Mega Story

Bài 6 Xây ‘vườn xanh ngói mới’ nơi ‘lòng chảo’ Tây Bắc

05/05/2024 18:33

Những ngày tháng Năm lịch sử, từng đoàn cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 nô nức đi thăm chiến trường xưa. Họ rưng rưng xúc động khi trở về mảnh đất “Duyên dáng hoa ban đẹp thắm núi rừng/Trong nắng ban mai vườn xanh ngói mới/Mặt trận ngày xưa ngời sáng năm châu/Điện Biên lẫy lừng vươn tới tương lai” (“Về với Điện Biên” – Huỳnh Lợi).

bai-6-tit(1).png

Những ngày tháng Năm lịch sử, từng đoàn cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 nô nức đi thăm chiến trường xưa. Họ rưng rưng xúc động khi trở về mảnh đất “Duyên dáng hoa ban đẹp thắm núi rừng/Trong nắng ban mai vườn xanh ngói mới/Mặt trận ngày xưa ngời sáng năm châu/Điện Biên lẫy lừng vươn tới tương lai” (“Về với Điện Biên” – Huỳnh Lợi).

Nhân dịp này, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với ông Lò Văn Mừng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên, về những nỗ lực kết nối, tri ân những chiến sỹ Điện Biên – hoạt động có ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn” khi cả dân tộc đang hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

bai-6-tit-1-.png

- Thưa ông, năm 1958, Nông trường Quân đội Điện Biên thành lập, hàng nghìn chiến sỹ Điện Biên đã quay trở lại chiến trường xưa để khắc phục hậu quả chiến tranh và tái thiết vùng “lòng chảo” Tây Bắc. Ông có cảm nhận như thế nào về công lao đó?

Ông Lò Văn Mừng: Thế hệ sau mãi mãi tri ân công sức của nhân dân trên mọi miền đất nước với hơn 240.000 người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đóng góp cho kháng chiến với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng.”

Còn hàng ngàn, hàng vạn người đã hy sinh xương máu, góp công, góp sức cho Chiến thắng Điện Biên Phủ, cho độc lập tự do của Tổ quốc.

aeeab47e5e1bff45a60a.jpg
Ông Lò Văn Mừng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Có thể nói rằng Điện Biên hôm nay được xây dựng từ bàn tay của các chiến sỹ. Họ đã thực hiện hai nhiệm vụ là chiến đấu, giải phóng Điện Biên và sau đó là làm kinh tế, tái thiết Điện Biên.

Bốn năm sau khi giải phóng, nhiều chiến sỹ Điện Biên đã quay trở lại chiến trường xưa, xây dựng nông trường cũng như các khu kinh tế để Điện Biên “hồi sinh,” trở nên trù phú, giàu đẹp như ngày hôm nay.

Họ cũng đã xây dựng một mô hình định hướng, dẫn dắt trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi để các thế hệ sau tiếp tục sự nghiệp phát triển Điện Biên.

Cá nhân tôi hết sức cảm động với sự hy sinh của các bậc tiền bối từ khắp mọi miền Tổ quốc đã không tiếc tuổi trẻ, thanh xuân của mình để xây dựng Điện Biên, lựa chọn Điện Biên làm quê hương thứ hai của mình.

8227650c210b8f55d61a.jpg
Sự kiện gặp mặt và tri ân thế hệ cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từng tham gia chiến dịch do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tỉnh Điện Biên thực hiện. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Tiếp nối thế hệ trước, các hội viên cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh cũng tham gia xây dựng phát triển kinh tế xã hội, tích cực xoá đói giảm nghèo. Theo thống kê của Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên, hiện tại Điện Biên có 22 doanh nghiệp do cựu chiến binh làm chủ, có 3 hợp tác xã của cựu chiến binh. Các cựu chiến binh đã duy trì hoạt động rất hiệu quả, được cấp uỷ, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

- Mới đây, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên đã phối hợp tổ chức cuộc gặp mặt, tri ân các nhân chứng lịch sử đầy xúc động có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ. Xin ông chia sẻ thêm về ý nghĩa của hoạt động này?

