Gửi bình luận
Trò chơi dân gian ngày Tết không chỉ đơn thuần là những trò vui tiêu khiển mà nó còn mang đậm nét đẹp văn hóa và giá trị truyền thống dân tộc.
Những ngày đầu năm, khắp các làng bản Việt Nam rộn ràng tiếng trống hội Xuân.
Trong dịp này, bên cạnh các hoạt động nghi lễ mang nhiều ý nghĩa cộng đồng và tín ngưỡng, còn có những hội vui, diễn xướng sân khấu và các trò chơi truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Qua sông Hồng, sông Đuống, ngược lên phía Bắc là đến với vùng Kinh Bắc cổ kính, quê hương của các làn điệu quan họ mượt mà. Tục chơi quan họ ở các làng quê Bắc Giang, Bắc Ninh thường gắn với hội làng, hội chùa. Liền anh, liền chị ở các làng đi lại thăm hỏi, tặng quà rồi hát với nhau đến tận nửa đêm.
Tùy theo truyền thống và đặc trưng của các làng mà hội quan họ có thể hát trong nhà, trước sân đình, trên sân chùa, trên những bãi đất rộng, hoặc tổ chức hát trên thuyền, chèo nhẹ trên sông nước. Những con thuyền thúng nhỏ mang theo các làn điệu dân ca điểm thêm cho không khí ngày xuân nét thơ mộng, trữ tình.
Những nhóm quan họ nam nữ trong trang phục dân tộc đi tìm nhau trong ngày hội, mời nhau xơi trầu và nhận lời hát kết nghĩa giữa các làng.
Một hội có tục hát quan họ truyền thống lâu đời là Hội Lim tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, cùng với các trò vui khác, những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, thiết tha, đằm thắm ở đây đã hút hút rất nhiều dân chúng và du khách.
Múa lân có từ lâu đời và rất thịnh hành ở các tỉnh phía Nam. Múa lân diễn ra vào những ngày Tết để chúc mọi người sang một năm mới an khang, thịnh vượng.
Múa lân trong dịp Tết cổ truyền có nguồn gốc từ Trung Hoa. Khi du nhập vào Việt Nam, nghệ thuật múa lân ít nhiều cũng được thay đổi và cải biên để phù hợp hơn với quá trình hình thành và phát triển của đất nước.
Các đoàn lân có khi đông tới cả trăm người, họ là thành viên của một câu lạc bộ hay một lò võ trong vùng. Lân được trang trí công phu, râu ngũ sắc, lông mày bạc, mắt nổi lộ to, thân hình có các họa tiết sặc sỡ.
Múa lân rất đẹp với động tác khỏe khoắn, bài bản gồm lân chào ra mắt, lân chúc phúc, lân trèo cột. Bên cạnh đó, ông Địa vui nhộn chạy quanh càng làm tăng thêm tính sinh động hấp dẫn của múa lân. Thông thường múa lân còn kèm theo cả biểu diễn võ thuật.
Kéo co là một trò chơi truyền thống được phổ biến trong các lễ hội tổ chức ở sân đình hay bãi cỏ rộng trong làng.
Những người tham gia chia làm hai phe, đứng thành một hàng đối nhau, cùng nắm sợi dây thừng, dây chão hay một cây sào tre hoặc người sau ôm lưng người đứng trước, còn hai người đứng đầu hàng của hai phe thì nắm tay kéo nhau.
Khoảng giữa hai phe được lấy dấu vạch vôi làm mốc được-thua. Bên nào kéo được đối phương sang qua vạch mốc về phía mình là bên đó thắng.
Kéo co thu hút nhiều người, tạo không khí hào hứng, sôi động, rèn luyện sức khỏe, tính kỷ luật, ý thức tập thể ở mỗi người. Chính vì vậy, kéo co được đông đảo thanh niên, thiếu niên ưa thích.
Là trò chơi của người Việt Nam mang tính trí tuệ, thể hiện nét văn hóa truyền thống Á Đông. Bàn cờ là sân bãi rộng, mỗi phe có 16 người mặc đồng phục đỏ hoặc xanh cầm trên tay hay đeo trước ngực biển ký hiệu quân cờ.
Hai tướng (tướng ông, tướng bà) của từng bên đều mặc trang phục thời xưa lộng lẫy có cờ đuôi nheo đeo chéo sau lưng và được che lọng.
Khi muốn đi một nước cờ, người đấu gõ một tiếng trống báo cho người chạy cờ tới nghe lệnh. Người này sẽ truyền đạt lại lệnh để quân cờ di chuyển. Người đấu cờ có thể cầm một lá cờ nhỏ, định đi quân nào thì trực tiếp phất cờ chỉ vào quân đó rồi dẫn đến vị trí mới.
