Bài 2: Sống mãi ký ức thời hoa lửa "máu trộn bùn non"

Mega Story - Ngày đăng : 21:16, 02/05/2024

Dưới bóng cây phượng vĩ hoa nở đỏ rực những ngày đầu Hè, những cựu chiến binh hào sảng kể về những năm tháng chiến đấu đầy gian khó nhưng cũng đầy kiêu hùng ở mảnh đất Điện Biên.
Mega Story

Bài 2: Sống mãi ký ức thời hoa lửa "máu trộn bùn non"

{Tên tác giả} 02/05/2024 21:16

Dưới bóng cây phượng vĩ hoa nở đỏ rực những ngày đầu Hè, những cựu chiến binh hào sảng kể về những năm tháng chiến đấu đầy gian khó nhưng cũng đầy kiêu hùng ở mảnh đất Điện Biên.

bai-2-tit.png

70 năm trôi qua, những người chiến sỹ Điện Biên năm xưa nay mái đầu đã bạc, tấm lưng đã còng. Chúng tôi nắm chặt tay các bác, cùng đi dọc chiến hào trên đồi A1, cứ điểm đầu não quan trọng bậc nhất trong Tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ.

Dưới bóng cây phượng vĩ hoa nở đỏ rực những ngày đầu Hè, những cựu chiến binh hào sảng kể về những năm tháng chiến đấu đầy gian khó nhưng cũng đầy kiêu hùng ở mảnh đất Điện Biên.

bai-2-tit-phu-1-.png

Với ông Bùi Kim Điều, nguyên Tiểu đội phó Tiểu đội thông tin, thuộc Đại đoàn 312, việc tham gia đánh trận mở màn giành thắng lợi vang dội vẫn luôn là ký ức vẹn nguyên trong tâm trí ông.

Đúng 17h ngày 13/3/1954, sau mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 40 khẩu pháo cỡ nòng 75 đến 120 ly đồng loạt nhả đạn vào các vị trí của quân Pháp trong cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.

pdg_1(1).png
Phan Đình Giót (1922-1954) - người anh hùng gắn liền với huyền thoại lấy thân mình lấp lỗ châu mai ở trận đồi Him Lam

Sau hai giờ đồng hồ, ta chiếm được cứ điểm 1 và một nửa cứ điểm 2. Tại cứ điểm 2, có một khẩu đại liên bắn ra với diện rộng, bộ đội ta hy sinh và bị thương rất nhiều.

“Trong lúc nguy cấp đó, Tiểu đội phó Phan Đình Giót dù bị thương ở chân nhưng tay cầm khẩu tiểu liên vừa chạy vừa bắn. Đến lỗ châu mai, anh vươn mình lấy đà, lao thẳng vào lấp lỗ. Khẩu đại liên im bặt. Quân ta ào lên chiếm lô cốt. Từ lúc đó, sự kháng cự của địch yếu dần. Sau đó, quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Him Lam,” ông Điều kể.

7 giờ 30 phút ngày 14/3/1954, quân địch tổ chức lực lượng phản kích hòng chiếm lại Him Lam nhưng bị thất bại và tiếp tục bị thiệt hại nặng nề, phải từ bỏ hoàn toàn ý định chiếm lại cứ điểm Him Lam. Trận đánh mở màn đã thành công ngoài mong đợi. Sau đó, đơn vị ông lại được giao nhiệm vụ tiếp tục bao vây đánh chiếm đồi Độc Lập, lúc này do bom đạn phá huỷ làm mất thông tin liên lạc, có một công văn khẩn của trung đoàn (ký hiệu là Nam Ninh) gửi cấp tốc xuống 3 tiểu đoàn ký hiệu: Nam Kế, Nam Tiến, Nam Thắng, lúc đó ông cùng 2 đồng chí nhận nhiệm vụ làm giao liên đưa công văn.