Ông Lò Văn Mừng: Đây là hoạt động quan trọng, cần thiết và cấp bách để ghi nhớ, tri ân công lao to lớn của các Anh hùng Liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và những người ở lại xây dựng Điện Biên đã yên nghỉ trên mảnh đất lịch sử huyền thoại.

lo-van-mung-2-.jpg
Ông Trần Quốc Cường - Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên trao huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho cựu chiến sỹ xung phong Phan Thị Bảy. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Điện Biên)

Các hoạt động này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn," "Ăn quả nhớ người trồng cây," vừa giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ về tinh thần sẵn sàng xả thân, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc; ý chí tự lực, tự cường, vượt gian khó vươn lên xây dựng chiến trường xưa của các thế hệ cha ông đi trước...

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên, Hội Cựu chiến binh tỉnh cùng các đơn vị liên quan đã mất khoảng một năm để chuẩn bị cho chương trình gặp mặt, tri ân.

Chúng tôi đã cùng với các tỉnh thành rà soát, tổng hợp lại danh sách các lực lượng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, phần lớn đã ra đi, cả nước chỉ khoảng 8.000 cụ, tuổi đều đã ngoài 90, nhiều người sức khỏe rất yếu, không còn minh mẫn. Do đó, chúng tôi đã khẩn trương phối hợp để tổ chức thành công sự kiện này.

bai-6-tit-2-(1).png

- Về công tác mặt trận tại địa phương, xin ông cho biết những thành tựu nổi bật trong thời gian gần đây?

Ông Lò Văn Mừng: Năm nay, chúng tôi thực hiện Đề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (gọi tắt là Đề án 09). Vừa qua, chúng tôi đã bàn giao 5.000 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh.

Đây là chủ trương lớn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, rất hợp lòng dân, nên Đề án đã huy động được nguồn lực rất lớn, chỉ trong hơn 7 tháng đã hoàn thành được 5.000 căn nhà, giúp tỉnh Điện Biên hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát, không an toàn trong năm 2024.

55611abca8e609b850f7.jpg
Những vườn xanh, ngói mới của Điện Biên từ trên cao. (Ảnh: TTXVN)

Hoạt động góp phần tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, thể hiện tri ân đối với các gia đình chính sách, nhân dân tỉnh Điện Biên đã đóng góp, chiến đấu, hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây là cơ sở để Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả vận động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo trong cả nước.

- Thưa ông, Điện Biên là một tỉnh có 19 dân tộc anh em cư trú, địa hình bị chia cắt, chủ yếu là đồi núi, lại có vùng biên giới giáp hai nước Lào, Trung Quốc. Vậy công tác Mặt trận có gặp những khó khăn gì?

Ông Lò Văn Mừng: Đúng là công tác Mặt trận có những khó khăn nhất định do địa hình nhiều vùng sâu, vùng xa và khu vực biên giới, song chúng tôi cũng có khá nhiều thuận lợi, đó là sự đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với Lào và Trung Quốc.

Những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy là công tác mặt trận đã phát huy hiệu quả, tăng cường sự gắn bó, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các dân tộc anh em và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cũng đã làm tốt công tác đối ngoại, giao lưu nhân dân với hai nước láng giềng.

Chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tích cực đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, phản động.

Được đảm bảo về sinh kế là giải pháp thiết thực giúp bà con đồng bào thiểu số duy trì các nét đẹp văn hóa đặc thù. (Ảnh: TTXVN)

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên cũng chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân các dân tộc, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đặc biệt là chăm lo cho người nghèo, cụ thể là triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào các dân tộc vùng miền núi, biên giới khó khăn. Người dân an cư lạc nghiệp, hạn chế việc du canh, du cư và thông qua đó chúng tôi thấy rằng niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương ngày càng được củng cố vững chắc hơn.

Sau khi trao 5.000 căn nhà Đại đoàn kết, thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, phát huy nguồn lực tại chỗ để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.

Nhiều mô hình sinh kế đã từng bước phát huy hiệu quả, trong đó có chương trình hỗ trợ giống trâu, bò sinh sản, các vật nuôi, cây trồng khác có giá trị kinh tế trong thị trường, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.

Tôi có thể khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã làm rất tốt vai trò là trung tâm xây dựng khối đoàn kết các dân tộc, tạo sự gắn bó giữa người dân trong các cộng đồng dân cư, dân tộc, tôn giáo.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xin mời bấm link để đọc các bài viết trong chùm bài

tac-gia_1_.png


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 6 Xây ‘vườn xanh ngói mới’ nơi ‘lòng chảo’ Tây Bắc