Được tổ chức trong những kỳ hội làng đầu xuân. Thổi cơm thi là cuộc thi tài nấu nướng của các cô gái trong các hội làng. Và vì thời gian ngắn trong lễ hội, người ta chỉ thi thổi cơm hoặc đồ xôi trong phạm vi một vài bơ gạo và mang tính ước lệ, song chất lượng cơm hay xôi phải đạt các tiêu chuẩn cao, như chín đều, dẻo ngon, không được khê hoặc khô, sống.
Thổi cơm thi ở mỗi nơi một khác theo tập quán truyền thống, có nơi thi ở sân đình, có nơi thi trên thuyền thúng chèo ra giữa hồ nước, về nhiên liệu, có nơi dùng rơm, có nơi dùng củi, có nơi còn dùng bã mía tươi... và còn có các quy định cụ thể về thao tác để các thí sinh không được vi phạm.
Nhưng dù bằng cách nào thì những người dự thi phải thành thạo cách nhóm lửa, giữ cho lửa khỏi tắt trong mọi tình huống éo le như lộng gió, nấu bằng bã mía tươi... và phải khống chế được lượng thời gian từ khi đun cho đến khi cơm chín; kể cả kỹ thuật nấu cơm, làm sao để cho cơm chín tới, không sống ở miệng, và ở đáy cơm bắt đầu sém là tốt.
Sau đó, nồi cơm của các thí sinh được các bô lão có uy tín trong làng chấm điểm. Ở một số vùng còn có hát đối đáp, giao duyên trong hội thi, tạo không khí náo nhiệt, vui vẻ.
Đua thuyền thể hiện sinh hoạt văn hóa sông nước cổ truyền của người Việt Nam suốt từ các tỉnh phía Bắc đến khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, có mục đích vui chơi, giải trí, rèn sức khỏe và luyện kỹ năng chèo thuyền; để cúng thủy thần hoặc tưởng nhớ các anh hùng giỏi thủy chiến...
Tùy theo từng nơi, mỗi thuyền đua có khoảng chừng chục tay bơi là nam giới đại diện các phường, xóm, làng. Sau hiệu lệnh, những con thuyền lao vun vút trong tiếng hò reo cổ vũ và chiêng trống rộn rã đôi bờ.
Nhiều làng chài ven biển ở các tỉnh phía Nam còn có hội thi bơi thuyền thúng với mỗi chiếc thuyền thúng bằng nan có một người đua.
Tung còn, hay còn gọi là ném còn, là trò chơi phổ biến trong các ngày hội làng ở miền Bắc, đặc biệt là trong hội Xuống Đồng của các dân tộc thiểu số vào dịp đầu Xuân.
Để chơi tung còn phải có quả còn, cây nêu và một khoảng sân rộng. Quả còn được làm bằng vải, những mảnh vải vụn cắt thành hình ô vuông có cạnh khoảng 15-18cm, gấp chéo 4 góc vào nhau, bên trong nhồi bằng hạt bông hay hạt thóc với ý nghĩa thóc nuôi sống con người, thể hiện cầu mong sự nảy nở sinh sôi.
Dây còn cũng được khâu bằng vải, dài độ nửa sải tay, một đầu đính vào điểm tâm giao của hình vuông quả còn, bốn góc của còn được đính thêm các tua vải nhiều màu trông khá đẹp mắt, giúp quả còn định hướng khi được tung lên, tạo thành biểu tượng như hình con rồng bay, mang niềm tin gửi gắm đem lại sự phồn thịnh, hạnh phúc. Để có được những quả còn đẹp, các bà, các mẹ thường phối vải màu xanh, đỏ, tím, vàng làm tua rua đều từ quả còn đến dây còn.
Trò chơi tung còn thường được tổ chức tại một khoảng sân rộng, giữa sân dựng một cây tre, cây tre cao từ 15-20m, trên đỉnh có một vòng tròn đường kính từ 45-50cm, có thể được dán giấy màu.
Trò chơi tung còn có nhiều cách chơi, nhưng hiện nay chỉ còn có hai cách chơi phổ biến nhất. Cách thứ nhất: Thanh niên nam nữ chưa vợ, chưa chồng thì chơi theo tục tỏ tình, giao duyên. Nam đứng một bên, nữ đứng một bên, thoạt đầu còn tung sang nhau đại trà, sau dần dần, đôi nào phải lòng nhau tự khắc ném cho nhau, hình thức này sau cùng là chơi từng đôi một, thông qua hội tung còn, các chàng trai, cô gái nên duyên vợ chồng.
Cách thứ hai: Gọi là tung còn vòng, người chơi đứng ở hai bên cây tre cách tầm từ 15-20m, thay nhau ném quả còn đi qua vòng tròn trên đỉnh cây tre, người đối diện sẽ bắt lấy quả còn và ném lại. Cứ như vậy trò chơi sẽ kết thúc khi có người ném qua vòng tròn đó nhiều nhất thì sẽ giành chiến thắng.
