Cách đây 50 năm, người dân Việt đón Tết cổ truyền trong một bầu không khí thật đặc biệt. Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973 đã thúc đẩy việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, để rồi hai năm sau, đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông nối liền một dải.
Trước thềm Xuân mới, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan, được nghe ông kể những câu chuyện xoay quanh cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
- Thưa ông, xin ông cho biết bối cảnh dẫn đến Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Hiệp định Paris) năm 1973?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Năm 1965, Mỹ đưa quân vào miền Nam nước ta để trực tiếp tham chiến đồng thời gia tăng ném bom bắn phá miền Bắc. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 13 (Khóa III) họp vào tháng 1/1967 đã đề ra phương châm “vừa đánh vừa đàm,” “khai hỏa” mũi tiến công ngoại giao.
Ngày 27/3/1967, khi trả lời phỏng vấn nhà báo Australia Wilfred Burchett, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đã nhấn mạnh chỉ sau khi Mỹ thực hiện điều này (tức là chấm dứt không điều kiện và vĩnh viễn việc ném bom và các hành động quân sự khác đối với miền Bắc nước ta) thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới “có thể nói chuyện được.”
Trong cuộc chiêu đãi chào mừng Ngoại trưởng Mông Cổ sang thăm nước ta ngày 29/12/1967, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đã nhắc lại tuyên bố trên nhưng có thay đổi một chữ. Lúc đó, tôi đang là phiên dịch cho Bộ trưởng. Ông nhắc tôi chú ý, thay chữ “có thể” (nói chuyện được) thành “sẽ.” Tuyên bố đó đã gây tiếng vang rộng lớn trên thế giới, mở đường cho hòa đàm Paris.
Trong thời gian 5 năm (1968-1973), Hiệp định Paris đã trải qua hơn 200 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, hàng nghìn cuộc phỏng vấn và mít tinh.
Chúng ta có những yếu tố thuận lợi lớn là sức mạnh đoàn kết dân tộc và sự ủng hộ của nhân dân thế giới trong đó có nhân dân Mỹ.
Ngày 23/1/1973, “Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” đã được hai Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Henry Kissinger ký tắt. Ngày 27/1/1973, Bộ trưởng Ngoại giao 4 bên: Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa chính thức ký Hiệp định Paris.
- Trong bối cảnh đó, Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn như thế nào để tiến tới việc ký kết thành công Hiệp định Paris?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Chúng ta có những yếu tố thuận lợi lớn là sức mạnh đoàn kết dân tộc và sự ủng hộ của nhân dân thế giới trong đó có nhân dân Mỹ. Họ ủng hộ việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam.
Về mặt khó khăn, chúng ta đã có những mất mát, hy sinh rất lớn khi đấu tranh chống lại một thế lực hùng mạnh như Mỹ. Khó khăn thứ hai là những nước xã hội chủ nghĩa anh em của ta có nảy sinh bất đồng. Do đó, việc ứng xử với các đồng minh như thế nào trong bối cảnh họ mâu thuẫn với nhau cũng là bài toán khó cho những người làm ngoại giao Việt Nam.
- Ông có đánh giá như thế nào về ý nghĩa cuộc đàm phán này?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Đây có lẽ là cuộc đàm phán để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình dài nhất trong cái lịch sử. Về mặt ý nghĩa, cuộc hòa đàm Paris đã giúp chúng ta thực hiện được một nửa lời dặn của Bác Hồ. Đó là “đánh cho Mỹ cút” để rồi hai năm sau, chúng ta hoàn thành vế còn lại là “đánh cho ngụy nhào,” thống nhất đất nước.
Hiệp định Paris giúp cho miền Bắc có điều kiện khôi phục kinh tế để tiếp viện cho miền Nam đồng thời nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Lúc đó, tôi mới ngoài 30 tuổi, tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh trong quá trình đàm phán tại Paris, rồi Hội nghị quốc tế về Việt Nam (2/3/1973) nơi 12 nước ký Định ước công nhận Hiệp định Paris. Tôi vô cùng tự hào khi Việt Nam đàng hoàng “ngang vai ngang vế” với các quốc gia khác.
- Những trải nghiệm đó đã giúp ông rút ra những bài học gì trong sự nghiệp ngoại giao của mình sau này?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Hiệp định Paris đã để lại nhiều bài học cho những người làm ngoại giao của Việt Nam. Tôi không trực tiếp tham gia đàm phán, chỉ là người có mặt.
Trên phương diện cá nhân, tôi rút ra 4 bài học, tạm gọi là 4K, là: Kết hợp, Kiên định, Kiên trì và Khôn khéo.
Thứ nhất, chúng ta đã kết hợp sức mạnh của toàn dân tộc và kết hợp giữa các mặt trận khác nhau như quân sự, chính trị, ngoại giao, kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của quốc tế.
Thứ hai, chúng ta kiên định giữ lập trường rằng Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất.
Thứ ba là phải kiên trì, vì chúng ta lấy yếu đánh mạnh nên thắng lợi không thể đến trong một sớm một chiều.
