Mega Story

Từ lời kêu gọi thắp sáng vùng cao của Đảng đến kỳ tích giáo dục Điện Biên

04/05/2024 09:33

Từ nền móng của những người thầy tiên phong, trải qua hành trình 65 năm, giáo dục vùng cao nói Tây Bắc nói chung và giáo dục Điện Biên nói riêng đã có những bước tiến thần kỳ.

ngang.jpg
giao-duc-dien-bien.jpg

Tròn 65 năm trước, ngày 7/5/1959, nhân dịp kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 4 năm thành lập Khu tự trị Thái - Mèo, Nhân dân Tây Bắc đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Tại Lễ đài sân vận động Thuận Châu - Trung tâm hành chính Khu tự trị Thái - Mèo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thân mật nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc. Người một lần nữa ghi nhận và ngợi khen những người con Tây Bắc đã góp phần quan trọng cùng nhân dân cả nước làm nên một Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu."

Trở về từ Thuận Châu, trăn trở với những khó khăn của Tây Bắc, với tầm nhìn “vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người,” “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu,” với quyết tâm đưa miền núi tiến lên cùng với miền xuôi xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho đấu tranh thống nhất nước nhà, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi giáo viên miền xuôi xung phong lên miền núi dạy học, đem ánh sáng của Đảng phát triển kinh tế, văn hóa vùng cao.

Trước đó, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục miền núi là vấn đề đã được Đảng và Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Chỉ thị về việc bước đầu củng cố các tổ chức cơ sở vùng dân tộc thiểu số (ngày 29/11/1957) của Ban Bí thư Trung ương Đảng khẳng định “việc củng cố các tổ chức cơ sở vùng dân tộc thiểu số là một vấn đề rất trọng yếu, cần phải tích cực làm cho có kết quả,” “phải hết sức chú trọng đào tạo cán bộ địa phương.” Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (tháng 11/1958) đặt mục tiêu “trong ba năm, phải phấn đấu để đẩy mạnh công cuộc phát triển và cải tạo kinh tế, phát triển văn hoá ở miền núi.”

Tháng 2/1959, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị số 128-CT/TW về việc đẩy mạnh hơn nữa việc thi hành chủ trương tăng cường công tác vùng cao. Chỉ thị khẳng định cả nước đang "ra sức phấn đấu xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà," trong khi đó "tình hình vùng cao tiến triển chậm chạp." Theo đó, Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành phải "ra sức tuyên truyền giáo dục, nâng cao trình độ giác ngộ của nhân dân," "tăng cường công tác giáo dục," "ra sức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương," "ra sức phát triển cơ sở Đảng"...

Ngày 15/8/1959, Chính phủ ban hành Thông tư số 3116 –A7 về việc điều động giáo viên cấp 1, 2, 3 ở các tỉnh miền xuôi lên miền núi công tác, nhằm giải quyết vấn đề thiếu giáo viên và góp phần phát triển văn hóa giáo dục miền núi.

Thông tư 3116–A7 nêu rõ: “Hiện nay, việc phát triển văn hóa giáo dục ở các tỉnh miền núi đang đòi hỏi một cách cấp thiết vì tình hình giáo dục ở các nơi ấy tiến quá chậm. Muốn phát triển được giáo dục, điều trước tiên là phải làm cho miền núi có nhiều giáo viên, hướng chính để giải quyết vấn đề giáo viên cho miền núi là đào tạo thật nhiều cán bộ, giáo viên người địa phương. Nhưng trong tình hình thực tế hiện nay thì số người dân tộc biết chữ để làm giáo viên còn rất ít, có nơi không có, như vậy trong thời gian trước mắt không thể nào không đặt ra vấn đề điều động giáo viên miền xuôi lên công tác ở các tỉnh miền núi… Vì vậy, Thủ tướng quyết định điều động giáo viên cấp 1, 2, 3 ở các tỉnh miền xuôi lên miền núi công tác.”

bao.jpg
Bài xã luận viết về đoàn giáo viên tình nguyện lên miền núi đăng trên Báo Nhân dân ngày 27/9/1959. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhiệm vụ của giáo viên lên miền núi “là để đẩy mạnh phát triển giáo dục, làm cho đồng bào và thanh thiếu niên miền núi có chỗ học và được đi học,” “ngoài việc nâng cao trình độ văn hoá còn có ý nghĩa chính trị vô cùng quan trọng vì đồng bào sẽ nhận thấy rõ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ mà ra sức học tập, sản xuất, góp phần tích cực xây dựng miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.”

