Mega Story

Đại sứ Palestine: Mãi mãi một tình yêu với Hà Nội

04/10/2024 11:09

Đại sứ Palestine: Mãi mãi một tình yêu với Hà Nội

cover-ngang.jpg

Một ngày tháng Mười năm 1980, chàng thanh niên Saadi Salama khi ấy mới 19 tuổi đã rời quê hương Palestine đến Việt Nam học tập để rồi gắn bó và chứng kiến sự đổi thay của Hà Nội từ đó đến nay.

Với Đại sứ Saadi Salama, đó là lớp vỏ náo nhiệt của một thành phố đang phát triển vẫn luôn mang trong nó những dòng xúc cảm trầm lặng đặc biệt của mỗi con người Hà Nội. Để rồi, mỗi khi có dịp, những dòng xúc cảm ấy lại dâng cao như một con sóng và khiến Hà Nội chuyển mình.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng Đoàn ngoại giao tại Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về tình yêu dành cho Hà Nội.

title-1.png

- Nhân duyên của ông và Hà Nội đã bắt đầu như thế nào, thưa Đại sứ?

Đại sứ Saadi Salama: Khi còn là cậu học sinh 10 tuổi ở Palestine, tôi đã rất quan tâm đến phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới nên hay chú ý tìm hiểu về Việt Nam qua truyền hình, sách, báo. Tôi nhớ rất rõ cảm xúc phẫn nộ khi được biết về chiến dịch Linebacker II, không quân Mỹ ồ ạt tấn công phía Bắc (Việt Nam). Đến khi Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước vào năm 1975, không chỉ cá nhân tôi, mà nhân dân Palestine đều vui mừng.

salama9.jpg
Chàng thanh niên Palestine Saadi Salama ở tuổi 19. (Ảnh: NVCC)

Chúng tôi coi những thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi của chính mình, bởi vì thắng lợi đó biểu trưng cho một nền độc lập, tự do và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người dân Palestine. Việt Nam đã ở trong trái tim tôi từ những ngày đó.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi may mắn nhận được học bổng của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tôi đã lập tức chọn Việt Nam và theo học về lịch sử, văn hóa Việt Nam tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi khao khát được hiểu về tư duy, tính cách, ý chí và nhân phẩm của một dân tộc đã tiến hành những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại trong lịch sử, luôn hướng tới một nền độc lập và hòa bình.

Dần dần, tôi trở thành một người có tâm hồn Việt Nam và Việt Nam đã đi vào sâu bên trong trái tim tôi, tâm trí tôi, lý trí của tôi, trở thành quê hương thứ hai của tôi, không khác gì đất nước Palestine.

- Đã hơn 40 năm trôi qua kể từ khi ông đặt chân đến Hà Nội năm 1980. Ông cảm nhận thế nào về sự đổi thay của mảnh đất này?

Đại sứ Saadi Salama: Lần đầu đến Việt Nam năm 1980, tôi thấy Thủ đô Hà Nội rất xinh đẹp, hiền hòa, nhưng cũng cảm nhận được rằng cuộc sống của người dân còn nhiều vất vả. Phương tiện chủ yếu của họ là xe đạp, nhà cao nhất không quá 5 tầng. Chuyến xe từ sân bay Nội Bài đã phải đi vòng vèo mất ba tiếng đồng hồ để theo Quốc lộ 3 qua cầu Đuống, cầu Long Biên để về trung tâm thành phố. Còn bây giờ, với cây cầu Nhật Tân vắt qua sông Hồng và đại lộ Võ Chí Công, chỉ mất hơn nửa tiếng để vào trung tâm.

salama6.jpg
Chàng sinh viên người Palestine (giữa) tham gia lao động cùng các bạn. (Ảnh: NVCC)

Những năm 2000, tôi đã thấy dòng người nườm nượp di chuyển nhanh trên đường phố. Họ đa phần ngồi trên những chiếc xe máy Nhật Bản hiện đại - một minh chứng cho sự phát triển của nền kinh tế trong khi dòng xe máy Đông Âu với những Simson, Babeta, Minsk... đã lùi dần vào quá khứ. Thủ đô của Việt Nam đã có thêm một số tòa cao ốc.