95d74496315e9f00c64f(1).jpg
Cựu chiến binh Bùi Kim Điều - người lính thông tin bị thương và mất nhiều máu khi gửi công văn khẩn, xong việc mới ngất lịm đi. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

“Cả ba người đều bị thương. Lúc đó, tôi nghĩ rằng, nếu chậm một phút sẽ lỡ thời cơ nên tôi tự băng bó vết thương, luồn lách qua giao thông hào, chạy trong mịt mù đạn bom để đến được Sở chỉ huy Trung đoàn. Đưa công văn xong, tôi lịm đi vì mất máu,” ông Điều nhớ lại.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Điều bảo rằng bản thân mình quá may mắn vì còn được chứng kiến dấu mốc kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chứng kiến sự đổi thay của Điện Biên nói riêng và đất nước nói chung. Trong khi đó, rất nhiều đồng đội của ông đã hy sinh thân mình, máu nhuộm đỏ vào mảnh đất quê hương để giành sự độc lập, tự do cho nhân dân, cho Tổ quốc.

Video: Ông Bùi Kim Điều và nhiệm vụ giao liên hỏa tốc trong trận đánh đồi Độc Lập

bai-2-tit-phu-2-.png

Đồi A1 là trung tâm chỉ huy, nơi tập trung các cơ quan đầu não của quân Pháp, trong đó có hầm chỉ huy của tướng De Castries. Việc chiếm được cứ điểm này có ý nghĩa quyết định cho số phận của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Bộ chỉ huy chiến dịch giao cho Đại đoàn 316 sử dụng công binh bí mật đào một đường hầm đi sâu vào trong lòng đồi A1 và bố trí một khối lượng thuốc nổ chừng 1.000kg để đến đúng giờ G cho nổ, nhằm đánh sập hầm ngầm cố thủ của địch ở đồi A1.

Ông Hoàng Văn Bảy, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đoàn 176 còn nhớ ông và đồng đội được phân công vào đơn vị đánh đồi A1. Nhiệm vụ chính và quan trọng nhất của họ là đào hào, trong khi bom đạn Pháp vẫn ngùn ngụt bên trên.

bai-2-quote-1.png

Đau thương đến thế, quả đúng là “máu trộn bùn non” như lời thơ mà nhà thơ Tố Hữu từng viết. Song, những người lính trẻ quả cảm không hề chùn bước. Lớp sau nối tiếp lớp trước, cho chiến hào kéo dài mãi để quân đội ta vận chuyển lương thực, súng đạn, pháo cao xạ và thuốc men vào được trận địa.

“Quân đội ta vừa đánh nhau với địch, vừa đào hào từ trong rừng tiến sát đồi A1 nhưng Pháp không hề hay biết, vì chúng tôi vừa đào vừa ngụy trang bằng cách gác cây lên trên, hào đào đến đâu thì ngụy trang đến đấy. Mỗi đêm hành quân người này cách người kia 5 mét, lúc đầu nằm sát xuống mặt đất đào, vì nếu đứng quân địch sẽ phát hiện ra, khi hào sâu hơn một chút thì có thể ngồi mà đào, sâu hơn nữa thì đứng, cứ thế người này nối người kia tạo thành những chiến hào áp sát hầm chỉ huy của địch,” ông Bảy kể.

infographics_chien_thang_dien_bien_phu.jpg.jpg
Điện Biên Phủ: Những dấu ấn đặc biệt. (Infographics: TTXVN)

Khi đường hào của ta tiến sát, đơn vị của ông Bảy được lệnh rút lui để các chiến sỹ khác đặt bộc phá với khối lượng gần 1 tấn thuốc nổ phá tan hầm địch.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông Bảy chính là vào ngày 7/5/1954. Sáng hôm đó quân đội ta tổng công kích tiêu diệt thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ, khi đang giao tranh, ông bị trúng đạn ở bắp đùi và được đưa về tuyến sau.

Khi đang nằm trên giường bệnh thì ông Bảy nghe tin quân đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và địch đã ra hàng.

“Tất cả ai ai cũng vui mừng nhảy múa, tôi đang bị thương mà cũng bật dậy, hò reo, ôm chầm lấy mọi người vì hạnh phúc vô cùng,” ông Bảy xúc động./.

Video: Kỷ niệm trong ông Hoàng Văn Bảy về trận đánh đồi A1

bai-2-hinh-trang-tri-cuoi-cuoi(1).png

Xin mời bấm link để đọc các bài viết trong chùm bài

tac-gia-5.png