Mega Story

Bài 2: Đường cao tốc sẽ là mũi nhọn thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số

26/04/2025 11:10

Đường bộ cao tốc mở ra đến đâu tạo không gian phát triển kinh tế-xã hội đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả; rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải; tạo động lực mới để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền...

chum-1-duong-bo-bai-2.png
vnp_cao-toc-bac-nam.jpg

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua, trong đó xác định một trong ba đột phá chiến lược là “tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông...” với mục tiêu “đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông và đưa vào khai thác 3.00km đường cao tốc.”

Hiện thực hóa mục tiêu này, trong thời gian qua, các tuyến đường bộ cao tốc được đầu tư, mở rộng đã mang lại hiệu quả rõ rệt về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, bảo vệ môi trường.

Đường bộ cao tốc mở ra đến đâu tạo không gian phát triển kinh tế-xã hội đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả; rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải; tạo động lực mới để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương còn khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo của đất nước trong giai đoạn vừa qua.

Ngoài ra, các địa phương có đường bộ cao tốc đi qua đều có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân cao hơn so với cả nước.

vnp_cao-toc-khai-thac.jpg

“Nối mạch” cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau

Xếp gọn hành lý vào sau cốp xe ô tô cá nhân 7 chỗ, anh Phạm Ngọc Đại (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần cùng gia đình di chuyển về quê thăm ông bà.

Từ ngày tuyến cao tốc Bắc-Nam đoạn Hà Nội đến Bãi Vọt (tỉnh Hà Tĩnh) đã được thông xe và đưa vào khai thác, hành trình của anh Đại trở về quê nhà chưa bao giờ cảm thấy dễ dàng đến vậy.

“7h sáng xuất phát từ Thủ đô Hà Nội, nếu đi thong thả thì tầm 12h sẽ về ăn cơm cùng ông bà. Các đoạn tuyến cao tốc được đầu tư xây dựng đã rút ngắn khoảng cách, thời gian và đảm bảo an toàn giao thông cho người dân đi lại,” anh Đại hồ hởi nói.

Nếu trước đây chạy trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn đường về quê của gia đình anh sẽ phải mất quá nửa ngày bởi đường nhỏ hẹp, lượng phương tiện lưu thông đông và việc đi lại cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn giao thông.

“Nhà nước đầu tư các tuyến đường cao tốc trải dài mọi miền đất nước đã kéo vùng miền xích lại gần nhau hơn. Giá trị của đường cao tốc không chỉ rút ngắn khoảng cách, thời gian mà đem đến nhiều thứ vô hình khác về kinh tế, an sinh xã hội. Cách đây 2 năm trước, việc về quê hay đi du lịch ở các địa phương với tôi sẽ rất ít nhưng hiện có đường cao tốc nên tranh thủ sắp xếp được thời gian, công việc thì sẽ quyết định đi nhiều nơi vì có đường cao tốc giao thông thuận lợn rất nhiều,” anh Đại chia sẻ.

vnp_cao-toc-khai-thac.jpg
Các Dự án cao tốc Bắc-Nam được đưa vào thông xe, khai thác đã rút ngắn thời gian lưu thông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng), giai đoạn 2001-2010, cả nước chỉ đưa vào khai thác được 89km đường cao tốc. Trong giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết đại hội Đảng XI, được cụ thể hóa tại Nghị quyết 13-NQ/TW xác định hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, là điểm nghẽn của quá trình phát triển; đồng thời xác định đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Giai đoạn này đã đưa vào khai thác thêm 1.074km, nâng tổng số chiều dài đường bộ của nước ta đến hết năm 2020 lên 1.163km.

Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Kinh tế-Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết dự kiến trong năm nay, có khoảng 1.188km đường bộ cao tốc gồm 28 dự án/dự án thành phần sẽ hoàn thành, gồm 17 dự án (tổng chiều dài 889km) do Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản, 11 dự án (299km) do địa phương làm cơ quan chủ quản.

“Tính đến nay, cả nước đã có 37 tuyến/đoạn tuyến cao tốc hoàn thành, đưa vào khai thác với tổng chiều dài 2.021km,” ông Tiến thông tin thêm.

dsc_8794.jpg
Nhà thầu thi công nền đường một dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Riêng tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, theo quy hoạch, tuyến có tổng chiều dài 2.055km (chiếm 22% tổng chiều dài mạng lưới cao tốc). Điểm đầu tại cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Điểm cuối tại thành phố Cà Mau, quy mô từ 6 đến 12 làn xe. Đến nay, toàn tuyến đã đưa vào khai thác 1.206km, đang thi công 834km (hoàn thành năm 2025, trừ đoạn cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng dài 43km).

