Mega Story

Trần Xuân Phúc Người họa sỹ dành cả đời vẽ chân dung Hồ Chủ tịch

Minh Thu31/08/2022 15:28

Họa sỹ Trần Xuân Phúc có hơn 40 năm vẽ Bác Hồ. Anh tâm niệm rằng tranh về Bác không chỉ là một tác phẩm truyền thông mà phải có câu chuyện, có tư tưởng.

20220825_113822.jpg

Khi tôi đến thăm họa sỹ Trần Xuân Phúc, anh đang chăm chú hoàn tất những đường nét cuối cùng của bức tranh “Chủ tịch Hồ Chí Minh với lực lượng vũ trang.”

Trong hơn 40 năm sự nghiệp hội họa, anh đã vẽ hàng nghìn bức tranh về Bác. Cứ đến ngày sinh nhật Bác, ngày Quốc khánh hay một dịp đặc biệt nào đó, anh lại sáng tác một tác phẩm mới.

Hơn 40 năm vẽ Bác

Họa sỹ Trần Xuân Phúc sinh năm 1963 trong một gia đình có truyền thống hội họa ở Thanh Hóa. Anh thừa hưởng kỹ thuật và niềm đam mê vẽ chân dung Bác Hồ từ cha mình - họa sỹ Trần Xuân Vỵ.

Ông Vỵ công tác tại Ty Văn hóa tỉnh Thanh Hóa nên có điều kiện tiếp xúc với nhiều tài liệu, thông tin về Bác Hồ. Ông có may mắn được gặp Bác Hồ khi Bác về thăm và công tác tại Thanh Hóa.

17543bc6351ff041a90e2.jpg

“Bố tôi thường kể chuyện về Bác và dạy chúng tôi noi theo tấm gương Bác Hồ. Trong số mấy anh em trai, có lẽ tôi hợp với bố nhất. Do đó, niềm say mê vẽ Bác đã hình thành trong tôi rất tự nhiên” 

Họa sỹ Trần Xuân Phúc

Học hết phổ thông, Xuân Phúc đi lính. Anh được phân về Ban Tuyên huấn thuộc Phòng Chính trị, Sư đoàn 442, Quân khu IV với nhiệm vụ vẽ tranh cổ động, tranh Bác Hồ và các lãnh tụ phục vụ công tác chính trị. Hiện nay, phòng truyền thống của sư đoàn này vẫn đang treo một bức tranh chân dung Bác do họa sỹ Xuân Phúc vẽ.

Rời quân ngũ, anh về công tác tại Thanh Hóa, qua các đơn vị như Công ty Chiếu bóng thành phố, Trung tâm Mỹ thuật Lam Sơn...

“Ngày trước, công nghệ in ấn chưa phát triển như bây giờ, các bức chân dung Bác Hồ treo ở cơ quan đoàn thể, văn phòng, trường học đều do họa sỹ vẽ tay,” họa sỹ Trần Xuân Phúc nhớ lại.

Năm 1997, gia đình anh chuyển ra Hà Nội sinh sống. Từ đó, Trần Xuân Phúc có điều kiện vẽ Bác nhiều hơn. Các tác phẩm của anh được các cơ quan đặt hàng để phục vụ công tác trưng bày, tuyên truyền, cổ động và làm quà tặng các đối tác ngoại giao.

704654f45a2d9f73c63c1.jpg

Cho đến nay, tranh của Trần Xuân Phúc đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. 

Truyền tải tư tưởng của Bác qua tranh

Họa sỹ Trần Xuân Phúc vẽ Bác từ khi tuổi còn rất trẻ và duy trì công việc này trong suốt cả cuộc đời. Do đó, kỹ thuật và thông điệp mà anh truyền tải trong tác phẩm được tích lũy trong suốt nhiều năm. Anh tâm niệm, tranh về Bác không chỉ là một tác phẩm truyền thông mà phải có câu chuyện, có tư tưởng.