Thông tư cũng nhấn mạnh việc điều động giáo viên lên vùng núi phải chú trọng “chọn những giáo viên có sức khoẻ, có lập trường tư tưởng tốt,” “chú trọng chọn đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động,” không được “ mệnh lệnh, quan liêu” “phải làm cho giáo viên thấy rõ nghĩa vụ quang vinh mà tự tuyện đi phục vụ.”

Theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào xung phong tình nguyện lên miền núi sục sôi trong ngành giáo dục trên toàn miền Bắc. Chỉ hơn 4 tháng sau chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Khu tự trị Thái – Mèo, hơn một tháng sau ngày Chính phủ ra Thông tư số 3116 –A7, tháng 9/1959, đoàn 860 giáo viên tình nguyện của các tỉnh, thành phố miền xuôi đã sẵn sàng khoác balo lên đường đến vùng cao với nhiệm vụ lớn lao là đem tri thức thắp sáng đồng bào, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi.

Dù năm nay đã 88 tuổi, thầy Lê Thúc Kỷ vẫn xúc động bồi hồi nhớ lại lời dặn dò của Bác Hồ khi đến thăm đoàn giáo viên trước khi lên đường: “Các cháu đã tình nguyện thì phải tình nguyện đến nơi đến chốn’ - lời dặn ấy của Bác Hồ đã in mãi trong tâm trí, trong trái tim mỗi chúng tôi, trở thành động lực để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, tiến về phía trước, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước đã tin tưởng giao phó!”

Sau đoàn giáo viên tiên phong năm 1959, phong trào giáo viên tình nguyện lên cống hiến cho vùng cao vẫn được tiếp tục duy trì nhiều năm sau đó. Theo tiếng gọi của Đảng, hàng nghìn giáo viên – thanh niên miền xuôi đã gác lại tình yêu, tình thân, cuộc sống nhiều thuận lợi để vượt núi băng rừng, trèo đèo lội suối đến gieo chữ nơi những bản làng heo hút chênh vênh bên sườn núi hay lẩn khuất giữa đại ngàn, cùng người dân chặt tre, dựng lớp, mở trường.

Từ nền móng của những người thầy tiên phong, trải qua hành trình 65 năm, giáo dục vùng cao nói Tây Bắc nói chung và giáo dục Điện Biên nói riêng đã có những bước tiến thần kỳ. Lớp lớp thế hệ học trò vùng cao đã trưởng thành, là những người lãnh đạo kiến tạo sự đổi mới cho chính quê hương mình hay góp phần phát triển đất nước ở rất nhiều cương vị, nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Nhân dịp 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Tây Bắc, 65 năm ngày 860 giáo viên đầu tiên theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, của tình yêu tổ quốc, nghĩa đồng bào, lý tưởng sống cống hiến của tuổi trẻ, tình nguyện lên đường thắp sáng giáo dục vùng cao, nhân dịp 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu,” 20 năm được Đảng và Nhà nước chọn tháng Ba là Tháng Thanh Niên và “Năm Thanh niên tình nguyện” 2024, Báo Điện tử VietnamPlus trân trọng giới thiệu loạt bài “Từ lời kêu gọi thắp sáng vùng cao của Đảng đến kỳ tích giáo dục Điện Biên.

Mời độc giả nhấp vào link dưới đây để đọc toàn bộ loạt bài:

giangtac-gia.jpg

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ lời kêu gọi thắp sáng vùng cao của Đảng đến kỳ tích giáo dục Điện Biên