Bài 1: Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh: Con đường xuyên rừng lửa, con đường mở tương lai
•28/04/2025 09:55
Sau những năm tháng “mưa bom, bão đạn” để giành độc lập dân tộc, thống nhất hai miền Bắc-Nam, đường Hồ Chí Minh lại tiếp tục mang sứ mạng mới khi là con đường huyết mạch giao thương, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, Bộ đội Trường Sơn làm nên Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Tại nghĩa trang Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị) nằm cạnh đường Hồ Chí Minh, nơi quy tụ 10.263 phần mộ của các liệt sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước để nhắc nhở cho các thế hệ sau này về một thời kỳ cống hiến, hy sinh, những ngày hành quân mở đường, giữ đường, đánh địch, bảo vệ huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam.
Sau những năm tháng “mưa bom, bão đạn” để giành độc lập dân tộc, thống nhất hai miền Bắc-Nam, đường Hồ Chí Minh lại tiếp tục mang sứ mạng mới khi là con đường huyết mạch giao thương, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Tuyến đường chi viện miền Nam, giải phóng đất nước
Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh Việt Nam bồi hồi nhớ lại thời kỳ xây dựng tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.
Vào đầu tháng 5/1959, sau Hội nghị Trung ương lần thứ 15, với chủ trương đẩy mạnh đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam, Bộ Chính trị đã giao cho Quân ủy Trung ương nghiên cứu tổ chức một đoàn giao thông quân sự đặc biệt, mở một tuyến giao thông và vận tải để đưa cán bộ, vũ khí và những hàng hóa cần thiết vào miền Nam.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, ngày 19/5/1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”- Đoàn 559 có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn đã được thành lập, biên chế bước đầu là 500 cán bộ, chiến sĩ chịu trách nhiệm xây dựng tuyến chi viện chiến lược, chuyển nhân lực, vật lực từ miền Bắc vào phục vụ cách mạng miền Nam, cũng như cách mạng Lào và Campuchia.
“Đường Trường Sơn huyền thoại bắt đầu được hình thành và đúng ngày sinh của Bác, nên cũng được mang tên đường Hồ Chí Minh,” Thiếu tướng Võ Sở nói về tên con đường huyền thoại.
Phân đội Thanh niên xung phong 39 mở đường Trường Sơn. (Ảnh: Vương Khánh Hồng-TTXVN phát)Với phương châm "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", với tinh thần " Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm", "Máu có thể đổ, đường không thể tắc", bộ đội và dân công hỏa tuyến Trường Sơn đã bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống. (Ảnh: Nghĩa Dũng/TTXVN)
Với tinh thần “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”, Thiếu tướng Võ Sở cho biết Mỹ rải xuống Trường Sơn 4 triệu tấn bom đạn, cày xới trên từng tấc đất, nhiều hố bom sâu hoẵm chỉ trơ cành cây hay ngọn cỏ. Khối lượng bom đạn khổng lồ ấy trút xuống dãy Trường Sơn hòng biến tất cả núi đồi, cây rừng nơi đây thành bình địa, nhưng các con đường vẫn được sửa chữa, mở thêm nhiều nhánh, nối liền từ miền Bắc vào tới các căn cứ miền Nam.
“Từ đoàn công tác đặc biệt, trưởng thành trong quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu, Đoàn 559 đã phát triển lớn mạnh thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Đến năm 1973-1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã có lực lượng hùng hậu với 9 sư đoàn binh chủng cùng 21 trung đoàn trực thuộc, quân số hơn 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và 1 vạn thanh niên xung phong,” vị Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn chia sẻ.
Chở đá mở đường Trường Sơn. (Ảnh: Hoàng Kim Đáng/TTXVN phát)
Trong 16 năm (1959-1975), các lực lượng đã xây dựng tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh đi qua 20 tỉnh thuộc 3 nước (Việt Nam, Lào, Campuchia), với 216 con đường, dài tổng cộng hơn 20.000km tỏa ra các chiến trường ở Việt Nam, Lào và Campuchia, tạo nên một hệ thống liên hoàn bền vững.
