Mega Story

Bia tưởng niệm Thông tấn xã giải phóng tại căn cứ Khu ủy Khu V

11/09/2023 08:40

Căn cứ Khu ủy Khu V (xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) là căn cứ cuối cùng trên chiến trường Khu V, địa bàn có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng cả về chính trị, quân sự và kinh tế trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Căn cứ Khu ủy Khu V cũng là nơi đóng chân của lực lượng phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) nhằm đưa những thông tin chuẩn xác, kịp thời nhất của chiến trường Khu V đến với nhân dân.

what-i-ve-been-up-to-before-our-presentation-party-1-.png

Căn cứ Khu ủy Khu V (xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) là căn cứ cuối cùng trên chiến trường Khu V, địa bàn có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng cả về chính trị, quân sự và kinh tế trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Căn cứ Khu ủy Khu V cũng là nơi đóng chân của lực lượng phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) nhằm đưa những thông tin chuẩn xác, kịp thời nhất của chiến trường Khu V đến với nhân dân.

7.png

Cuối năm 1973, để kịp thời chỉ đạo chiến trường trong tình hình mới, theo tinh thần Nghị quyết 21 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh hoạt động tấn công địch, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam”, để đảm bảo an toàn và thuận lợi trong chỉ đạo cách mạng, căn cứ Khu ủy Khu V chuyển từ huyện Trà My (tỉnh Quảng Nam) về xã Phước Trà, huyện Phước Sơn (nay là xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam).

Theo Hồi ký “Trên những chặng đường cách mạng” của đồng chí Võ Chí Công (xuất bản năm 1996), cơ quan Khu ủy Khu V đóng trên vùng đất rộng với địa hình tương đối bằng phẳng, phía sau lưng có những đồi thưa, các phía còn lại có nhiều đồi tranh bạt ngàn, có hai hồ cá thiên nhiên, có đường ô tô từ đường 16 đi vào khoảng 1 km.

Việc chuyển căn cứ từ vùng núi cao xuống vùng giáp ranh đồng bằng và đóng ngay trước mũi kẻ thù là một quyết định táo bạo của tư tưởng tiến công, hướng về giải phóng đồng bằng và thành phố; là sự tin tưởng tuyệt đối vào lòng dân, suốt những năm tháng kháng chiến đã tình nguyện làm lá chắn sống bảo vệ Đảng, bảo vệ căn cứ trước mọi sự tấn công của quân thù.

8.jpg
Cận cảnh Bia tưởng niệm TTXGP, được chạm khắc hình tượng các phóng viên, kỹ thuật viên TTXGP đang tác nghiệp

Ba năm, một khoảng thời gian ngắn, nhưng căn cứ cách mạng Khu ủy Khu V đã mang trong mình sứ mệnh lịch sử trọng đại, để lại dấu ấn về một địa danh, nơi tổ chức Đại hội III - đại hội cuối cùng của Đảng bộ Khu V, diễn ra từ ngày 15 – 22/12/1973. Đại hội có sự tham dự của 264 đại biểu, đại diện cho 47.000 đảng viên của 11 đảng bộ các tỉnh và đơn vị gồm: Đặc khu Quảng Đà, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, đoàn Quân khu V, Dân Chính Đảng.

Thực hiện Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khu V lần thứ III, Khu ủy Khu V đã lãnh đạo, chỉ đạo mở các cuộc tiến công và nổi dậy trên khắp các chiến trường, mở màn là chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Buôn Ma Thuột (ngày 10/3/1975).

Từ đó, trên khắp các chiến trường, ta mở nhiều đợt tấn công tiêu diệt các cứ điểm, tề gian diệt ác, chặn đứng âm mưu bình định và lấn chiếm của địch, mở rộng vùng giải phóng từ Tây Nguyên đến đồng bằng, tạo ra thế và thời cơ mới trên khắp các chiến trường, tạo điều kiện để mở các chiến dịch giải phóng Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, liên tục tiến công và nổi dậy ở các tỉnh miền Trung, đập tan bộ máy chiến tranh của địch ở Khu V, mở rộng con đường thần tốc tiến vào Sài Gòn, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, ngày 30/4/1975.

