đẩy một số lĩnh vực hợp tác mới như ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng...
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hai nước đều có thế mạnh và truyền thống phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao nhưng ở hai khu vực ngược nhau về mùa vụ và khí hậu.
Việt Nam với khí hậu nhiệt đới, nóng, ẩm, mưa nhiều, đất đai màu mỡ có thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới đa dạng; Australia với khí hậu khô hạn, phần lớn phát triển các sản phẩm nông nghiệp ôn đới, bên cạnh một số vùng nông nghiệp nhiệt đới nhưng trái vụ với Việt Nam.
Sự kết hợp giữa hai nước sẽ tạo nên các sản phẩm và chuỗi cung ứng có tính chất tương hỗ phục vụ thị trường hai bên đồng thời có thể cùng xuất khẩu sang các thị trường thứ ba.
Hai nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác lao động nông nghiệp (tháng 3/2022) và tiếp tục phối hợp để có thể bắt đầu triển khai từ tháng 7/2023. Dự kiến, hàng năm có thêm 1.000 lao động Việt Nam được sang Australia làm việc.
Australia cũng tích cực hỗ trợ Việt Nam phòng, chống COVID-19, cung cấp cho hơn 26,4 triệu liều vaccine, trong đó có 12 triệu liều cho người lớn và hơn 14,4 triệu liều cho trẻ em, trở thành nhà tài trợ vaccine lớn thứ hai của Việt Nam, sau Hoa Kỳ.
Nhìn lại những thành quả nổi bật trong quan hệ Việt Nam-Australia, chắc chắn đây sẽ là nền tảng tạo khuôn khổ, định hướng tầm nhìn dài hạn cho quan hệ hai nước thời gian tới.
Việt Nam và Australia sẽ không ngừng nỗ lực xây dựng một chặng đường mới cho quan hệ song phương, mà trên chặng đường đó, hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác về kinh tế-thương mại, an ninh... thực chất, hiệu quả hơn.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, năm 2023 là một năm sôi động trong hợp tác của Việt Nam với Australia. Hai nước sẽ cùng nhau tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó có việc xem xét nâng quan hệ với Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện vào thời điểm phù hợp.
Hai nước sẽ tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, ở cả kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân; đồng thời, thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động; giáo dục đào tạo; khoa học-công nghệ; quốc phòng-an ninh, hợp tác giữa các địa phương, cũng như mở thêm đường bay trực tiếp giữa các thành phố lớn của hai nước..../.