Mega Story

Bài 5: Những người lính ‘hạ sao’ cầm cày làm cho đất “nở hoa”

05/05/2024 18:30

Bốn năm sau ngày giải phóng Ðiện Biên Phủ, một số đơn vị được lệnh trở lại chiến trường xưa nhận nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng nông trường, sửa chữa đường sá... Sau khi chính thức làm lễ “hạ sao” để trở thành công nhân, mỗi đại đội là một đội sản xuất.

bai-5-tit-sua-(1).png

Bốn năm sau ngày giải phóng Ðiện Biên Phủ, một số đơn vị được lệnh trở lại chiến trường xưa nhận nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng nông trường, sửa chữa đường sá... Sau khi chính thức làm lễ “hạ sao” để trở thành công nhân, mỗi đại đội là một đội sản xuất.

Bằng tất cả lòng nhiệt huyết và trách nhiệm của người lính Cụ Hồ, họ bước vào trận chiến mới để xóa đói nghèo trên mảnh đất bị bom đạn cày xới, phủ màu xanh lên nền chiến trường thấm máu xương đồng đội.

Các cán bộ, chiến sỹ năm xưa đã về quê đón vợ con lên tái thiết Điện Biên, cho “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng,” cho vùng “lòng chảo” Tây Bắc trù phú tươi đẹp như ngày hôm nay.

bai-5-tit-phu-1-.png

M

ột sáng đầu Hè, chúng tôi đến thăm nhà Thượng sỹ Hoàng Văn Bảy (sinh năm 1933) và vợ là bà Tạ Thị Thọ (sinh năm 1942) tại Khu tái định cư Thanh Trường, ngay sát Sân bay Điện Biên. Ông Bảy là một trong hàng nghìn người lính đã anh dũng trong chiến đấu và hăng say lao động sản xuất trên nông trường Điện Biên.

Câu chuyện cứ râm ran từ ngày đầu ông rời quê hương Nghệ An lên Điện Biên tham gia chiến dịch, rồi năm 1958, ông trở lại dọn dẹp chiến trường, tái thiết Điện Biên.

ca9a8544.jpg
Hai vợ chồng cựu chiến binh Hoàng Văn Bảy và Tạ Thị Thọ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Nông trường Quân đội Điện Biên, tiền thân là Trung đoàn 176, thuộc Đại đoàn 316 được thành lập ngày 8/5/1958, với hơn 1.900 cán bộ và chiến sỹ. Tổ chức nông trường khi đó gồm nông trường bộ, các phòng ban trực thuộc và 23 đơn vị sản xuất, mỗi đơn vị sản xuất là 1 đại đội (gọi là C), thực hiện nhiệm vụ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, làm giao thông, thủy lợi, cơ khí, máy kéo vận tải, sản xuất vật liệu kiến thiết cơ bản...

Ngày 22/12/1960, Nông trường Quân đội Điện Biên chuyển thành Nông trường Quốc doanh Điện Biên, trực thuộc Bộ Nông trường. Đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp tục khai hoang, mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo phương châm sản xuất trước, quy hoạch sau; trồng trọt trước, xây dựng sau; lấy cây ngắn nuôi cây dài, trồng cây lâu năm và phát triển các ngành nghề khác đồng thời hướng dẫn đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất và sẵn sàng chiến đấu khi có chiến sự xảy ra.

Trải qua muôn vàn khó khăn thiếu thốn từ những ngày đầu thành lập, với quyết tâm "Lấy Tây Bắc làm quê hương, lấy nông trường làm gia đình," những người lính Cụ Hồ đã vượt qua biết bao gian khổ, dốc sức khai hoang, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm hình mẫu cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh để cùng nhau xây dựng Điện Biên.

Tuổi ngoài 90 nhưng ông Bảy vẫn nhanh nhẹn, tỉnh táo “khỏe nhất trong số những U90 phường Thanh Trường.” Ông nhớ như in ngày đầu của cuộc chuyển hướng từ chiến trường sang nông trường.

vna_potal_69_nam_chien_thang_dien_bien_phu_751954_-_752023_thang_loi_cua_ban_linh_va_tri_tue_viet_nam_6714221.jpg
ttxvn_daithuynong2.jpg

Cầu Mường Thanh bắc qua dòng Nậm Rốm trong chiến tranh (trái) và hai bên bờ sông tươi xanh, phát triển ngày nay. (Ảnh: TTXVN)

Việc đầu tiên của những anh bộ đội “hạ sao” là gỡ bỏ dây thép gai, san lấp hầm hào và rà phá bom mìn còn sót lại, sau đó là khai hoang, làm nhà, nung gạch, nung tiểu sành để quy tập hài cốt đồng đội.