Sau đó, tôi rời Việt Nam theo yêu cầu công tác và trở lại vào năm 2007, lần đầu tôi được “nếm mùi” tắc đường - thứ “đặc sản” tất yếu ở những thành phố đang phát triển. Trước mắt tôi là một Hà Nội đẹp hiện đại, với những tòa nhà và những trục đường lớn đang mọc lên khắp thành phố. Không gian buổi đêm của Hà Nội tràn ngập ánh sáng với muôn sắc màu từ các cao ốc, biển quảng cáo, đèn đường.

Tôi hiểu Hà Nội đã rất khác so với thời bao cấp. Đó là một thành phố hiện đại, đang vươn mình để trở thành một điểm đến quan trọng trên bản đồ khu vực và thế giới.

Từ khi bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, Hà Nội luôn luôn xứng đáng là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Hà Nội hiện là một thành phố năng động, có tốc độ phát triển cao và quy mô lớn hơn trước rất nhiều về cả diện tích và dân số. Hà Nội của thế kỷ 21 là một Hà Nội đa sắc màu, muôn hình muôn vẻ. Đây là Thủ đô và cũng là trung tâm kinh tế phía Bắc của một Việt Nam đang liên tục đạt được những thành công trên lộ trình phát triển kinh tế và khẳng định vị thế quốc gia.

Tôi tin mọi người dân Hà Nội và Việt Nam, trong đó có tôi vô cùng tự hào với những gì Hà Nội đã và đang làm được.

- Diện mạo Hà Nội rõ ràng là đã thay đổi rất nhiều, vậy còn hồn cốt của thành phố thì sao, thưa Đại sứ?

quote-1-.png

Đại sứ Saadi Salama: Trên mảnh đất này, người ta gìn giữ nếp sống, duy trì những tập quán bản địa trong suốt chiều dài lịch sử với tất cả những đặc tính riêng về con người, trang phục, kiến trúc hay lối sống.

Tất cả những điều ấy là văn hóa của Việt Nam, được kết tinh tại Hà Nội. Ở đây, nếp sống, phong thái và cách ứng xử của mỗi người luôn gắn chặt với sự lịch thiệp và nhã vốn đã được hình thành và duy trì từ những tập quán lâu đời của Tràng An.

Hơn 40 năm đã qua, tôi vẫn luôn nhớ về một Hà Nội trong trẻo và thanh bình của những ngày đầu. Dù cuộc sống hiện đại có tạo ra đôi chút xô bồ ở thành phố này, tình yêu Hà Nội của tôi cũng không vì thế mà thay đổi.

Bước chân của một nhà ngoại giao sau này đưa tôi tới rất nhiều thành phố trên thế giới, nhưng tôi vẫn không thấy một nơi nào giống Hà Nội cả về kiến trúc và thiên nhiên. Hà Nội rất khác, và với tôi là đẹp hơn nhiều so với những thành phố lớn của Đông Nam Á. Ở Hà Nội, ẩn sau sắc thái của một thành phố ngàn năm tuổi là một lớp trầm tích văn hóa độc đáo, phong phú và rất khó để tìm hiểu hết chỉ trong một vài ngày.

title-2.png

- Trong suốt những năm qua, ông đã chứng kiến rất nhiều sự kiện trọng đại diễn ra tại Hà Nội. Điều gì gây ấn tượng sâu đậm nhất đối với ông?

salama8.jpg
Ông Saadi Salama cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: NVCC)

Đại sứ Saadi Salama: Tôi đã được chứng kiến đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội vào năm 2010 và thấy rất ấn tượng trước tinh thần tự hào dân tộc của người Việt Nam.

Trên thế giới không có nhiều thủ đô 1.000 năm tuổi. Riêng ở vùng Đông Nam Á, chỉ duy nhất Hà Nội là thành phố chạm tới cột mốc này. Bản thân con số ấy đã cho thấy bề dày văn hóa, lịch sử của Việt Nam với Thăng Long-Hà Nội là lăng kính hội tụ. Ở đó, người ta không chỉ tìm thấy những câu chuyện về truyền thống, phong tục, nếp sống... của người dân trong suốt một thiên niên kỷ, hơn thế, Thủ đô của Việt Nam cũng là nơi gánh những sứ mệnh lớn lao mà lịch sử luôn trao cho một kinh đô.