Cuối cùng, tôi cho rằng làm ngoại giao là phải khôn khéo. Công tác nghiên cứu chiến lược là vấn đề cực kỳ quan trọng. Nếu không hiểu cục diện chính trị, kinh tế, quân sự… thì không làm ngoại giao được. Người làm công tác ngoại giao phải có cái nhìn tổng thể, biết mình, biết người, để đưa ra dự báo tình hình các bên. Nếu anh dự báo sai thì đàm phán sẽ thua.
Tôi rất ngưỡng mộ “thế hệ vàng” những nhà ngoại giao của Việt Nam như ông Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Cơ Thạch… Họ là những nhà cách mạng lão luyện, giàu kinh nghiệm trong cuộc sống, có ý chí kiên định, có tầm nhìn và bản lĩnh rất lớn.
- Những năm gần đây, việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, dân tộc, văn hóa được xem như là sức mạnh nội sinh, “sức mạnh mềm” để phát triển đất nước. Ông có suy nghĩ như thế nào về vai trò của văn hóa trong lĩnh vực ngoại giao?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ McNamara sang thăm Việt Nam, ông hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng nguyên nhân nào mà chúng ta thắng Mỹ? Đại tướng đã trả lời rằng Việt Nam thắng là nhờ văn hóa chứ không phải quân sự.
Tôi hiểu rằng Đại tướng muốn nói đến “sức mạnh mềm” của dân tộc bởi “sức mạnh cứng” tức vũ khí quân sự của chúng ta vẫn luôn hạn chế.
Sức mạnh dân tộc Việt Nam được tạo ra bởi lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết. Ngoài ra, người Việt có tố chất nhân văn và tính cách cởi mở. Tổng thống Geogre Bush (cha) cũng như nhiều quan chức các nước từng hỏi tôi rằng vì sao người Việt Nam không hề tỏ thái độ tiêu cực với cựu thù. Tôi trả lời rằng chúng tôi luôn kiên định bảo vệ non sông, đất nước của mình đồng thời rất cởi mở, khi hết chiến tranh luôn sẵn sàng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Vả lại, nếu người Việt Nam chúng tôi nuôi hận thù mãi thì sống được với ai vì quá nhiều nước lớn đến xâm lược Việt Nam (cười).
Nguyên nhân nào mà chúng ta thắng Mỹ? Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trả lời rằng Việt Nam thắng là nhờ văn hóa chứ không phải quân sự. Tôi hiểu rằng Đại tướng muốn nói đến “sức mạnh mềm” của dân tộc bởi “sức mạnh cứng” tức vũ khí quân sự của chúng ta vẫn luôn hạn chế.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
Thiết nghĩ, khi tiếp xúc với bạn bè quốc tế, mỗi người chúng ta đều cần phải trở thành những vị “đại sứ” chuyển tải tinh hoa văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa ngoại giao Việt Nam nói riêng tới cộng đồng quốc tế. Tiếc rằng, có những người chẳng những không “khoe” được cái đẹp, mà còn lộ ra những nét chưa đẹp, chưa hay. Nếu không gột sạch những “vết mờ” ấy thì văn hóa dân tộc và văn hóa ngoại giao Việt Nam khó bề tỏa sáng.
- Nhân Xuân Quý Mão năm nay, xin ông chia sẻ kỷ niệm đón Xuân Quý Sửu 1973, thời điểm sau khi Hiệp định Paris được ký kết thành công, hẳn Tết năm đó rất đặc biệt?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Cảm xúc lúc đó vẫn còn nguyên vẹn trong tôi đến hôm nay. Tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh từ Pháp trở về, qua Liên Xô, Trung Quốc…, tôi được chứng kiến bầu không khí tưng bừng, hân hoan suốt dọc đường. Nhân dân quốc tế, lãnh đạo các nước và bà con Việt kiều đều hòa chung niềm vui với đoàn Việt Nam.
Chúng tôi về đến sân bay Gia Lâm thì cũng là lúc giáp Tết. Người dân miền Bắc đã đón một cái Tết hết sức đặc biệt: Sau những năm kháng chiến gian khổ, đạn nổ, bom rơi, mất mát, hy sinh thì nay, chúng ta đón mùa Xuân tự do đầu tiên, không còn tiếng còi báo động xuống hầm trú ẩn, không còn cảnh đi sơ tán, chạy trốn.
Nhà tôi ở phố Lê Thánh Tông, gần trụ sở Thông tấn xã Việt Nam tại số 5 Lý Thường Kiệt. Những bản tin chiến thắng đều phát ra từ đây. Đêm Giao thừa, tiếng pháo cũng bắt đầu từ đây rồi lan dần đến Tràng Tiền và các khu phố khác. Gia đình tôi cũng ra Vườn hoa Tao Đàn tận hưởng không khí đón Xuân.
Tuy nhiên, phía sau không khí phấn khởi đó, Trung ương đã âm thầm lên kế hoạch cho những trận chiến mới để rồi hai năm sau, chúng ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngay sau ngày 30/4/1975, tôi nhận quyết định tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh sang Liên Xô dự lễ kỷ niệm 30 năm Ngày chiến thắng phát xít (9/5/1945-9/5/1975). Sự kiện này bỗng trở thành một cuộc chúc mừng cho hòa bình tại Việt Nam. Không khí đó khiến tôi rất xúc động và là một kỷ niệm đẹp trong sự nghiệp của tôi.
- Xin cảm ơn Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan./.