Mega Story

Ghép tạng: Thêm cơ hội để hồi sinh sự sống

11/04/2024 14:54

Các bác sĩ Việt Nam có trình độ ghép tạng không thua kém các bác sỹ ở nước ngoài, thậm chí có những trường hợp rất khó, không phải bệnh viện nào nước ngoài cũng có thể làm được như vậy.

ghep-tang-anh-bia.jpg

Thời gian qua, nhiều ca ghép tạng thành công - trong đó có các ca được đánh giá là lịch sử, đã đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về ghép tạng của khu vực Đông Nam Á, châu Á.

Là một trong những bệnh viện tuyến trung ương đầu ngành của cả nước, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã đi đầu trong việc thực hiện ghép tạng, với nhiều ca ghép đa tạng (ghép đồng thời tim, thận) thành công đầu tiên ở Việt Nam. Đặc biệt, các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã chuyển giao nhiều kỹ thuật ghép thận cho các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh.

Tiến sĩ Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khẳng định thành tựu y khoa này sẽ mở ra nhiều cơ hội sống cho người dân, nhất là những người mắc các căn bệnh hiểm nghèo mà y khoa chưa có thuốc điều trị hữu hiệu.

Làm chủ kỹ thuật ghép đa tạng

-Thưa ông, kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam đã vươn tầm với nhiều nước trên thế giới, đối với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ông có những đánh giá như thế nào về công tác ghép tạng trong thời gian qua?

Tiến sĩ Dương Đức Hùng: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là Bệnh viện có bề dày lịch sử nói chung cũng như về ghép tạng, đặc biệt là ghép thận. Ca ghép thận đầu tiên được các bác sĩ của Bệnh viện triển khai năm 2002, sau đó triển khai ghép gan, ghép tim, ghép phổi…

Sau hơn 20 năm phát triển, đến nay số lượng ca ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đứng đầu trong cả nước. Các bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện hơn 1.900 trường hợp ghép thận, 120 trường hợp ghép gan, khoảng 70 trường hợp ghép tim-phổi.

Sau hơn 20 năm phát triển, đến nay số lượng ca ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đứng đầu trong cả nước. Các bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện hơn 1.900 trường hợp ghép thận, 120 trường hợp ghép gan, khoảng 70 trường hợp ghép tim-phổi.

Tại Bệnh viện, mỗi năm các bác sĩ thực hiện trung bình khoảng 250 ca ghép thận, nhiều nhất trong cả nước. Song song với đó, từ khoảng 15 năm nay, Bệnh viện đang triển khai chương trình ghép đa tạng từ người cho chết não và cũng là cơ sở y tế đứng đầu trong cả nước về số lượng tạng ghép từ người cho chết não. Đến nay, đã có 200 trường hợp ghép tạng từ người cho chết não và số lượng đang tăng dần trong những năm gần đây.

Ghép tạng không phải thuộc vào nhóm mặt kỹ thuật quá khó trong tất cả những kỹ thuật ngoại khoa đang triển khai. Tuy nhiên, ghép tạng đòi hỏi công tác tổ chức đặc biệt cẩn thận. Tôi có thể khẳng định các bác sĩ của bệnh viện đã làm chủ rất tốt kỹ thuật ghép tạng. Thông qua trao đổi thông tin hợp tác quốc tế, chúng tôi tin rằng các bác sĩ Việt Nam, đặc biệt là các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, có trình độ ghép tạng không thua kém các bác sỹ ở nước ngoài, thậm chí có những trường hợp rất khó, không phải bệnh viện nào nước ngoài cũng có thể làm được như vậy.

Đơn cử như trong tháng Ba vừa qua, các bác sĩ của bệnh viện đã tiến hành một trường hợp ghép tim từ người cho chết não. Đây là bệnh nhân đã được mổ tim ở một bệnh viện khác, sau đó bệnh nặng lên, các bác sĩ đã dùng tất cả các biện pháp hỗ trợ khác nhưng không hiệu quả. Khi chúng tôi tiếp nhận, bệnh nhân đang trong tình trạng suy tim giai đoạn cuối, điều trị bằng thuốc rất khó khăn. Rất may, tại thời điểm đó có bệnh nhân chết não hiến tạng. Bệnh nhân trong danh sách ưu tiên ghép tim và quá trình ghép đã được diễn ra ngay sau đó.

bvvietduc-5-of-11-.jpg
(Ảnh: Hiếu Hoàng/Vietnam+)

Các bác sĩ Việt Nam, đặc biệt là các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, có trình độ ghép tạng không thua kém các bác sỹ ở nước ngoài, thậm chí có những trường hợp rất khó, không phải bệnh viện nào nước ngoài cũng có thể làm được như vậy.

