Đặc điểm của ngõ Tràng Tiền là 90% khách hàng là dân công sở. Điều này khiến con ngõ Tràng Tiền trở nên độc đáo và vô cùng gắn bó với nhịp sống hiện đại.
Cơm bình dân 30-40 nghìn đồng cũng có, cơm sang chảnh vài trăm nghìn đồng cũng nhiều, thích ăn nhanh kiểu fast-food Việt Nam như bún, mỳ, miến, phở càng sẵn mà kiếm chỗ để ngồi ăn uống lai rai cả tiếng đồng hồ cũng thiếu gì. Cơm xong kiếm quán cafe máy lạnh ngồi chém gió hay trà đá vỉa hè cũng tiện.
Đặc điểm của ngõ Tràng Tiền là 90% khách hàng là dân công sở. Điều này khiến con ngõ Tràng Tiền trở nên độc đáo và vô cùng gắn bó với nhịp sống hiện đại. Nhịp sống này rất “Tây”, cũng bởi ngõ nằm trong khu vực “phố Tây” từ thuở “cha sinh, mẹ đẻ. Do đó, kiểu dân cư sinh sống lâu năm như ở “phố cổ” không có ở đây.
Ngõ Tràng Tiền chaỵ song song khoảng 200 mét với đường Tràng Tiền, một đầu thông ra phố Phan Chu Trinh, một đầu nối phố Nguyễn Khắc Cần. Tràng Tiền vốn dĩ là một cái tên “rất kinh đô”, bởi chỉ có ở đất kinh đô mới có địa danh Tràng Tiền, ví dụ như Thăng Long, Huế.
Tràng Tiền là nơi đặt sở đúc tiền của triều đình. Kể cả sau này, khi sở đúc tiền không còn, những địa danh gần đó đều có chút liên quan như Nhà băng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) hay phố Lò Đúc, và phố Trường Tiền.
Khoảng năm 1808 dưới thời Gia Long, Tràng Tiền là nơi đặt sở đúc tiền, đặt tên là “Bảo Tuyền Cục”, nhưng nhân dân thường gọi là Tràng Tiền như Tràng Thi. Sở này nằm trên 1 khu đất hình chữ nhật, cạnh phía Bắc gần trùng với phố Tràng Tiền, cạnh phía Nam là phố Phạm Sư Mạnh, cạnh phía Tây là đoạn phố Ngô Quyền. Ngõ Tràng Tiền chính là một phần của tường rào phía Bắc.
“Bảo Tuyền Cục” vốn dĩ là nơi cơ mật, dân chúng không được bén mảng hay sinh sống gần đó. Xung quanh có hào bao bọc, chỉ vào duy nhất qua cây cầu ở cổng chính Bắc. Trước đó, dưới thời vua Lê - chúa Trịnh, khu vực này là nơi tiếp giáp với phía tây của phủ Chúa, nên cũng cấm dân chúng vãng lai.
Sau năm 1954, chính quyền Hà Nội chính thức đặt tên phố là Tràng Tiền, và ngõ Tràng Tiền cũng xuất hiện vào thời điểm này. Bây giờ, ngõ Tràng Tiền vẫn nằm giữa không gian phố Tây mang phong cách kiến trúc thực dân với mái hiên trên hè phố, nhìn ra Nhà Hát Lớn và quảng trường Cách mạng tháng Tám.
Tuy nhiên, tính chất dân sinh ở ngõ Tràng Tiền đã đậm đặc hơn nhiều mà hiển hiện là không gian ẩm thực dành cho dân công sở. Tất cả những món ngon của Hà Nội đều có thể tìm thấy ở đây, chỉ có điều nó phải phù hợp với tính chất hiện đại như nhanh, tiện và sẵn.
Thế nên đặc trưng của ẩm thực ngõ Tràng Tiền là cơm rang, bún riêu, bún cá, bún miến ngan, gà, bún đậu mắm tôm, bánh đa trộn. Có những người đã bám ngõ bán đồ ăn cho dân văn phòng đến 20-30 năm, từ gánh hàng rong chớp nhoáng cho đến lúc mở tiệm bày bàn ghế kín hai bên ngõ.
Trong đám đông kiểu gì cũng có dị nhân. Ví dụ như chị bán bún miến trộn ở đoạn đầu ngõ giáp với phố Nguyễn Duy Cần chẳng hạn. Hàng của chị bán chạy như tôm tươi, nhưng thỉnh thoảng lại có thời điểm mất tích cả tuần, thậm chí nửa tháng, 20 ngày.
Bởi vì chị là fan cuồng của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, thế nên, khi thần tượng chạy show ngoài Bắc là bỏ gánh bún miến để đi xem thần tượng hát hết tỉnh này đến tỉnh khác, không chỉ bỏ tiền mua vé mà còn mua gấu bông và lập đội cổ vũ. Đấy chính là nhân vật “đu idol” từ cả chục năm trước ở Hà Nội.
Nhưng ở con ngõ này cũng có nhiều địa điểm ẩm thực “khét tiếng”, ví dụ như quán cơm tay cầm ở số 4 ngõ Tràng Tiền. Đây là nơi mà Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã dẫn đoàn tuỳ tùng đến dùng bữa tối vào chiều 15/4/2023.
Ông Blinken, sau khi dùng bữa, đã phải viết “tus” khen ngon trên trang mạng xã hội cá nhân của mình. Một suất cơm tay cầm khiến ông Blinken khen nức nở chỉ có giá hơn 80 nghìn đồng, tương đương khoảng 4 USD. Nó cho thấy tinh thần “đường phố” của ẩm thực Việt Nam đọng đầy trong con ngõ ăn uống này.
Khi đêm xuống, khó có thể kiếm được chỗ nào ngắm Hà Nội tuyệt vời và lãng mạn hơn ở đầu ngõ Tràng Tiền đoạn thông ra phố Phan Chu Trinh. Không cần mất nhiều tiền, chỉ cần dăm nghìn là đủ bởi vì nơi toạ lạc chính là những hàng nước chè chén bán trà nóng và trà đá.
Đấy là một Hà Nội rất “Tây” nhưng cũng rất đời thường của chè chén, của thuốc lào và của muôn nghìn câu chuyện tầm phào. Những kẻ lãng du qua thành phố, những kẻ đã thiên di khỏi thành phố hẳn đã từng ngồi bệt trên vỉa hè đầu ngõ Tràng Tiền, rồi biến nó thành nỗi nhớ khôn nguôi khi xa vắng.