Mega Story

Khu di tích Việt Nam Thông tấn xã trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1952-1954) - T6

28/08/2023 09:59

Khu di tích VNTTX trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (mật danh T6) đặt tại Đồi Khau Linh, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đây là một trong 18 di tích thuộc Khu di tích lịch sử Tân Trào - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012 công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

ttxvn-t6-1-.png

Khu di tích Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (mật danh T6) đặt tại Đồi Khau Linh, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Đây là một trong 18 di tích thuộc Khu di tích lịch sử Tân Trào - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012 công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

tieu-de-phu-1.1.gif

Khi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp bùng nổ, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ cùng nhiều cơ quan trung ương chuyển lên đóng quân ở căn cứ địa Việt Bắc (gồm có Định Hóa, Thái Nguyên và Sơn Dương, Tuyên Quang). Cuối năm 1948, VNTTX sơ tán lên huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang và đến cuối tháng 2/1952, chuyển về thôn Hoàng Lâu (xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) với mật danh T6.

ttxvn-saban.jpg
Sa bàn nơi đứng chân của VNTTX trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp từ năm 1952-1954.

Xã Trung Yên giáp với xã Tân Trào, có địa thế rừng núi rất hiểm trở, đảm bảo yếu tố an toàn bí mật nhưng vẫn thuận tiện cho giao thông. Đây được coi là địa điểm nằm ở vị trí trung tâm vùng chiến khu ATK, rất thuận lợi cho công tác thông tin. Nhân dân các dân tộc trong vùng có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường.

Theo các tư liệu truyền thống của TTXVN và tư liệu của Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, các đồng chí lãnh đạo VNTTX đã chọn đồi Khau Linh, thôn Hoàng Lâu làm địa điểm đóng quân. Dưới chân đồi có một con suối nhỏ, bờ suối có một cây to.

2_356x206.jpg
Giám đốc Hoàng Tuấn (áo trắng, đứng giữa) với cán bộ, phóng viên VNTTX trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Toàn cơ quan có khoảng 50 người, do đồng chí Hoàng Tuấn làm Giám đốc. Khu làm việc của VNTTX có 9 ngôi nhà: 1 ngôi nhà là nơi làm việc của Giám đốc (nằm ở lưng đồi), 1 nhà làm nơi hội họp, 1 nhà ăn (ở gần suối) và 6 nhà cho các bộ phận làm việc. Nhà quay về hướng Tây Nam, làm bằng gỗ rừng, tre, nứa và lợp mái bằng lá cọ, mỗi nhà dài khoảng 9-10 mét, rộng 6-7 mét, khoảng cách giữa các nhà từ 10-15 mét.

6-356x206.jpg
Cán bộ, phóng viên VNTTX làm việc tại chiến khu Việt Bắc.

Nhiệm vụ chính của VNTTX là khai thác, thẩm định, thu thập thông tin, sưu tầm tư liệu phục vụ Bác, Trung ương Đảng, Chính phủ để hoạch định quyết sách cách mạng. Các phóng viên VNTTX đưa tin, viết bài cổ động phong trào quần chúng nhân dân ủng hộ cách mạng, hăng hái đi kháng chiến, bảo vệ và giải phóng đất nước.

Đời sống của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên trong cơ quan thời kỳ đó vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Hằng ngày, anh chị em phải tranh thủ vào rừng đào măng, hái rau. Bữa sáng chủ yếu ăn ngô bung, cháo loãng hoặc sắn luộc. Về sau này mới vỡ đất ven suối trồng rau xanh và nuôi thêm lợn, gà để cải thiện đời sống.

can-bo-phong-vien-vnttx-o-chien-khu-viet-bac-nam-1953.jpg
Cán bộ, phóng viên VNTTX và gia đình tại chiến khu Việt Bắc, năm 1953.

Ngày 4/3/1952, cơ quan Thông tấn vinh dự đón Bác Hồ đến thăm và nói chuyện thân mật với lớp tập huấn (học tập chính trị, nghiệp vụ) của VNTTX. Bác đi thăm khắp cơ quan, thấy chuồng lợn trống không (vì đã thịt để ăn tết), Bác bảo: “Ăn lứa này phải nuôi ngay lứa khác”. Nhìn vườn bắp cải lưa thưa, Bác phê bình: “Các cô chú tăng gia còn kém”. Đêm ấy Bác đã ngủ lại ở Hoàng Lâu và sáng hôm sau chia tay mọi người lên đường.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đến ngày 20/7/1954, các bộ phận của T6 lần lượt rút khỏi Hoàng Lâu, chuyển sang đóng quân ở Đại Từ, Thái Nguyên. Một bộ phận chuyển về Ngọc Tảo, Hà Tây (nay là Hà Nội).