Tiến sĩ Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Đến nay, bệnh nhân đã gần như hồi phục hoàn toàn, đi lại, ăn uống sinh hoạt tốt về mặt thể chất cũng như về tinh thần. Trong thời gian tới, bệnh nhân có thể ra viện trở lại với cuộc sống, sinh hoạt, lao động bình thường.

- Theo ông, trong quá trình ghép tạng thì đâu là vấn đề mấu chốt để duy trì việc kéo dài sự sống cho người bệnh?

Tiến sĩ Dương Đức Hùng: Một trong những điều quan trọng quyết định kết quả lâu dài của ghép tạng đó là quản lý bệnh nhân sau ghép tạng, điều trị thuốc chống thải ghép, điều chỉnh thuốc thải ghép.

Tại Bệnh viện Việt Đức đối với ghép thận, chúng tôi quản lý hàng nghìn bệnh nhân sau khi ghép sẽ khám định kỳ phát thuốc, điều chỉnh thuốc, tư vấn các vấn đề liên quan tới sức khỏe. Từ các nhu cầu đó, câu lạc bộ của những người được ghép tạng được thành lập và đang phát huy hiệu quả. Câu lạc bộ sinh hoạt hàng tháng, hàng quý hay mở diễn đàn ở trên các trang mạng xã hội để cho chính những người bệnh sau khi đã được ghép tạng chia sẻ kinh nghiệm với nhau…

Video về ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức:

Bên cạnh đó, thực tế của việc ghép tạng cho thấy có hai yếu tố quan trọng đó là về mặt kỹ thuật và về công tác vận động người hiến. Chúng tôi đang triển khai những giải pháp đồng bộ và quyết liệt để làm sao có nhiều gia đình nhận thức được việc hiến tạng hơn nữa.

Những năm qua, bệnh viện đã đẩy mạnh việc vận động và thành lập Chi hội vận động hiến mô tạng. Có thể nói, việc thành lập Chi hội là một bước nhảy, một mốc đưa việc vận động hiến tạng lên một tầm cao mới cũng như tạo điều kiện thuận lợi để bệnh viện có thể phối hợp tốt hơn với các đơn vị khác, các bệnh viện khác trong ngành y tế, tiến tới càng ngày càng có nhiều người hiến tạng.

Những nguồn tạng hiến tiếp nhận từ người cho chết não là "món quà quý" đối với nhiều bệnh nhân. Như trường hợp ngày 3-4/1/2024, tập thể thầy thuốc Bệnh viện đã thực hiện thành công 2 ca lấy đa mô, tạng từ người cho chết não trong vòng 24 giờ.

Khoảng 100 y bác sĩ tiến hành hai cuộc đại phẫu liên tiếp trong vòng 24 giờ, để tiếp nhận 27 tạng và mô hiến. Có 6 bàn mổ cũng hoạt động liên tục để ghép tạng cho các bệnh nhân.

Khoảng 100 y bác sĩ tiến hành hai cuộc đại phẫu liên tiếp trong vòng 24 giờ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, từ tối 3/1 đến sáng 4/1, để tiếp nhận 27 tạng và mô hiến. Có 6 bàn mổ cùng hoạt động liên tục để ghép tạng cho các bệnh nhân, với quy trình bác sĩ vừa ghép xong ca một lập tức mang dụng cụ đi hấp và bắt tay ngay vào ca ghép tiếp theo.

Kết quả, 2 bệnh nhân được ghép tim, 2 bệnh nhân được ghép gan và 4 bệnh nhân được ghép thận. Ngoài ra, 2 giác mạc, một gan được chuyển sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và 2 giác mạc sang Bệnh viện Mắt trung ương để ghép cho người phù hợp. Những mô, tạng khác đang được lưu giữ trong ngân hàng để ghép cho những bệnh nhân khác. Các ca ghép tạng thành công, sức khỏe bệnh nhân ổn định sau ghép.

XẾP HÀNG DÀI CHỜ... NGUỒN HIẾN TẠNG

- Thưa bác sĩ, ghép tạng là một thành tựu của y khoa mà với nhiều người đó như là một phép màu để họ có được cơ hội hồi sinh sự sống. Tuy nhiên, so với như cầu thực tế thì số ca ghép tạng trong nước vẫn còn rất hạn chế. Vậy đâu là những khó khăn các bác sỹ cũng như người bệnh phải đối mặt, thưa ông?

