Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ là “thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới."
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã thức tỉnh phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, khiến những người dân đang lầm than có thêm ý chí và lòng tin. Tranh thủ thời cơ đế quốc thực dân đang sa lầy ở “lòng chảo” Điện Biên, các dân tộc thuộc địa trên thế giới đã vùng lên chiến đấu và giành chiến thắng.
Vì lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ là “thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới."
Chưa đầy 6 tháng sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 1/11/1954, lệnh khởi nghĩa của Mặt trận Giải phóng Dân tộc Algeria được ban bố. Du kích đồng loạt tấn công vào các trụ sở cơ quan và mục tiêu quân sự của Pháp. Cuộc chiến đấu của nhân dân Algeria buộc chính phủ Pháp phải thừa nhận độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Algeria, chấm dứt nền thống trị 132 năm của Pháp tại đây.
Đại sứ Algeria tại Việt Nam Abdelhamid Boubazine (nhiệm kỳ 2021-2024) khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ đã có tác động quyết định đến cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa, đặc biệt có ý nghĩa đối với phong trào chủ nghĩa dân tộc Algeria.
Việt Nam, bằng một cách nào đó, đã trở thành ‘quốc gia dẫn đường’ theo như cách diễn đạt của Frantz Fanon, một nhà trí thức và nhà hoạt động vì nền độc lập của Algeria. Người đứng đầu Chính phủ lâm thời Algeria đầu tiên, ông Ferhat Abbas cũng khẳng định rằng Điện Biên Phủ không chỉ là một chiến thắng quân sự mà còn là một biểu tượng của nhân quyền trên toàn cầu.
Đại sứ Abdelhamid Boubazine
Theo Đại sứ, ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là một nhà kiến tạo chủ chốt của chiến tranh nhân dân và Chiến thắng Điện Biên Phủ. Danh xưng Điện Biên Phủ trở thành một cú sốc điện, một chất xúc tác tạo ra động lực đối với các nhà lãnh đạo cách mạng Algeria.
Algeria có hai đại lộ mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, một ở thủ đô Algiers và một ở Oran, thành phố lớn thứ hai của Algeria. Ở Algeria, ai cũng biết đến Điện Biên Phủ. Thế hệ trước biết đến lịch sử Điện Biên Phủ vì họ sống trong thời đại đó còn thế hệ trẻ sau này thì biết đến thông qua môn lịch sử ở trường học. Hai nước cũng có quan hệ hữu nghị về nhiều mặt.
Đại sứ khẳng định người dân Algeria ngưỡng mộ và trân trọng Việt Nam. Quá khứ hào hùng của dân tộc Việt Nam được nhiều người biết đến ở Algeria.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Đại sứ Abdelhamid Boubazine cho hay ông cũng luôn dõi theo tin tức về cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Ông đã đến thăm Điện Biên Phủ hai lần kể từ khi nhận nhiệm kỳ tại Việt Nam và thấy xúc động khi đến thăm các di tích lịch sử.
“Tôi ngưỡng mộ cách mà Việt Nam trân trọng, lưu giữ lịch sử tại Điện Biên Phủ và qua đó truyền lại quá khứ huy hoàng này cho các thế hệ tương lai,” Đại sứ bày tỏ.
Năm 1950, Pháp đã bắt nhiều thanh niên Morocco đi lính sang chiến trường Việt Nam để chuẩn bị cho các trận đánh lớn ở Điện Biên Phủ năm 1954. Song, đất nước, con người và cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã truyền cảm hứng cho những người lính Morocco. Họ từ chối chĩa súng vào những người Việt cần lao, không khác gì anh em, người thân của họ nơi quê nhà.
Đại sứ Morocco tại Việt Nam Jamale Chouaibi khẳng định Việt Nam và Morocco có một kẻ thù chung là chính quyền thực dân. Do đó, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã gây tiếng vang ở Morocco, cổ vũ người dân dũng cảm chống lại sự cai trị của nước ngoài để bảo vệ tự do và độc lập của dân tộc mình.
