Mega Story

Bài 1: Thế hệ thanh niên xung phong tuổi 20: Tất cả cho tiền tuyến

01/05/2024 23:36

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi “về nguồn” nơi mảnh đất “lòng chảo” gió Lào nắng cháy và có may mắn gặp gỡ nhiều nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

banner-1-4.png
hinh-noi-banner-tit-bai-1-.png
tit-bai-1-4.png

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi “về nguồn” nơi mảnh đất “lòng chảo” gió Lào nắng cháy và có may mắn gặp gỡ nhiều nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Ngày ấy, hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến không ngại hiểm nguy gian khó tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch. Cùng với bộ đội chủ lực, lực lượng thanh niên xung phong cùng dân công, đồng bào Tây Bắc đã cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Giờ đây, những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi phần nhiều đã trở về với cát bụi, số còn lại cũng đã quá tuổi “cổ lai hy,” song ký ức về những ngày tháng gian khổ mà hào hùng cách đây 70 năm vẫn vẹn nguyên trong trái tim họ.

tit-phu-bai-1-a-2-.png

Qua sự giới thiệu của Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên, chúng tôi đến thăm ông Trần Đình Đường, 92 tuổi, tại ngôi nhà nhỏ sát chân đồi A1. Khi chúng tôi đến, người cựu chiến binh già đã vận sẵn bộ quân phục đính đầy huy chương, huy hiệu. Ông bày biện nào ảnh, nào bằng khen và cả một tập những trang báo cũ về Chiến dịch Điện Biên Phủ mà ông sưu tầm nhiều năm trước.

Tuy ông Đường đi lại không còn nhanh nhẹn nhưng giọng nói của ông thì vẫn rõ ràng, mạch lạc, rồi ông cứ thế kể chuyện Điện Biên Phủ cho chúng tôi nghe.

quote-bai-1-2-.png

Ở tuổi đôi mươi, ông Đường viết đơn xung phong ra chiến trường. Điều ấy thật hiển nhiên vì các anh em họ hàng, bạn bè đồng trang lứa của ông cũng đều làm như vậy.

“Khi Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946, lứa thanh niên ngày ấy sục sôi ý chí lên đường đánh Tây. Đủ tuổi, đủ tiêu chuẩn thì vào bộ đội, nếu không thì đi thanh niên xung phong,” ông Đường kể.

Học xong chương trình phổ cập, chàng trai trẻ Trần Đình Đường cùng người bạn thân cùng xóm tên Võ Bá Sơn rủ nhau viết đơn xin đi thanh niên xung phong cùng một đợt.

Nhắc đến người bạn, ông Đường ngậm ngùi: “Hoàn cảnh của ông Sơn rất đáng thương. Cha chết đói, mẹ chết no, ông ấy chỉ có một mình nên quyết tâm phải ra trận đánh giặc. Chính nỗi căm hờn ấy, ý chí kháng chiến ấy đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều.”

Ông Đường kể rằng nạn đói năm Ất Dậu (1945) đã cướp đi người cha của ông Sơn, sau đó mẹ ông được người ta thương tình cho ăn một bữa rồi cũng vì nhịn đói lâu ngày, bà bội thực mà qua đời. Câu chuyện sao mà chua xót, đúng như những gì nhà văn Nam Cao từng viết trong tác phẩm “Một bữa no”…

vna_potal_69_nam_chien_thang_dien_bien_phu_751954_-_752023_thang_loi_cua_ban_linh_va_tri_tue_viet_nam_6714220.jpg
Nụ cười của đồng đội. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Mang trong mình nỗi khổ mất người thân trước nỗi đau mất nước, hai người bạn cùng quê Nghệ An gia nhập thanh niên xung phong. Họ hành quân ra Thanh Hóa, Sơn La rồi lên Điện Biên, được chuyển sang bộ đội. Ông Đường có nhiệm vụ trực đường dây điện thoại còn ông Sơn là liên lạc viên đại đội.