Tiến sĩ Dương Đức Hùng: Đúng là hiện nay nhu cầu bệnh nhân chờ ghép tạng rất lớn khi các phương pháp điều trị khác không còn hiệu quả và ghép tạng là phương án cuối cùng để điều trị. Thực tế cũng cho thấy kết quả ghép tạng được triển khai tốt nên ngày càng có nhiều bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng và đăng ký được ghép tạng ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói riêng cũng như các bệnh viện trên cả nước nói chung. Tuy nhiên, nhu cầu của người đăng ký ghép tạng thì nhiều nhưng nguồn hiến tạng lại vô cùng ít ỏi, bởi vậy danh sách bệnh nhân chờ ghép ngày càng dài thêm...

Trách nhiệm của ngành y tế là làm sao đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông tới mọi người dân và các bệnh viện về việc hiến tạng sau chết não để có thể có nhiều nguồn tạng hơn cứu chữa cho người bệnh.

Đây cũng chính là trách nhiệm của ngành y tế nói chung cũng như Bệnh viện Việt Đức nói riêng, phải làm sao để có thể ghép tạng cho bệnh nhân được càng nhiều càng tốt.

Qua theo dõi tại bệnh viện, tôi thấy hiện nay có một hiện tượng rất bất cập khi số người chết não có thể hiến tạng được khá nhiều. Đó là những người bị tai nạn giao thông và tử vong do các bệnh lý - hầu như không thay đổi so với cách đây 5-10 năm, nhưng tỷ lệ người hiến tạng sau chết não quá ít trong số những người có khả năng hiến tạng.

Vấn đề ở đây là cách nhận thức của mọi người chưa đầy đủ về vấn đề này. Do vậy, trách nhiệm của ngành y tế là làm sao đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông tới mọi người dân và các bệnh viện về việc hiến tạng sau chết não để có thể có nhiều nguồn tạng hơn cứu chữa cho người bệnh.

Một vấn đề nữa là thời gian qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận nhiều bệnh nhân ghép tạng ở những nơi khác, thậm chí bệnh nhân đã ghép ở nước ngoài đến theo dõi, điều trị sau ghép. Tuy nhiên, có điều bất cập là chi phí điều trị cho bệnh nhân sau ghép tạng khá cao. Trong khi đó, hầu hết bệnh nhân đều sử dụng chi trả bảo hiểm y tế nên phát sinh bất cập là dự toán của bệnh viện tăng lên rất nhiều theo năm và sẽ còn tăng cao nữa.

Điều này cũng gây ra những khó khăn cho bệnh viện khi bị vượt dự toán do chi trả cho bệnh nhân quá cao, đặc biệt là những bệnh viện lớn và đang làm tốt vấn đề chuyên môn trong ghép tạng như Bệnh viện Việt Đức cũng như một số bệnh viện khác trên toàn quốc.

-Vậy theo ông cần phải có những giải pháp như thế nào để việc ghép tạng thực sự mang lại nhiều hơn cơ hội sống cho người bệnh trong thời gian tới?

Tiến sĩ Dương Đức Hùng: Việc phổ cập chuyển giao kỹ thuật ghép tạng tới các bệnh viện khác là một sự chuyển giao tốt để nhiều người bệnh được hưởng ưu thế của kỹ thuật cao. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hiểu rõ kết quả của ghép tạng không phải chỉ là kỹ thuật ghép mà nó còn có liên quan đến nguồn cho tạng, công tác điều trị, thăm khám, quản lý bệnh nhân sau ghép tạng.

Chẳng hạn như có cơ sở một năm chỉ tiến hành 10 ca, 20 ca ghép tạng chắc chắn kinh nghiệm làm về các quy trình sau ghép không thể bằng được như cơ sở làm nhiều… Vì vậy, tôi cho rằng cần có những điều chỉnh quy định về mặt chuyên môn và cơ chế tài chính để thúc đẩy các cơ sở y tế có đủ điều kiện. Cụ thể ở ba miền, những bệnh viện nào giữ vai trò chủ đạo trong ghép tạng với số lượng bệnh nhân lớn, khi đã giao nhiệm vụ cho các bệnh viện đó phải kèm theo cả cơ chế về phân tuyến, cơ chế về tài chính để được điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

ghep-tang.mp4.00_03_03_06.still002.jpg
Bác sĩ chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho các bệnh nhân sau ghép thận. (Ảnh: Hiếu Hoàng/Vietnam+)
screenshot_7.png


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ghép tạng: Thêm cơ hội để hồi sinh sự sống