Người lính già bảo ông cũng có đôi chút ngỡ ngàng vì bàn tay quen cầm súng nay chuyển sang cầm cày, nhưng chỉ thời gian ngắn sau việc đã đâu vào đấy, vì bộ đội ta phần nhiều là "nông dân mặc áo lính".

"Năm 1959, nông trường đã tạo ra được giống lúa tốt đặt tên là Điện Biên 1, Điện Biên 2, được đưa sang làm quà cho nước bạn Cuba," ông Bảy tự hào kể.

Năm 1960, khi cuộc sống tương đối ổn định, ông mới về quê đón vợ lên Điện Biên. Bà Thọ là con gái duy nhất trong một gia đình có hai chị em, nhưng lấy chồng thì phải theo chồng. Vậy là bà theo ông lên nông trường, tham gia trồng lúa, trồng hoa màu rồi chuyển sang công tác kế toán.

Hai ông bà sinh được 6 cô con gái nhưng một người mất sớm. Gia đình 5 người con hiện nay đều ở gần nhà ông bà. Các con gái, con rể đều thành đạt, góp phần xây dựng Điện Biên giàu đẹp như ngày nay.

ca9a0229.jpg
Bà Nguyễn Thị Lý. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Nhớ lại những ngày đó đúng là muôn vàn khó khăn, bây giờ nhìn ngắm Điện Biên thay đổi một trời một vực, tôi cũng thấy hạnh phúc và may mắn là mình có phần công sức, lại vẫn còn được ngồi đây để kể lại cho lớp trẻ.

Bà Nguyễn Thị Lý, cựu dân công hỏa tuyến

Những ngày ở Điện Biên, chúng tôi còn được gặp gỡ cựu dân công hỏa tuyến Nguyễn Thị Lý, sinh năm 1936, quê xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Hiện bà Lý đang sinh sống tại tổ dân phố 8, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Chồng bà là ông Hoàng Hải, người cùng quê, là chiến sỹ Trung đoàn 174, đánh đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau này, hai ông bà cùng tham gia kháng chiến chống Mỹ, rồi cùng ở lại mảnh đất Điện Biên sinh sống, làm việc. Ông đã mất nhiều năm, hiện chỉ còn bà sống gần gia đình 3 cô con gái.

Bà Lý kể năm 1962, ông Hải mới đón bà và con gái đầu lên Điện Biên. Ban đầu, bà làm ở Ty Lương thực rồi sau chuyển sang xây dựng Công trường Đại thủy nông Nậm Rốm.

vna_potal_dien_bien_phat_trien_nong_nghiep_ben_bo_song_nam_rom_6747866.jpg
Nông nghiệp bên bờ Nậm Rốm ngày nay. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Công trình được khởi công xây dựng năm 1963, đến năm 1969 thì hoàn thành. Hơn 2.000 cán bộ, đội viên, trong đó có hơn 800 thanh niên tình nguyện Thủ đô và nhiều tỉnh miền xuôi như Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa… đã lên Điện Biên góp công, góp sức. Họ mang sứ mệnh và trọng trách cao cả là phải hoàn thành công trình Đại thủy nông Nậm Rốm trong thời gian sớm nhất để tạo nên “mạch sống” cho Điện Biên, sớm thoát khỏi tình trạng thiếu đói, giáp hạt… Bà Lý là một trong những người đầu tiên đập đá, bê gạch xây dựng nên công trình này.

“Nhớ lại những ngày đó muôn vàn khó khăn, nhưng bây giờ nhìn ngắm Điện Biên thay đổi một trời một vực, tôi cũng thấy hạnh phúc và may mắn là mình có phần công sức, lại vẫn còn được ngồi đây để mà kể lại cho lớp trẻ. Chỉ mong sao thế hệ sau giỏi giang, phấn đấu phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp hơn,” bà Lý trầm ngâm.

bai-5-tit-phu-2-.png

Cùng chung cảm xúc đó với bà Lý, cựu chiến binh Nguyễn Hồng Thái (sinh năm 1932 tại Hải Phòng) bày tỏ mong mỏi thế hệ trẻ tích cực, sáng tạo lao động sản xuất.