Anh không chỉ nghiêm túc học hội họa mà còn tích cực thu thập tư liệu theo chuyên đề như Bác Hồ với công an, Bác Hồ với bộ đội, Bác Hồ với nông dân...

7a7778f6762fb371ea3e4.jpg

“Qua các tác phẩm của mình, tôi cố gắng truyền tải thông điệp về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù cùng một chủ đề chẳng hạn như Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, Bác với lực lượng vũ trang…, mỗi bức tranh sẽ có bối cảnh, ánh sáng và bố cục khác nhau” 

Họa sỹ Trần Xuân Phúc

Khi đã tích lũy cho mình một phông nền kiến thức về Bác, anh thả hồn mình chìm đắm trong cảm xúc và tình yêu với vị Cha già dân tộc và sáng tác ra những tác phẩm chứa đựng nhiều thông điệp sâu sắc.

Họa sỹ Trần Xuân Phúc cho hay vẽ chân dung lãnh tụ nói chung có cái khó là phải làm sao chuyển tải được thần thái của nhân vật. Riêng vẽ chân dung Bác Hồ, anh luôn lên ý tưởng cần phải vẽ những gì và vẽ như thế nào.

96519d3492ed57b30efc6.jpg

“Tôi vẽ từ tổng thể, khái quát trước, sau đó mới đi sâu vào các chi tiết, đặc tả để làm sao cho bố cục, gam màu, ánh sáng thật hài hòa. Khi nào tinh thần thoải mái nhất, tôi mới tập trung cao vào điểm nhấn là khuôn mặt. Trong đó chú trọng vào ánh mắt của Bác, thể hiện tư tưởng rộng lớn, trí tuệ anh minh, nhưng cũng rất gần gũi, giản dị và nhân từ của Người,” họa sỹ chia sẻ.

Một trong số những bức tranh mà họa sỹ tâm đắc nhất là “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập.” Tác phẩm có hai gam màu chủ đạo là đỏ và vàng. Chân dung Bác nổi bật trên nền lá cờ Tổ quốc tung bay. Quảng trường Ba Đình với toàn thể quần chúng nhân dân được đặt ở vị trí trái tim Bác.

Ở tác phẩm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với lực lượng vũ trang,” họa sỹ khắc họa nhiều tầng lớp hình ảnh chồng lên nhau như truyền thống dân tộc (với biểu tượng trống đồng), cờ Tổ quốc, cánh chim hòa bình, bộ đội hành quân... Nổi bật lên trên tất cả là hình ảnh Bác.

e41531fd3e24fb7aa23510.jpg
edd0c34fcd9608c851873.jpg
7b07e8e9e730226e7b219.jpg
7b07e8e9e730226e7b219.jpg


Hơn 40 năm vẽ Bác Hồ, chưa khi nào họa sỹ Trần Xuân Phúc ngừng đam mê và sáng tạo với đề tài này. Tâm nguyện lớn nhất của anh là có thể xây dựng một bảo tàng mỹ thuật cho riêng mình. Đó sẽ là nơi trưng bày các sáng tác của anh trong suốt cả cuộc đời, trong đó nơi trang trọng nhất sẽ được dành để trưng bày các bức tranh về vị Cha già dân tộc.

Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng không phải họa sỹ nào cũng có rung động, tự tin để vẽ chân dung lãnh tụ, nhưng Trần Xuân Phúc đã thành công ở đề tài này.

“Anh Phúc đã khẳng định được mình ở mảng đề tài không phải ai cũng có duyên vẽ tốt là về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tác phẩm của anh đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi, đặc biệt là những cơ quan của Chính phủ, của Nhà nước. Đó là một thành công của Trần Xuân Phúc,” họa sỹ Lương Xuân Đoàn nói.

c11de972e6ab23f57aba7.jpg

Theo Minh Thu (Vietnam+)
Copy Link

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trần Xuân Phúc Người họa sỹ dành cả đời vẽ chân dung Hồ Chủ tịch