8.png

Sau khi được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1993, căn cứ Khu ủy Khu V đã được đầu tư xứng tầm, lưu giữ những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là nơi giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước cho các thế hệ sau này. Căn cứ được tái hiện với nhà và hầm làm việc của đồng chí Võ Chí Công; hội trường Đại hội III; các giếng nước, ao cá, ao rau muống, đường nội bộ cùng 255 hiện vật gốc được sưu tầm và trưng bày.

9.jpg
Lễ khánh thành Bia tưởng niệm TTXGP vào năm 2005

Đến năm 2005, Cơ quan TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng công trình Bia tưởng niệm để tri ân 29 liệt sỹ của TTXGP đã hy sinh trên chiến trường Khu V ác liệt. Với chiều cao 3,6 mét, rộng gần 2,5 mét, bia được làm bằng đá cẩm thạch, với bức phù điêu khắc hoa văn, hình tượng các phóng viên, kỹ thuật viên TTXGP đang tác nghiệp.

2.jpg
Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TTXVN dâng hương tại Bia tưởng niệm TTXGP

Đến nay, tại khu di tích Khu ủy Khu V, các công trình phục vụ như: nhà đón tiếp khách, sân đỗ xe, nhà nghỉ, khu trồng cây lưu niệm, khu bảo tồn nhà sàn đồng bào dân tộc thiểu số… đã được đầu tư đồng bộ. Ban Quản lý di tích được thành lập, các chương trình, dự án đầu tư kết nối Di tích với các khu du lịch trọng điểm của tỉnh Quảng Nam và khu vực. Hàng ngàn hecta rừng kinh tế, cơ sở hạ tầng, xã hội tiếp tục được cải thiện, tất cả cùng tạo ra một diện mạo mới cho vùng căn cứ cách mạng vẻ vang năm xưa.

9.png

Từ khi công trình Bia tưởng niệm TTXGP tại di tích căn cứ Khu ủy Khu V được hình thành, hàng năm, các thế hệ lãnh đạo, phóng viên, nhân viên Cơ quan TTXVN khu vực miền Trung – Tây Nguyên đều tổ chức đoàn về thăm, dâng hương, đồng thời chỉnh trang, tu bổ di tích. Bên cạnh đó, Đoàn cơ sở TTXVN khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng tổ chức các hoạt động thiện nguyện, trao tặng quà cho các hộ dân khó khăn quanh khu vực di tích.

Trong sâu thẳm tâm thức của thế hệ trẻ hôm nay luôn khắc ghi sự hy sinh lớn lao của bao lớp người trước. Những giá trị về một thời oanh liệt của các phóng viên – nhà báo chiến trường sẽ trở thành biểu tượng vững bền, là tấm gương về lòng yêu nước, ý chí vươn lên cho các thế hệ TTXVN sau này./.

7.jpg
Các đoàn viên, phóng viên TTXVN luông ghi nhớ công ơn của các thế hệ đi trước

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là cơ quan có bề dày lịch sử truyền thống, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước lớp lớp cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã có mặt ở khắp chiến trường, thu thập tin, ảnh, phản ánh tình hình chiến sự gửi về Trung ương để cung cấp cho các báo, đài. Gần 260 cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật của TTXVN đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của tổ quốc.

Sau nhiều lần di chuyển để phù hợp với tình hình trong chiến tranh, đến nay TTXVN có 5 địa điểm còn lưu lại vết tích địa điểm làm việc của TTXVN trong chiến tranh. Các địa điểm đó là: Khu di tích Việt Nam Thông tấn xã trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (mật danh T6) tại Đồi Khau Linh, thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; Nơi sơ tán của cơ quan TTXVN trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tại xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội; Bia kỷ niệm Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ tại căn cứ Khu uỷ 5 Phước Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam; Nhà bia tưởng niệm Thông tấn xã Giải phóng tại Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai; Khu di tích Bia tưởng niệm Thông tấn xã Giải phóng thuộc rừng quốc gia Lò Gò - Xa Mát, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Đây là những “địa chỉ đỏ” có ý nghĩa trong công tác giáo dục truyền thống và là địa điểm tham quan hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bia tưởng niệm Thông tấn xã giải phóng tại căn cứ Khu ủy Khu V