“Tôi mong lớp trẻ tiếp thu được khoa học tiên tiến, kiến thiết, xây dựng đất nước trở nên giàu mạnh, hùng cường,” ông Thái bày tỏ.

ca9a8780(1).jpg
Ông Nguyễn Hồng Thái. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Sau chiến tranh, ông Thái cũng có những cơ hội rời Điện Biên để đến những nơi khác phát triển sự nghiệp, nhưng nghĩ đến những người đồng đội đã nằm lại, ông không nỡ rời xa.

“70 năm đã qua, nhìn thấy chiến trường năm xưa ‘thay da đổi thịt’ thành một Điện Biên khang trang, giàu đẹp, chúng tôi đều thấy hạnh phúc song cũng chạnh lòng nhớ đến đồng đội đã ngã xuống. Mảnh đất này để giữ được, xây dựng được như hôm nay, thế hệ trước đã phải trả giá đắt,” ông Thái bày tỏ.

Nhắc đến đồng đội, ông trầm ngâm đọc cho chúng tôi nghe bài thơ:

“Tôi còn sống đến hôm nay
Nhờ anh che chở những ngày hôm qua
Tôi nay có vợ, có nhà
Anh thì thành những cánh hoa đất Mường
Nghĩ tình đồng đội mà thương
Bồi hồi nhớ cảnh chiến trường năm nao
Dìu nhau đi dưới chiến hào
Trên đầu đạn xé, bom gào bên tai.”

Video: Câu chuyện của cựu chiến binh Nguyễn Hồng Thái

70 năm đã trôi qua, nhưng tinh thần, ý chí quả cảm của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa vẫn như “mạch nguồn” chảy mãi, tiếp thêm lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho các thế hệ cùng chung sức bảo vệ và xây dựng mảnh đất Điện Biên ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên khẳng định những người lính Điện Biên không chỉ dùng máu xương đánh đổi lấy hòa bình mà họ còn đặt những viên gạch đầu tiên tái thiết, xây dựng cuộc sống mới trên vùng chiến địa, kiến tạo nền móng cho một Điện Biên của hôm nay.

Theo ông Lưu Trọng Lư, những người lính đã "hạ sao" thành công nhân Nông trường Điện Biên, trồng lúa, ngô, mía, làm xanh lại cánh đồng Mường Thanh, chăn nuôi bò, lợn phát triển kinh tế. Họ cũng là người khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn lấy đất sản xuất, thu dọn chiến trường, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng nghĩa trang...

Ngoài ra, những người lính Điện Biên đã cùng với lực lượng thanh niên xung phong làm thủy lợi, đưa nước tưới cho cánh đồng Mường Thanh. Công trình vất vả gian khó nhất khi đó là công trình Đại thủy nông Nậm Rốm. Hai kênh tả và hữu được xây dựng dẫn nước tưới cho cánh đồng Mường Thanh đã đưa việc canh tác từ một vụ lên thành hai vụ.

“Thế hệ thứ hai, con của các chiến sỹ Điện Biên năm xưa cũng tiếp nối sự nghiệp đó, nhiều người cũng đang giữ các vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị của tỉnh,” ông Lư cho biết.

Những ngày tháng Năm lịch sử, du khách bốn phương tụ hội về Điện Biên. Dấu tích hầm hào, hố bộc phá vẫn còn đó nhắc nhớ một thời oanh liệt hào hùng. Bên cạnh những di tích lịch sử, nhà cao tầng đã mọc lên, dòng Nậm Rốm uốn mình chảy bên thành phố hiện đại, cánh đồng Mường Thanh bát ngát thơm… Đây đó ngân vang những bài ca của ngày mới: “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về/ Giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui”.

Xin mời bấm link để đọc các bài viết trong chùm bài

tac-gia_1.png


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 5: Những người lính ‘hạ sao’ cầm cày làm cho đất “nở hoa”