Nơi sơ tán của Việt Nam Thông tấn xã trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
•11/09/2023 08:40
Ngày 1/7/1967, T6 - nơi sơ tán của Việt Nam Thông tấn xã (nay là TTXVN) trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ chính thức thực hiện thu tin và ảnh, đánh dấu sự ra đời của cơ sở kỹ thuật mới, sẵn sàng thay thế Tổng xã khi gặp sự cố trong chiến tranh.
Ngày 1/7/1967, T6 - nơi sơ tán của Việt Nam Thông tấn xã (nay là TTXVN) trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ chính thức thực hiện thu tin và ảnh, đánh dấu sự ra đời của cơ sở kỹ thuật mới, sẵn sàng thay thế Tổng xã khi gặp sự cố trong chiến tranh.
Năm 1965, sau thất bại của chiến tranh đặc biệt tại Việt Nam, Mỹ chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ với mục tiêu đè bẹp quân giải phóng miền Nam, đồng thời dùng không quân đánh phá miền Bắc. Nhận được chỉ đạo của Trung ương, Ban lãnh đạo Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) cử một số cán bộ về huyện Quốc Oai làm công tác tiền trạm, đặt nền móng xây dựng đài thu phát T6. Đài phát T6A (nay thuộc quyền quản lý của địa phương) đặt ở hang động Hoàng Xá dưới chân núi Tượng Linh thuộc xã Hoàng Ngô (nay là thị trấn Quốc Oai). Đài thu T6B cách đó gần 2 km, được xây dựng năm 1966 dưới chân núi Sơn Tượng cao gần 60m.
Mở lớp phóng viên GP10 tại T6 để kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam, năm 1972
Với vị trí nằm ngay dưới chân núi Sơn Tượng xã Phượng Cách, một trong “thập lục kỳ sơn” thuộc huyện Quốc Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội). Tổng diện tích khu T6B khoảng 20.000 m2 bao gồm phần núi: có diện tích 10.000m2 gồm 5 hang động, trước đây dùng để làm nơi để đặt Đài thu tin, ảnh quốc tế; in, phóng ảnh tư liệu dự trữ quốc gia; dự trữ vật tư, thiết bị; đặt máy phát điện; để xăng dự trữ. Mặt bằng, có diện tích 10.000m2 gồm ao, vườn và diện tích đất mới khai phá.
Biển hiệu của Trạm thu phát T6 - TTXVN tại xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội, năm 1967
Theo ông Phạm Lộc, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn, một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng T6B: nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là lựa chọn địa điểm sao cho không gần, không xa Hà Nội, thuận tiện cho việc truyền thông tin nhanh nhất. Nhiệm vụ thứ hai là bắt tay vào xây dựng cơ sở kỹ thuật, trang thiết bị xứng tầm với vị thế của một cơ sở dự phòng chiến lược của VNTTX trong chiến tranh. Nhiệm vụ thứ ba là tuyển chọn cán bộ, kỹ thuật viên, điện báo viên được đào tạo chính quy, có tay nghề, vừa tốt nghiệp đại học, trung cấp từ mọi miền Tổ quốc về phục vụ cho hoạt động của T6.
Theo chỉ đạo của Tổng giám đốc Đào Tùng, mọi nguồn lực được ưu tiên tăng cường cho công tác kỹ thuật. Tại T6, bên cạnh đài phát, đài thu, còn xây dựng hệ thống máy phát điện; trang bị hơn hai chục bộ máy thu phát KMPU hiện đại; máy thu phát ảnh được cải tiến, từ chỗ chỉ được 5 - 6 bức ảnh tăng lên 50 - 60 bức mỗi ngày. T6 trở thành nơi được VNTTX trang bị đầy đủ nhất, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi Tổng xã gặp sự cố.
Làm hầm hào ở nơi sơ tán Quốc Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội), năm 1972
Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các ban biên tập và nhiều bộ phận khác lần lượt chuyển về T6. Cơ quan VNTTX được chính quyền và nhân dân địa phương giúp đỡ tận tình, nhường cơm sẻ áo, cùng tham gia góp công góp sức xây dựng cơ sở. Nhiều đồng chí lãnh đạo VNTTX như: Tổng giám đốc Đào Tùng; các Phó tổng giám đốc: Hoàng Tư Trai, Trần Thanh Xuân, Ngô Điền, Đỗ Phượng... đã lần lượt về đây trực tiếp chỉ đạo công việc.