Cách chơi này dành cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Tưởng đơn giản nhưng trò tung còn cũng đòi hỏi người chơi phải có kỹ thuật, phải cầm gần cuối đoạn dây vải, quay quả còn vài vòng theo chiều kim đồng hồ rồi mới tung lên, hướng vào vòng tròn trên đỉnh cột tre, quả còn bay trúng vào trong vòng tròn thì lúc ấy mới được công nhận là thắng cuộc.
Là một trò chơi dân gian phổ biến trong các hội đầu xuân ở vùng nông thôn, nhất là thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Cây đu được cấu tạo gồm 4 cây tre lớn tạo thành 2 trụ đu, bàn đu và thượng đu. Thượng đu làm bằng thanh tre ngang nối 2 phần trụ đu với nhau. Tay đu là 2 cây tre già nhỏ vừa với tay cầm và được chốt rất chắc chắn để người đu cầm được khi đu, bàn đu là chỗ để người chơi đặt chân đứng lên đó.
Có nhiều cách đu nhưng phổ biến nhất vẫn là đu đơn và đu đôi, đu đơn là đu một người, đu đôi là đu hai người.
Đu đơn nữ thường thể hiện sự nhịp nhàng và duyên dáng của người chơi, đu đơn nam thường thể hiện sự khoẻ mạnh, bay bổng và thường đu cao tít lên.
Đu đôi gồm có đôi nam, đôi nam nữ. Tuy nhiên đẹp nhất hấp dẫn và thích thú nhất vẫn là chơi đu đôi nam nữ, bởi giữa đất trời mùa Xuân vạn vật, hoa cỏ đang khoe sắc đua hương, những đôi trai gái đang độ tuổi xuân thì đều phơi phới đam mê muốn kết duyên, tìm bạn.
Ngoài ra khi chơi đu đôi nam-nữ thể hiện rất rõ quan niệm cổ xưa có âm-dương, trời-đất, núi-sông, nam-nữ giao hòa… khiến cho cảnh vật, không khí ngày Xuân thêm bay bổng, nhịp nhàng và hứng khởi hơn.
Hai người lên đu quay mặt vào nhau, dùng tay vịn thân đu, dùng sức nhún từ đôi chân đẩy cho đu bay bổng càng vượt cao càng hay và giật giải treo trên ngọn đu. Càng nhún mạnh đu càng lên cao, cần đu đưa lên vun vút, bên nọ sang bên kia.
Ngày nay chơi đu là trò chơi mang tính phổ biến và dân dã ở nhiều vùng nông thôn, không phân biệt đẳng cấp, giới tính, lứa tuổi… ai cũng có thể tham dự. Thế nhưng đây lại là trò chơi yêu cầu người chơi phải thật bình tĩnh, có sức khỏe và một chút dũng cảm, bởi đây là trò chơi có tính mạo hiểm khi người đu hưng phấn lên thì có thể điều chỉnh đu bay lên cao tít.
Trò chơi đánh đu thu hút từ trẻ nhỏ đến nam thanh nữ tú và cả người lớn tuổi tham gia vì trò này không khó và không có quy định cụ thể nào.
Là một trò chơi khá phổ biến ở nhiều nơi trên đất nước ta, thường được tổ chức trong những dịp hội lễ, nhất là hội Xuân.
Có nhiều nơi có truyền thống nuôi và thi chọi gà. Muốn có gà chọi tốt phải chọn được những giống gà chọi nòi như ở Hà Nội, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc...
Lựa chọn, nuôi và luyện được một con gà chọi phải mất rất nhiều công phu; các con gà trưởng thành phải trải qua luyện tập đấu thử nhiều lần (gọi là vần gà) mới có thể có đủ bản lĩnh để giành chiến thắng trong các cuộc tỉ thí ác liệt ở hội thi.
Trước khi thi chọi gà, người ta phải so các cặp gà đấu có chiều cao và cân nặng tương đồng nhau. Hai con gà chọi đỏ gay lừa mổ nhau, đập cánh vào nhau, nhảy lên đá móc vào nách, vào cổ họng, vào ức của đối phương rất quyết liệt hoặc ghì nhau đè cánh đạp chân như những đấu thủ trên sàn đấu.
Mỗi hiệp đấu (gọi là "hồ") dài chừng 15 phút, sau đó cho gà nghỉ dăm phút, rồi lại đấu tiếp, có con có thể chịu được 10 hiệp đấu. Có những trận đấu kéo dài hàng tiếng đồng hồ mà không phân biệt thắng thua.
Các trận thi gà chọi đều có người xem cổ vũ rất đông khiến cho không khí Tết lại càng trở nên rộn rã nên ngạn ngữ có cấu "đông như đám gà chọi" là như thế./.