Tháng 10/1954, VNTTX chuyển về số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

tieu-de-phu-1.2.gif

Tấm bia kỷ niệm đầu tiên của TTXVN được xây dựng ngày 13/4/1996 và hoàn thành đúng vào dịp 51 năm Ngày truyền thống TTXVN (15/9/1945 -15/9/1996). Bia có chiều rộng 2m, cao 2,2m, mái che rộng 0,7m, chữ khắc màu vàng trên nền đá xẻ đen bóng.

Công trình nằm trong quần thể di tích của Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, địa điểm xây bia cách trụ sở UBND xã Trung Yên khoảng 2 km về phía Nam.

infographic(1).png

Năm 2010, nhân dịp TTXVN kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập (15/9/1945 - 15/9/2010), TTXVN đã cho xây dựng lại Nhà bia kỷ niệm ở thôn Hoàng Lâu với quy mô khang trang hơn. Toàn bộ kinh phí xây dựng do cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên và các đơn vị, doanh nghiệp của TTXVN đóng góp. Công trình có tổng diện tích 900m2, trong đó có 57m2 diện tích xây dựng, gồm 2 phần mái che và tường vây xung quanh.

Năm 2015, nhân dịp 70 năm Ngày truyền thống TTXVN (15/9/1945 -15/9/2015), TTXVN đã tu bổ sửa sang di tích. Đồng thời, khánh thành và bàn giao cho địa phương con đường bê tông dẫn vào Khu di tích có chiều dài 600m, với tổng trị giá 400 triệu đồng do Công đoàn Trung tâm Truyền hình Thông tấn chủ trì xây dựng.

tieu-de-phu-1.3.gif

Khu di tích VNTTX tại Thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã trở thành “địa chỉ đỏ” để những thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Thông tấn ôn lại những trang sử hào hùng của cơ quan Thông tấn Quốc gia trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp chính tại nơi cán bộ, phóng viên TTXVN vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm và được nghe những lời căn dặn của Người.

z4221133993778_77668d1fe5f28088117ff322a9028dae.jpg
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Tuấn Hùng cùng các cựu chiến binh tại Khu di tích VNTTX thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tháng 3/2023.
lam_0102.jpg
Con đường dẫn vào Khu di tích được xây dựng, tháng 9/2015.
0l1a1462.jpg
Đoàn viên thanh niên TTXVN tại Khu di tích VNTTX thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tháng 8/2022.
dat_9575-1.jpg
Tập thể lớp phóng viên, biên tập viên K20- TTXVN tại Khu di tích VNTTX thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tháng 11/2014.
hon_50_cuu_chien_binh_tieu_bieu_cua_ttxvn_ve_nguon_tai_tuyen_quang_6486734.jpg
Đoàn Cựu chiến binh Thông tấn xã Việt Nam tại khu nhà Bia Tưởng niệm Thông tấn xã Việt Nam Thời kỳ Kháng chiến tại xã Minh Thanh, Sơn Dương, Tuyên Quang.
vna_potal_tuyen_quang_chuong_trinh_tinh_nguyen_thang_32023_cua_doan_thanh_nien_ttxvn_tai_xa_trung_yen_huyen_son_duong_6653138.jpg
dji_0014.jpg

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là cơ quan có bề dày lịch sử truyền thống, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước lớp lớp cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã có mặt ở khắp chiến trường, thu thập tin, ảnh, phản ánh tình hình chiến sự gửi về Trung ương để cung cấp cho các báo, đài. Gần 260 cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật của TTXVN đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của tổ quốc.

Sau nhiều lần di chuyển để phù hợp với tình hình trong chiến tranh, đến nay TTXVN có 5 địa điểm còn lưu lại vết tích địa điểm làm việc của TTXVN trong chiến tranh. Các địa điểm đó là: Khu di tích Việt Nam Thông tấn xã trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (mật danh T6) tại Đồi Khau Linh, thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; Nơi sơ tán của cơ quan TTXVN trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tại xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội; Bia kỷ niệm Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ tại căn cứ Khu uỷ 5 Phước Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam; Nhà bia tưởng niệm Thông tấn xã Giải phóng tại Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai; Khu di tích Bia tưởng niệm Thông tấn xã Giải phóng thuộc rừng quốc gia Lò Gò - Xa Mát, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Đây là những “địa chỉ đỏ” có ý nghĩa trong công tác giáo dục truyền thống và là địa điểm tham quan hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khu di tích Việt Nam Thông tấn xã trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1952-1954) - T6