Phòng Phôni, Ban biên tập tin Thế giới thời kỳ 1955 - 1975
“
Tại T6, bên cạnh đài phát, đài thu, còn xây dựng hệ thống máy phát điện; trang bị hơn hai chục bộ máy thu phát KMPU hiện đại; máy thu phát ảnh được cải tiến, từ chỗ chỉ được 5 - 6 bức ảnh tăng lên 50 - 60 bức mỗi ngày. T6 trở thành nơi được VNTTX trang bị đầy đủ nhất, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi Tổng xã gặp sự cố.
Cuộc chiến đấu 12 ngày đêm trận “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân Hà Nội tháng 12/1972 đã đi vào lịch sử. Đế quốc Mỹ buộc phải dừng ném bom trên toàn miền Bắc để ngồi vào bàn đàm phán. Cùng Trung ương, các đơn vị của VNTTX lần lượt trở về trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt. T6 chỉ còn bộ phận kỹ thuật làm nhiệm vụ thu phát tin ảnh.
Có được kết quả này, không thể không kể đến những nỗ lực vượt bậc của hơn 90 cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên, điện báo viên của bộ phận kỹ thuật đã tham gia từ những ngày đầu xây dựng T6 cho đến khi chuyển giao cho Văn phòng TTXVN quản lý. Hàng chục kỹ thuật viên sau khi được đào tạo chuyên sâu tại T6 đã tỏa đi chi viện cho các chiến trường.
Năm 1989, sau hơn 20 năm hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, T6 được Nhà nước cho phép giữ nguyên trạng để làm nơi dự phòng chiến lược và di tích lịch sử. Từ đó đến nay, T6 tiếp tục trở thành một trong những điểm di tích quan trọng của TTXVN, không chỉ các đơn vị ở Tổng xã mà cả B1, B2 cũng thường chọn T6 là nơi tổ chức lễ kết nạp Đảng, giao lưu, gặp gỡ các thế hệ từ khắp mọi miền Tổ quốc và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Buổi gặp mặt của cán bộ, công nhân viên kỹ thuật Thông tấn từng công tác tại đài thu phát T6, tháng 4/2018Tập thể báo điện tử VietnamPlus trong hành trình về nguồn tới thăm di tích T6 - TTXVNVăn phòng TTXVN, Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn và đoàn viên thanh niên hai đơn vị khánh thành công trình thanh niên "Sáng bước ta đi" tại nơi sơ tán của Việt Nam thông tấn xã (VNTTX) trong thời kỳ kháng chiến chống MỹBan Kế hoạch-Tài chính thăm T6, tháng 3/2023Đoàn thanh niên TTXVN sôi nổi hoạt động tại khu di tích T6, tháng 3/2016
Cuối năm 2022, nhằm mục đích phục vụ cho các thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, công nhân viên trong và ngoài ngành đến tham quan, học tập Chi đoàn Văn phòng TTXVN phối hợp với Chi đoàn Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn đã lắp hệ thống chiếu sáng và lát đá tại hang dự trữ, khánh thành trong tháng 5/2023./.
Đoàn viên thanh niên Văn phòng TTXVN và Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn lắp đặt hệ thống chiếu sáng và lát đá đường đi trong hang Gió tại khu di tích T6 của TTXVN, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là cơ quan có bề dày lịch sử truyền thống, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước lớp lớp cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã có mặt ở khắp chiến trường, thu thập tin, ảnh, phản ánh tình hình chiến sự gửi về Trung ương để cung cấp cho các báo, đài. Gần 260 cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật của TTXVN đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của tổ quốc.
Sau nhiều lần di chuyển để phù hợp với tình hình trong chiến tranh, đến nay TTXVN có 5 địa điểm còn lưu lại vết tích địa điểm làm việc của TTXVN trong chiến tranh. Các địa điểm đó là: Khu di tích Việt Nam Thông tấn xã trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (mật danh T6) tại Đồi Khau Linh, thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; Nơi sơ tán của cơ quan TTXVN trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tại xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội; Bia kỷ niệm Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ tại căn cứ Khu uỷ 5 Phước Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam; Nhà bia tưởng niệm Thông tấn xã Giải phóng tại Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai; Khu di tích Bia tưởng niệm Thông tấn xã Giải phóng thuộc rừng quốc gia Lò Gò - Xa Mát, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Đây là những “địa chỉ đỏ” có ý nghĩa trong công tác giáo dục truyền thống và là địa điểm tham quan hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.