Họ sát cánh bên nhau chiến đấu cho đến ngày khải hoàn, cùng tham gia tái thiết Điện Biên rồi kháng chiến chống Mỹ, ông Sơn mới qua đời do tuổi cao sức yếu.

Khí thế xung phong dường như là điểm chung của tất cả thanh niên đôi mươi ngày ấy, dù là nam hay nữ.

Bà Nguyễn Thị Lý, 89 tuổi, hiện đang sống phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên ký ức một thời “Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ/Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát”.

Bà Lý là dân công hỏa tuyến tham gia vận chuyển lương thực cho quân đội ta tại chiến trường Điện Biên Phủ. Tuổi cao khiến cho trí nhớ của bà đôi lúc như phủ mây mù. Bà không còn nhớ rõ năm tháng, sự kiện nhưng câu chuyện “chị gánh, anh thồ” dường như chính là kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời, được bà kể lại cho chúng tôi nghe với ánh mắt rạng rỡ.

quote-bai-1-1-.png

Sinh ra và lớn lên ở thôn An Lạc, xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa), đến năm 1953, cô gái Nguyễn Thị Lý tròn 18 tuổi. Hưởng ứng lời hiệu triệu toàn dân tham gia vận tải lương thực phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, cô Lý cũng viết đơn xung phong lên đường.

do-hoa.png

“Thời điểm ấy, trong thôn, xã đâu đâu cũng có khẩu hiệu ‘Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng’. Rất nhiều người dân tình nguyện tham gia phục vụ chiến dịch. Đường ra mặt trận đông như hội. Có lẽ chỉ còn người già, trẻ em ở lại quê nhà,” bà Lý kể.

Sau khi vượt qua các “vòng tuyển,” tham gia học chính trị, học cầm súng, bà Lý cùng hàng trăm nam thanh nữ tú khác đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm cho chiến trường.

Ngày đó, toàn bộ hàng hóa thiết yếu từ khắp nơi trong tỉnh được tập trung về Thọ Xuân rồi tỏa đi nhiều cung đường khác nhau để đảm bảo an toàn, bí mật lên Sơn La, Hòa Bình rồi mới tiếp tục chuyển vào những kho lớn tại Điện Biên.

Trung bình mỗi chị em phụ nữ gánh 20kg gạo đi bộ một chặng đường dài. Cứ màn đêm buông xuống là họ lên đường để tránh sự phát hiện của mật thám, máy bay địch.

Theo bà Lý kể, để đưa gạo đến nơi an toàn là cả một quá trình gian nan, vất vả không lời nào tả hết. Cơm ăn, nước uống thiếu thốn. Bom đạn quân địch nổ sát bên tai. Đường rừng hiểm trở, dốc cao, vực sâu, muỗi rừng cắn gây bệnh sốt rét… Lại thêm chị em phụ nữ “đến tháng,” phải tìm đường ra suối, vào nhờ nhà dân để rửa ráy, vệ sinh.

Khó khăn, gian khổ là thế, nhưng với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng,” từng đoàn xe đạp thô sơ, người gánh gồng nườm nượp nối nhau vượt qua núi cao, đèo sâu vào chiến dịch.

tit-phu-bai-1-a-1-.png

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, có trên 16.000 đội viên Thanh niên xung phong ngày đêm sát vai cùng bộ đội phục vụ chiến đấu và có hơn 8.000 cán bộ, đội viên lập công xuất sắc và trưởng thành nhanh chóng được tuyển chọn bổ sung vào các đơn vị bộ đội ngay tại chiến trường.

Đánh giá về vai trò và chiến công của thanh niên xung phong trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: ''Việc đảm bảo giao thông vận tải, cung cấp lương thực, đạn dược cho Điện Biên Phủ là một nhân tố vô cùng quan trọng không kém tình hình chiến đấu từng ngày, từng giờ… Thanh niên xung phong đã thật sự đem tinh thần xung phong của thanh niên, xung phong trên chiến trường Điện Biên Phủ, cùng quân đội, dân công, đồng bào Tây Bắc góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Tôi luôn coi thanh niên xung phong như bộ đội."