Trong đó, dự án đầu tư đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần chiều dài 654km, quy mô 2-6 làn xe, đã hoàn thành toàn bộ và đưa vào khai thác. Riêng đoạn Cao Bồ-Mai Sơn đang được mở rộng từ 4 lên 6 làn xe (hoàn thành năm 2026), đoạn Cam Lộ-La Sơn đang được mở rộng từ 2 lên 4 làn xe hoàn chỉnh (hoàn thành năm 2026).

Dự án đầu tư đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 gồm 12 dự án thành phần, dài 721km, quy mô 4 làn xe hạn chế, đang triển khai thi công, hoàn thành năm 2025.

Các dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện đầu tư, thu phí, tổng chiều dài 256km, gồm: đoạn Cầu Giẽ-Ninh Bình đang khai thác 4 làn xe; Đà Nẵng-Quảng Ngãi đang khai thác 4 làn xe; Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đang khai thác 4 làn xe; Bến Lức-Long Thành đang triển khai thi công 4 làn xe, hoàn thành năm 2025.

cao-toc-long-thanh.jpg
Dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đang khai thác 4 làn xe. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Các dự án do Nhà đầu tư BOT đầu tư, tổng chiều dài 234km gồm: đoạn cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng đang triển khai thi công, dự kiến hoàn thành năm 2026; Hà Nội-Bắc Ninh-Bắc Giang, đang khai thác 4 làn xe; Bắc Giang-Lạng Sơn đang khai thác 4 làn xe; Pháp Vân-Cầu Giẽ đang khai thác 6 làn xe; Trung Lương-Mỹ Thuận đang khai thác 4 làn xe.

Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Trần Hồng Minh cho biết dự kiến thông xe dịp 30/04 năm nay là 228km, như vậy, trên toàn quốc sẽ có 2.249km đường cao tốc được hoàn thành. Dự kiến thông xe dịp 30/09 năm nay là khoảng 278km gồm 5 tuyến.

“Toàn quốc đến tháng 9/2025 đạt được khoảng 2.527km. Hầu hết các dự án đều bám sát kế hoạch tiến độ, nhiều dự án đăng ký hoàn thành thông tuyến trong năm 2025. Mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước có hơn 3.000km đường cao tốc đang hiện hữu trong tầm tay,” Bộ trưởng Trần Hồng Minh nói.

vna_potal_thu_tuong_kiem_tra_tien_do_cao_toc_can_tho-_ca_mau_7984028.jpg

Đường cao tốc sẽ hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 2 con số

Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ban ngành liên tục có các buổi thực địa kiểm tra tiến độ, tháo gỡ khó khăn để đưa đường cao tốc về đích sớm.

Những chuyến kiểm tra trực tiếp của lãnh đạo Chính phủ và sự chỉ đạo gỡ vướng kịp thời đã tạo đà thúc đẩy nhiều tuyến cao tốc có bước “nhảy vọt” về tiến độ bởi các cơ quan chủ quản đôn đốc các nhà thầu tăng cường máy móc thiết bị, nhân lực thi công “3 ca, 4 kíp” với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió”, “làm việc 3 ca, 4 kíp”, “xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”; góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa các công trình về đích vượt tiến độ đề ra, nhất là các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025 thuộc danh mục 3.000km cao tốc.

vna_potal_thu_tuong_kiem_tra_tien_do_cao_toc_can_tho-_ca_mau_7984037.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, động viên công nhân các đơn vị thi công dự án thành phần đoạn Hậu Giang-Cà Mau. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng cũng liên tục yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất; nếu có vướng mắc phải chỉ rõ “vướng mắc gì, ở đâu, ai giải quyết, giải quyết trong bao lâu”; phải chỉ rõ ai chịu trách nhiệm nếu triển khai các công việc chậm trễ trong khi Tổ quốc mong chờ, nhân dân hy vọng. Tinh thần xuyên suốt được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo là “chỉ bàn làm mà không bàn lùi” và “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm.”

Tại các cuộc họp về kết quả đôn đốc triển khai kế hoạch hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025 gần đây, người đứng đầu Chính phủ ghi nhận tuyến đường cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau đã hiện rõ hình hài. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh không được chủ quan và yêu cầu các bên “hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó.”

“Các tỉnh, thành mà có đường cao tốc đi qua là phát triển, một không gian phát triển mới từ đô thị, du lịch đến khu công nghiệp; giá trị gia tăng đất lên cao, các nhà đầu tư hấp dẫn. Quyết tâm, khó mấy cũng phải làm, không làm không phát triển. Nhất là hiện nay đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số mà không có cao tốc, không có giao thông thì không tăng trưởng," Thủ tướng nhấn mạnh./.


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 2: Đường cao tốc sẽ là mũi nhọn thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số