Ngõ Thanh Hà chỉ tĩnh lặng vào ban đêm, từ tầm 8h30 tối đến 5 giò sáng. Còn lại, nơi đây nhộn nhịp, tấp nập, ồn ào “như một cái chợ” suốt cả ngày.
Truy xa xưa hơn, vùng này thuộc đất của thôn Thanh Hà, tổng Hậu Túc, sau này đổi là tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương. Nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm. Thôn Thanh Hà có một ngôi đình vốn tọa lạc bên cạnh Đông Hà Môn (tức cửa ô Quan Chưởng).
Ngõ Thanh Hà hiện nằm trên con đường chính của thôn Thanh Hà. Con ngõ này dài khoảng 150m, bắt đầu từ nách Ô Quan Chưởng và kết thúc ở phố Nguyễn Thiện Thuật. Đến khi giặc Pháp tái chiếm Hà Nội vào năm 1947, ngõ được đổi tên thành Thanh Hà.
Trước khi bị đổi tên, con ngõ này gắn liền với chiến sự Đồng Xuân từ tháng 12/1946 đến tháng 2/1947, với trận đánh ngày 14/2/1947 của dân quân tự vệ thuộc Liên Khu I (khu vực Hoàn Kiếm). Những địa danh như Thanh Hà, khu Tư Đường mãi mãi gắn liền với tinh thần vệ quốc “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của người Hà Nội.
Sau bom đạn tàn phá, ngõ Thanh Hà đã được xây dựng lại, nhưng ngõ vẫn chứa đựng những đặc điểm lạ lùng, chẳng hạn như toàn bộ chiều đài của ngõ là chợ, và hầu hết các nhà mặt ngõ đều mở sạp bán hàng. Điều này biến ngõ Thanh Hà trở thành một ngõ chợ tiêu biểu của Hà Nội, như ngõ chợ Khâm Thiên.
Trong ngõ có những ngách xương cá mới bước vào thấy rất hẹp nhưng chỉ đi sâu vài mét là bắt gặp một không gian rộng lớn hơn cả mặt ngõ chính. Ngõ Thanh Hà được phân chia thành hai đoạn, đoạn đầu tập trung hàng ăn uống và phần còn lại là chợ, đặc biệt là chợ quê buổi sáng.
Ngõ Thanh Hà chỉ tĩnh lặng vào ban đêm, từ tầm 8h30 tối đến 5 giò sáng. Còn lại, nơi đây nhộn nhịp, tấp nập, ồn ào “như một cái chợ” suốt cả ngày. Từ tinh mơ, các gánh hàng rong của cánh chạy chợ ngoại thành đã xuất hiện với những thực phẩm đậm chất “nông thôn” như cua đồng, ốc mít, ốc nhồi, ếch, lươn, cá trạch, cá rô ron, nhộng tằm... cùng các thứ rau, củ, quả đồng vườn.
Họ đi rất sớm để đem những sản vật vừa thu hoạch lên chợ Thanh Hà bán cho được giá. Hàng hoá bày đầy hai bên rệ ngõ, phía trước những sạp hàng chưa mở. Không sao, cứ việc bày hàng bán, bởi những sạp hàng kia sẽ mở bán muộn hơn, nên không bị xung đột lợi ích.
Mà người mua đa phần lại là chính những chủ sạp hàng này. Cùng là dân ở đây cả nên họ biết vẻ ‘tốt, tươi, ngon” của những món hàng quê ban sớm nên cứ tầm 6-7 giờ đã ra lựa chọn những miếng ngon tươi nhất. Chính vì thế, cảnh chợ quê lạ lùng giữa phố cổ chẳng kéo dài được bao lâu, đến khoảng 9-10 giờ sáng là đã tan, bởi vì hết hàng.
Sau khi cánh chạy chợ ngoại thành rút lui, đến lượt các sạp hàng của dân ngõ Thanh Hà (hay người nơi khác đến đây thuê mặt tiền) mới rậm rịch. Vẫn là những mặt hàng phục nhu cầu ăn và uống của con người, từ đồ sống đến đồ chín, từ đồ sơ chế đến món đem về ăn luôn.
Canh giờ mua hàng, chọn người bán hàng đã trở thành một nghệ thuật để đi chợ ở ngõ chợ Thanh Hà. Hàng nào bán đồ tươi ngon nhất chợ, giờ nào có cánh mang nông sản ngon từ quê lên, thứ nào mua buổi sáng, thứ nào mua buổi trưa… tất cả đều thành luật lệ và kiến thức cộng đồng của các bà nội trợ đảm đang.
Sự đa dạng và sẵn hàng hoá của ngõ chợ Thanh Hà có khi thuộc dạng số một Hà Nội. Những thực phẩm, món ăn thời vụ như rươi, cá mòi cũng xuất hiện ở ngõ Thanh Hà sớm nhất; những món ăn, nguyên liệu tưởng như đã tuyệt chủng như dưa gang muối, tinh dầu cà cuống lại sẽ tìm thấy ở đây; những thứ đặc trưng vùng miền như sợi hủ tíu tươi, bún Mạch Tràng, rượu hoa tiêu.. cũng có nhiều luôn.
Chất chợ quê của ngõ chợ Thanh Hà không chỉ nằm ở những mặt hàng đem từ quê ra phố mà còn nhiều thứ khác. Trên mẹt, trên phản thịt, trên thớt cá, trong thúng, trong xô, trong chậu là ê hề thịt thà cá mú, rau cà mắm muối, măng miến nấm mọc… tất cả cứ roi rói hiện sinh, không màu mè.
Nhưng đấy mới chỉ là thực phẩm, chợ ở ngõ Thanh Hà còn có nhiều quán bán quà. Bánh chưng rán, nộm bò khô, bánh bột lọc, nem cuốn… mà lại rất rẻ. Ngõ Thanh Hà là nơi hiếm hoi còn bát một bát quà vặt với giá mươi, hai mươi nghìn đồng. Canh bún cạnh hàng miến ngan ngay đầu cửa ô Quan Chưởng chẳng hạn.
Một cái tô chiết yêu đựng một nhúm rau muống luộc, rau rút, trên là sợi bún đũa rồi chan mấy muôi nước cua có lẫn riêu cua và tóp mỡ. Gia thêm thật nhiều ớt chưng cho giần giật da mặt để thấy rõ hơn vị ngậy của gạch cua, vị béo của riêu cua, vị mát của rau bún. Chỉ thế thôi cũng đã thấy bõ công đi chơi ngõ Thanh Hà.