Chính trong gian khó, hiểm nguy, lớp lớp thanh niên đã trưởng thành, làm tốt nhiệm vụ và góp phần vào thành tựu chung của cuộc kháng chiến.

ong-nguyen-tien-nang.jpg
Ông Nguyễn Tiến Năng - nguyên trợ lý của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gắn bó với Tây Bắc từ năm 1953. (Ảnh: Báo Điện Biên Phủ)

Ông Nguyễn Tiến Năng, 96 tuổi, nguyên Phó Đội trưởng Đội 34 Thanh niên xung phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, nguyên trợ lý của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gắn bó với Tây Bắc từ năm 1953.

Ban đầu, ông cùng đồng đội không biết mình sẽ làm nhiệm vụ cụ thể gì, miễn nhận lệnh là lên đường. Cứ thế, họ xuyên rừng, gánh theo lương thực, thực phẩm, đêm đi, ngày nghỉ, mất mấy tháng mới đến nơi phục vụ Chiến dịch Trần Đình (mật danh của Điện Biên Phủ).

“Ban đầu chúng tôi chưa có hiểu biết về các loại bom, nên nhiều người bị thương và hy sinh. Để hạn chế thương vong, đội phá bom được thành lập, các đại đội cũng lập tổ phá bom. Các anh công binh huấn luyện phá bom cho thanh niên xung phong. Chúng tôi đều quyết tâm phải phá được bom, đảm bảo khôi phục được mặt đường trong thời gian sớm nhất,” ông Năng kể.

Với cựu chiến binh Phạm Đức Cư (sinh năm 1930), tổ 10, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, ông vẫn nhớ như in những năm tháng trưởng thành từ Trung đoàn pháo cao xạ 367 tại Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Khi đó, ông Cư là một trong số những chiến sỹ trong lực lượng quân chủ lực Việt Nam được chọn đi đào tạo về pháo cao xạ tại Trung Quốc từ năm 1952. Năm 1953, ông trở về nước tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

1920-vuong-hinh-ong-cu-bai-1.png
Kỳ tích kéo pháo của bộ đội Việt Nam là một trong những yếu tố bất ngờ nhất với kẻ địch, những người tin rằng chỉ sức lực của Hercules mới có thể hiện thực hóa việc này. (Ảnh: TTXVN)

"Chúng tôi không bao giờ có thể quên được những chặng đường kéo pháo từ Nà Nhạn vào trong lòng chảo, tiếp cận với quân địch. Chúng tôi đã kéo vào bằng sức người, mỗi khẩu pháo nặng 2,4 tấn, chúng tôi phải bố trí 80-100 người kéo,” cựu pháo thủ Phạm Đức Cư nhớ lại.

Công việc kéo pháo diễn ra vào ban đêm, giữa rừng. Càng khó khăn thì họ lại càng nảy ra nhiều sáng kiến, như: Qua bãi lầy thì phải vác đá kè, chặt cây rừng rải ra để làm thảm kéo pháo vượt qua, rồi thì trong đêm tối, cử 2 người khoác mảnh vải trắng đi phía trước để làm hoa tiêu cho đồng đội kéo theo sau…

"Trong suốt chiến dịch 56 ngày đêm, chúng tôi thường xuyên ở trên trận địa. Quần áo đầy máu me, bùn đất, không lúc nào khô, sạch, nhưng lúc nào cũng nhắc nhau rằng ‘còn một hòn đạn, một khẩu pháo cũng đánh đến cùng,” ông nói chắc nịch./.

Xin mời bấm link để đọc các bài viết trong chùm bài

tac-gia.png

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 1: Thế hệ thanh niên xung phong tuổi 20: Tất cả cho tiền tuyến