Trong hơn 10 thế kỷ đó, rất nhiều lần, vùng đất này trở thành chiến trường của những cuộc chiến tranh vệ quốc. Cũng rất nhiều lần, những người dân Thăng Long-Hà Nội phải tự tay phóng hỏa đốt ngôi nhà của mình, rồi vừa ngày ngày sống trong lòng giặc, vừa lặng lẽ thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Một lần khác, tôi đã được cảm nhận rõ lòng yêu nước của người Việt khi bóng đá Việt Nam tạo một kỳ tích đặc biệt tại Giải vô địch U23 châu Á. Hàng chục năm trước đó, bóng đá Việt Nam có thành tích khá khiêm tốn, thế nhưng, ở Giải U23 châu Á này, đội tuyển Việt Nam chơi xuất thần, thắng hàng loạt đối thủ mạnh như Australia, Iraq, Qatar và giành Huy chương Bạc.

Những đêm đó, mọi con đường của Hà Nội tràn ngập một màu đỏ. Từ già tới trẻ, từ những người bình thường tới các lãnh đạo cấp cao đều xuống đường với băng rôn, áo đỏ và lá cờ Tổ quốc trên tay. Một cách tự nhiên, biển người ấy phất cờ, hát Quốc ca và reo vang hai chữ “Việt Nam.” Khu vực Hoàn Kiếm nơi tôi ở rộn rã suốt đêm vì sự cuồng nhiệt ấy.

Chưa hết, ngày đội tuyển U23 trở về, suốt quãng đường 30 cây số từ sân bay Nội Bài vào trung tâm thành phố, hàng chục ngàn người nối nhau đứng kín hai bên đường chào đón các cầu thủ. Phải mất 5 tiếng đồng hồ, chiếc xe chở các cầu thủ Việt Nam mới có thể đi hết quãng đường. Tôi cũng ra đường và chụp nhiều tấm ảnh kỷ niệm gửi cho các bạn Palestine để họ hiểu tinh thần yêu nước của người Việt Nam như thế nào.

salama1.jpg
Đại sứ Saadi Salama cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại buổi lễ kỷ niệm 79 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9) diễn ra tại Hà Nội. Ông thay mặt Đoàn Ngoại giao phát biểu gửi lời chúc mừng tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

- Vậy theo ông, điều gì đã tạo nên “hồn cốt” của một Hà Nội-Thủ đô ngàn năm văn hiến?

Đại sứ Saadi Salama: Thành tựu của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có được là do Đảng, Chính phủ đã có những chính sách phù hợp với điều kiện đất nước. Thứ hai, người dân Việt Nam rất chịu khó và luôn sẵn sàng nắm vững cơ hội để đưa cuộc sống của cá nhân mình cũng như đất nước mình vươn lên.

Đặc biệt, người dân Việt Nam có lòng yêu nước, có niềm tự hào to lớn về lịch sử của đất nước mình và tinh thần đoàn kết mạnh mẽ, sẵn sàng phụng sự Tổ quốc.

Một điều tôi thấy qua các kỳ Đại hội Đảng là với chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam có một nền độc lập thực sự.

Việt Nam mở rộng quan hệ với các nước trên một nguyên tắc rất rõ ràng là sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết các bất đồng, nguyên tắc là phải hợp tác cùng có lợi và phát triển để tồn tại. Chính vì vậy, Việt Nam ngày càng được sự tôn trọng của các quốc gia và ngày càng có vị trí trên bản đồ chính trị của thế giới.

Lòng tự hào, tinh thần dân tộc và tình yêu nồng nàn với Tổ quốc là động lực để Việt Nam có thể tồn tại trước mọi biến thiên trong lịch sử. Đó cũng là lý do để tôi, một người Palestine, thấy mình luôn gần gũi với đất nước này.

- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

box.png
credit.png

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại sứ Palestine: Mãi mãi một tình yêu với Hà Nội