“Đó không chỉ là một chiến thắng về mặt quân sự mà còn là minh chứng cho khát vọng tự do kiên định của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã thể hiện sự kiên cường, chiến lược và sự đoàn kết. Chiến thắng này mang lại hy vọng cho các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới, bao gồm cả những người ở Morocco,” Đại sứ cho biết.
Dẫn chứng cho quan điểm này, Đại sứ nhắc đến Mohamed Ben Aomar Lahrech, một thành viên quan trọng của Đảng Cộng sản Morocco, được Bác Hồ gọi là “anh Mã.” Ben Aomar đã trở thành cầu nối liên kết giữa cuộc kháng chiến của người Morocco và hình mẫu Việt Nam. Ông hỗ trợ những hàng binh Morocco và tuyên truyền để họ sát cánh cùng Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp.
Sau lệnh ngừng bắn vào năm 1954, lính đào ngũ Bắc Phi đã xây dựng một ngôi làng của mình dưới chân núi Ba Vì, dưới sự chỉ đạo của “anh Mã.” Tại đây, họ đã xây Cổng Morocco, biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Morocco và Việt Nam. Đó cũng là cách thể hiện lòng biết ơn của người Morocco đối với sự thân tình và nhân đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và người dân Việt Nam.
Đại sứ Jamale Chouaibi cho rằng ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như cuộc chiến vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam vẫn còn sức lan tỏa cho đến ngày nay, đặc biệt trong bối cảnh thế giới còn nhiều xung đột.
Theo Đại sứ, việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền vẫn luôn là yếu tố then chốt để các quốc gia đạt được sự thịnh vượng và gắn kết xã hội. Đảm bảo hòa bình ở cấp độ khu vực và quốc tế là rất quan trọng để thúc đẩy sự ổn định và hợp tác giữa các quốc gia. Giải pháp cho vấn đề này là bình thường hóa quan hệ với các cựu thù đồng thời tích cực đa dạng hóa các đối tác ngoại giao và kinh tế.
“Việt Nam và Morocco thể hiện những nguyên tắc này thông qua việc tham gia tích cực vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, đặc biệt là ở châu Phi. Hai nước cũng cùng quan điểm ở vấn đề giải quyết các xung đột thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình,” Đại sứ bày tỏ.
Chia sẻ cảm xúc nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại sứ Nam Phi Vuyiswa Tulelo cho hay bà cảm nhận được không khí hân hoan không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia châu Phi, châu Á và Nam Mỹ, bất cứ nơi nào có sự đoàn kết, thống nhất giữa các nạn nhân của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là ngọn hải đăng soi sáng hy vọng cho các thuộc địa và là bước ngoặt trong cuộc đấu tranh chống thực dân trên khắp thế giới. Việt Nam đã xóa bỏ niềm tin bấy lâu về sự bất khả chiến bại của quân đội đế quốc.
Đại sứ Vuyiswa Tulelo
Theo Đại sứ, thất bại của thực dân Pháp tại Việt Nam đã tạo thời cơ để các nước châu Phi vùng lên giành độc lập. Riêng với Nam Phi, các nhà lãnh đạo phong trào giải phóng Nam Phi dưới ngọn cờ của Đại hội Dân tộc Phi (ANC) đã được tiếp xúc với đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Bandung (Indonesia) năm 1955. Việt Nam đã chia sẻ với ANC kinh nghiệm xương máu của mình trong quá trình giành độc lập. Sau đó, ANC đã thông qua Hiến chương Tự do vào năm 1955 nhằm thể hiện quyết tâm thay đổi chính trị ở Nam Phi.
“Trải qua những cuộc chiến dai dẳng và đau đớn, chúng ta đều hiểu giá trị của hòa bình và độc lập. Việt Nam vẫn thể hiện quyết tâm duy trì hòa bình trong nước, ở khu vực và thế giới thông qua việc tích cực tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Nhân đây, tôi gửi lời kêu gọi tới cộng đồng quốc tế hãy noi gương Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình,” Đại sứ chia sẻ./.
Xin mời bấm link để đọc các bài viết trong chùm bài