“Máu, nước mắt và mồ hôi của bộ đội, của thanh niên xung phong đã làm nên huyền thoại của tuyến đường. Tất cả sự hy sinh, nỗ lực của các lực lượng trên tuyến đường Trường Sơn đã làm nên con đường huyền thoại với những chiến công hiển hách được ghi vào lịch sử như một kỳ tích, khẳng định sức mạnh, ý chí, quyết tâm và khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam,” Thiếu tướng Võ Sở nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Trường Chinh chúc Tết bộ đội Trường Sơn, Xuân Giáp Dần năm 1974. (Ảnh: Lâm Hồng/TTXVN)
Mạch xương sống với sứ mạng mới
Sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước hoàn toàn giải phóng, sứ mệnh của đường Hồ Chí Minh huyền thoại vẫn tiếp tục được đầu tư xây dựng, cải tạo, để trở thành một mạch xương sống mới, mang sứ mạng mới của thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước.
Gắn bó cả sự nghiệp khi trực tiếp chỉ đạo thi công Dự án đường Hồ Chí Minh, theo ông Phạm Hồng Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh, Dự án đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183km (tuyến chính dài 2.499km, nhánh phía Tây dài 684km).
Trong đó, Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 được khởi công vào ngày 5/4/2000 có chiều dài khoảng 1.350km (tuyến chính từ Xuân Mai, Hà Nội vào đến Ngọc Hồi, Kon Tum dài khoảng 850km và nhánh tây từ Khe Gát, Quảng Bình đi Khe Sanh-Đăk Rông, Quảng Trị đến Thạnh Mỹ, Quảng Nam dài khoảng 500km), tổng mức đầu tư khoảng 5.300 tỷ đồng, tương đương hơn 400 triệu USD.
Đường Hồ Chí Minh được đầu tư, nâng cấp trên nền đường cũ nhằm mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Do tính cấp bách và sớm khắc phục hậu quả của hai trận “đại hồng thủy” vào tháng 8 và tháng 9/1998 gây nên lụt bão nặng nề ở khu vực miền Trung, Đảng và Nhà nước đã chủ trương cho triển khai đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 theo phương thức giao nhiệm vụ trực tiếp cho các đơn vị thi công đoạn từ Hà Tĩnh đến Kon Tum. Đoạn từ Nghệ An trở ra đến Xuân Mai (Hà Nội) thực hiện theo phương hình thức đấu thầu.
“Trên 1.350km giai đoạn 1 đường Hồ Chí Minh ngày ấy, một đại công trường hiện ra trước mắt quy tụ hơn 100 đơn vị thi công lớn, nhỏ, 20 đơn vị tư vấn thiết kế trên toàn quốc. Dự án được thi công ở địa hình khó khăn nhất với núi đá hiểm trở, rừng núi thâm u nhưng chính điều này đã tôi luyện nâng cao chuyên môn, trình độ quản lý cho các đơn vị thi công,” ông Sơn nói.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Ông Sơn cũng kể về khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thi công dự án như vùng có địa chất phức tạp gồm đoạn từ A Tép (Quảng Nam)-A Đớt (Thừa Thiên-Huế) dài 50km, là khu vực rừng hoàn toàn nguyên sinh, không có đường mòn nên lúc đi khảo sát có lần anh em lạc nhau cả tuần.
Hay như đoạn đèo Lò Xo, địa hình hiểm trở nên xe cơ giới không thể lên tới đỉnh những ngọn đồi. Do đó, những công nhân phải vác từng bao xi măng, từng cây sắt, can nước rồi di chuyển hàng trăm mét đường núi mới đến điểm tập kết vật liệu. Hàng vạn tấn vật liệu đã được vác trên vai như thế để có một con đường như ngày hôm nay.
“Khó khăn trong thi công, ăn uống cũng kham khổ bởi nhà dân thưa thớt, thức ăn chỉ có sắn mì, lúa nương và việc tiếp tế lương thực phẩm từ bên ngoài vào cũng rất vất vả. Chưa kể, nhiều cán bộ, công nhân phải chịu cảnh vắt rừng, ruồi vàng cắn và đối diện với sốt rét rừng liên miên. Thế nhưng không ai chùn bước với quyết tâm hoàn thành tuyến đường lịch sử mang tên Bác," ông Sơn nhớ lại.
Dự án đường Hồ Chí Minh sẽ được nối thông toàn tuyến vào năm 2025. (Ảnh: Huy Hùng/TTVN)
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay, Dự án đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành 2.488/2.744km và khoảng 258km tuyến nhánh, còn lại 256km đang triển khai, trong đó đoạn Chợ Chu Ngã Ba-Trung Sơn là mảnh ghép cuối cùng được đầu tư xây dựng để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2025./.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.